Tuesday, December 24, 2024
Trang chủUncategorizedNHỮNG NGỤY TẠO CỦA CÁC HỌC GIẢ TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI YÊU...

NHỮNG NGỤY TẠO CỦA CÁC HỌC GIẢ TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI YÊU SÁCH “ĐƯỜNG LƯỠI BÒ”

 

altYêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông được các học giả  Trung Quốc diễn giải dưới nhiều tên khác nhau, như: Giới hạn của đường biên giới, đường nét đứt biên giới quốc gia, đường biên giới biển truyền thống (lịch sử), đường biên giới cực Nam, giới hạn lãnh hải (của Trung Quốc). Các học giả nước ngoài thường gọi “đường lưỡi bò” là “đường đứt khúc 9 đoạn” hay “đường chữ U”).

Một học giả người Trung Quốc tên là Yu Peter Kien-Hong cho rằng đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông “do một người tên là Hu Jinjie vẽ từ năm 1914 dưới dạng một đường nét liền.

Đến 12/1947 một viên chức của Cộng hòa Trung Hoa tên là Bai Meichu vẽ lại đường này trong một bản đồ cá nhân để thể hiện cảm xúc của mình khi nghe tin Pháp chiếm đóng các đảo Trường Sa năm 1933 nhưng dưới dạng đường đứt khúc gồm 11 đoạn. Theo cách vẽ này thì “đường lưỡi bò” bắt đầu bằng hai đoạn nằm trong Vịnh Bắc Bộ. Đoạn thứ 3 và 4 đi sát và cong đều với bờ biển Việt Nam theo hướng từ Bắc xuống Nam. Đoạn thứ 5 và 6 đi chếch về hướng Đông, ngang qua bãi James Shoal. Đoạn 7 và 8 đi ngược lên phía Bắc, sát với bờ biển của In-đô-nê-xia, Bru-nei và Phi-líp-pin. Các đoạn 9, 10 và 11 tiếp tục đi lên phía Bắc, sát bờ biển Phi-líp-pin và chấm dứt ở vĩ tuyến ngang với đảo Zhongsha (Trung Sa). Như vậy, đường lưỡi bò đã ôm trọn các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều học giả Trung Quốc lại cho rằng yêu sách đường lưỡi bò lần đầu tiên được chính quyền Đài Loan thể hiện trên bản đồ năm 1947. Gần đây nhất, trong bài viết của mình đăng trên Báo “Hải dương Trung Quốc” ông Tiêu Hán Cường cho rằng: “năm 1947 Chính phủ Trung Quốc đã lấy đường ranh giới biển nói trên (đường lưỡi bò) làm đường Quốc giới”.

Trong khoảng từ giữa những năm 50 của thế kỷ XX đường lưỡi bò được thể hiện gồm 9 đoạm đứt khúc, hai đoạn nằm trong Vịnh Bắc Bộ đã bị cắt bỏ.

Trong những năm gần đây phía Trung Quốc thường mập mờ viện cớ “danh nghĩa lịch sử” để lấy “đường lưỡi bò” làm ranh giới đòi hỏi chủ quyền và quyền chủ quyền của Trung Quốc đối với khoảng 80% diện tích của Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Điều làm dư luận quốc tế hết sức sửng sốt là ngày 7/5/2009 Trung Quốc đã mượn danh phản đối Báo cáo chung của Việt Nam và Malaysia và Báo cáo riêng của Việt Nam về ranh giới ngoài thềm lục địa tại Biển Đông để lần đầu tiên chính thức trình bản đồ “đường lưỡi bò” ra Liên Hợp quốc.

Theo hai công hàm nêu trên của Trung Quốc thì đường lưỡi bò chỉ được nêu lên hết sức mập mờ bằng cách mở ngoặc (“xem bản đồ kèm theo”) và quan điểm của Trung Quốc về đường lưỡi bò đã được “biết đến rộng rãi” trong cộng đồng quốc tế (không phải là đã được “công nhận rộng rãi” như biện luận lâu nay của các học giả Trung Quốc).

