Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCác đảo ở Biển Đông theo các tài liệu của Trung Quốc

Các đảo ở Biển Đông theo các tài liệu của Trung Quốc

altToàn bộ bài viết phân tích và chứng
minh những bằng chứng lịch sử mơ hồ; những lập luận gượng gạo của các học giả
Trung Quốc về chủ quyền trên biển Đông. Bất chấp những sự thật đó, các học giả
và nhà báo Trung Quốc đã có những cố gắng “bất thường” để chứng minh
rằng toàn bộ biển Đông từ lâu luôn luôn là “một cái hồ nội địa”.  Do đó,
Trung Quốc trở thành hàng xóm cạnh nhà của Brunei
và Malaysia.

Phần 1 : Các tài liệu viết
 thời nhà Tống và nhà Nguyên

Tóm tắt
     
 
 

Bản tham luận này nghiên cứu những tài
liệu tiêu biểu đời Tống, đời Nguyên và đời Minh nhằm tìm hiểu xem các học giả
Trung Quốc thời “cận đại” và “trung đại” suy nghĩ như thế nào về các đảo san hô
trong biển Đông. Có thể chứng minh được đôi điều: thứ nhất, thật khó có thể coi
các tên được dùng trong các văn bản cổ là tương ứng với các địa điểm cụ thể nào
đó; thứ hai, hầu hết các văn bản đều ám chỉ là các đảo đang được nhắc đến là
các địa điểm nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc; thứ ba, một vài mô tả trong một số
đoạn trích về các địa điểm này, cần được giải thích trong khuôn khổ văn học mà
chúng nằm trong đó; thứ tư, hệ thống các tuyến đường thương mại giữa Trung Quốc
và Đông Nam Á và một số hiểu biết về không gian đại dương có phần chịu ảnh
hưởng của sự tồn tại của các nhóm đảo khác nhau. Tuy nhiên, trong một số trường
hợp, người ta cũng có ấn tượng là, không như các đồng nghiệp đời Thanh, các nhà
địa lý Trung Quốc cổ khi nói đến các địa điểm này thường không biết về những gì
mà họ đã đề cập đến hoặc chép lại. Vài tác giả chỉ đơn thuần xem chúng là các
khu vực nguy hiểm, gắn chúng với những chuyện kỳ dị. Những chuyện thất thiệt
như vậy cũng có thể tìm thấy trong các tập bản đồ ra đời trước đó. Phần cuối
của tham luận này sẽ bàn đến những điều này và những vấn đề khác, đồng thời
cũng sẽ sơ lược trình bày về vấn đề các bản đồ của Bồ Đào Nha thế kỷ 16.

Các tuyến đường thuyền buồm

Vào thời kỳ thuyền buồm, có hai tuyến
đường thương mại chính nối liền miền Nam Trung Quốc với Đông Nam Á. Tuyến thứ
nhất dẫn đến quần đảo Thất Châu ngoài khơi đảo Hải Nam và sau đó tiếp tục đi về
hướng biển Việt Nam. Nó đi qua phía Tây nhóm đảo Hoàng Sa (Paracel). Tàu thuyền
ít khi đi dọc bên phía Đông các đảo này. Đi xa hơn về phía Nam, tới gần Côn Đảo (Pulau
Condore), tuyến đường chính chia ra nhiều hướng khác nhau. Một tuyến đi tới
vịnh Thái Lan, tuyến thứ hai dẫn đến Patani và các địa điểm khác nằm dọc bờ
biển Đông Mã Lai, và tuyến thứ ba tới Tg Datu nằm trên bờ Tây Bắc đảo Borneo.

Tuyến đường thương mại chính thứ hai
nằm về phía Đông và nối liền Phúc Kiến với Quảng Đông tới bờ biển phía Tây Lũ
Tống (Luzong). Tuyến đường này đi ngang qua phía Tây Nam
đảo Đài Loan, hoặc quần đảo Đông Sa (Pratas), và sau đó tiếp tục đi về hướng
vịnh Manila. Từ
đây, nó rẽ vào đảo Mindoro, Palawan, Sabah, Brunei và các điểm khác nằm dọc bờ bắc đảo Borneo. Nó nối với nhánh Việt Nam – Bornéo của tuyến đường thương
mại thứ nhất gần Tg Datu. Các nhánh khác của tuyến đường thương mại thứ hai đi
qua biển Xulu (Sulu). Các nhánh này vươn dài tới tận Mindanao
và quần đảo Xulu. Sau khi đi qua quần đảo Xulu, tàu thuyền sẽ đi vào biển Xêlếp
(Celebes) và cuối cùng đi đến bờ biển Minhassa
hoặc các đảo Sangir. Đi theo một cách khác, chúng có thể đi dọc bờ biển Mindanao. Từ đây hoặc từ nhóm đảo Sangir, chúng có thể đi
tới các vùng trồng cây gia vị ở miền Đông Indonesia
và Timor.[1]

Sự xuất hiện hệ thống đường đôi này có
phần liên quan đến sự tồn tại của các đảo đá ở vùng trung tâm và vùng phía Tây
Biển Đông. Đi lại trong các vùng biển này nhất là trong các khu vực tương đối
rộng như quần đảo Laccadive hay xung quanh các nhóm đảo Andaman và Nicobar,
được cho là rất khó khăn. Những cơn gió thất thường, các bãi cát, dòng chảy
ngầm và nhiều chướng ngại khác gây ra những hiểm họa mà các nhà hàng hải phải
tìm cách phòng tránh hoặc giảm thiểu chúng. Hai tuyến đường được phác thảo trên
đây có thể có nhiều khả năng dự đoán trước hơn và an toàn hơn bởi vì chúng
tránh xa các trở ngại của thiên nhiên. Do đó, giao thông đường trường giữa
Trung Quốc và Đông Nam Á thường đi theo rìa ngoài Biển Đông. Chỉ trong những
trường hợp hy hữu tàu thuyền mới đi thẳng từ đảo Borneo tới miền Nam Trung Quốc
(hoàn toàn chỉ là giả định) bởi vì con đường này cắt ngang quần đảo Trường Sa
(Spratly) và bãi ngầm Macclesfield (quần đảo Trung Sa). Giao thương trực tiếp
từ Đông sang Tây có nghĩa là từ bờ biển Việt Nam tới Philippines, phía trên hay
dưới 120 – 130 vĩ Bắc có thể thực hiện được và có lẽ đã được thực hiện vào thời
trung đại, nhưng ta biết rất ít về mối liên hệ này.[2]
Vào các giai đoạn sau đó, “kênh” này được các tàu thuyền đi từ Malacca tới Manila sử dụng.

Nhìn từ cả hai đầu mút phía Bắc và phía
Nam, vùng trung tâm của Biển Đông đã tạo thành một trở ngại cho thương mại vào
giao thông giữa vùng Đông Nam Á và vùng bờ biển Trung Hoa – ít nhất cho tới tận
thế kỷ 16. Chỉ có vài đảo và bãi ngầm nằm rải rác ngang vùng biển này có thể
tạo thành những điểm dừng chân nghỉ hoặc các điểm mốc cho ngư dân, đôi khi có
lẽ là cho cả một ghe thuyền buôn bán nào đó bị trôi dạt khỏi tuyến đường chính,
nhưng đối với số đông các nhà hàng hải thì phần lớn chúng không quan trọng và
vẫn còn là các địa điểm khó nhận biết. Không một tài liệu nào trước thế kỷ 16,
kể cả là tài liệu của các nước Đông Nam Á hay của Trung Quốc, quan tâm đến việc
đưa ra mô tả địa lý đầy đủ về các khu vực này hay bàn về sự phân bố không gian
của các nhóm đảo và đảo đá khác nhau; tất cả những gì chúng ta có về thời kỳ
tiền châu Âu (chỉ thời kỳ trước khi người châu Âu thâm nhập vào châu Á – ND) là
các đoạn tham chiếu mơ hồ trong một loạt các tài liệu phần lớn là của Trung
Quốc mà chúng ta sẽ quay lại với chúng ngay bây giờ.[3]

Các tài liệu viết thời nhà Tống và nhà
Nguyên

Thật sự là các tác phẩm cổ đại của
Trung Quốc có nói bóng gió về sự tồn tại của các đảo trong Biển Đông nhưng các
đoạn tham chiếu đó không thật rõ ràng và do đó tôi không đề cập đến ở đây.[4]
Vào thời kỳ nhà Tống và nhà Nguyên, các đoạn trích được tìm thấy nhiều hơn.
Thời đó, các đảo này thường được người ta gọi là “thạch đường” hoặc “trường
sa”, theo nghĩa văn học là “bãi”, “dải đá”… Trong một số trường hợp cả hai
tên/thuật ngữ này cùng tồn tại, trong các trường hợp khác chỉ một thành phần
xuất hiện. Có rất nhiều cách viết và thường là có thành phần bổ tố “thiên lý”
(ngàn dặm) và “vạn lý” (mười ngàn dặm) gắn thêm vào. Các học giả Trung Quốc đã
có nhiều nỗ lực nhằm chứng minh rằng các tên này trong một số trường hợp là chỉ
quần đảo Hoàng Sa (Paracel) và trong một số trường hợp khác chỉ bãi ngầm
Macclesfield và quần đảo Trường Sa (Spratly); đôi lúc chúng còn được gắn với
nhóm đảo Đông Sa nằm ở phần phía Đông Bắc biển Đông.

Thường thì mục tiêu của họ ở đây là
chứng minh toàn bộ khu vực này là một phần của lãnh thổ Trung Quốc – một bộ
phận cấu thành của bản đồ (bantu) Trung Quốc cổ, hay nước Trung Quốc cổ – từ
buổi bình minh lịch sử cho đến thời hiện đại. Các “bằng chứng” khảo cổ cũng
được viện dẫn ra để “chứng minh” rằng các học giả Trung Quốc đã đúng, nhưng
dưới con mắt các nhà quan sát phương Tây hầu hết các tài liệu phát hiện về khảo
cổ đều còn đáng nghi ngờ. Ngoài ra, đồ gốm sứ Trung Quốc và tiền đồng Trung
Quốc được khai quật ở nhiều nơi thuộc Đông Nam Á, và không ai lại khẳng định
rằng các nơi này hiện là một phần của Trung Quốc. Nói một cách đơn giản, sự
xuất hiện của đồ gốm sứ và các cổ vật khác có lẽ chứng tỏ được điều gì đó hoặc
chẳng chứng tỏ được gì; nó chưa hẳn là chứng minh cho sự hiện diện “liên tục”
của người định cư và các viên chức chính quyền Trung Quốc tại một khu vực đã
nêu.

