Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTại sao Trung Quốc mềm mỏng hơn với các nước láng giềng?

Tại sao Trung Quốc mềm mỏng hơn với các nước láng giềng?

Báo “Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng” ngày 12/9 có bài “Bắc Kinh tỏ lập trường mềm mỏng hơn với các nước láng giềng”. BBC trích lược trong bài này quan điểm của một số chuyên gia Trung Quốc sau chuyến thăm Việt Nam của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc.

Những nỗ lực ngoại giao gần đây để cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, vốn bị ảnh hưởng do tranh chấp trên Biển Đông, cho thấy Bắc Kinh đang có cách tiếp cận hòa giải hơn để giải quyết căng thẳng.

Quan hệ ngoại giao và quân sự với Việt Nam và Philíppin được củng cố thông qua một loạt chuyến thăm cấp cao trong hai tuần qua. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Philíppin Benigno Aquino đã gặp nhau ngày 31/8 tại Bắc Kinh và tái khẳng định cam kết giải quyết một cách hòa bình vấn đề tranh chấp lãnh thổ trong khu vực Biển Đông.

Không ngừng phô trương sức mạnh quân sự, Trung Quốc đã đi ngược lại với tuyên bố “trỗi dậy hoà bình”. Ảnh: Phlilstar.

Ngày 29/8, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã gặp Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh để mở đường cho chuyến thăm Trung Quốc trong năm nay của tân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Và tuần trước, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc đã đến Hà Nội gặp Phó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân. Cả hai ông đã đồng chủ trì một phiên họp về quan hệ song phương và thảo luận các vấn đề chiến lược và quan trọng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc cho biết Bắc Kinh sẽ làm việc với Hà Nội để giữ mối quan hệ song phương đi đúng hướng. Thiếu tướng đã nghỉ hưu Từ Quang Vũ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ không để cho mối quan hệ với Việt Nam và Philíppin xấu đi. Ông Vũ nói: “Bắc Kinh nhận ra rằng bất kỳ cuộc xung đột nào với các nước láng giềng sẽ không chỉ gây tổn hại cho an ninh khu vực mà còn làm tổn thương phát triển kinh tế của Trung Quốc và điều đó sẽ chỉ đem lại lợi ích cho bên thứ ba”. Ông Vũ từ chối đề cập bên thứ ba là nước nào.

Trong khi đó, học giả Vương Hàn Lĩnh, một chuyên gia về vấn đề hàng hải và luật quốc tế tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho rằng “bên thứ ba” là Mỹ. Giáo sư Vương nói: “Bắc Kinh biết điều này rất rõ và nhận ra rằng Oasinhtơn sẽ sử dụng các tranh chấp ở Nam Hải (Biển Đông) để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc”.

Ông Vương cho biết ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh sẽ là duy trì tốt mối quan hệ với tất cả các nước láng giềng liên quan tới tranh chấp trên biển, bởi vấn đề phức tạp này không thể giải quyết được trong một thời gian ngắn. Căng thẳng trong tranh chấp tại Biển Đông nên được kiểm soát, không được phép leo thang, vì sẽ chỉ gây tổn hại cho sự phát triển kinh tế và an ninh khu vực Đông Nam Á.

Tiến sĩ Trương Minh Lượng, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam ở Quảng Châu, cũng cho rằng Bắc Kinh phải giữ mối quan hệ tốt về ngoại giao và quân sự với Hà Nội. Ông nói: “Không giống như quan hệ Trung-Mỹ, vốn bị đình chỉ nhiều lần trong hai thập niên qua, chúng ta không thể dễ dàng cắt quan hệ với Việt Nam và Philíppin. So với Việt Nam và Philíppin, Trung Quốc là nước quá lớn. Nếu Bắc Kinh quá lớn tiếng (về tranh chấp trên biển), các nước nhỏ hơn cảm thấy bị đe dọa và sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía Mỹ”.

Mai Trang (Theo BBC).

RELATED ARTICLES

Tin mới