Ngay sau khi Trung Quốc gửi hai công hàm nêu trên cho Liên Hợp quốc, Việt Nam và Ma-lai-xia đã chính thức gửi công hàm cho Tổng Thư ký Liên Hợp quốc để phản đối ở mức độ khác nhau đối với hai công hàm ngày 7/5/2009 nêu trên của Trung quốc. Tiếp đó, ngày 8/7/2010 In-đô-nê-xia cũng đã gửi công hàm cho Tổng thư ký Liên hợp quốc khẳng định rõ cái gọi là “đường đứt đoạn 9 khúc” (đường lưỡi bò) kèm theo hai công hàm nêu trên của Trung Quốc “hoàn toàn không có cơ sở pháp lý quốc tế và đi ngược lại Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982”. Mới đây nhất, trong công hàm của mình gửi Tổng thư ký Liên Hợp quốc ngày 5/4/2011 Phi-líp-pin cũng khẳng định yêu sách của Trung Quốc đối với “các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển khác như được thể hiện trên bản đồ đường lưỡi bò” đính kèm hai công hàm nêu trên của Trung Quốc… “đều  không có cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là không phù hợp với công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982”.

alt
Đường lưỡi bò phi lý của TQ. Ảnh: Internet.

Học giả các nước, kể cả một số học giả người Trung Quốc đều có chung nhận định rằng đường lưỡi bò là một đòi hỏi quá đáng, hoàn thoàn thiếu cơ sở pháp lý quốc tế, trái với thực tiễn và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982. Những đòi hỏi như vậy không thể chấp nhận được.

Trong bài viết ngắn gọn này người viết chỉ tập trung phân tích một số luận điểm có tính chất ngụy tạo của  các học giả Trung Quốc coi “đường lưỡi bò” như là “đường biên giới” của Trung Quốc.

1. Đường lưỡi bò là “đường biên giới” quốc gia?

Trước hết cần nhấn mạnh rằng không có bất kỳ cơ sở khoa học và pháp lý nào để có thể biện minh cho lập luận cho rằng “đường lưỡi bò” là “đường biên giới” của Trung Quốc, dù đó là biên giới “lãnh hải” nói riêng hay “biên giới trên biển” nói chung vì những lý lẽ sau:

Thứ nhất, theo chính các học giả Trung Quốc thì cho tới nay vấn đề xác định thời điểm và nguồn xuất xứ của “đường lưỡi bò” vẫn là một nghi vấn gây nhiều tranh cãi. Có một vài học giả Trung Quốc nói đường này do tư nhân vẽ từ năm 1914. Một số học giả khác của Trung Quốc lại cho rằng đường lưỡi bò đã được thể hiện trong bản đồ các đảo trên biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) – The Zhong-kuo-nan-hai-ghe-dao-yu-tu từ tháng 4/1935. Theo Li Jinmin & Li Dexia thì đường lưỡi bò lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ các đảo trong biển Nam trung hoa (Biển Đông) – the location map of the South China Sea islands (Namhai Zhudao weizhi tu) do Fu Jiaojin, Wang Xigiuang biên soạn và được Vụ địa lý, Bộ Nội vụ Trung Quốc xuất bản năm 1947.  Lại có học giả nói đường này do chính quyền Đài Loan công bố năm 1948.

Qua cách diễn giải nêu trên của các học giả Trung Quốc cho thấy thời điểm xuất hiện của “đường lưỡi bò” là không rõ ràng và đây cũng chỉ là việc làm của tư nhân hoặc của một tổ chức không có thẩm quyền về việc ấn hành các bản đồ quy định đường biên giới. Các học giả Trung Quốc không nêu được bất kỳ văn bản pháp lý nào chứng minh được thẩm quyền của Vụ địa lý, Bộ Nội vụ Trung Quốc, cũng như các “tổ chức” khác của Trung Quốc đã công bố bản đồ đường lưỡi bò trong những năm tiếp theo. Việc làm của cá nhân và các tổ chức không có thẩm quyền hoàn toàn không mang danh nghĩa nhà nước. Do đó, có thể khẳng định thời điểm, cách thức thể hiện và nguồn ấn hành bản đồ đường lưỡi bò như các học giả Trung Quốc đề cập trên đây là hoàn toàn không có ý nghĩa chính thức và giá trị pháp lý để coi đường này là đường biên giới.

Thứ hai, dư luận và học giả các nước, kể cả một số học giả Trung Quốc cho rằng đường lưỡi bò được vẽ rất tuỳ tiện về nhiều phương diện khác nhau, nhưng không có bất kỳ giải thích tương ứng nào. Như đã nêu ở trên, ban đầu đường lưỡi bò được vẽ nét liền, sau chuyển vẽ thành 11 đoạn đứt khúc và từ cuối những năm 50 của thế ký XX cho tới nay lại được chuyển vẽ thành 9 đoạn đứt khúc.  Biện minh cho cách vẽ tùy tiện này, ông Tiêu Hán Cường (Xiao Han Qiang) trong bài viết của mình với tiêu đề “ Bảo đảm pháp luật đối với đường quốc giới 9 đoạn (đường lưỡi bò) nhằm duy trì quyền lợi ở Nam Hải (Biển Đông) đăng trên báo “Hải dương Trung Quốc”, kỳ thứ 5 cho rằng “việc biểu thị đường biên giới trên biển, sông, hồ bằng đường đứt khúc là một thông lệ quốc tế được áp dụng rộng rãi. Đây cũng là áp dụng cách làm thông thường của giới học giả”.

Xin lưu ý ông Tiêu rằng cái mà ông gọi là “thông lệ quốc tế” như vừa nêu trên là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý vì đường biên giới trên sông, suối dù được vẽ theo các đoạn đứt khúc hay bằng cách thể hiện nào khác thì cũng đều phải căn cứ trên cơ sở của một văn bản pháp ký được ký kết giữa các nước liên quan, trong đó quy định rõ các nguyên tắc hoạch định biên giới theo sông, suối. Theo thông lệ quốc tế, đường biên giới trên sông suối thường được hoạch định theo giữa dòng chảy chính đối với sông, suối tàu thuyền không đi lại được, hoặc là theo giữa lạch giao thông chính đối với sông, suối tàu thuyền đi lại được. Như vậy, trường hợp vẽ đường biên giới trên sông, suối khác hoàn toàn về đối tượng và bản chất pháp lý so với cách vẽ của đường lưỡi bò. Giới học giả có thể  “áp dụng cách làm thông thường” để minh họa các ranh giới trên biển, hồ như ông Tiêu lý giải, nhưng một nhà nước không thể áp dụng cách làm không chính thức như vậy của các học giả để vạch “đường biên giới” trên biển, nhất là đường đó được vẽ trong những năm giữa của thế kỷ XX.

Một sự tùy tiện nữa của đường lưỡi bò là các đoạn đứt khúc được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Có bản đồ vẽ đường này bằng các đoạn đứt khúc xen kẽ từ 2 đến 4 dấu chấm hoặc bằng những dấu gạch ngắn cách đều nhau và kế tiếp nhau liên tục. Có bản đồ lại vẽ đường này bằng các đoạn đứt khúc thông thường. Có bản đồ lại vẽ đường này bằng 9 đoạn đứt khúc theo ký hiệu đường biên giới trên đất liền, trong đó có bản đồ kèm theo hai công hàm của Trung Quốc gửi Liên Hợp quốc ngày 7/5/2009. Trong thực tiễn quốc tế chưa thấy trường hợp nào dùng ký hiệu đường biên giới trên đất liền để vẽ ranh giới các vùng biển, dù đó là ranh giới nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Có học giả còn phát hiện là vị trí các đoạn đứt khúc của đường lưỡi bò cũng bị xê dịch, không đồng nhất giữa các bản đồ. Cuối cùng và cũng là tiêu chí về kỹ thuật bản đồ hết sức quan trọng là không có các điểm cụ thể, cũng như tọa độ tương ứng của các điểm đó để có thể xác định rõ ràng được ranh giới mà đường lưỡi bò muốn thể hiện.