Nhưng chúng ta nên quay lại với những
tài liệu viết. Việc phân tích kỹ các đoạn trích tiêu biểu nhất trong các bản
ghi lại từ thời Tống và thời Nguyên, tìm được trong các tác phẩm như là “Vũ
Kinh tổng yếu” (1044), “Tống hội yếu di cảo”, “Dư địa kỷ thắng” (1227) và
“Phương dư thắng lãm” (lời tựa nguyên bản năm 1239) cho thấy: các yêu sách hiện
nay về quyền bá chủ của Trung Quốc khó được người ta ủng hộ.[5] Hầu
như chẳng có gì gợi lên rằng các nhà địa lý Trung Quốc quan niệm quần đảo Hoàng
Sa và quần đảo Trường Sa là một phần của lãnh thổ Trung Quốc. Đôi lúc, tôi cũng
đã cố gắng chứng minh rằng thuật ngữ truyền thống của Trung Quốc chỉ biên giới
sẽ đề đạt điều ngược lại, đúng hơn là trong mắt các tác giả đời Tống và đời
Nguyên, các đảo này nằm ngoài “cương vực biển” Trung Quốc.[6]

Bản thân các tác phẩm đời Tống và đời
Nguyên cung cấp rất ít tư liệu về các đảo trong Biển Đông, nhưng ít ra chúng
cũng đã gắn kết sự tồn tại của các đảo này với các khái niệm khác nhau về không
gian. Phải đề cập qua về các tài liệu này trước khi chúng ta đi tiếp đến các
tài liệu sau đó. Tác phẩm ra đời sớm nhất là cuốn Lĩnh Ngoại Đại Đáp của Chu
Khứ Phi (1178). Tác phẩm này đặt Trường Sa và Thạch Đường nằm trong “biển
Đông”, gần vùng biển hỗn loạn gọi là Weilu. Đây là một địa điểm thần thoại vốn
đã được nói tới nhiều trong cuốn Trang Tử (Zhuangzi). Hơn nữa, khu vực này còn
được gắn một cách mơ hồ với “Nữ Quốc”, một nơi nào đó ở xa về phía Đông. Khi
đọc nội dung này, ta thấy rõ ông Chu đã được thông báo khá rõ về tuyến đường
biển phía Tây ven theo bờ biển Việt Nam
(Tây dương châm lộ) nhưng lại hầu như không biết gì về tuyến đường phía Đông đi
qua Lũ Tống (Luzon) – Philippines
(Đông dương châm lộ – ND). Với ông, vùng biển bên ngoài Trường Sa và Thạch
Đường vẫn còn là một vùng bí hiểm không có ranh giới rõ ràng. Do đó, có vẻ như
các đảo ở Biển Đông tạo thành một kiểu thành luỹ thiên nhiên bên ngoài ranh
giới phía Nam Trung Quốc.[7]

Cuốn Lĩnh Ngoại Đại Đáp là tài liệu đầu
tiên liệt kê từ Trường Sa cùng với từ Thạch Đường. Thường thì các tác phẩm ra
đời sớm hơn nó chỉ có một từ/tên (Thạch Đường hoặc một danh từ khác) để chỉ các
đảo trong Biển Đông. Do đó, ta có thể nói rằng, kể từ Chu Khứ Phi các nhà địa
lý Trung Quốc bắt đầu ghi nhận các đảo này theo nghĩa nhiều hơn một nhóm hoặc
cụm đảo.

Tác phẩm tiếp theo được xem xét đến ở
đây là cuốn Chư Phiên Chí của Triệu Nhữ Quát (1225). Nhiều đoạn trong cuốn này
được chép lại từ cuốn Lĩnh Ngoại Đại Đáp. Các đoạn đề cập đến các đảo san hô
được đưa vào phần mô tả chung về đảo Hải Nam và rõ ràng chúng có nhiều điểm
tương tự như trong tác phẩm của Chu Khứ Phi. Các khái niệm về không gian trong
hai tài liệu này cũng giống nhau. Bên cạnh đó, một số tên của các vùng biển này
có lẽ chịu sự ảnh hưởng của Hồi giáo. Sự khác biệt lớn giữa hai tác phẩm này
là: Triệu Nhữ Quát hiểu biết rõ hơn về tuyến đường phía Đông mặc dù ông chỉ mô
tả nó cho tới đoạn đến Philippin, có lẽ là do ông không nhận thức được hình
dạng thực sự của Biển Đông và ông vẫn còn tin tưởng là các đảo san hô nằm trong
biển đó là một kiểu bờ rìa tự nhiên bên ngoài nó mọi cái còn lại đều không xác
định.[8]

Vào thời nhà Nguyên, các khái niệm về
không gian bắt đầu có sự thay đổi. Tuyến đường phía Tây ngày nay được kết nối
với nhiều vùng biển Tây dương khác nhau, và tuyến đường phía Đông được kết nối
với nhiều vùng biển Đông Dương khác nhau. Nói chung tuyến đường phía Đông, đi
qua Philippin tới miền Đông quần đảo Indonesia được người ta biết rõ
ràng hơn rất nhiều so với trước đây. Điều này được phản ánh qua một đoạn trong
cuốn Đại Đức Nam Hải Chí (Dade Nanhai Zhi, 1304) và trong cuốn Đảo Di Chí Lược
của Uông Đại Uyên (1349/50).[9]

Đại Đức Nam Hải Chí không đề cập đến
các đảo ở Biển Đông một cách rõ ràng vì vậy chúng tôi để nó qua một bên. Nhưng
cuốn Đảo Di Chí Lược của Uông Đại Uyên là một cuốn có giá trị vì nó có một đoạn
mô tả riêng đầu tiên về các đảo này. Trong một dịp trước đây, tôi đã có giải
thích rằng cuốn sách này của họ Uông bao gồm 99 phần (cộng thêm 1) viết về các
xứ sở và phần viết về các đảo ở Biển Đông nằm trong phần số 81. Những nhận xét
đánh giá khác về cấu trúc và hình thức của cuốn Đảo Di Chí Lược gợi cho ta thấy
rằng sự sắp xếp thứ tự này có thể không phải là ngẫu nhiên. Trái lại, nhiều đặc
điểm khác nhau trong nguyên bản có thể được người ta giải thích theo nghĩa các
khái niệm thuật số đơn giản bắt nguồn từ địa lý cổ đại Trung Quốc. Nhưng điều
đó không liên quan tới chúng ta ở đây. Chỉ cần nói rằng Uông Đại Uyên, cũng
giống như hầu hết các học giả trước ông, có lẽ đã nhận thức các đảo trong Biển
Đông như là rào chắn tự nhiên. Thú vị là, ông cũng gắn các đảo này với những
phần khác của thế giới, bao gồm cả Triều Châu nằm trên lục địa Trung Hoa, khẳng
định rằng chúng có lẽ được nối liền bởi “các mạch ngầm”. Điều đó nhắc
nhở cho ta về một đoạn ghi trong cuốn Lĩnh Ngoại Đại Đáp của họ Chu trong đó
các đảo trong Biển Đông được gắn với ba dòng chảy lớn chảy về các hướng khác
nhau, toàn bộ khu vực vừa là một rào chắn vừa là một điểm tận cùng về địa lý tự
nhiên.[10]

Những điều nêu trên đây hàm nghĩa là
phần lớn Biển Đông và nhiều đảo trong đó tạo thành một bộ phận của một thế giới
khác. Chỉ có phần phía Bắc của vùng biển này – vịnh Bắc Bộ (Giao Chỉ Dương) và
cái gọi là Thất Châu Dương, nghĩa là vùng biển trải dài bao quanh đảo Hải Nam –
là nằm trong “tầm tay” Trung Quốc.[11]
Khu vực nằm gần và bao quanh Thạch Đường và Trường Sa là cái gì đó khác, đầy bí
hiểm và bị cả Chu Khứ Phi và Uông Đại Uyên coi là vùng nguy hiểm. Tàu thuyền bị
cuốn vào “tam giác Bermuda” này đều
mất tích và không bao giờ quay lại. (“Tam giác Bermuda” là vùng biển
bao bọc bởi quần đảo Bermuda, Puerto Rico và Florida, nơi nhiều tàu thuyền và
máy bay được cho là bị mất tích đầy bí hiểm, đặc biệt trong thập niên 40 – ND).

Một đoạn trích cuối cùng (và rất khác
biệt) có thể được dẫn ra ở mục này. Đoạn trích này được rút ra từ “Nguyên
sử”. “Nguyên sử” được soạn ra vào thời nhà Minh nhưng nói về
thời nhà Nguyên. Chương 162 của tài liệu này nói hạm đội xâm lược giương buồm
tiến về đảo Java (người Mông Cổ – Nguyên Mông muốn chinh phục đảo này) đã đi
qua “Thất Châu Dương” và “Vạn Lý Thạch Đường” – rõ ràng là
quần đảo Hoàng Sa – và sau đó tiếp tục đi qua vùng biên (giới) giữa Bắc Kỳ và
Champa. Từ cái nhìn về những hiểm nguy luôn luôn đi liền với Thạch Đường, người
ta tự hỏi tại sao hạm đội Nguyên Mông lại không tránh xa vùng này. Tuy nhiên có
lẽ không nên quá coi điều lưu ý này là chính xác; có thể họ đã lựa chọn tuyến
đường này nhằm thể hiện khả năng kỹ thuật ngoại hạng và sức mạnh quân sự.[12]

Các tài liệu của
Trung Quốc thời kỳ nhà Minh hoặc là rất ít, hoặc có thì hoàn toàn không đề cập
đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thậm chí các bản đồ và tài liệu
hàng hải cũng vậy. Tuy nhiên, các học giả, nhà báo Trung Quốc vẫn nỗ lực
“bất thường” để chứng mình biển Đông vốn là “cái hồ nội
địa” của mình, và nghiễm nhiên “kéo” Brunei và Malaysia 
trở thành hàng xóm, láng giềng của nước này.

