Wednesday, December 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnGiao Long lặn ngụp gì ở dưới biển sâu?

Giao Long lặn ngụp gì ở dưới biển sâu?

BienDong.Net: Ngày 25/7, Trung Quốc đã cho siêu tàu lặn Giao Long xuống tới độ sâu 5.057m dưới đáy Thái Bình Dương, trở thành quốc gia thứ năm trên thế giới sở hữu công nghệ lặn sâu trên 3.500m.

Hoạt động của Giao Long đang làm dấy lên mối lo ngại rằng nó có thể được sử dụng cho các mục đích quân sự và tranh giành tài nguyên biển.

Chinh phục đáy biển

Jin Jiancai, Tổng thư ký Hội Nghiên cứu và Phát triển Khoáng sản Đại dương Trung Quốc (COMRA), nói rằng nhiệm vụ hiện nay của Giao Long sẽ kéo dài 47 ngày với 4 cuộc lặn.

Ba thành viên tổ lái Giao Long là Tang Jialing, Fu Wentao và Ye Cong, đã có nhiều thời gian luyện tập cùng con tàu kể từ năm 2005.

Cho tới trước đó, cuộc lặn sâu nhất con người từng thực hiện là trên thiết bị thăm dò đáy biển Trieste hồi năm 1960. Với lòng tàu rộng chỉ hơn mét và phần vỏ tàu bằng thép dày hơn 10cm, nó đã xuống tới Challenger Deep, điểm sâu nhất nằm trong vùng vực Mariana nổi tiếng ở Thái Bình Dương.

Trieste, với hình dáng giống như một quả khí cầu, đã đưa Jacques Piccard, con trai của nhà sáng chế ra con tàu và Don Walsh, một sĩ quan Hải quân Mỹ, xuống độ sâu 10.916m dưới mặt nước biển, bất chấp việc một trong những cửa sổ của con tàu đã bị nứt vì áp suất.

Hai người đàn ông sau này báo cáo rằng họ thậm chí đã nhìn thấy những con cá bơn đang bơi trên lớp bùn ở dưới đáy biển. Tới tận ngày nay, vẫn chưa ai có thể vượt qua được kỳ tích của họ.

Giao Long sau một phi vụ lặn sâu ở đáy Biển Đông. Ảnh Internet.

Giới chức Trung Quốc cho hay, Giao Long, dài 8,2m, nặng gần 22 tấn, được xem là tàu lặn biển có người lái duy nhất trên thế giới có thể đạt được đến độ sâu 7.000m. Tàu Shinkai 6500 của Nhật Bản có khả năng đạt được độ sâu 6.500m.

Trung Quốc bắt đầu phát triển Giao Long từ năm 2002. Tàu lặn sâu và tàu mẹ của nó đã được hoàn thành 6 năm sau đó, với sự tham gia của khoảng 100 viện nghiên cứu và công ty khắp đất nước.

Được biết, tàu lặn Trung Quốc đặt ra mục tiêu hoàn thành việc chinh phục độ sâu 7.000m dưới mực nước biển vào năm 2012.

Các đại dương chiếm khoảng 70% bề mặt trái đất và có độ sâu trung bình 4.000m. Vì vậy, tàu lặn này sẽ cho phép Trung Quốc tiếp cận tới 99,8% đáy biển của thế giới.

Tàu lặn sâu nhất có người lái của Mỹ hiện đang sử dụng là chiếc Alvin, hạ thủy năm 1964 nhưng chỉ có thể lặn tới tối đa là 4.500m. Phiên bản nâng cấp, được thiết kế để lặn ở độ sâu 6.500m, phải đến 2015 mới hoàn thiện.

Nhiều chuyên gia cho rằng đầu tư của Mỹ cho những nghiên cứu đáy biển sâu đã giảm sút trong hai thập kỷ qua. Một hạn chế nữa của Mỹ là nước này chưa phê chuẩn Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và vì vậy Mỹ chỉ là một quan sát viên chứ chưa phải thành viên đầy đủ của Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế (ISA), một tổ chức của Liên Hợp Quốc giám sát việc thăm dò dưới đáy đại dương.

Trong khi đó, Trung Quốc đã ký UNCLOS và là một thành viên của ISA, đã chủ động khám phá biển sâu từ năm 2002 khi bắt đầu Chương trình phát triển và khai thác biển sâu gồm cả kế hoạch phát triển Giao Long.

Trung Quốc cũng dự định xây dựng một căn cứ nghiên cứu quốc gia ở thành phố ven Thanh Đảo nhằm đẩy mạnh nghiên cứu và tìm kiếm năng lượng và khoáng sản dưới đáy biển sâu.

Công cụ thỏa mãn cơn khát khoáng sản

Được biết Giao Long nằm trong kế hoạch phát triển công nghệ cao của Trung Quốc mang tên Kế hoạch 863, triển khai hồi năm 2002. Hơn một nửa linh kiện và trang thiết bị dùng để chế tạo Giao Long được làm tại Trung Quốc. Dù sứ mạng của Giao Long hiện chỉ là thuần túy mang mục đích khoa học, chính phủ Trung Quốc vẫn hy vọng khả năng khám phá biển sâu sẽ khiến nó trở thành công cụ tìm kiếm và giúp khai thác các mỏ khoáng sản lớn dưới đáy biển.

“Đại dương có các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Vì vậy, đây là một bước tiến lớn để chúng tôi bắt đầu chú ý tới khám phá khoáng vật đại dương”, Giáo sư Wang Pinxian, Trưởng phòng thí nghiệm quốc gia về địa lý biển của Trường đại học Shanghai Tongji nhận xét.
Ông Wang Pinxian cũng cho biết ông đang chủ trì một dự án nghiên cứu trị giá 150 triệu Nhân dân tệ (23 triệu USD) và sang năm sẽ sử dụng Giao Long để thăm dò một khu vực núi lửa ở Biển Đông.

Các nghiên cứu cho thấy một số mỏ quặng dưới đáy biển có trữ lượng dồi dào hơn trên đất liền, trong đó có vàng và cobalt, vốn được dùng để làm hợp kim thép và sơn. Ngoài ra còn phải kể đến các nguyên liệu cơ bản rất quan trọng khác như đồng, chì, sắt, thiếc, nickel, mangan, đất hiếm…, những mỏ khí tự nhiên và dầu lửa mà Trung Quốc rất cần để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế mà cho đến nay họ vẫn không thể tiếp cận.

Trung Quốc hiện đã ký một thỏa ước với ISA, theo đó, trong giai đoạn đầu của hợp đồng kéo dài 15 năm này, COMRA được phép thăm dò 150.000 km2 đáy biển để tìm kiếm polymetallic nodule, là những cục kết tủa quặng kim loại. Diện tích được phép thăm dò sẽ giảm xuống 75.000 km2 sau tám năm đầu thăm dò.
ISA vừa tiến hành hội họp từ ngày 11-22/7 ở Kingston, Jamaica, để xem xét 4 đơn xin thăm dò khoáng sản tại vùng biển do họ quản lý. Trong đó 2 lá đơn từ Nga và Trung Quốc muốn tìm quặng polymetallic sulphide, vốn chứa chủ yếu đồng, thiếc, kẽm, vàng và bạc. Giới chuyên gia nói rằng trong lòng biển, quặng này tập trung trong nhiều mỏ lớn, với trữ lượng có thể lên đến 100 triệu tấn. Phần lớn trong số 100 mỏ quặng như vậy đã được tìm thấy ở Thái Bình Dương nhất là gần các khu vực núi lửa hoạt động. Nhưng người ta mới chỉ thăm dò được 5% lòng biển, qua đó cho thấy vẫn còn rất nhiều mỏ khoáng sản dưới đáy biển chưa được tìm thấy.

Nhằm phục vụ cho việc khai thác khoáng sản dưới đáy biển, Trung Quốc đã thành lập một viện nghiên cứu hải dương ở Thanh Đảo. Nước này cũng có kế hoạch cho ra đời một tàu khoan thăm dò biển sâu và một mạng lưới các thiết bị theo dõi đáy biển tự động.

Tiềm năng quân sự

Trong khi Trung Quốc không che giấu tham vọng khai thác khoáng sản dưới đáy biển, nước này nói rất ít về tiềm năng quân sự của các phương tiện như Giao Long.

Tuy nhiên giới phân tích nói rằng con tàu có thể phục vụ các nhiệm vụ quan trọng cho quân đội Trung Quốc, như cài thiết bị theo dõi vào hệ thống liên lạc cáp quang chạy dưới đáy biển của các nước khác, thu thập các vũ khí hạt nhân và tên lửa bị thất lạc dưới biển, và chụp hình đáy biển với độ phân giải cao để phục vụ cho hoạt động của hạm đội tàu ngầm nước này.

Theo giới phân tích, cơn khát tài nguyên của Trung Quốc cùng với sự gia tăng nhanh chóng các khả năng quân sự, thái độ quả quyết, thậm chí là gây hấn hơn trong tuyên bố chủ quyền biển của Trung Quốc đã gây ra nhiều quan ngại với cộng đồng quốc tế.

Năm ngoái, trong một lần lặn sâu ở đáy Biển Đông, tàu Trung Quốc đã cắm cờ của họ ở đáy biển và nhiều người coi đó là một hành động khiêu khích. Với yêu sách đường 9 đoạn ở Biển Đông, Trung Quốc không chỉ thách thức nghiêm trọng chủ quyền của các nước trong khu vực mà còn đe doạ các quyền tự do và lợi ích hợp pháp của các nước ngoài khu vực.

Bạch Đằng

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới