Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVỀ CÁI GỌI LÀ “QUYỀN LỢI NAM HẢI CỦA TRUNG QUỐC PHÙ...

VỀ CÁI GỌI LÀ “QUYỀN LỢI NAM HẢI CỦA TRUNG QUỐC PHÙ HỢP VỚI CÔNG ƯỚC LUẬT BIỂN CỦA LIÊN HỢP QUỐC”

altNhững người
theo dõi mạng lưới tuyên truyền của Trung Quốc có thể thấy rằng trong thời gian
gần đây xuất hiện ngày càng nhiều những bài viết của các học giả Trung Quốc lên
tiếng biện minh cho các yêu sách phi lý của nước này ở Biển Đông với những lời
lẽ mơ hồ, mập mờ nhằm xuyên tạc sự thật và luật pháp quốc tế. Tiêu biểu trong số
này là bài viết của tác giả Tiêu Hán Cường, chuyên gia Địa chất biển và Luật
biển của Bộ Tài nguyên Quốc gia Trung Quốc với tiêu đề “Quyền lợi Nam Hải của
Trung Quốc phù hợp với Công ước Luật biển của Liên hợp quốc”, đăng trên báo “Hải
Dương Trung Quốc” ngày 28 tháng 1 năm 2011.

Trong bài
viết của mình ông Tiêu Hán Cường cho rằng “các đảo ở Nam Hải (tức Biển Đông) từ
trước tới nay thuộc lãnh thổ của Trung Quốc, bao gồm quần đảo Đông Sa, quần
đảoTrung Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và các
vùng biển phụ cận xưa nay đều do Chính phủ Trung Quốc quản lý có hiệu quả, được
cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi”.

Đây là một
sự bịa đặt cố ý, là luận điệu chủ quan, tuỳ tiện, đã được các học giả Trung
Quốc nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Những luận điệu này đã bị học giả của nhiều nước
lên tiếng phản bác. Nhiều học giả người Việt đã viện dẫn các chứng cứ lịch sử
và cơ sở pháp lý chứng minh rõ chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối
với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và khẳng định việc Trung Quốc dùng vũ
lực chiếm giữ các đảo, đá ở Hoàng Sa và một số bãi ở Trường Sa là hoàn toàn
trái với luật pháp quốc tế, không có chuyện “được cộng đồng quốc tế công nhận
rộng rãi” như các học giả Trung Quốc và ông Tiêu cố ý bịa đặt. Trên thực tế
hoàn toàn không có chứng cứ lịch sử nào có thể chứng minh danh nghĩa lịch sử
của Trung Quốc đối với “quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Nam Sa (Trường Sa)
và vùng biển phụ cận”.

Tiếp theo
lập luận bất chấp thực tế khách quan nêu trên, ông Tiêu đi đến nhận định rằng
do Công ước về luật biển của Liên hợp quốc có quy định “về quyền lợi liên quan
đến lịch sử” nên việc “Trung Quốc kiên quyết bảo vệ quyền lợi đối với quần đảo
Nam Sa (Trường Sa) và vùng biển phụ cận là hoàn toàn phù hợp với sự thực lịch
sử và các nguyên tắc đã được luật pháp quốc tế công nhận”. Để biện minh cho
nhận định của mình, ông Tiêu lần lượt trích dẫn một số quy định của Công ước
luật biển 1982 có sử dụng cụm từ “vịnh lịch sử”, “danh nghĩa lịch sử”, “về mặt
lịch sử” hay “theo truyền thống”. Điều làm người đọc không khỏi ngạc nhiên là
ông Tiêu chỉ đơn thuần nhặt ghép một vài câu chữ có dính dáng đến từ “lịch sử”
của Công ước nêu trên để biện minh cho nhận định của mình, hoàn toàn phớt lờ mục
đích, đối tượng và ngữ cảnh của các quy định có liên quan.

 Bài viết sẽ phân tích các viện dẫn của ông
Tiêu từ Công ước luật biển 1982 để kiểm chứng xem có phải việc “Trung Quốc kiên
quyết bảo vệ quyền lợi đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và vùng biển phụ cận
là hoàn toàn phù hợp với sự thực lịch sử và các nguyên tắc đã được luật pháp
quốc tế công nhận” hay không; hoặc “quyền lợi Nam Hải của Trung Quốc phù hợp
với Công ước luật biển của Liên hợp quốc” như tiêu đề bài viết của ông Tiêu hay
không.