Các tài liệu viết của Trung
Quốc thời nhà Minh

Các tác phẩm đầu thời nhà Minh viết rất
ít về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Mã Hoan và Phí Tín hoàn toàn
không đề cập đến chúng mặc dù cả hai ông đều đi thuyền theo hạm đội của Trịnh
Hòa tới Ấn Độ Dương và do đó đã từng biết đến tất cả các điểm dừng chân và các
điểm mốc dọc tuyến đường phía Tây. Có thể họ coi các đảo này là không quan
trọng và do vậy đã không để ý đến việc nói về chúng. Chỉ có một đoạn ngắn ngủi
trong một bài thơ của Mã Hoan (có lẽ viết vào năm 1416) có thể được người ta
gắn với chúng. Trong lời của những chiếc cối xay: “Những con sóng đáng yêu
cuộn giữa biển khơi trào đến vỗ bờ; một dải núi, những chỏm xanh trôi nổi, mờ
dần và văng vẳng một cách bí hiểm” Một số học giả cho rằng từ “những
chỏm xanh trôi nổi” (Thanh Loa) có lẽ thể hiện cái tên cổ “Cửu Nhũ
Loa Châu” (Jiu Ru Luo Zhou) được ghi lại trong cuốn Vũ Kinh Tổng Yếu và
thường được đánh đồng với các đảo san hô ở Biển Đông, nhưng sự giống nhau giữa
các từ ngữ này có thể cũng chỉ là sự tình cờ.[13]

Một tác phẩm tiếp theo được viết xong
hồi đầu thế kỷ 16: cuốn “Tây dương triều cống Điển lục” (Xiyang
Chaogong Dianlu) (lời tựa ghi năm 1520). Sách nêu một số địa điểm dọc tuyến
đường đi từ Phúc Kiến đến bờ biển Champa, nhưng không có địa điểm nào trong số
này có thể được đồng nhất một cách chắc chắn với quần đảo Hoàng Sa hay quần đảo
Đông Sa. Tuy nhiên đoạn mô tả về tuyến đường trong sách này lại có tầm quan
trọng vì nó được sưu tập từ một cuốn chuyên luận về hàng hải hiện dã bị thất
lạc.[14] Cũng
vào khoảng thời đó, từ Trường Sa và từ Thạch Đường được nêu ra trong cuốn Chính
Đức Quỳnh Đài Chí (Zhengde Qiongtai Zhi, 1521). Các đoạn trích có liên quan lại
được dẫn lại từ các tác phẩm ra đời trước đó và gợi lại những tuyến đường tương
tự trong cuốn Dư Địa Kỷ Thắng cùng những tác phẩm khác. Chúng không bổ sung gì
mới cho những điều người ta vốn đã biết.[15]

Các đoạn trích khác có niên đại từ thế
kỷ 16 của tài liệu Trung Quốc có thể tìm thấy trong các tác phẩm sau đây: ‘Hải
Ngũ” (Haiyu) của Hoàng Trung (1536), cuốn “Hải Tra Dư Lộ” của Cô Giới (Gu Jie,
1540), cuốn Quảng Đông thông chí của Hoàng Tá (Huang Zuo, 1560) và nhiều bản đồ
mà tôi sẽ nói đến chúng sau đây. Hoàng Trung đưa thêm từ “vạn lý” vào trước cả
hai từ Trường Sa và Thạch Đường. Ngoài ra, ông còn nói rằng Vạn lý Trường Sa
nằm về phía Đông Nam của Vạn lý Thạch Đường. Do đó, một số học giả Trung Quốc
đã đồng nhất Vạn lý Trường Sa với quần đảo Trường Sa nằm ngoài khơi bờ biển Sarawak. Sẽ thực tế hơn khi chúng ta giả định rằng Hoàng
Trung không thật sự hiểu rõ những gì mà ông ta đã đề cập đến khi nói về những
vùng đất xa xôi đó. Có lẽ ông chỉ nói về chúng bởi vì ông muốn tìm cách thu hút
sự chú ý của người đọc. Để làm được việc đó, ông đã gắn chúng với ma quỷ và với
tất cả các loại hiện tượng kỳ dị, chẳng hạn như Lưu Sa Hà (sông Lưu Sa: sông
cát trôi) và Nhược Thủy (nước yếu) là hai địa danh truyền thuyết trong tiểu
thuyết Tây Du Ký và hàng tá tiểu thuyết khác.[16] Cô Giới
(Gu Jie) và Hoàng Tá cũng theo khuynh hướng mới đó, ít nhiều lặp lại những ý
tưởng của Hoàng Trung.[17]

Ta có thể tìm thấy các đoạn trích khác
về các đảo trong Biển Đông trong các tác phẩm viết giữa và cuối thời nhà Minh.
Hầu hết các tác phẩm này đều viết dựa vào các tài liệu viết trước và hiếm có bổ
sung thêm gì mới cho những dữ liệu đã đưa ra trên đây. Thậm chí trong một số
trường hợp chúng còn rất sai lạc. Ví dụ như trong cuốn Tây An Biên Lục của Luo
Yuejiong (1597). Theo tài liệu này, Vạn Lý Thạch Đường nằm gần “nước Liuqiu”.
Hơn nữa, “chỉ một phần mười số tàu thuyền bị gió Đông cuốn vào đó (các đảo đá)
là còn sống sót”.[18] Ta có
thể đưa ra hai lời bình luận: thứ nhất, vào cuối thế kỷ 16, từ Liuqiu là tên
chỉ quần đảo Điếu Ngư nằm không xa đảo Đài Loan; thứ hai, ‘gió Đông’ đúng hơn
cần phải thay bằng “gió Tây” hoặc “gió Bắc”.

Như đã nói, với chúng tôi hầu hết các
đoạn trích trong các tác phẩm địa lý và dân tộc học cuối thời Minh đều ít đáng
để quan tâm; vì vậy, tôi sẽ tiếp tục bằng việc xem xét các bản đồ và các chuyên
khảo khác về hàng hải.

Các bản đồ và các tài liệu hàng
hải của Trung Quốc

Có một số bản đồ giao thời Nguyên –
Minh đáng để chú ý ở đây. Một tác phẩm quan trọng là một bản đồ thế giới của
Triều Tiên có tên là Hunyi Jiangli Lidao guodu Zhitu (Hon-il Kangni Yoktae
Kukto chi to) được soạn từ năm 1402. Nó dựa vào truyền thống của các nguồn tài
liệu viết trước đó của Trung Quốc từ thế kỷ 14 hiện nay đã bị thất lạc. Bản đồ
năm 1402, được lưu giữ lại qua một bản sao khoảng năm 1500, đầu tiên đã được một
học giả Nhật – ông Ogawa Tajuji Needham kiểm nghiệm, trích dẫn Ogama, nói rằng
bản đồ này liệt kê 100 địa điểm ở Châu Âu và Arores (những cái đối với độc giả
Nhật đương thời có lẽ không là cái gì hơn ngoài một lời chú thích kỳ lạ). Kém
đẹp mắt hơn, phần vẽ Châu Á đã thể hiện Trường Sa và Thạch Đường bằng những
chấm đen ở đâu đó ngoài khơi bờ biển phía Nam Trung Quốc. Tuy nhiên cách thể
hiện hai địa danh này trong bản đồ làm người ta rất  khó đồng nhất chúng
với những nhóm đảo cụ thể nào. Người ta tự hỏi tại sao một khu vực tương đối
gần gũi như Biển Đông lại chỉ được thể hiện một cách nghèo nàn như vậy trong
khi trái lại, những địa điểm xa xôi như trong vùng Tây Á lại được vẽ chính xác
hơn rất nhiều. Một lần nữa câu trả lời đơn giản chỉ là chẳng có ai thật sự quan
tâm đến các đảo đang nói. Tuy nhiên các học giả Trung Quốc đã đồng nhất chúng
với cả hai, ba hay thậm chí cả bốn nhóm đảo: quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng
Sa, bãi ngầm Macclesfield, và nhóm đảo Đông Sa.[19]

          Một
tài liệu khác được xem xét đến ở đây là “Quảng Dư Đồ” (1555). Tập bản
đồ này cũng được vẽ dựa vào các nguồn tài liệu trước đó, nghĩa là dựa vào các
tác phẩm bản đồ của nhà địa lý nổi tiếng thời Nguyên, Chu Tư Bản (1273-1337).
Các bản đồ của Chu Tư Bản hiện nay cũng đã thất lạc nhưng một bản đồ trong tập
Quảng Dư Đồ – bản ông đã vẽ nhóm Trường Sa và Thạch Đường – đã cho ta ấn tượng
về kiểu địa lý có thể giống với vào cuối thời Nguyên.[20] Các tác
phẩm giữa và cuối thời Minh thường sử dụng những thông tin được sưu tầm lại từ
Quảng Dư Đồ. Chúng thường có những bản đồ giống nhau hoặc tương tự về Biển Đông,
Đông Nam Á, các đảo san hô và các địa điểm khác trong đó. Một ví dụ là trong
cuốn “Đồ Thư Biên” của Chương Hoàng (biên soạn khoảng 1562-1577). Một
ví dụ khác là trong cuốn Vũ Bị Chí của Mao Nguyên Nghi (1621).[21]

Cuốn Vũ Bị Chí cũng có nhiều loại bản
đồ khác nhau thường được các nhà sử học gọi là “bản đồ Mao Kun”. Bản đồ này,
hay đúng hơn là bản đồ hàng hải này, còn được biết đến với cái tên “Trịnh Hòa
Hàng hải đồ”, miêu tả những tuyến đường biển mà đoàn thuyền của Trịnh Hòa đã đi
theo hồi đầu thế kỷ 15. Rất có thể là chúng được vẽ vào thời kỳ đó. Các đảo san
hô trong Biển Đông xuất hiện trong mảnh bản đồ về bờ biển tỉnh Quảng Đông. Ba
cái tên/từ xuất hiện trên bản đồ này: Thất Tinh, Thạch Đường, Vạn Thắng Thạch
Đường Tu, và Thạch Đường. Tên đầu tiên được gắn với một dải chấm chấm nhỏ thể
hiện các đảo đá, bãi ngầm chìm dưới mặt nước. Khu vực này có thể được đồng nhất
với bãi ngầm Maccalesfield và quần đảo Đông Sa. Như vậy hai tên còn lại sẽ thay
thế cho quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Cả hai đều được vẽ là các quần
đảo nhưng chỉ có một tên là có từ Tu (xu) nghĩa là “đảo nhỏ”. Có lẽ ở đây muốn
chỉ ra rằng nhóm sau rộng hơn và “giống đảo” hơn nhóm trước. Tuy nhiên, cũng có
thể có nhiều cách giải thích khác. Trong lần tái bản mới đây của bản đồ Mao
Kun, Thất Tinh Thạch Đường được đồng nhất với nhóm đảo Đông Sa (Pratas), Vạn
Thắng Thạch Đường Tu được đồng nhất với bãi ngầm Macclesfield và Thạch Đường được
đồng nhất với quần đảo Hoàng Sa (mặc dù tại một trang khác của chính tác phẩm
người ta có thể tìm thấy những cách giải thích khác).[22]

