Saturday, December 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiGIỚI DIỀU HÂU TRUNG QUỐC MUỐN GÌ?

GIỚI DIỀU HÂU TRUNG QUỐC MUỐN GÌ?

altTác giả: Liêm Thạch*

Tôi dùng thuật ngữ “giới diều
hâu” để tránh võ đoán vơ đũa cả nắm. Bởi lẽ, tuyệt đại đa số người dân Trung
Quốc yêu chuộng hòa bình, muốn sống hòa hiến với bạn bè trên thế giới, đặc biệt
với Việt Nam
và họ chẳng được lợi lộc gì khi gây sự với anh em, bạn bè. Tôi cũng tin giới
tinh hoa ở Trung Nam Hải** có đủ
tỉnh táo và sáng suốt trong việc duy trì môi trường hòa bình để tập trung cho
phát triển kinh tế trong thời cơ chiến lược 15 – 20 năm tới.


Phải chăng đó là mặt chính
diện, là dòng chủ lưu trong xã hội và chính trường Trung Quốc hiện nay?

1. Rất tiếc, bên cạnh dòng
chảy chính đó, ở Trung Quốc thời nào cũng có lắm kẻ nóng đầu, hung hăng, hiếu
chiến. Họ ngỡ rằng với sức mạnh vượt trội, Trung Quốc có quyền bắt người khác,
nhất là các quốc gia yếu hơn, phải quy phục. Bất chấp luật pháp quốc tế và sẵn
sàng xuyên tạc lịch sử, vu cáo Việt Nam
theo kiểu “ngậm máu phun người”, họ hô hào dùng vũ lực để đánh chiếm vùng biển,
đảo của Việt Nam.

Cuối tháng 12.2010 và đầu
tháng 1.2011, một số phần tử diều hâu ở Trung Quốc lại hò hét đánh chiếm các
đảo của các nước khác trên Biển Đông. Khi phát biểu với cơ quan báo chí Đức,
tướng về hưu Xu Guangya (đang làm việc cho Hiệp hội kiểm soát và giải trừ vũ
khí của Trung Quốc) đã trớ trêu nói: Trung Quốc đã dùng cách thức “ăn miếng trả
miếng” đối với Việt Nam.

Thưa tướng Xu! Ông nghĩ thế
nào về các sự kiện sau đây: Tháng 1/1974, Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ quần
đảo Hoàng Sa của Việt Nam; ngày 17/2/1979, Trung Quốc đem 60 vạn quân tràn qua
biên giới xâm lược Việt Nam; Tháng 2/1988, Trung Quốc đánh chiếm của Việt Nam 6
hòn đảo, đá tại quần đảo Trường Sa. Những việc đó công khai giữa ban ngày ban
mặt được cả thế giới biết. Ai ăn miếng, ai trả miếng trong các sự kiện này? Chỉ
có hai khả năng: 1- Từ 1974 đến nay ông bị bệnh tâm thần phân liệt thể hoang
tưởng rất nặng, hoặc 2- Ông là một người không trung thực đến độ vô liêm sỉ.
Chắc chắn ông không bị bệnh tâm thần và chỉ có thể là khả năng thứ 2!

Hung hăng và mù quáng hơn cả
tướng Xu, khi trả lời phỏng vấn của mạng Xinhua (do chính phủ Trung Quốc kiểm
soát) vào đầu tháng 1/2011, giáo sư Hứa Khả, chuyên gia Học viện quan hệ quốc
tế thuộc Đại học Hạ Môn (TQ) đã hối thúc chính phủ Trung Quốc nhanh chóng dùng
vũ lực đánh chiếm các đảo của các nước ASEAN trên Biển Đông, chủ yếu là quần
đảo Trường Sa của Việt Nam. Ông Hứa lập luận: hiện nay sự hợp tác giữa Mỹ và
ASEAN về vấn đề an ninh trên Biển Đông mới ở giai đoạn ban đầu, chưa chặt chẽ,
thậm chí còn khá lỏng lẻo, nếu Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm các đảo thì ít
có khả năng Hoa Kỳ sẽ can thiệp. Ông Hứa cho rằng lúc này là thời cơ nghìn năm
có một trong việc đánh chiếm quần đảo Trường Sa, chủ yếu các đảo của Việt Nam,
và chính phủ Trung Quốc không nên bỏ lỡ. Ông Hứa còn hô hào tăng cường các tàu
quân sự để xua đuổi các tàu thuyền nước ngoài đi lại, hoạt động trong vùng biên
giới 9 đoạn ở Nam Hải (đường lưỡi bò), vì tất cả các đảo và tài nguyên trong đường
lưỡi bò thuộc chủ quyền của Trung Quốc!.