1. Ông Tiêu
mở đầu luận cứ của mình bằng việc trích dẫn Khoản 6, Điều 10 của Công ước luật
biển năm 1982 của Liên hợp quốc (sau đây gọi tắt là Công ước luật biển 1982),
theo đó các quy định khác của Điều 10 (gồm định nghĩa và các tiêu chí xác định
vịnh) không áp dụng đối với các vịnh gọi là “vịnh lịch sử” và cũng không áp
dụng đối với các trường hợp làm theo phương pháp đường cơ sở thẳng được trù
tính trong Điều 7.

Đúng là
trong Khoản 6, Điều 10 Công ước luật biển 1982 có sử dụng cụm từ “vịnh lịch
sử”, nhưng điều này chỉ quy định điều kiện và tiêu chí để xác định vịnh (“bờ
vịnh thuộc một quốc gia duy nhất” (Khoản 1); “vùng lõm sâu của vịnh có diện
tích ít nhất cũng bằng diện tích một nửa vòng tròn có đường kính là đường thẳng
kẻ ngang qua cửa vào của vùng lõm” (Khoản 2) và cửa vào tự nhiên của vịnh không
quá 24 hải lý (Khoản 4, 5), không có câu chữ nào của Điều này quy định về tiêu
chí hay điều kiện để xác định “vịnh lịch sử”. Rõ ràng các quy định của Điều 10
hoàn toàn không liên quan đến Biển Đông mà Trung Quốc gọi là Nam Hải, một biển nửa kín, rộng khoảng 3,4 triệu km2, được bao bọc
bởi chín nước là Việt Nam ở phía Tây, Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan) ở phía
Bắc và Đông Bắc, Phi-lip-pin ở phía Đông, Ma-lai-xi-a, Bru-nây, In-đô-nê-xi-a
và Xinh-ga-po ở phía Nam, Thái Lan, Căm-pu-chia ở phía Tây Nam. Cho tới nay không
có sách sử và tài liệu hoặc văn bản pháp lý quốc tế nào gọi Biển Đông là “vịnh”.
Trung Quốc cũng không có văn bản pháp lý nào quy định về “quyền lợi lịch sử”
hay “quyền lợi theo danh nghĩa lịch
sử” của Trung Quốc đối với Biển Đông. Hơn nữa, theo luật
pháp quốc tế, đã là một “vịnh lịch sử” thì toàn bộ vùng nước của vịnh đó phải
có quy chế pháp lý riêng, đặc thù tương tự như quy chế pháp lý của vùng nước
nội thủy. Hầu hết vùng nước trong Biển Đông nằm rất xa lãnh thổ Trung Quốc (có chỗ đến hàng nghìn km), không hề có quy chế pháp lý như vậy. Đó là một thực tế khách quan. Do vậy,
việc ông Tiêu viện dẫn Khoản 6, Điều 10 Công ước luật biển 1982 để biện minh
cho các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn không có cơ sở pháp
lý. Có lẽ ông Tiêu là người Trung Quốc đầu tiên muốn thử trí bẻ cong lịch sử và
địa lý để biến Biển Đông rộng lớn thành một vịnh của Trung Quốc.

2. Tiếp đến, ông Tiêu viện dẫn Điều
15 của Công ước luật biển 1982 về việc hoạch định ranh giới lãnh hải giữa các
quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau, trong đó ông nhấn mạnh “tuy
nhiên, quy định này không áp dụng trong trường hợp do có những danh nghĩa lịch
sử hoặc có các hoàn cảnh đặc biệt khác cần hoạch định ranh giới lãnh hải của
hai quốc gia một cách khác”.

Xét về tổng thể các điều được quy
định trong Phần II của Công ước luật biển 1982 cho thấy Điều 10 chỉ quy định việc
hoạch định ranh giới lãnh hải giữa các quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối
diện nhau, tức là ranh giới vùng biển chỉ có chiều rộng không vượt quá 12 hải
lý tính từ đường cơ sở được vạch ra theo đúng Công ước luật biển 1982 (Điều 3).
Đó là chưa kể trước khi Hội nghị luật biển lần thứ 3 được tổ chức và Công ước
luật biển 1982 được ký kết, thực tiễn quốc tế chỉ thừa nhận lãnh hải rộng không
quá 3 hải lý.