Người ta có thể tìm thấy trong các cuốn
nhật ký hàng hải một số đoạn trích được sưu tập trong những đoạn dẫn giải về
hàng hải. Khi chúng tôi nghiên cứu đến các tài liệu giai đoạn cuối thế kỷ 16
đầu thế kỷ 17, nhiều bằng chứng loại này xuất hiện nhiều hơn trong các chuyên
luận về hàng hải khác nhau. Chúng có thể gắn với giai đoạn các nhà hàng hải ở
Quảng Châu và Phúc Kiến cầm trịch các hoạt động thương mại của tư nhân Trung
Quốc.[23] Không
phải tất cả các cuốn nhật ký hàng hải thời này đều đề cập trực tiếp đến quần
đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, nhưng phần lớn trong số chúng đều có những
đoạn mô tả chi tiết tuyến đường từ Quảng Đông qua đảo Hải Nam tới bờ biển Việt
Nam.[24] Ở đây
chúng tôi sẽ chỉ dẫn ra 2, 3 ví dụ điển hình. Cuốn Đông Tây Dương Khảo của
Trương Nhiếp (1617/18) có một mục viết về Thất Châu Dương với một đoạn đề cập
tới Vạn Lý Thạch Đường.[25]
Trong một đoạn thứ hai, tìm thấy ở một cuốn sách khuyết danh “Thuận Phong Tương
Tống”, một tác phẩm không rõ nguồn gốc và thời gian sáng tác, người ta nói
là Vạn lý Thạch Đường có lẽ nằm về phía Đông của Ngoại La Sơn, nghĩa là Cù Lao
Ré (Pulau Cantao) thuộc bờ biển Việt Nam. Ngoài ra, theo cuốn “Thuận Phong
Tương Tống” “trong [Vạn Lý Thạch Đường] có (nhiều) đảo đá nhỏ” (Hồng Thạch Tu)
không cao; nếu ta có thể nhìn thấy toàn bộ thân tàu, [thì nước] sâu, nếu bạn
nhìn thấy đá [khu vực đó] phải tránh xa”. Trong trường hợp này, Vạn lý Thạch
Đường là từ chỉ quần đảo Hoàng Sa, Hồng Thạch Tu có thể là tên chỉ một hoặc một
số nơi trong nhóm đảo này hoặc chỉ là một từ chung ám chỉ hiện tượng tự nhiên
(?) Một số học giả cho rằng đó là phần nhô lên của đảo Vĩnh Hưng (Đảo Phú Lâm –
Woody island) thuộc nhóm An Vĩnh (Nhóm Vĩnh An theo tiếng Trung Quốc và
Amphitrite theo tiếng Anh).[26] 
Đoạn trích vừa dẫn ra này cũng có thể tìm thấy trong một tác phẩm ra đời muộn
hơn, cuốn “Chỉ Nam Chính Pháp”- khuyết danh. Tác phẩm này cũng đề cập tới
một nơi được gọi là Nam Áo Khí, một địa điểm được người ta đồng nhất với quần
đảo Đông Sa.[27]

Đến đây, chúng ta đã tới giai đoạn nhà
Thanh – một giai đoạn mà tôi không muốn đưa vào trong bài ghi nhanh này bởi vì
các chứng cớ có được rất khác. Chỉ cần nói rằng một số tác phẩm đời Thanh có
nhiều chi tiết hơn, chẳng hạn như cuốn “Hải Quốc Văn Kiến Lục”, “Hải
Lục” và nhiều tác phẩm khác, và trên hết là một số cuốn nhật ký hàng hải
phương Tây chưa bao giờ được nghiên cứu đến. Trước khi có thể đưa ra bất kỳ kết
luận chung nào về giai đoạn này ta cần phải nghiên cứu một cách cẩn thận.

Những bằng chứng ban đầu trong
tài liệu của Bồ Đào Nha

Có thể tìm thấy những bằng chứng ban
đầu trong hiểu biết về hàng hải của Bồ Đào Nha về Biển Đông trong nhiều nguồn
tài liệu, đặc biệt là trong các roteiros (cẩm nang hàng hải) và trong các bản
đồ. Một số cuốn cẩm nang hàng hải đã được Manguin dịch và phân tích, và phần
lớn các bản đồ có liên quan đã được sưu tập lại trong tập Portugaliae Monumenta
Cartographica nổi tiếng.[28]
Tác phẩm ra đời sớm nhất miêu tả tuyến đường tới Trung Quốc là do Francisco
Rodrigues biên soạn khoảng năm 1511-1512. Thông tin để biên soạn cuốn này có lẽ
được thu thập từ các hoa tiêu Mã Lai (và những địa phương khác) sau cuộc xâm
lược Malacca năm 1511.

Nói chung, các thủy thủ Bồ Đào Nha,
cũng như các đồng nghiệp Trung Quốc của họ đều sợ các đảo đá và bãi ngầm ở Biển
Đông. Do đó nếu có khả năng, họ sẽ đi men theo đất liền lục địa Đông Nam Á,
tránh đi cắt ngang trực tiếp qua vùng trung tâm biển này. Chỉ có những lần hy
hữu, họ mới cố gắng đi qua quần đảo Hoàng Sa ven về phía Đông của quần đảo này.
Thông thường thì tuyến này cũng phải đi qua phía Đông Pulau Saparo, còn gọi là
Baixos de Pulau Sissir (có nhiều cách viết khác nhau). Cả hai đều nằm xa hơn
rất nhiều về phía Nam
với nghĩa là tuyến đường đi thuyền buồm “bên ngoài” xa hơn một chút so với
tuyến đường đi men bờ biển an toàn hơn. Ta không rõ tuyến đường “bên ngoài”
được khai phá lần đầu tiên vào thời gian nào. Hình như, người Trung Quốc cũng
có khuynh hướng tránh đi tuyến đó vì chẳng có tài liệu Trung Quốc nào cho đến
cuối đời Minh đề cập đến con đường này.[29]

Uông Đại Uyên, Cô Giới (Gu Jie) và
những tác giả khác đều ám chỉ đến những mối nguy hiểm gắn liền với Trường Sa và
Thạch Đường như chúng ta đã thấy. Trong trí tưởng tượng của các nhà địa lý và
các nhà hàng hải Trung Quốc, những địa điểm thất thường này tạo thành một dải
nằm ngang trải dài ở một nơi nào đó về phía Nam tỉnh Quảng Đông. Những bản đồ
ban đầu của Bồ Đào Nha vẽ Biển Đông cũng tạo nên một hình ảnh tương tự. Chúng
vẽ toàn bộ khu vực này từ quần đảo Hoàng Sa xuống tới Pulau Saparo là một vùng
“hình lưỡi liềm” thẳng, khẳng định rằng nó gần như không thể đi qua được mặc dù
không có chướng ngại gì lớn giữa quần đảo Hoàng Sa nằm ở đầu cuối phía Bắc vùng
đó và Pulau Saparo nằm ở một đầu. Rõ ràng, lý do của việc sắp xếp như vậy là
nhằm cảnh báo cho tàu thuyền đi lạc  tuyến đường và bị cuốn vào vùng trung
tâm Biển Đông.[30]

Vì vậy khu vực “hình lưỡi liềm” thấy
trong bản đồ của Bồ Đào Nha cũng có tác động tâm lý giống như những “câu
chuyện” đồn đại trong các tài liệu của Trung Quốc hoặc như dải cát được mô tả
trong tài liệu Việt Nam hồi thế kỷ 15.[31]
Trong mọi trường hợp, các thủy thủ đều được người ta yêu cầu phải tránh khu vực
nguy hiểm này. tuy nhiên có một số khác biệt về mặt địa lý: ”khu vực” vẽ trong
bản đồ của Bồ Đào Nha chạy song song với bờ biển Việt Nam và rõ ràng không bao
gồm bãi ngầm Macclesfield; “dải thành luỹ” được mô tả trong tài liệu của Trung Quốc 
trải dài từ nhóm đảo Đông Sa tới quần đảo Hoàng Sa, ít nhiều song song với bờ
biển Quảng Đông. Chỉ có trong một số tài liệu của Trung Quốc đem lại cho chúng
tôi một chút gợi ý về khu vực tương tự với khu vực được người Bồ Đào Nha mô tả,
nghĩa là nằm dọc theo bờ biển Việt Nam, giữa quần đảo Hoàng Sa nằm phía Bắc và
một số điểm nằm xa hơn về phía Nam, Cuốn “Đông Tây Dương Khảo” và cuốn “Thuận
Phong Tương Tống” đã dẫn ra ở trên, chẳng hạn đã cho biết Vạn Lý Thạch Đường và
Vạn Lý Trường Sa nằm về phía Đông của Việt Nam. Điều này có thể hàm ý về một
dải từ Bắc tới Nam.
Hơn nữa, có một số câu cách ngôn xác định có một cái gì đó giống như một “đường
vô hình” giữa nhóm đảo Thất Châu ở phía Bắc và Côn Đảo ở phía Nam, qua cách nói
người ta nên cẩn thận lái thuyền đúng hướng khi đi qua hai điểm mốc này.[32]

Điểm khác biệt lớn thứ hai là, ngay từ
ban đầu người Bồ Đào Nha đã có sự phân biệt rõ ràng giữa khu vực nguy hiểm giữa
quần đảo Hoàng Sa và dải đảo san hô nằm dọc theo bờ bắc đảo Borneo – bao gồm
quần đảo Trường Sa. Tuyến đường từ Malacca tới Tg Datu và Moluccas, vòng quanh
Sabah được khai thác thường xuyên vì vậy các hoa tiêu Bồ Đào Nha có ý niệm rõ
ràng về các khu vực này. Trái lại người Trung Quốc chưa bao giờ cố gắng thể
hiện trên bản đồ các dải đá, đảo khác nhau này một cách thực tế. Như đã nói,
thậm chí cả bản đồ hàng hải Mao Kun cũng rất mơ hồ và khó giải thích về chi
tiết này.

