Wednesday, December 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếCông bố tài liệu về chủ quyền của Việt Nam với Hoàng...

Công bố tài liệu về chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa

altNhiều sách địa lý
và bản đồ cổ của Việt Nam ghi chép rõ Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Vạn lý Hoàng Sa,
Đại Trường Sa hoặc Vạn lý Trường Sa từ lâu đã là lãnh thổ Việt Nam. Dưới đây VnEpress
xin giới thiệu tập tài liệu chính thức về cơ sở lịch sử, pháp lý về chủ quyền
của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.

Xem toàn
bộ tài liệu (đường link)

Trích đoạn:

… “Hoàng Sa
và Trường Sa là hai quần đảo ở ngoài khơi Việt Nam: quần đảo Hoàng Sa chỗ gần
nhất cách đảo Ré, một đảo ven bờ của Việt Nam, khoảng 120 hải lý; cách Đà Nẵng
khoảng 120 hải lý về phía Đông; quần đảo Trường Sa chỗ gần nhất cách Vịnh Cam
Ranh khoảng 250 hải lý về phía Đông.

Nhận thức của các
nhà hàng hải thời xưa về Hoàng Sa và Trường Sa lúc đầu mơ hồ; họ chỉ biết có
một khu vực rộng lớn rất nguy hiểm cho tàu thuyền vì có những bãi đá ngầm. Ngày
xưa người Việt Nam gọi là Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Vạn lý Hoàng Sa, Đại Trường
Sa hoặc Vạn lý Trường Sa như các sách và bản đồ cổ của Việt Nam đã chứng tỏ.
Hầu như tất cả các bản đồ của các nhà hàng hải phương Tây từ thế kỷ XVI đến thế
kỷ XVIII đều vẽ chung quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa làm một dưới cái
tên Pracel, Parcel hay Paracels.

Về sau, với những
tiến bộ của khoa học và hàng hải, người ta đã phân biệt có hai quần đảo: quần
đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Mãi cho đến năm 1787 – 1788, cách đây hai
trăm năm, đoàn khảo sát Kergariou-Locmaria mới xác định được rõ ràng và chính
xác vị trí của quần đảo Hoàng Sa (Paracel) như hiện nay, từ đó phân biệt quần
đảo này với quần đảo Trường Sa ở phía Nam.

Các bản đồ trên
nói chung đều xác định vị trí khu vực Pracel (tức là cả Hoàng Sa và Trường Sa)
là ở giữa Biển Đông, phía đông Việt Nam, bên ngoài những đảo ven bờ của Việt
Nam.

Hai quần đảo mà
các bản đồ hàng hải quốc tế ngày nay ghi là Paracels và Spratley hoặc Spratly
chính là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa

Từ lâu nhân dân
Việt Nam đã phát hiện quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, Nhà nước Việt
Nam đã chiếm hữu và thực hiện chủ quyền của mình đối với hai quần đảo đó một
cách thật sự, liên tục và hoà bình.

Nhiều sách địa lý
và bản đồ cổ của Việt Nam ghi chép rõ Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Vạn lý Hoàng Sa,
Đại Trường Sa hoặc Vạn lý Trường Sa từ lâu đã là lãnh thổ Việt Nam.

Toàn tập Thiên Nam
tứ chí lộ đồ thư, tập bản đồ Việt Nam do Đỗ Bá, tên chữ là Công Đạo, soạn vẽ
vào thế kỷ XVII, ghi rõ trong lời chú giải bản đồ vùng Phủ Quảng Ngãi, xứ Quảng
Nam: “giữa biển có một bãi cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng”, “Họ
Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa Đông đưa mười tám chiếc thuyền đến lấy hoá
vật, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn”.

Trong Giáp Ngọ
bình nam đồ, bản đồ xứ Đàng Trong do Đoán quận công Bùi Thế Đạt vẽ năm 1774,
Bãi Cát Vàng cũng được vẽ là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam.

Phủ biên tạp lục,
cuốn sách của nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) biên soạn năm 1776, viết về
lịch sử, địa lý, hành chính xứ Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn (1558-1775) khi
ông được triều đình bổ nhiệm phục vụ tại miền Nam, chép rõ đảo Đại Trường Sa
(tức Hoàng Sa và Trường Sa) thuộc phủ Quảng Ngãi.

“Xã An Vĩnh,
huyện Bình Sơn, Phủ Quảng Nghĩa, ở ngoài cửa biển có núi gọi là Cù lao Ré, rộng
hơn 30 dặm, có phường Tứ Chính, dân cư trồng đậu, ra biển bốn canh thì đến,
phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa. Trước kia có nhiều hải vật và hoá vật
của tầu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi ba ngày đêm mới đến, là chỗ gần xứ Bắc
Hải”.

… Phủ Quảng
Ngãi, huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh, ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc có
nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này
sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối
nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng, dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn,
nước trong suốt đáy. Trên đảo có vô số yến sào; các thứ chim có hàng nghìn,
hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh. Trên bãi vật lạ rất nhiều.
Ốc vân thì có ốc tai voi to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay,
sắc đục, không như ngọc trai, cái vỏ có thể đẽo làm tấm bài được, lại có thể
nung vôi xây nhà; có ốc xà cừ, để khảm đồ dùng; lại có ốc hương. Các thứ ốc đều
có thể muối và nấu ăn được. Đồi mồi thì rất lớn. Có con hải ba, tục gọi là
Trắng bông, giống đồi mồi, nhưng nhỏ hơn, vỏ mỏng có thể khảm đồ dùng, trứng
bằng đầu ngón tay cái, muối ăn được. Có hải sâm tục gọi là con đột đột, bơi lội
ở bến bãi, lấy về dùng vôi sát qua, bỏ ruột phơi khô, lúc ăn thì ngâm nước cua
đồng, cạo sạch đi, nấu với tôm và thịt lợn càng tốt.

Các thuyền ngoại
phiên bị bão thường đậu ở đảo này. Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất,
lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng ba nhận giấy sai đi,
mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3
đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hoá vật của
tầu, như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, vòng sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm
vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng tám thì về,
vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong mới cho đem bán
riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về. Lượm được nhiều ít
không nhất định, cũng có khi về người không. Tôi đã xem số của cai đội cũ là
Thuyên Đức Hầu biên rằng: năm Nhâm Ngọ lượm được 30 hốt bạc; năm Giáp Thân được
5.100 cân thiếc; năm Ất Dậu được 126 hốt bạc; từ năm Kỷ Sửu đến năm Quý Tỵ năm
năm ấy mỗi năm chỉ được mấy tấm đồi mồi, hải ba. Cũng có năm được thiếc khối,
bát sứ và hai khẩu súng đồng mà thôi.

Họ Nguyễn lại đặt
đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Thứ Chính ở Bình Thuận,
hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền
sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn
Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của tầu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào
ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải
vật, còn vàng bạc của quý ít khi lấy được”. ../.

Theo Vnexpress.net

RELATED ARTICLES

Tin mới