Vậy xin hỏi
ông Tiêu, dựa vào đâu ông có thể luận giải Điều 10 Công ước luật biển 1982 là
phù hợp với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông? Bờ biển của Trung Quốc
nằm cách xa Biển Đông cả nghìn km vậy làm sao Trung Quốc có thể vạch lãnh hải của
họ ở Biển Đông. Như vậy, ông Tiêu đã viện dẫn Điều 10 một cách tuỳ tiện. Là một
chuyên gia về biển chẳng lẽ ông Tiêu không hiểu được những điều tối thiểu này.
Trung Quốc chỉ có một đoạn ngắn ở vịnh Bắc Bộ có bờ biển liền kề với bờ biển của
Việt Nam
và đã được hai bên phân định từ năm 2000. Từ sự thực khách quan này chỉ có thể
rút ra kết luận duy nhất đúng đắn là những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
hoàn toàn không phù hợp với Điều 15 của Công ước luật biển 1982. Mọi toan tính
cắt xén, xuyên tạc Điều 15 này để biện minh cho các yêu sách phi lý của Trung
Quốc ở Biển Đông đều là duy ý chí, không có bất kỳ cơ sở lý luận và thực tiễn
pháp lý nào.

3. Tiếp theo đó, sau khi trích dẫn Khoản
b) Điều 46 của Công ước luật biển 1982 quy định “quần đảo là một nhóm các đảo,
bao gồm các bộ phận của các đảo, các vùng nước nổi giữa và các thành phần tự
nhiên khác có liên quan chặt chẽ với nhau tạo thành một thể thống nhất về địa
lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như vậy về mặt lịch sử”, ông Tiêu cho
rằng “những quy định này hoàn toàn phù hợp với các đảo thuộc quần đảo Nam Sa
(Trường Sa), những đá ngầm, bãi đất bồi của đá ngầm, ghềnh đá ngầm và ghành đá
có thể tạo thành một địa lý đặc trưng tự nhiên của đảo đá”. Không hiểu một chuyên gia về địa chất biển và
luật biển như ông Tiêu lại phải tốn sức đi chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa là
quần đảo để làm gì.

Có lẽ không cần bàn luận thêm về
vấn đề này vì từ lâu quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã được gọi là
“quần đảo”, không cần phải đợi đến khi ông Tiêu viện dẫn Khoản b) Điều 46 của
Công ước luật biển 1982 để chứng minh thì hai quần đảo này mới được gọi là
“quần đảo”. Chỉ có điều cần lưu ý ở đây là từ lâu hai quần đảo này đã là lãnh thổ
của Việt Nam.

4. Ông Tiêu trích dẫn khoản 6 Điều 47 của Công ước luật biển 1982 liên quan đến việc vạch  đường cơ sở quần đảo để kết luận rằng “Trung Quốc
cũng là một quốc gia ven biển. Trung Quốc có các quần đảo, có diện tích lớn hơn
và dân số đông hơn các quốc gia quần đảo khác, Trung Quốc có quyền hưởng các
quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến quốc gia quần đảo mà Công ước quy định” hoàn toàn là một sự ngộ nhận vì Trung Quốc là
một quốc gia lục địa ven biển đâu phải là một quốc gia quần đảo mà được hưởng lợi
ích của quốc gia quần đảo.  

Đúng là
Trung Quốc có đảo Đài Loan có dân số nhiều hơn một số quốc gia quần đảo. Nhưng ông
Tiêu có thể chỉ ra được một quần đảo nào của Trung Quốc có dân số đông hơn các
quốc gia quần đảo hay không?