Tuy nhiên điều thú vị là cả bản đồ hàng
hải Mao Kun và hầu hết các bản đồ của Bồ Đào Nha đều chỉ ra các vùng nguy hiểm
trong Biển Đông theo một cách giống nhau tức là bằng hàng trăm chấm chấm nhỏ.
Những khu vực nguy hiểm khác ví dụ như quần đảo Mandive và Laccadive cũng được
vẽ bằng các chấm như trong bộ sưu tập Monumenta Cartographica đã minh họa đầy
đủ. Hình như điều này là một điểm chung duy nhất trong cách vẽ bản đồ giai đoạn
đó.

Hàn Chấn Hoa phân tích thêm về cách vẽ
quần đảo Hoàng Sa trong các bản đồ hàng hải của Bồ Đào Nha. Trước tiên, vùng
“hình lưỡi liềm” được vẽ như một dải liên tục. Sau đó đôi lúc nó bị cắt bởi các
tuyến ngang. Có tất cả khoảng 2, 3, 5 hay 6 tuyến ngang và vì vậy có tối đa là
7 vùng chấm chấm. Người ta không hiểu lắm về cách thể hiện như vậy. Nhưng bằng
cách nào đó nó gợi lại những truyền thuyết gắn liền với những vùng nguy hiểm
khác. Chẳng hạn như các tác phẩm của Trung Quốc khẳng định là có bảy “lối vào”
dẫn qua quần đảo Andaman và Nicobar.[33]

Dựa trên những chứng cớ do Kamermer và
các tác giả khác thu thập được, Hàn Chấn Hoa đã lưu ý chúng ta về một số điểm
bổ sung quan trọng. Thứ nhất, theo họ Hàn, các đoạn trích ban đầu của Bồ Đào
Nha về cái gọi là “ilhas da China” và “ilhas da Cantao” (có nhiều cách phát âm
khác nhau) nên gắn với quần đảo Hoàng Sa. Thứ hai, ông này cũng tin rằng từ
“Humen” (Houmen, v.v…) sau này được dùng cho “Boca Tigris” có thể hiểu là một
số địa điểm ở nhóm đảo Hoàng Sa. Quan điểm này nhằm chứng minh rằng các nhà
thám hiểm đầu tiên của Bồ Đào Nha đã ghé thăm các đảo này và quan trọng hơn,
nhằm chứng minh rằng chúng thuộc phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc trong suốt
giai đoạn này.[34]

Trong khi những mô tả nhận dạng và
khẳng định này vẫn còn mơ hồ, một gợi ý khác có lẽ nên được coi là nghiêm túc.
Bộ sưu tập Portugiliae Monumenta Cartographica có một bản đồ do, hoặc được vẽ
theo phong cách của Fernão Vaz Dourado thể hiện địa danh “ilhas da Boi†as” gần
với quần đảo Hoàng Sa. Họ Hàn thấy được sự phát âm gần gũi giữa địa danh này và
cách gọi Ba Tu (đảo Ba), một tên địa phương mà ngư dân đảo Hải Nam dùng để chỉ
đảo Vĩnh Hưng (đảo Phú Lâm) thuộc nhóm đảo Hoàng Sa. Ông này cũng gán những địa
danh khó có thể xác định là “Pulau Mio” và “Paxo” với các đảo này nhưng một lần
nữa, điều này có cái gì đó gượng gạo. Tất nhiên mục đích ở đây là nhằm nhấn
mạnh các yêu sách quyền bá chủ của Trung Quốc.[35]

Kết luận

Vấn đề các đảo trong Biển Đông vẫn là
một đề tài “tế nhị”. Các tài liệu của Trung Quốc không gợi cho người ta thấy
rằng chúng là một phần của Đế chế Thiên triều thời Tống, Nguyên hay Minh (ghi
chú: tôi không khảo cứu về thời nhà Thanh ở đây). Ở một mức độ nào đó, các thủy
thủ Trung Quốc đã quen thuộc với chúng nhưng họ lại tránh đi đến đó. Những câu
chuyện về ma quỷ, các đảo đá nguy hiểm và các dòng chảy ngầm bí hiểm lan truyền
đồn đại từ đời này qua đời khác, do đó các chuyên luận và các bản đồ về địa lý
không ghi chép gì cụ thể  về khu vực này. Không chắc là người ta sẽ tìm
được trong các tài liệu này các bằng chứng rõ ràng chứng minh cho một quan điểm
ngược lại. Các thủy thủ đầu tiên người Bồ Đào Nha cũng có những sự dè chừng
giống như vậy. Họ cũng cố gắng tránh xa những khu vực cạm bẫy này.

Dường như không có nơi định cư ổn định
trên bất kỳ đảo san hô nào trong Biển Đông – ít nhất là trong giai đoạn được
khảo cứu ở đây. Chỉ có một vài túp lều tạm do ngư dân dựng lên, có thể tồn tại
ở đây một lúc nào đó, và đây hoàn toàn chỉ là giả thiết. Các tài liệu viết
không gợi cho người ta về sự tồn tại của các làng mạc như vậy.[36]
Chúng cũng không gợi cho người ta biết là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Đông Sa
đã được chính quyền Trung Quốc quản lý về mặt hành chính. Điều thú vị là,
trường hợp quần đảo Bành Hồ (Pescadores) nằm
gần đảo Đài Loan lại rất khác; ở đó, chúng ta có chứng cứ rõ ràng về các chuyến
thăm viếng của người Trung Quốc và sự tồn tại của các đồn tạm thời của chính
quyền. Bằng chứng sớm nhất có niên đại từ thời nhà Nguyên.[37]
Nếu các đồn tương tự đã từng được thiết lập ở nhóm đảo Hoàng Sa hay Đông Sa thì
việc đó chắc chắn sẽ được chép lại trong các tài liệu này nhưng chúng lại không
ghi chép gì cả.

Bất chấp những tài liệu được phát hiện
đó, các học giả và nhà báo Trung Quốc đã có những cố gắng bất thường để chứng
minh rằng toàn bộ Biển Đông từ lâu luôn luôn là “một cái hồ nội địa”. Trên phạm
vi thế giới, có lẽ không có trường hợp nào lại có tỷ lệ ấn phẩm trên mét vuông
đất nổi cao như vậy. Một khía cạnh gây ngạc nhiên trong bộ máy tuyên truyền này
là, hầu như mọi người Hoa – những người đang sống ở CHND Trung Hoa, ở Trung Hoa
Dân Quốc và ở hải ngoại – đều ủng hộ quan điểm của Trung Quốc. Do đó, Trung
Quốc trở thành hàng xóm cạnh nhà của Brunei
và Malaysia.
Thậm chí cả một người Trung Quốc đối lập nổi tiếng – Wei Jingsheng – người nổi
tiếng với những cuộc khẩu chiến chống lại Chính phủ Bắc Kinh cũng có sự hòa
nhịp tương tự (xem bài phỏng vấn mới đây với Karl-Heiz Ludwig trên nhật báo Die
Welt, ngày 29/03/1999, tr. 8).


[1] Về những cuộc bàn luận ngắn về các tuyến đường này
xin xem, ví dụ như Li Yukun, Tuyền châu Hải ngoại giao thông sử lược (Quanzhou
haiwai jiaotong shilue), bộ Tuyền châu lịch sử văn hóa tùng thư (Quanzhou Lishi
Wenhua congshu), Hạ môn: Hạ môn Đại học xuất bản xã (Xiamen: Xiamen Daxue
Chubanshe, 1995) tr. 16-20, Phúc Kiến hàng vận sử (Fujian hangyun shi), Cổ, tân
đại bộ phận (Gu, jindai bufen), bộ Trung Quốc Thủy vận sử tùng thư
(Zhongguo  shuiyun shi congshu), Băc Kinh, Nhân dân giao thông xuất bản xã
(Renmin jiaotong chubanshe, 1994), tr. 80-97; J.V.Mills, “Các nhà hàng hải
Trung Hoa tại quần đảo Philippin và Inđônêxia (Insulinde) vào những năm 1500
sau Công nguyên”, Quần đảo 18 (1979), tr. 69-93. Về những bàn luận chi tiết về
tuyến đường phía Tây, từ Việt Nam tới Trung Quốc, xin xem Pierre-Yues Manguin,
“Người Bồ Đào Nha tại bờ biển Việt Nam và Champa. Nghiên cứu về các tuyến đường
biển và các mối quan hệ thương mại dựa theo các tài liệu của Bồ Đào Nha (thế kỷ
16-17-18), bộ Các ấn phẩm của trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp 81 (Paris:
Trường Viến Đông Bác Cổ Pháp, 1972) tr.171 và những trang tiếp theo, các bản đồ
trong phụ lục.

[2] Xem “Trung Quốc cổ ký trung du quán Phi luật tân tư
liệu hội biên” (Zhongguo guji zhong youguan Feilỹbin ziliao huibian) (Trung Hoa
Thư cục, 1980) do Trung Sơn Đại học Đông Nam Á, Lịch sử nghiên cứu Sở
(Zhongshan daxue Dongnanya Lishi yanjiusuo) xuất bản, các đoạn trong các trang
10, 12, 13, 16; tái bản “Từ Tuyền châu tới vùng biển Xulu và bên ngoài: Những
vấn đề có liên quan từ đầu thế kỷ 14”, Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á, 29/2
(1998), tr. 277 – 279.

