Wednesday, December 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnASEAN cần đoàn kết trong vấn đề Biển Đông

ASEAN cần đoàn kết trong vấn đề Biển Đông

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN AMM-44 đã khai mạc ngày 19/7/2011, tại Bali, Indonesia với chủ đề “Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng toàn cầu của các quốc gia”. Hội nghị tập trung thảo luận lộ trình, biện pháp đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN trên ba trụ cột vào năm 2015; phát huy vai trò của ASEAN trong việc củng cố hoà bình, an ninh và ổn định của khu vực cũng như trên thế giới; tăng cường khả năng phục hồi kinh tế khu vực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính và sự nổi lên của các nền kinh tế châu Á với tư cách là một động lực tăng trưởng chủ yếu của kinh tế toàn cầu.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 (AMM44). Ảnh: AP

 

Như thường lệ, vấn đề Biển Đông tiếp tục làm nóng nghị trường. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng thống Indonesia Yudhoyono nhấn mạnh: ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, nhưng sau 9 năm vẫn chưa thống nhất được nội dung thực thi DOC, mọi chuyện tiến triển quá chậm. Do đó ASEAN cần đạt được tiến bộ trong vấn đề Biển Đông, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện các hướng dẫn thực thi DOC để hai bên bước sang giai đoạn mới, đó là xác định các nội dung cơ bản của Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm khẳng định với thế giới rằng tương lai Biển Đông có thể dự báo, quản lý và giải quyết được.

Thông cáo chung được đưa ra sau khi Hội nghị kết thúc, trong đó vấn đề Biển Đông được nêu bật: Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) và DOC; khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy một môi trường hòa bình, thân thiện và hài hòa trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định, tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng trong khu vực; nhấn mạnh DOC là cam kết tập thể quan trọng giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc để bảo đảm giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khu vực, phù hợp với UNCLOS; kêu gọi tất cả các bên tôn trọng tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông theo quy định của các nguyên tắc được luật pháp quốc tế thừa nhận….

Tiếp xúc với báo giới, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario cho biết sau khi thông báo chi tiết với các Bộ trưởng ASEAN về đề xuất của Philippines về việc định nghĩa vùng biển nào ở Biển Đông đang bị tranh chấp, Philippines buộc phải đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) phân xử; nhấn mạnh Philippines tìm kiếm sự phân xử của bên thứ ba theo UNCLOS. Ông Rosario cho biết yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc năm 2009 đã làm thay đổi cục diện, do đó yếu tố này cần phải được xem xét; thúc giục ASEAN đoàn kết và đồng lòng yêu cầu Trung Quốc làm rõ và định nghĩa những cơ sở khi đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn”. Singapore đã yêu cầu Trung Quốc định nghĩa và làm rõ yêu sách này, Philippines và Indonesia đã đưa vấn đề này lên Liên hợp quốc. Ông Rosario cũng cho biết một đoàn chuyên gia luật từ các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông sẽ đến Philippines vào tháng 9/2011 để đánh giá các tiêu chí trước khi đệ trình vấn đề lên Liên hợp quốc vào tháng 11/2011. Cũng trong buổi họp báo ngày 19/7, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho rằng Việt Nam có thể nắm vai trò điều phối quan trọng trong tiến trình đi đến những giải pháp hòa bình trên Biển Đông, trong đó có việc thực thi DOC và xây dựng COC.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo Nikkei (Nhật Bản) ngày 19/7, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro nhấn mạnh tranh chấp về Biển Đông cần được giải quyết thông qua các cuộc thảo luận đa phương. Lâu nay, Trung Quốc luôn khăng khăng muốn giải quyết tranh chấp bằng đối thoại song phương. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Yusgiantoro, đàm phán đa phương sẽ giúp giảm căng thẳng giữa Bắc Kinh và ASEAN. Dự kiến, vấn đề Biển Đông sẽ tiếp tục được bàn trong Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF-18) vào ngày 23/7. Ngoài các nước ASEAN, tham dự còn có các đối tác lớn như Mỹ, và Trung Quốc, EU, Nga, Ấn Độ, Nhật và Úc. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton được dự đoán sẽ tái nhấn mạnh ở diễn đàn rằng nước này có lợi ích quốc gia trong việc bảo đảm tự do hàng hải và chống lại các đe đọa trong khu vực.

 

 

 

RELATED ARTICLES

Tin mới