Dựa trên cơ
sở nào ông khẳng định “Trung Quốc có các quần đảo, có diện tích lớn hơn và dân
số đông hơn các quốc gia quần đảo khác” nên “có quyền hưởng các quyền và lợi
ích hợp pháp liên quan đến quốc gia quần đảo mà Công ước quy định”? Câu trả lời
chỉ có thể là: những suy diễn này của ông Tiêu hoàn toàn vô lý. Không có câu
chữ nào trong Công ước luật biển 1982, không có văn bản pháp lý nào, cả trong
nước và quốc tế cho phép một nước có diện tích lớn hơn và dân số đông hơn nước
khác có quyền yêu sách chủ quyền đối với lãnh thổ của nước khác, dù đó là quần
đảo, đảo hay lục địa. Trung Quốc không có quyền ỷ vào thế có diện tích lớn hơn
và dân số đông hơn các nước khác để yêu sách “quyền lợi lãnh thổ” đối với hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Đúng là ông Tiêu tự đưa ra cho mình
một luật lệ riêng, luật lệ “lấy thịt đè người”, luật lệ “cá lớn nuốt cá bé”, đó
là bản chất bá quyền của Trung Quốc chăng?

5. Ông Tiêu
viện dẫn tiếp Khoản 1, Điều 51 (thuộc Phần IV “các quốc gia quần đảo”) của Công
ước luật biển 1982 để biện minh cho cái gọi là  “quyền đánh bắt hải sản truyền thống” của
Trung Quốc ở Biển Đông với lý lẽ là “các hoạt động đánh bắt cá của người Trung
Quốc trên các đảo và vùng biển phụ cận ở Nam Hải (Biển Đông) đã đước ghi chép
lại từ hơn 2000 năm trước”. Thử hỏi với kỹ thuật cách đây 2000 năm các phương
tiện tàu cá của người dân có thể thực hiện đánh bắt cá ở nơi cách xa bờ biển của
mình hàng ngàn km chăng?

Cần lưu ý
là quy định của Khoản 1 Điều 47 nêu trên là một phát triển tiến bộ của luật
pháp quốc tế, nhằm bảo đảm hài hòa giữa quyền và lợi ích của các quốc gia quần
đảo với quyền và lợi ích của các quốc gia lục địa, trong đó có các quốc gia kế
cận. Theo quy định của Khoản 1 này các “quốc gia quần đảo” chỉ phải tôn trọng
“các điều ước hiện hành đã được ký kết với các quốc gia khác và thừa nhận các
quyền đánh bắt hải sản truyền thống và những hoạt động chính đáng khác của các
quốc gia kế cận trong một số khu vực thuộc vùng nước quần đảo”. Như vậy những
quyền được quy định trong Khoản 1 này không phải là các quyền hoặc hoạt động
liên quan đến yêu sách phi lý về chủ quyền, lãnh thổ như ông Tiêu muốn biện
minh.

6. Cuối
cùng, ông Tiêu dừng viện dẫn Khoản 1, Điều 298 (về “những ngoại lệ không bắt
buộc đối với việc áp dụng Mục 2”) của Công ước luật biển 1982 để bao che cho thái
độ “sô vanh”, “bá quyền” của Nhà đương cục Trung Quốc trong việc áp đặt “luật
chơi” của Trung Quốc ở Biển Đông để phản đối “quốc tế hoá” vấn đề Biển Đông.

Quy định
trong Khoản 1, Điều 298 của Công ước luật biển 1982 không liên quan gì đến các
quyền hay lợi ích theo “danh nghĩa lịch sử”. Vì vậy, ông Tiêu không thể vận dụng
quy định này để làm cái mà ông gọi là “bảo vệ chủ quyền” của Trung Quốc “đối
với quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và vùng biển phụ cận”. Quy định trên cũng không
được áp dụng đối với Trung Quốc vì khi phê chuẩn Công ước luật biển 1982 Trung
Quốc không có bất kỳ tuyên bố nào liên quan đến Điều 298 của Công ước.

Như vậy, những
điều khoản của Công ước luật biển 1982 mà ông Tiêu đã trích dẫn nói trên hoàn
toàn không có quy định nào có chứa đựng những nguyên tắc có thể được coi là cơ
sở pháp lý để biện minh cho những đòi hỏi và yêu sách phi lý của Trung Quốc ở
Biển Đông. Trong bài viết của mình, bằng những lời lẽ hoang đường và giải thích
xuyên tạc luật pháp quốc tế ông Tiêu không thay đổi được sự thật. Sự thật đó là:
yêu sách “lợi ích có tính lịch sử”của Trung Quốc đối với Biển Đông nói chung và
yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các
vùng biển phụ cận nói riêng là hoàn toàn phi lý, thiếu căn cứ khoa học và không
phù hợp với Công ước luật biển 1982./.

Công Lý – Duy Thành

RELATED ARTICLES

Tin mới