[3] Có thể tìm thấy những đoạn trích về biển Nam Trung
Hoa trong các tác phẩm của các nước Ả Rập, ví dụ như, G.R.Tibbetts, “Một nghiên
cứu về các tác phẩm của các nước Ả Rập có các tư liệu về Đông Nam Á”, bộ, kho
tài liệu dịch Phương Đông, N.S.44 (Leiden:E.J.Brill, 1979). Trướng Hải, một địa
danh cổ của Trung Quốc dùng để chỉ một phần của biển Nam Trung Hoa, có mối liên
hệ với một địa danh Ả Rập; xem, chẳng hạn như, Edward H.Schafer, “Con chim son.
Nhà Đường hình dung về phương Nam”
(Berkeley: Nhà xuất bản Đại học Tổng hợp California 1967) tr.138. – Trong các
tài liệu của Việt Nam cũng có một só đoạn trích dẫn về biển Nam Trung Hoa; xem,
ví dụ như, R. Dumoutier, “Nghiên cứu một hải đồ Việt Nam thế kỷ 15”, Tập san
lịch sử địa lý và mô tả địa lý (1896); Võ Long Tê, “Quần đảo Hoàng Sa và quần
đảo Trường Sa theo các tác phẩm lịch sử và địa lý Việt Nam cổ”(Sài Gòn, 1974).
Có thể tìm thấy các đoạn trích khác trong những tác phẩm như “An Nam Chí Lược”.
Tuy nhiên trong bài nghiên cứu này của tôi không bao gồm các tác phẩm của Việt Nam.
Về cách giải thích của Trung Quốc với các đoạn trích của tài liệu Việt Nam, xin
xem, ví dụ như, Chen Shijian “Việt Nam sơn ngự đối ngoạ Tây Sa, Nam Sa quần
đảo, bộ phận tiêu đảo địa danh” (Yuenan shanzi dui wo Xisha, Nansha qundao,
bufen jiaodao diming”) trong Quảng Đông tỉnh địa danh vi nguyên hội (Guangdong
sheng diming weiyuan hui, xuất bản) Nam Hải chư đảo địa danh tư liệu hội biên
(Nanhai zhudao diming ziliao huibian) (Quảng Châu, Quảng Đông địa đồ xuất bản
xã, 1987) tr. 545 – 552.

[4] Xin xem, ví dụ như, Khang Thái “Phù Nam Truyện” (thời
Tam Quốc), được dẫn lại trong cuốn “Thái Bình Ngự lãm” của Lý Phỏng và những
cuốn khác, bộ, “Quốc học cơ bản tùng thư”, 12 tập, (Đài Bắc: Tân Tinh Thư cục
1959), ii, j. 59, hồ sơ 3b (tr. 437d). Các ví dụ khác trong Liu Nanwei “Nam hải
chư đảo cổ địa danh sơ đàm”, tr. 419, và trong Ju Jiwu “Nam hải chư đảo địa
danh đắc sơ bộ nghiên cứu”, tr. 488-489, cả hai nằm trong “Nam hải chư đảo địa
danh tư liệu hội biên”; Wang Yingjie; “Cổ đại Trung Quốc đối Nam hải chư đảo
đảo tiêu địa lý nhân sĩ đắc phát triển”, trong  “Trung Quốc Khoa học viện
Nam Sa tổng hợp khoa học khảo sát đội” (Bản tổng hợp của đội khảo sát khoa học
ở quần đảo Nam Sa, Viện Khoa học Trung Quốc) (chủ biên), “Nam Sa quần đảo lịch
sử địa lý, nghiên cứu truyện ký” (Quảng Châu: Trung Sơn Đại học xuất bản xã,
1991) tr. 138-140; Marwyn S.Samuels “Tranh luận về biển Nam Trung Hoa”
(Newyork: Methuen, 1982), tr. 10-11.

[5] Tăng Công Lượng (Zeng Gong Liang), và tập thể tác
giả, “Vũ Kinh Tổng Yếu”, bộ “Trung Quốc binh thư kế thừa” 3-5 (Bắc Kinh: Cát
Phương Quân xuất bản xã; Thẩm Dương: Liêu Thẩm Thư xã, 1988), “Thiên kỷ” j.21,
hồ sơ 16a (ii, 1053). Xusong (Công ty) “Tổng hội yếu di cảo” 8 tập (Bắc Kinh:
Trung Hoa thư cục, 1957), Viii, ce 197, tr.7748b (“Phiên di” 4, Champa) 7763b
(“Phiên di” 4 Zhenlifu); Vương Tượng Chi, “Dư địa kỷ thắng”, bộ “Tống đại địa
lý thư tứ trung”, 2 tập (Đài Bắc: Văn Hải xuất bản xã, 1963), ii, j.127, hồ sơ
2b (tr. 667d); “Phương dư thắng lãm”, Zhu Mu, 3 tập (Đài Bắc: Văn Hải xuất bản
xã, 1981), ii, j.43, hồ sơ 6b (tr 908). Các đoạn trích trong hai cuốn vừa nêu
hình như trở lại với cuốn “Quỳnh quản chí” (1203-1208) hiện đã thất lạc. Xin
xem “Die Paracel – und Spratly – inseln in Sung – Yuan – und fruhen Ming –
Texxten: Ein maritimes Grenzgebier?”, trong cuốn “Trung Quốc và các nước láng
giềng: Các đường biên, quan điểm của các nước khác, chính sách đối ngoại, từ
thế kỷ 10 đến thế kỷ 19”, bộ “Nam Trung Hoa và hàng hải châu Á 6” (Wiesbaden
Harrassowits Verlag, 1997), đặc biệt tại các trang 162-165. Về cuốn “Quỳnh quản
chí”, xem thêm Lý Mặc “Quảng Đông phương chí yếu lục” (Quảng Châu: Quảng Đông
tỉnh địa phương chí biên soạn vi nguyên hội ban công chí, 1987), tr. 434.

[6] Tái bản., “Die Paracel – und Spratly – inseln”
Về một nghiên cứu khảo cứu về thuật ngữ biên giới truyền thống (tuy nhiên, phần
lớn đều thuộc giai đoạn Minh-Thanh) xin xem Bodo Wiethoff, “Chinas dritte
Greuze – Der traditionelle chinesische Staat und der kšstennale Seeraun”, bộ
Veroffentlichungen des ostsien-instituts des Ruhr-Universitat Bochum
(Wiesbachen: Harrassowith Verlag, 1969).

[7] Almut Netolitzky, “Das lingwai tai-ta von Chou
Ch’u-fei. Eine Landeskunde Sudchinas aus dem 12. Jahrhundert”, bộ Muchener
Ostasiatische Studien 21 (Wiesbaden: Franz Steiner Verlag, 1977), tr. 16-17,
36; Joseph Needam và những người khác, “Khoa học và văn minh Trung Hoa”
(Cambridge: tại NXB Đại học Tổng hợp, 1954-), iV:3, tr. 548-550; tái bản.,
“Sudostasieus Meere nach Chinesischen Quellen (Song und Yuan)”, “quần đảo” 56
(1998), tr. 9. – Về Nữ quốc chép trong các tác phẩm của Trung Quốc, xin xem, ví
dụ như, Paul Pelliot, “Ghi chép về Marco Polo, tác phẩm xuất bản sau khi ông
qua đời” 3 tập. (Paris: Nhà in Quốc gia, Nhà sách Adrian-Maisonneuve,
1959-1973), i, tr. 671-725.

[8] Friedrich Hirth và W.W.Rokhill (tr.), “Triệu Nhữ
Quát và công trình của ông về giao thương giữa Trung Quốc và Ả Rập vào thế kỷ
12 và 13, tiêu đề: Chư Phiên Chí” (tái bản, Đài Bắc: Hãng xuất bản Thành Văn,
1970), tr. 176, 1985, chú thích số 4; Samuels, “Phản đối”, tr. 16; tái bản.,
“Die Paracel – und Spratly – inseln”, tr. 165.

[9] Xem tái bản.,”Sudostasiens Meere”, tr. 17 và các
trang tiếp theo.

[10] Xem Uông Đại Uyên (tác giả), Su Jiqing (xb.) “Đảo di
chí lược giao sử”, bộ “Trung ngoại giao thông sử ký tùng san” (Bắc Kinh: Trung
Hoa Thư cục, 1981), tr. 318; tái bản., “Quang cảnh hàng hải Châu Á qua hai tác
phẩm đời Nguyên: Đảo di chí lược và Dị vật chí”, Tạp chí nghiên cứu về đời Tống
và đời Nguyên, 25 (1995), tr. 54, 55; tái bản., “Chú giải cuốn Đảo di chí lược
của Uông Đại Uyên (1939/50)” trong Claudine Salmon (xb.), “Truyện kể về những
chuyến đi Châu Á: Loài giống, tập tục, khái niệm về không gian. Báo cáo tại Hội
thảo EFEO-EHESS tháng 12/1994”, bộ Chủ đề nghiên cứu 5 (Paris: Trường Viễn Đông
Bác Cổ Pháp, 1996), tr. 127-144; tái bản., “Die Paracel – und Spratly –
inseln”, tr. 166-167. Về cuón “Lĩnh ngoại đại đáp”, xin xem chú thích số 7 trên
đây. Chú ý: trong sách của Samuels có những cách giải thích sai, “Phản đối”,
tr. 20.

[11] Về những vùng biển Thất Châu (Thất Châu Dương), xin
xem, ví dụ như, những tiểu luận được sưu tạp trong cuốn “Nam hải chư đảo sử
lược khảo chứng luận cứ” của Hàn Chấn Hoa (Bắc Kinh; Trung Hoa Thư cục, 1981).

[12] Tống Liêm, “Nguyên Sử”, 15 tập (Bắc Kinh: Trung Hoa
Thư cục, 1976), Xiii, j.162, tr. 3802; Samuels, “Phản đối”, tr. 19; Jacques
Dars, “Hàng hải Trung Quốc từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 14”, bộ “Nghiên cứu lịch
sử hàng hải Trung Quốc 11, (Paris: Economica, 1992), tr. 342.

[13] J.V.G. Mills (dịch), “Mã Hoan, Doanh nhai thắng lãm,
Một khảo cứu toàn diện về các nước ven biển [1433]”, bộ Hakluyt Society Extra
Serier 42 (Cambridge: Tại Nhà xuất bản Đại học tổng hợp, 1970) tr. 73 và chú
thích số 4; Samulels, “Phản đối”; tr. 21; “Nam hải chư đảo địa danh tư liệu hội
biên”, tr. 154 – Feixin nêu ta một câu cách ngôn có địa danh Thất Châu; Câu
cách ngôn này có lẽ có liên quan đến một đoạn trích trong cuốn “Đảo dị chí
lược” của Uông Đại Uyên. Xem J.V.G. Mills (dịch) tái bản “Tinh sai thắng lãm”
(“Khảo cứu toàn diện về Huyền sao của Phí Tín”) bộ “Nam Trung Hoa và hàng hải
châu Á 4” (Wiesbaden: Harrassowitz Verlag, 1996) tr. 40 và chú thích số 48;
“Đảo di chí lược sử” tr. 218, 221, 222, chú thích số 48 – Về “Vũ kinh Tổng yếu”
xin xem trích dẫn trong chú thích số 5 trên đây.