Xin hỏi
giáo sư: căn cứ vào luật pháp và điều ước quốc tế nào mà ông cho rằng Trung
Quốc có chủ quyền trong vùng biên giới hạn bởi đường lưỡi bò?

Nếu ông trả lời được câu hỏi
này thì ông là một giáo sư, nếu không đưa ra câu trả lời có sức thuyết phục,
thì ông chỉ là một kẻ hồ đồ, bịp bợm, lố bịch!

2. Xin hỏi ông Xu, ông Hứa:
nếu lãnh đạo Trung Quốc, theo lời khuyên của các ông, dùng vũ lực để đánh chiếm
quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì cái gì sẽ xảy ra, lợi và hại đối với Trung
Quốc sẽ thế nào?

Chắc hai ông và những người
cùng quan điểm với hai ông ở Trung Quốc cũng đã nhẩm tính hơn thiệt và có lẽ
theo các ông thắng lợi sẽ là 100 và thiệt hại chỉ 1 – 2!

Tôi xin đưa ra một cách tính
khác.

Có thể (chỉ có thể thôi) Trung
Quốc sẽ chiếm đoạt hầu hết các đảo của các nước tại quần đảo Trường Sa, chủ yếu
vẫn là các đảo của Việt Nam.
Đó là cái được.

Sau cuộc chiến xâm lược (giả
định), Trung Quốc mất gì?

Xin nói nhỏ với những kẻ diều
hâu ở Trung Quốc:

– Một là, cái mất lớn
nhất là cộng đồng quốc tế không còn ai tin Trung Quốc
. Gần 10 năm nay,
lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố với thiên hạ là Trung Quốc trỗi dậy hòa bình và
Trung Quốc phát triển hòa bình. Theo đó, các chính khách, học giả Trung Quốc đã
và đang tận dụng mọi cơ hội để quảng bá ra năm châu bốn biển là Trung Quốc phát
triển hòa bình và sự phát triển của Trung Quốc không đe dọa ai mà chỉ mang lại
cơ hội phát triển cho các nước, nhất là các nước trong khu vực, các bạn bè,
láng giềng.

Hơn nữa, Trung Quốc là Ủy viên
Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, là người đề xướng 5 nguyên tắc
chung sống hòa bình, là một bên ký “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông”
(DOC-2002).

Đối với Việt Nam, nhiều lần
lãnh đạo cao nhất của đảng, nhà nước Trung Quốc đã ký cam kết xây dựng quan hệ
Trung – Việt theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định
lâu dài, hướng tới tương lai” và hai bên là láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng
chí tốt, đối tác tốt của nhau.

Nếu không
bị bệnh tâm thần hoang tưởng thì chắc chắn ông Xu, ông Hứa và những người cùng
quan điểm với hai ông sẽ không quên những điều nói trên.

Nếu Trung
Quốc dùng vũ lực đánh chiếm các đảo của Việt Nam thì không chỉ thế giới không
còn ai tin lãnh đạo Trung Quốc và cộng đồng quốc tế sẽ cho rằng mọi lời nói của
Bắc Kinh chỉ là dối trá, bịp bợm! và chắc chắn Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước
ASEAN, Ấn Độ, Oxtraylia, Niu Dilân, kể cả các nước Trung Á, Nam Á sẽ thắt chặt
hơn quan hệ với Mỹ. Khi các nước này đã lựa chọn Mỹ làm người bảo trợ thì
tổn thất mà Trung Quốc phải hứng chịu sẽ lớn gấp triệu lần so với việc chiếm
mấy hòn đảo ở Biển Đông
.

– Hai là, có thể Trung Quốc sẽ
đánh chiếm được các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhưng để làm gì và liệu có
giữ được không?

Chiếm được các đảo, nhưng chắc
chắn không thể khống chế được Biển Đông. Hoa Kỳ, Nhật Bản và cộng đồng quốc tế
sẽ đủ sức mạnh để ngăn cản Trung Quốc làm điều phi lý, phi pháp đó.

Chiếm được các đảo, nhưng giữ
chúng là một vấn đề cực khó, vì Trường Sa chứ không phải Hải Nam hay Hồng Kông;
Biển Đông không phải là “ao nhà” của Trung Quốc! Việc chiếm giữ các đảo và bảo
vệ chúng chắc chắn sẽ tốn kém hơn rất nhiều lần so với lợi ích thu được.

