Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTRUNG QUỐC KHÔNG THỂ NGĂN CẢN XU HƯỚNG QUỐC TẾ HOÁ VẤN...

TRUNG QUỐC KHÔNG THỂ NGĂN CẢN XU HƯỚNG QUỐC TẾ HOÁ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

Dư luận quốc tế trong tháng 11 vừa qua tập trung nhiều sự quan tâm tới khu vực Đông Nam Á bởi ở đây vừa diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19 và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 6, tổ chức tại Indonesia. Trước khi diễn ra các hội nghị nói trên, nhiều con mắt đã chú ý đến quan điểm của các nước ASEAN và quan điểm của các nước lớn đối với trước khi đến hội nghị và những phỏng đoán về vấn đề sẽ được nói đến nhiều trong phòng họp của các vị nguyên thủ quốc gia.

Mọi người đã không nhầm. Vấn đề Biển Đông một lần nữa lại nổi lên, chiếm sự quan tâm đi cùng với lo ngại của các nước trong và ngoài khu vực. Điều đó cho thấy là khi nói đến tình hình ở khu vực Đông Nam Á hiện nay, người ta không thể không nói đến tình hình Biển Đông.

 

Lâu nay Trung Quốc rất dị ứng đối với vấn đề quốc tế hoá Biển Đông. Nước này cho đến nay vẫn giữ quan điểm chỉ giải quyết những vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền trong phạm vi song phương. Trung Quốc không muốn nước ngoài can dự và đóng góp sáng kiến bảo vệ hoà bình ở đây. Thậm chí, trước khi đi đến Hội nghị ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á, Trung Quốc đã ráo riết vận động, gây sức ép, hứa hẹn viện trợ kinh tế… với mong muốn sẽ có rất ít quốc gia đề cập tới vấn đề Biển Đông tại các hội nghị này.

Biển Đông, xét về các khía cạnh tự nhiên, địa lý, kinh tế, hàng hải, luật pháp, chính trị… mang thuộc tính quốc tế, liên quan đến nhiều nước trong và ngoài khu vực và liên quan cả đến những vấn đề toàn cầu khác như ứng phó với biến đổi khí hậu; giảm thiểu thiên tai, thảm hoạ thiên nhiên trên biển; bảo vệ môi trường biển, chống cướp biển… Biển Đông với những vấn đề vấn đề giải quyết tranh chấp về chủ quyền, vấn đề bảo vệ hoà bình, ổn định và phát triển, vấn đề hợp tác nghiên cứu khoa học, vấn đề vấn đề yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc… cần phải được thế giới góp chung tiếng nói và giải pháp để Biển Đông trở thành khu vực hoà bình, hợp tác và phát triển.


Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần 6. Ảnh: Xinhua.

Có thể thấy, những cố gắng của Trung Quốc đã không đạt được kết quả. Tuyên bố chung Hội nghị cấp cao ASEAN 19 đã dành một trang đề cập đến vấn đề Biển Đông, trong đó các nhà lãnh đạo tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của Tuyên bố về ứng xử tại Biển Đông (DOC) mà ASEAN ký với Trung Quốc năm 2002; nhấn mạnh chủ truơng của ASEAN giải quyết các tranh chấp trong khu vực bằng biện pháp hoà bình, dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Còn tại Hội nghị cấp cao Đông Á ngày 19/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức nêu vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh tính chất quốc tế của vấn đề này. Phát biểu của Tông thống Mỹ, rằng: “Dù chúng tôi không phải là một nguyên đơn trong vụ tranh chấp Biển Đông, chúng tôi có lợi ích mạnh mẽ trong việc duy trì an ninh hàng hải nói chung, và trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông nói riêng, với tư cách là một cường quốc thường trú tại Thái Bình Dương, một quốc gia hàng hải, một quốc gia thương mại, và một nước đảm bảo cho nền an ninh trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” đã nhận được sự tán thành của hầu hết các nguyên thủ quốc gia tại hội nghị, thể hiện qua 16 phát biểu của 18 vị nguyên thủ. Kết thúc cuộc họp, Tổng thống Indonesia, chủ tịch ASEAN năm 2011 đã kết luận “Tôi có thể mô tả cuộc thảo luận ngày hôm nay là tất cả chúng ta đã bàn thảo về Biển Đông một cách rất xây dựng”. Có nghĩa là, vấn đề Biển Đông đã đương nhiên được quốc tế hoá, cho dù Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố không muốn đề cập đến vấn đề Biển Đông trong hội nghị cấp cao Đông Á

Trước đó một ngày, trong hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ 18/11/2011, Tổng thống Obama đã nhấn mạnh với các nước ASEAN rằng Biển Đông cần được giải quyết một cách đa phương, với ASEAN như một khối hoặc với các nước có tranh chấp gộp lại. Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh biện pháp giải quyết tranh chấp bằng hoà bình, phù hợp với pháp luật quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Những gì đã diễn ra tại các hội nghị nói trên cũng như việc vấn đề Biển Đông được nhắc đến nhiều lần đã cho thấy một xu hướng tất yếu hiện đang diễn ra, đó là vấn đề Biển Đông phải được quốc tế hoá. Trung Quốc, dù đã rất cố gắng ngăn cản nhưng vẫn không thể đảo ngược được xu thế này. Báo chí phương Tây (New York Times, BBC, RFI…) đưa tin: Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã rơi vào thế thủ khi phải đối mặt với vấn đề Biển Đông trong các hội nghị, mặc dù Trung Quốc không muốn. Ôn Gia Bảo đã lần lượt chuyển từ cáu giận sang xây dựng, và bắt buộc phải nói tới vấn đề Biển Đông để khỏi mang tiếng “bất lịch sự” trước những quan tâm và lo ngại của hầu hết các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á.

Tại hội thảo quốc tế với chủ đề “Canada, Mỹ, Trung và các vấn đề an ninh biển Bắc Cực và Biển Đông” tổ chức tại Canada tháng 9/2011, các học giả cho biết Trung Quốc có lợi ích rất lớn và quan tâm đến Bắc Cực do các nhân tố hàng hải, tài nguyên và nghiên cứu khoa học. Trung Quốc là quốc gia Châu Á đang xin tham gia với tư cách là quan sát viên của Hội đồng Bắc Cực (chỉ gồm những quốc gia ven vùng này) với mong muốn có tiếng nói và được chia sẻ lợi ích ở Bắc Cực. Tại sao Trung Quốc muốn can dự vào Bắc Cực trong khi lại kiên quyết phản đối sự tham gia của quốc tế trong vấn đề Biển Đông? Nếu Trung Quốc cứ khăng khăng cản trở tính quốc tế hoá Biển Đông thì chỉ càng làm cộng đồng quốc tế e ngại và không tin tưởng vào những gì Trung Quốc đang nói và làm, sẽ chỉ làm Trung Quốc mang tiếng là người chơi không đúng luật, hoặc người chơi khôn lỏi, tham gia sân chơi quốc tế nhưng chỉ lợi dụng những cái gì có lợi cho mình.

Ngăn cản việc quốc tế hoá vấn đề quốc tế của Biển Đông là điều thiển cận, không phù hợp với tình hình hiện nay. Điều này chỉ cho thấy hai vấn đề: Biển Đông là vấn đề quốc tế, và Trung Quốc không thể ngăn cản việc quốc tế hoá Biển Đông./.

Minh Ngọc 12/2011

RELATED ARTICLES

Tin mới