[14] Huang Shengzeng (Hoàng Tỉnh Tăng, tác giả), Hạ Phương
(xb) “Tây dương Triều cống điển lục”, bộ “Trung ngoại giao thông sử ký tùng
san” (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1982), J. Shang, tr. 1, 3, chú thích số 14,
15, 16: J.Zhong, tr. 55; tái bản, “Die Paracel – und Spratly – insel” tr. 171,
172; cách giải thích sai trong “Phản đối” của Sanuels, tr. 21. Dữ liệu về các
tuyến đường thuyền buồm trong “Tây dương Triều cống điển lục” được một số tác
giả nghiên cứu chúng cũng được đưa vào trong cuốn “Trịnh Hoà hạ Tây dương tư
liệu hội biên” tập 1, của Zheng Haosheng và Zheng Yilung (bs) (Tế Nam: Thất Lục
thư xã, 1980) tr. 293 – 297.

[15] Xem Đường Chu,
“Chính Đức Quỳnh Đài Chí”, bộ “Thiên dị cổ tàng Minh đại phương chí tuyển san”
tr. 60, 61, 2 tập. (Thượng Hải: Thượng Hải Cổ Tịch Thư Điển, 1982), i, j. 4, Hồ
sơ 2b – 3a; ii, j.21 hồ sơ 9a, tái bản., “Die Paracel -und Spratly – inseln”,
tr. 165 – 166 và các chú thích tại các trang đó.

[16] Hoàng Trung, “Hải Ngũ”, bộ “Bách bộ Thông thư kế
thừa, Lĩnh Nam Di Thư” (Đài Bắc: Di Văn Ấn Thư Quán, 1965), j. 3, hồ sơ 1b –
2a; Liu Nanwei, “Nam Hải chư đảo cổ địa danh sơ đàm”, tr. 420, 421; “Nam Hải
chư đảo sử địa nghiên cứu trát tập”, đặc biệt là tr. 22 trong cuốn “Hải Ngũ” và
biên giới Việt – Trung thời nhà Minh. Về Lưu Sa Hà và Nhược Thuỷ (Joshui), xin
xem, ví dụ như, các đoạn trích trong tái bản., “Cheng Ho’s Abeuteuer im Drawa
und Roman der Ming – Zeit”, “Hsia His – yang: Eine Ubersetzung und
Untersuchung”; “His – yang Chi: Ein Deutungsversunch, bộ Munchener
Ostasiatische Studie 41 (Stuttgart: Franz Steiner Verlag, 1986), tr. 205 – 206
và chú thích số 5 tại các trang đó.

[17] Xem Cô Giới (Gu Jie), “Hải tra ngữ lục”, bộ “Bách bộ
Thông thư kế thừa” “Ký lục hội biên” j.162 (Đài Bắc: Di Văn Ấn Thư Quán, 1965),
hồ sơ 14a – b; Hoàng Tạc (HuangZuo) “Quảng Đông Thông Chí” 4 tập (Hongkong: Đại
đồng đồ thư Công ty, 1977), IV, j, 79, hồ sơ 36b (tr.1906b).

[18] Luo Yehjiong (tác giả), Yusili (xb) “Tân An Tân lục”
bộ “Trung ngoại giao thông sử ký tùng san” (Bắc Kinh: Trung Hoa Thư cục, 1983),
h. 6, tr. 149.

[19] Xem, ví dụ như, Needham, “Khoa học”, iii, tr. 554 –
556; iV: 3 tr. 449 – 501; Ogawa Takuji, “Shina reikishi chiri kenkyu”, 2 tập.
(Kyoto, 1928), chưa thấy; J.B. Harley và David Woodward (biên soạn), Joseph E.
Schwartzberg và Cordell D.K. Yee (đồng biên soạn) “Thuật và bản đồ trong các xã
hội truyền thống ở Đông Á và Đông Nam Á”, “Lịch sử nghề vẽ bản đồ” tập 22
(Chicago: NXBĐại học Tổng hợp Chicago, 1994), tr.244 – 249. Xem các thông tin
thêm trong Yi chan, “Han’ guk Kochido” (Seoul: Han’ guk Tosogwanhak You’guhoe,
1977), “Han’ guk Kochido” (Seoul: Pom’ usa, 1991), và các tác phẩm khác.

[20] Needham, “Khoa học”, iii, tr. 551 – 55 – 4′
WelterFuchs, “Tập bản đồ Trung Hoa thời Nguyên Mông của Chu Tư Bản và Quảng Dư
Đồ, cùng 48 bản sao bản đồ có niên đại khoảng năm 1555”, bộ “Monumenta Serca
Monograph 8” (Peiping: Đại học Tổng hợp FuJen, 1946) tr. 43 – 44 (các bản đồ).

[21] Thương Hoàng, “Đồ Thư biên”, bộ “Tứ khố Toàn thư châu
bản”, Vũ Kí tự bộ, 244 – 267, 24 tập (Đài Bắc: Di Văn ấn Thu Quán, 1974) Xi, j.
51, Hồ sơ 17a, 19b “Thạch Đường” trên bản đồ thứ hai có lẽ chỉ một địa điểm
khác ?); Mao Nguyên Nghi (bs) “Vũ Bị Chí” 22 tập. (Đài Bắc: Hoa Sử Xuất bản xã,
1984), XXi, j. 223, Hồ sơ 10b – 12a (tr. 9570 – 9573). Có thể tìm thêm những ví
dụ khác trong “Hoàng dư khảo” (1557). “Hải Phòng tổng yếu” (1613), v.v … Xem
Lin Jinzhi, “Thạch Đường, Trường Sa địa danh tư liệu ký lục khảo sử” trong “Nam
Hải chư đảo địa danh tư liệu hội biên”, tr. 426 (bài báo này được đăng lại
trong “Nam Hải chư đảo sử địa chứng luận ký”).

[22] “Vũ Bị Chí”, XXii, j. 240, hồ sơ 10b – 11a (tr. 10196
– 10197); Samuels “Phản đối”, tr. 22; Mills, “Mã Hoan”, tr. 216, 217, 225, 272;
Lin Nanwei “Nam Hải chư đảo cổ địa danh sơ đàm” tr. 420,  LiuJinzhi,
“Thạch Đường, Trường Sa địa danh tư liệu ký lục khảo sử” tr. 426 và các tài
liệu khác; Manguin, “Người Bồ Đào Nha”, tr. 73, chú thích số 5; “Hải quân dương
sách hội nghiên cứu sở” “Đại liên hải vận học nguyên hàng hải sử nghiên cứu sở”
(biên soạn) “Tân biên Trịnh Hoà hàng hải đồ ký” (Bắc Kinh: Nhân dân giao thông
xuất bản xã, 1988), tr. 40 – 43. – Hàn Chấn Hoa chú ý đến một bản đồ khác, “Vạn
lý hải phòng đồ” (1561). Ông này tin rằng nó vẽ những đảo chính của nhóm đảo
Hoàng Sa, nghĩa là, đảo Vĩnh Hưng (đảo Phú Lâm – Wood island), đối diện với Vạn
Châu và Văn Xương (ở đảo Hải Nam).
Xem cuốn “Thất luật sử ký toàn kí Putaoya ky tại tỉnh du quan Tây Sa quần đảo
quý thư Trung Quốc đắc ký điều tư liệu khảo đính”, trong cuốn “Nam Hải chư đảo
địa khảo chứng luận ký” của ông, tr. 167. Theo ông Hàn, bản đồ này nằm trong
cuốn “Thắng Khai Nguyên Tạp chú” của Zheng Ruozeng J.Z, hồ sơ 28a, hiện tôi
không có. Hàn nói rằng nó cũng có ở trong cuốn “Trù Hải Đồ biên” của Hồ Tông
Hiến (1562). Tôi đã kiểm tra trong nội dung cuốn này in trong “Tứ Khố toàn thư
châu bản” nhưng không có. Vào thời nhà Minh, Vạn Châu và Văn Xương là các đơn
vị hành chính nằm trên đảo Hải Nam; Xem Yang Dechun, “Hải Nam đảo cổ đại giản
sử” (Trường Xuân: Đông bắc sử phiên Đại học xuất bản xã, 1988), ví dụ tr. 7985
– về việc các bản đồ hiện đại chi tiết thể hiện đảo Vĩnh Hưng (đảo Phú Lâm) và
một đảo nhỏ cạnh đó – đảo Thạch (Rocky island), xin xem “Nam hải chư đảo địa
danh tư liệu hội biên, các bản đồ ở tr. 175, 181, 183. Bản đồ trang 183 chỉ rõ
các điểm cao trên cả hai đảo này.

[23] Về các thời kì phát triển khác nhau của thương mại
hàng hải thời Minh và các đặc trưng của chúng, xin xem tái bản., “Thương mại
hàng hải thời Minh với Đông Nam Á, 1368 – 1567: Hình ảnh về một hệ thống”,
trong Claude Guillot, Denys Lombard và tái bản. (biên soạn), “Từ Địa Trung Hải
tới biển Trung Hoa: Những ghi chép đa dạng”, bộ “Biển Nam Trung Hoa và Hàng hải
Châu Á 7” (Wiesbaden: Harrassowitz Verlag, 1998), tr. 157 – 191.

[24] Một tác phẩm có nhiều thông tin về các tuyến đường
thuyền buồm là cuốn “Hải quốc quảng ký” của Thận Phàm. Các đoạn có liên quan
được in trong Zheng Haosheng và Zheng YiLun, “Trịnh Hoà Hạ Tây dương tư liệu
hội biên” tr. 306 – 327.

[25] Trương Nhiếp (tác giả) Hiệp Phương (xB). “Đông Tây
Dương Khảo” bộ “Trung ngoại giao thông sử ký tùng san (Bắc Kinh: Trung Hoa thư
cục, 1981), j. 9, Châu sử khảo, tr. 172  “Quỳnh Châu chí” được trích dẫn
trong mục đầu tiên, và địa danh “Vạn Lý Thạch Đường” được gắn với cái tên
“Thạch Đường Hải” phía đông Vạn Châu. Xem thêm Samuels, “Phản đối”, tr. 18.

[26] “Đông Tây Dương Khảo”, j.9, tr. 189; XiangDa (xb)
“Lưỡng Trung Hải đảo Trần Tinh”, bộ “Trung ngoại giao thông sử ký tùng san”
(Bắc Kinh Trung Hoa thư cục, 1982) tr. 27, 28, 33 (tr. 28 cũng có nêu địa danh
Vạn lý Trường Sa trên hành trình trở về Trung Quốc); Mills “Mã Hoan” tr. 225,
274 (Cù lao Ré); Manguin, “Người Bồ Đào Nha”, tr. 60 (Pulau Cantao, cũng có
nhiều cách phát âm khác); LinJinzhi, “Thạch Đường, Trường Sa địa danh tư liệu
ký lục khảo sử”, tr. 428; Wang Yungjie, “Cổ đại Trung Quốc đối Nam Hải chư đảo
đạo giáo địa lý nhân sĩ đắc phát triển”, tr. 146.

[27] “Lưỡng Trung Hải Đảo Trấn tinh”, tr.108, 117, 121,
122. Xem thêm, ví dụ như, Liu Nan Wei, “Nam Hải chư đảo cổ địa danh sơ đàm, tr.
421′ Lin Jinzhi, “Đông Sa quần đảo lịch sử khảo lược” trong “Nam Hải chư đảo
địa danh tư liệu hội biên”, tr. 477; “Quảng Đông tỉnh tân cổ địa danh từ điển
biên soạn vi nguyên hội” (xb) “Quảng Đông tân cổ địa danh từ điển”, (Thượng
Hải:Thượng Hải Tứ Thư xuất bản xã, 1991), tr. 971, 972.

[28] Armando Cortesão và Avelino Teixeira de Mota (xb),
“Portugaliae Monumenta Cartographica”, 7 tập, (Lisbon: imprensa Nacional – Casa
da Moeda, 1988; nguyên bản 1960).

[29] Có thể các thương nhân Bồ Đào Nha đi thuyền buồm
“thẳng” từ Malacca tới Trung Quốc đã được các hoa tiêu Trung Quốc chỉ cho con
đường “bên ngoài”. Xem Hàn Chấn Hoa “Thất lục sử ký” tr. 161, 162. Tuy nhiên,
những lập luận do Mauguin thu thập được trong cuốn “Người Bồ Đào Nha” tr. 171 –
177 không tán thành khẳng định này. Rất có thể, tuyến đường “bên ngoài” mởi chỉ
được sử dụng vào cuối thế kỷ 16 và chỉ trong một số ít lần hy hữu.

[30] Về địa danh theo tiếng Tây “Paracel”, nghĩa là “đảo
đá” hay “bãi cạn”, xin xem, ví dụ như, Mauguin, “Người Bồ Đào Nha”, tr. 73, chú
thích số 5. Hàn Chấn Hoa “Gu Palasai’ er Kao”, tr.2, trong cuốn “Nam Hải chủ
đảo sử địa khảo chứng luận ký” của ông, tr. 216 – 219, đã có nhiều chi tiết hơn
về tên và thuật ngữ chung “barreiras” được dùng trước đó một thời gian. Ông này
cho rằng “Paracel” thay cho toàn bộ “khu vực” và không phải chỉ riêng quần đảo
Hoàng Sa.

[31] Dumoutier, “Nghiên cứu:, tr. 149 và tr. XiX; Mauguin,
“Người Bồ Đào Nha”, tr. 73, chú thích số 5.

[32] Về “Thuận Phong Tương Tống” và Đông Tây Dương Khảo,
xin xem chú thích số 27 trên đây. Có thể tìm thấy một câu cách ngôn trong cuốn
“Mộng Lương Lục” (1275) của Ngô Tự Mục: “Khi đi thì sợ Thất Châu, khi về thì sợ
Côn Lôn …” (Bản tiếng Anh có trong Samuels, “Phản đối”, tr. 17; xem thêm các
đoạn trích được dẫn ở trên trong chú thích số 13). Rõ ràng cả hai điểm mốc này
đều là những địa điểm quan trọng mà các thủy thủ phải đi về phía Tây tuyến
đường để tránh bị đắm tàu tại vùng nước phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Về “Mộng Lương
Lục”, xem thêm, ví dụ như, tái bản., “Die Paracel – und – Spratly – inseln”,
tr. 174. Có một nhận xét thú vị là ngư dân Trung Quốc sử dụng từ “Thạch Đường”
làm tên chỉ nhóm Vĩnh Nhạc (nhóm Tây) nhóm tạo thành “vành” phía Tây của quần
đảo Hoàng Sa. Dong buồm từ Việt Nam về phía Đông, khoảng 16 độ và 17 độ vĩ Bắc
người ta sẽ đi vào Thạch Đường. Về mối liên hệ giữa các địa danh Vĩnh Nhạc và
Thạch Đường, xin xem, ví dụ như, “Nam Hải chư đảo địa danh tư liệu hội biên”,
biểu tr. 69 (số 10), bản đồ tr. 75.

[33] Hàn Chấn Hoa “Gu ‘Palasai’er Kao”, P.2, tr. 206-207;
tái bản. “Doe Andamanen und Nikobaren nach chinesischen Quellen (Ende sung bis
Ming)” “Zeitschrift der Deutchen Morgenlandischen Gesellschaft 140 (1990), tr.
356, 362; Mills/tái bản., “Tinh sai thắng lãm”, tr. 62. Mới đây, một số bản đồ
trong bộ sưu tập “Portugaliae Monumenta Cartographica” cũng được công bố trong
Alfredo Pinhero Marques, “A cartographica portuguesa do Japão (séculos XVI e
XVII). Catálago das cartas portuguesas (Lisbon: Funda†ão Oriente, v.v…,n.d;
lời tựa 1996). Luis Filipe Barreto và những người khác, “Cartographica de Macau
Séculos XVI e XVII” (Lisbon: Missão de Macau em Lisboa, centro Cientdico e
Cultural de Macau, 1997), và “Fernão Mendes Pinto e os mares da China”
(Lisbon: cùng nhà xuất bản, 1998).

[34] Albert Kammerer, “Việc người Bồ Đào Nha khám phá
Trung Hoa vào thế kỷ 16 và việc vẽ các hải đồ cổ” (Leiden: E.J.Brill, 1944, bổ
sung cho “T’oung Pao” 39) đặc biệt tr. 10; Hàn Chấn Hoa, ‘Thất lục sử ký”,
tr.162-164. – Tại một chỗ nào đó trong bài viết của mình, ông Hàn gắn địa danh
“Cantao” với địa danh Gandao mà ngư dân Trung Quốc sử dụng. Rõ ràng là ‘Gandao”
được dùng để chỉ Bắc Tiêu, nghĩa là đá Bắc (North Reef) nằm ở phần phía Tây Bắc
của quần đảo Hoàng Sa. Về các địa danh, xin xem bảng trong “Nam hải chư đảo địa
danh tư liệu hội biên”, tr. 69, và bản đồ tr.175 – Vấn đề này rất phức tạp vì
‘Cantao” (có nhiều cách viết khác nhau) thường được đồng nhất với Cù Lao Ré
(xem chú thích số 26 trên đây). Cả Pulau Cantao và Bắc Tiêu nằm cách nhau không
quá xa. Có thể một số thủy thủ lẫn lộn chúng với nhau.

[35] “Portugaliae Monumenta Cartographica”, ii, tr.285;
Hàn Chấn Hoa, ‘Thất lục sử ký” tr.166-167, và “Gu’Palasai’er Kao”, P. 2, tr.
209 (bảng). Hàn nhận thấy mối liên hệ giữa “Pulau Mio” và các địa điểm như
Maoxing và Maozhu được liệt kê trong các sổ tay hàng hải truyền thống được ngư
dân Trung Quốc sử dụng. Một số trong các sách này (được gọi là ‘Thủy lộ bộ” hay
‘Canh lộ bộ” được  in trong cuốn “Nam hải chư đảo địa danh tư liệu
hội biên”. Về các địa dnah này, xin xem, ví dụ như, tr.70 (số 31), 71 (số 45)
và 88 trong tác phẩm đó. – Những dữ liệu được sưu tập trong “Thủy lộ bộ’nhắc
lại các chi tiết có trong các chuên khảo về hàng hải cuối thời Minh như “Thuận
Phong Tương Tống”, nhưng rất có thể là nó có nguồn gốc sau đó rất xa. Tôi nghi
là liệu ông He Jisheng và các tác gia khác có đúng khi khẳng định rằng cuốn
“Thủy lộ bộ” có từ thời Minh-Thanh hay không; Thanh thì có thể chấp nhận được
nhưng Minh xem ra hoàn toàn không thể. Xem “Thuỷ lộ bộ’ sơ đàm” của ông He
trong “Nam
hải chư đảo địa danh tư liệu hội biên” tr. 542 – 543.

[36] Như trên, tr. 542. He Jisheng dẫn ra một từ điển địa
lý cuối thời Thanh hình như đã nói bóng gió về sự hiện diện của nông dân tại
các đảo này, nhưng đoạn trích này rất mơ hồ. Hơn nữa, tài liệu được dẫn ra
trong từ điển địa lý này không thể kiểm chứng và thời điểm mà ông He đưa ra
(1488) không phù hợp với thời điểm mà tôi có thể tìm thấy trong danh mục hiện
nay (1511). Về thời điểm năm 1511 xin xem Li Mo, “Quảng Đông Phương chí yếu
lục”, tr. 435.

[37] Về Bành Hồ, xem, ví dụ như Cai PingLi, “Bành Hồ Thông
sử” (Đài Bắc: Trung Văn đồ thư cố phần hữu hạn công ty, 1979).

Roderik Ptak

Tiểu sử tác giả: Roderich Ptak là giáo sư ngành Trung
Quốc học của Đại học Tổng hợp Munich.
Các tác phẩm đã xuất bản của ông bao gồm một số cuốn sách và bài viết về lịch
sử hàng hải, lịch sử thương mại, lịch sử địa lý châu Á … dựa trên các nguồn
tài liệu của Trung Quốc, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các nguồn khác, và chủ yếu
liên quan đến các giai đoạn cận đại và trung đại.

RELATED ARTICLES

Tin mới