Như vậy, đường lưỡi bò hoàn toàn không đáp ứng tính ổn định và bất di, bất dịch của một đường biên giới quốc gia. Không thể coi đường này là một biểu hiện của đường biên giới quốc gia.

Thứ ba, cho tới nay các học giả Trung Quốc cũng còn nhiều ý kiến khác nhau về quy chế pháp lý của vùng biển thuộc phạm vi bên trong đường lưỡi bò. Có học giả coi vùng biển đó là “vùng nước lịch sử”, thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Có học giả coi vùng biển đó thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc. Có học giả lại cho rằng ranh giới đường lưỡi bò là phạm vi quy thuộc các đảo và quần đảo ở Biển Đông thuộc Trung Quốc. Có vẻ như Trung Quốc đã kết hợp hai quan điểm sau (nêu trên) của các học giả Trung Quốc để chính thức hóa lập trường của mình tại hai công hàm gửi Liên Hợp quốc, trong đó khẳng định Trung Quốc có chủ quyền đối với các quần đảo ở Biển Đông và có quyền chủ quyền và “quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của các vùng nước đó” theo bản đồ kèm theo (theo phạm vi đường lưỡi bò).

Thứ tư, việc vẽ và ấn hành bản đồ về đường lưỡi bò không dựa trên cơ sở của các văn bản pháp lý có liên quan. Các học giả Trung Quốc không hề nêu được bất kỳ tư liệu pháp lý nào để biện minh cho thực tế đó.

Về mặt nội luật, cho tới nay đường này cũng chưa bao giờ được nêu trong các văn bản luật hoặc quy phạm pháp luật nào của Trung Quốc. Các tư liệu pháp lý của Trung Quốc cho thấy văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên của nước này về biển là Tuyên bố năm 1958 của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về lãnh hải. Tuyên bố này chỉ quy định lãnh hải của Trung Quốc rộng 12 hải lý và các quyền của Trung Quốc đối với lãnh hải, hoàn toàn không có câu chữ nào đề cập đường lưỡi bò. Hơn nữa, theo Điều 1, Tuyên bố này áp dụng cho cả “quần đảo Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa (Hoàng Sa), Trung Sa, và Nam Sa (Trường Sa) và tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc nhưng tách khỏi đất liền bởi biển cả”. Như vậy, theo Tuyên bố năm 1958 của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về lãnh hải thì vùng biển nằm giữa các quần đảo ở Biển Đông với lãnh hải của Trung Quốc, tức là vùng biển nằm trong phạm vi đường lưỡi bò không phải là vùng biển thuộc biên giới của Trung Quốc, không phải là vùng nước lịch sử của Trung Quốc, mà là biển cả. Luật năm 1992 về lãnh hải và vùng tiếp giáp của nước CHND Trung Hoa cũng chỉ quy định về định nghĩa lãnh hải (rộng 12 hải lý tình từ đường cơ sở), vùng tiếp giáp (cũng rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của Lãnh hải) và quy chế pháp lý của Lãnh hải và vùng tiếp giáp, tuyệt nhiên cũng không có câu chữ nào đề cập đường lưỡi bò hay vùng biển được bao bọc bởi đường lưỡi bò. Tuyên bố năm 1996 của Chính phủ nước CHND Trung Hoa về đường cơ sở lãnh hải của nước CHND Trung Hoa quy định 49 điểm có tọa độ rõ ràng của đường cơ sở của phần lãnh hải kế cận lục địa và 28 điểm có tọa độ rõ ràng của đường cơ sở của phần lãnh hải kế cận quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa). Tuyên bố này không chỉ không nói đến đường lưỡi bò hay vùng biển được bao bọc bởi đường lưỡi bò mà còn mặc nhiên không coi đường lưỡi bò là đường biên giới quốc gia, vì nếu đường lưỡi bò đã là đường biên giới quốc gia, đã bao bọc gần như toàn bộ Biển Đông, trong đó có vùng biển phía Nam đảo Hải Nam và các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì tại sao Trung Quốc phải quy định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Trung Quốc bao quanh đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa. Đó là chưa nói đến việc Tuyên bố nêu trên của Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam đã có công hàm phản đối Tuyên bố này của Trung Quốc. Năm 1998 Trung Quốc đã thông qua Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước CHND Trung Hoa. Luật này cũng không có câu chữ nào đề cập đường lưỡi bò hay vùng biển được bao bọc bởi đường lưỡi bò. Trong Thư phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 Trung Quốc cũng không có tuyên bố nào liên quan đến đường lưỡi bò. Như vậy, các văn bản quy phạm pháp luật của Trung Quốc từ trước tới nay không những không có câu chữ nào đề cập đường lưỡi bò hay vùng biển được bao bọc bởi đường lưỡi bò mà còn đưa ra nhiều quy định chứng tỏ đường lưỡi bò đã không được tính đến khi ban hành các văn bản pháp quy liên quan đó.