– Ba là, mối quan hệ của Trung
Quốc với phần còn lại của thế giới cũng không phải như ông Xu, ông Hứa tính
toán. Chớ vội nghĩ là Trung Quốc sẽ cứu thế giới. Không có đâu!

Trong mối quan hệ giữa Trung
Quốc và phần còn lại của thế giới, thế giới cần Trung Quốc 1, còn Trung Quốc
cần thế giới 10; không có Trung Quốc thì thế giới vẫn phát triển, nếu không có
sự hỗ trợ của thế giới thì mộng bá vương của Trung Quốc sẽ tan như bọt xà
phòng!

3. Sơ bộ,
3 cái thua thiệt, thực chất là thất bại to lớn mà Trung Quốc phải hứng chịu nếu
dùng vũ lực để chiếm đoạt các đảo ở Trường Sa của Việt Nam. Đây là những thất
bại to lớn và để lại hậu quả hết sức nặng nề không chỉ trước mắt mà còn lâu
dài. Trong đó, sự mất lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc là
to lớn và nghiêm trọng nhất, và quan trọng hơn là nó sẽ phá hủy mọi cơ hội để
Trung Quốc phát triển nhanh trong 20 – 30 năm tới.

Chả nhẽ tướng Xu và giáo sư
Hứa không biết một câu tục ngữ Trung Quốc: “Chẳng thà mất lòng một trăm
lần từ chối còn hơn một lần không giữ lời hứa”?!

Tôi tin rằng những người lãnh
đạo Trung Quốc hiện nay và thế hệ sau Đại hội XVIII (Đảng CSTQ) tài giỏi hơn
tôi trong việc tính toán hơn thiệt do việc dùng vũ lực giải quyết tranh chấp
trên Biển Đông. Những người có quyền đưa ra quyết sách ở Trung Nam Hải chắc
chắn tỉnh táo, sáng suốt hơn các quân sư quạt mo như ông Xu, ông Hứa và những
kẻ nóng đầu, cuồng chiến ở Trung Quốc.

Tuyệt đại đa số nhân dân Trung
Quốc yêu chuộng hòa bình và muốn ổn định, xây dựng bang giao hòa hiến với bạn
bè xa gần, nhất là với các nước láng giềng để phát triển kinh tế, chấn hưng đất
nước.

Đại đa số tướng lĩnh quân giải
phóng nhân dân Trung Quốc cũng không muốn gây sự với các nước láng giềng; là
quân đội nhân dân nên họ không muốn làm trái ý nhân dân.

Những người quyết định quyết
sách quốc gia ở Trung Nam Hải cũng nhìn rõ 15 – 20 năm nữa là cơ hội lớn mà
Trung Quốc cần phải và có thể tận dụng để đưa Trung Quốc sang một giai đoạn
phát triển mới có sức mạnh tổng hợp quốc gia “bằng vai phải lứa” với siêu cường
Mỹ. Lời hứa của người đứng đầu quốc gia là cực kỳ quan trọng và họ sẽ không
nuốt lời hứa của mình đối với cộng đồng quốc tế và nhân dân Việt Nam bằng việc
dùng vũ lực để chiếm đoạt các đảo trên Biển Đông của các nước láng giềng.

Tháng 10/2010, Thủ tướng Trung
Quốc Ôn Gia Bảo đã có điện gửi cho những người đồng nhiệm các nước ASEAN với
tái cam kết: Trung Quốc muốn tạo dựng “một vùng biển hòa bình và hợp
tác”.

Từ 21 – 23/12/2010 tại Côn
Minh, Trung Quốc và các nước ASEAN đã có phiên họp Nhóm công tác liên hợp về
thực hiện “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông” (DOC). Trước và
sau cuộc họp này người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du đã công
khai tuyên bố: Trung Quốc luôn coi trọng cao độ và thực hiện nghiêm túc DOC,
nhằm tăng cường lòng tin chính trị, thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông, tạo điều kiện
có lợi cho giải quyết tranh chấp, cùng nhau gìn giữ hòa bình và ổn định ở Biển
Đông.

Những lời kêu gào nhanh chóng
dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông của ông Xu, ông Hứa và
những kẻ diều hâu ở Trung Quốc chỉ là tiếng rên của các con cú mèo giữa ban
ngày!

                                       Paris,
giáp Tết Tân Mão 2011


* Học giả Pháp gốc Việt

** Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, Tập Cận Bình…

 

RELATED ARTICLES

Tin mới