Wednesday, December 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTrung Quốc sẽ tung tàu sân bay đầu tiên ra Biển Đông

Trung Quốc sẽ tung tàu sân bay đầu tiên ra Biển Đông

BienDong.Net: Một ngày sau khi hoàn tất cuộc chạy thử tàu sân bay đầu tiên trên Hoàng Hải, Trung Quốc công khai tuyên bố địa bàn hoạt động của con tàu này sẽ là Biển Đông.

Một loạt tờ báo trong khu vực, trong đó có hãng tin PTI của Ấn Độ và Ariang của Hàn Quốc ngày 17/8 đã đồng loạt đăng lại thông tin này từ trang mạng People’s Daily Online của Trung Quốc, và cho rằng quyết định này một lần nữa chứng tỏ tham vọng thâu tóm Biển Đông của Bắc Kinh, bất chấp quyền lợi của các nước Đông Nam Á.

People’s Daily Online hôm 16/8 dẫn nguồn tin quân sự cấp cao ở Bắc Kinh tiết lộ chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sẽ được triển khai trong vùng biển Nam Hải (tên được Trung Quốc dùng để gọi Biển Đông).

Báo này cho biết, con tàu sẽ chính thức đi vào hoạt động, phục vụ trong lực lượng Hải quân Trung Quốc vào tháng 8 năm 2012, và lễ đặt tên chính thức cho con tàu sẽ được tổ chức trong tháng 10 tới.

Cũng theo People’s Daily Online, tàu sân bay này sẽ góp phần tăng cường năng lực chiến đấu và răn đe của hải quân Trung Quốc. Một dấu hiệu cho thấy tầm mức quan trọng của chiếc tàu sân bay là nó được đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương Trung Quốc, định chế lãnh đạo cao nhất của quân đội hiện do Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào làm Chủ tịch.

Tàu sân bay Trung Quốc trở lại cảng Đại Liên sau 5 ngày thử nghiệm

Hãng tin AFP viết: Trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh với nhiều láng giềng Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines và Việt Nam đang căng thẳng sau một loạt các hành động thô bạo của Trung Quốc nhằm áp đặt đòi hỏi chủ quyền của họ tại Biển Đông, quyết định điều chiếc tàu sân bay đến vùng tranh chấp này đương nhiên làm cho tình hình trong khu vực căng thẳng thêm.

Ngoài việc thông báo kế hoạch triển khai, People’s Daily Online cũng tiếp tục tung ra những tín hiệu đe dọa gián tiếp khi nêu bật vai trò “chiến lược” của loại phương tiện quân sự mới này.

Trích lời tướng Trung Quốc Kiều Lương, tờ báo cho biết với tàu sân bay này, “Trung Quốc có thể nới rộng phạm vi tác chiến ra ngoài chuỗi đảo đầu tiên… Giành được quyền kiểm soát trên không là điều kiện tiên quyết để tác chiến bằng lực lượng hải quân, đặc biệt là ở những vùng cách xa lục địa.

Trong bài viết trên trang web của tờ Asiatimes tại Hồng Kông, một nhà quan sát cho rằng với một tàu sân bay sẵn sàng hoạt động và đặt căn cứ hải quân ở Tam Á, Trung Quốc rõ ràng là muốn duy trì uy lực trên không ở bất kỳ nơi nào trên Biển Đông.

Căng thẳng Biển Đông đã gia tăng mạnh mùa hè này với việc cả Việt Nam và Philippines cùng lên tiếng cáo buộc Trung Quốc tăng cường các hành động gây hấn để khẳng định tuyên bố chủ quyền biển. Vào ngày 26/5 và 9/6, tàu Trung Quốc đã hai lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Việt Nam khi các tàu này hoạt động trong phạm vi chủ quyền của Việt Nam. Manila khẳng định, Trung Quốc ít nhất đã 6 lần xâm nhập vào vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Biển Đông trải dài từ bờ biển phía tây của Singapore tới eo biển Đài Loan với diện tích khoảng 3.500.000 km vuông. Đây là một hình thể biển lớn nhất sau 5 đại dương. Các đảo ở Biển Đông có số lượng nhiều, tập hợp thành một số quần đảo, rất nhiều trong số này là các đảo chìm, đảo đá không có người ở.

Biển Đông sở hữu một khối lượng đáng kinh ngạc về đa dạng sinh học và tài nguyên biển, có tiềm năng lớn về dầu khí, thủy sản và ước tính chiếm 30% các rạn san hô của thế giới.

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc từng gọi vùng biển này là “Vịnh Ba Tư thứ hai”. Tờ báo cho biết, Biển Đông chứa đựng hơn 50 tỉ tấn dầu thô và hơn 20.000 tỉ mét khối khí. Con số này gấp khoảng 25 lần trữ lượng dầu và 8 lần trữ lượng khí của Trung Quốc đã được kiểm chứng.

Tháng 5/2009, lần đầu tiên Bắc Kinh trương ra trước thế giới tấm bản đồ hình chữ U đòi sở hữu 80% diện tích Biển Đông, phớt lờ chủ quyền của các nước khác trong khu vực. Đến đầu năm 2010, Trung Quốc lại khẳng định rằng Biển Đông “thuộc pham trù lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”.

Giới phân tích cho rằng, việc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được triển khai trên Biển Đông là nhằm gia tăng áp lực với các quốc gia khác thông qua việc sử dụng căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam. Sự có mặt của con tàu còn được coi là mối đe dọa với Nhật Bản bởi Hải Nam cách quần đảo Điếu Ngư (tiếng Trung Quốc) hay còn gọi là Senkaku(tiếng Nhật) khoảng 1.500km. Quần đảo này là nơi tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Chi Lăng ( tổng hợp )

RELATED ARTICLES

Tin mới