Về mặt luật pháp quốc tế, cho tới nay chưa hề có điều ước quốc tế nào, dù là song phương hay nhiều bên có thỏa thuận về đường lưỡi bò. Ngược lại, mỗi khi các học giả Trung Quốc đề cập đường này tại các hội nghị, hội thảo quốc tế, trong đó có Hội thảo về khống chế xung đột tiềm tàng ở Biển Đông diễn ra thường niên tại In-đô-nê-xia từ 1990 đến nay đều bị học giả các nước khác phê phán ở nhiều mức độ khác nhau. Mặt khác, theo thông lệ quốc tế đương đại (vào thời điểm đường lưỡi bò được đưa ra) thì các nước chỉ có chủ quyền đối với lãnh hải có chiều rộng 3 hải lý. Theo Công ước Giơ-ne-vơ năm 1958 về lãnh hải và vùng tiếp giáp, một văn bản pháp lý quốc tế phổ cập đầu tiên về biển thì các nước ven biển cũng chỉ  có chủ quyền đối với lãnh hải và quyền chủ quyền đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, phần biển còn lại được coi là biển cả. Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 đã công nhận chủ quyền của các nước đối với lãnh hải, đồng thời mở rộng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ra một vùng biển rộng lớn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, nhưng cũng không có bất kỳ quy định nào có thể biện minh cho các yêu sách mở rộng ranh giới vùng biển quá đáng tương tự như đối với đường lưỡi bò. Như vậy, yêu sách đường lưỡi bò hoàn toàn không phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Tóm lại, những phân tích trên đây cho thấy đường lưỡi bò đã được vẽ hết sức tùy tiện, không phù hợp với nguyên tắc và tiêu chuẩn kỹ thuật vẽ bản đồ. Cách thức ấn hành bản đồ về đường lưỡi bò cũng mập mờ, thiếu tính chính thức của một văn bản có liên quan đến biên giới lãnh thổ của một nước. Đường lưỡi bò hoàn toàn không có cơ sở khoa học, không phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế. Do đó, bản đồ vẽ đường lưỡi bò của Trung Quốc hoàn toàn không có giá trị pháp lý.

2. Phải chăng Đường lưỡi bò đã được “thừa nhận rộng rãi” trong cộng đồng quốc tế.

Các học giả Trung Quốc lập luận rằng vì đường lưỡi bò đã tồn tại nửa thế kỷ qua và không có nước nào phản đối nên đường này đã trở thành đường biên giới lịch sử trên biển của Trung Quốc.

Theo Pan Shiying đường lưỡi bò đã “tồn tại nửa thế kỷ nay, không quốc gia nào phản đối và vì vậy đã tạo ra một danh nghĩa lịch sử cho Trung Quốc, là con đường biên giới quốc gia”.

Theo Zhao Guocai, Trung Quốc có quyền lịch sử đối với các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và vùng nước nằm trong vùng yêu sách chín đoạn (đường lưỡi bò). Biển Đông được xem là vùng nước lịch sử của Trung Quốc, đã được “công nhận rộng rãi nửa thế kỷ qua”.

Xin hỏi dựa trên căn cứ nào mà các học giả Trung Quốc lại có thể cho rằng vì đường lưỡi bò đã tồn tại nửa thế kỷ và không có nước nào lên tiếng phản đối nên coi như đã được mặc nhiên công nhận rộng rãi trong cộng đồng quốc tế. Làm sao mà các nước khác phải lên tiếng hoặc cần lên tiếng đối với một việc làm mà, như đã phân tích ở phần trên, cho đến nay ngay cả các học giả Trung Quốc chưa thống nhất được đường lưỡi bò đã xuất hiện lần đầu tiên kể từ thời điểm nào. Các Học giả Trung Quốc cũng chưa nêu rõ tổ chức đã vẽ bản đồ đường lưỡi bò và thẩm quyền của tổ chức đó. Đặc biệt là cho tới nay không chỉ các học giả mà cả giới chức Trung Quốc cũng không bao giờ đưa ra bất kỳ một văn bản pháp lý chính thức nào về đường lưỡi bò, về quyền của Trung Quốc tại khu vực được bao bọc bên trong đường lưỡi bò. Trong khi đó các văn bản quy phạm pháp luật của Trung Quốc từ trước tới nay không những không có câu chữ nào đề cập đường lưỡi bò mà còn đưa ra nhiều quy định chứng tỏ đường lưỡi bò đã không được tính đến khi ban hành các văn bản pháp quy liên quan đó, tức là đường lưỡi bò cũng không có hiệu lực pháp lý ngay cả với Trung Quốc.

Câu trả lời chỉ có thể là các nước hoàn toàn không phải lên tiếng hoặc không cần lên tiếng đối với một việc làm mập mờ, không chính thức của một nước khác, tương tự như đối với yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Cần lưu ý rằng, tuy các nước không chính thức lên tiếng bác bỏ đường lưỡi bò nhưng các học giả và chính khách của nhiều nước đã nhiều lần và qua nhiều kênh khác nhau, như viết bài, tham luận tại các hội thảo, hội nghị quốc tế để phản bác đường đó. Trong trường hợp này sự im lặng của các nước không thể được coi là một “sự công nhận mặc nhiên” đối với đường lưỡi bò.

Tuy nhiên, tình hình đã khác khi ngày 7/5/2009 Trung Quốc lần đầu tiên đã đưa đường lưỡi bò ra Liên Hợp quốc. Chính vì vậy, như đã nêu ở phần trên, một số nước đã ngay lập tức chính thức lên tiếng bác bỏ đường lưỡi bò. Chắc chắn rằng, cùng với thời gian, danh sách các nước chính thức bác bỏ đường lưỡi bò sẽ còn dài thêm nữa.

Một yếu tố nữa chứng tỏ việc các học giả Trung Quốc coi đường lưỡi bò đã được công nhận rộng rãi trong cộng đồng quốc tế chỉ là một điều ngộ nhận chủ quan, hoàn toàn không có cơ sở thực tế và pháp lý, đó là cho tới nay các nước, nhất là các nước trong khu vực vẫn thường xuyên triển khai các hoạt động thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của mình đối với Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982. Một số nước đã tiến hành đàm phán và ký hiệp định về phân định ranh giới các vùng biển của mình ở Biển Đông, bất chấp yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Hơn nữa, có rất nhiều chứng cứ cho thấy các nước xung quanh Biển Đông cũng thường xuyên lên tiếng phản đối công khai và chính thức mỗi khi Trung Quốc có hành động trong vùng biển thuộc phạm vi đường lưỡi bò, coi đó là một hành vi bất hợp pháp, vi phạm chủ quyền, các quyền chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các nước đó.

Một yếu tố nữa cần chú ý là cho dù đường lưỡi bò xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1947 như biện luận của nhiều học giả Trung Quốc thì đường này cũng “sinh sau đẻ muộn” rất lâu so với thời điểm và quãng thời gian nảy sinh và tồn tại của các tranh chấp ở Biển Đông liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là một thực tế khách quan không thể tranh cãi được. Như vậy, ngay từ khi khởi nguồn đường lưỡi bò đã là một tranh chấp của tranh chấp. Vậy thì làm sao có thể coi đường lưỡi bò đã được mặc nhiên “công nhận rộng rãi” chỉ đơn thuần vì đường đó đã “tồn tại nửa thế kỷ nay, không quốc gia nào phản đối”. Vấn đề cần lưu ý ở đây là, như đã nêu ở phần trên, các nước khác đã không lên tiếng chính thức bác bỏ đường lưỡi bò vì đường này đã được đưa ra một cách mập mờ và không chính thức.

Có lẽ phần nào nhận thức được tính phi lý của vấn đề nên Trung Quốc đã cố ý dùng cách thức hết sức mập mờ để nêu đường lưỡi bò ra Liên Hợp quốc (bằng cách mở ngoặc xem bản đồ kèm theo) và cũng mập mờ nêu ra nhận định rằng “quan điểm nhất quán” được nêu trong hai công hàm của  Chính phủ Trung Quốc đã được “biết đến rộng rãi” trong cộng đồng quốc tế. Như vậy, luận điểm của các học giả Trung Quốc coi đường lưỡi bò đã được “công nhận rộng rãi” trong cộng đồng quốc tế cũng mâu thuẫn ngay với quan điểm được Trung Quốc chính thức nêu lên lần đầu tiên tại Liên Hợp quốc.

Tóm lại, không có bất kỳ tiêu chuẩn kỹ thuật nào, không có bất kỳ chứng cứ lịch sử nào, không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào có thể biện minh cho luận điểm của các học giả Trung Quốc coi đường lưỡi bò như là một “giới hạn của đường biên giới”, “đường biên giới biển truyền thống” (lịch sử), “đường biên giới cực Nam”, hay “giới hạn lãnh hải” của Trung Quốc.

Cái gọi là đường lưỡi bò đã được “công nhận rộng rãi” trong cộng đồng quốc tế hoàn toàn chỉ là điều ngộ nhận chủ quan của các học giả Trung Quốc, khác biệt với quan điểm chính thức của Trung Quốc và hoàn toàn không có cơ sở khoa học và pháp lý.

Đường lưỡi bò là một yêu sách quá đáng, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của nhiều nước trong khu vực Biển Đông. Yêu sách đường lưỡi bò đã bất chấp thực tế khách quan là từ lâu các quần đảo Hoàng Sa và Trường sa đã thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam và Việt Nam luôn thực hiện các quyền chủ quyền của mình đối với các vùng biển phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để chứng minh chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các hành động của Trung Quốc nhằm thực tế hóa yêu sách của mình đối với đường lưỡi bò luôn gặp phải sự phản đối công khai và chính thức không chỉ của các nước xung quanh Biển Đông, mà còn của các nước khác trên thế giới.

Đường lưỡi bò trái ngược hoàn toàn với các nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là các Công ước Giơ-ne-vơ năm 1958 về lãnh hải và vùng tiếp giáp, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS)./.

Diệu Linh

 

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới