Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChặn đứng âm mưu gây chiến, dùng vũ lực giải quyết vấn...

Chặn đứng âm mưu gây chiến, dùng vũ lực giải quyết vấn đề Biển Đông của Bắc Kinh

Thời gian qua, trong lúc Việt Nam, Phi-líp-pin và các nước ASEAN khác đang nỗ lực thúc đẩy các bên liên quan tiến tới một Thỏa thuận về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông mang tính ràng buộc pháp lý (COC) thì với vai trò là một bên tranh chấp và đã ký kết với ASEAN về các nguyên tắc ứng xử ở Biển Đông (DOC), Bắc Kinh lại thông qua báo chí chính thức để tung ra những lời lẽ hiếu chiến, hung hăng, kích động chiến tranh, dùng vũ lực để giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông.

Ai cũng biết từ lâu Bắc Kinh đã ấp ủ tham vọng độc chiếm Biển Đông. Họ đã đưa ra đòi hỏi và yêu sách hết sức ngang ngược về “đường 9 khúc” (còn gọi là “đường lưỡi bò”) từ đó đòi hỏi chủ quyền đối với toàn bộ vùng Biển Đông, nơi mà nhiều nước khác trong đó có Việt Nam luôn khẳng định có chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng thềm lục địa 200 hải lý theo Công ước Luật biển năm 1982.

 

Bắc Kinh từng đe dọa sẽ dùng mọi biện pháp kể cả vũ lực để bảo vệ cái gọi là “lợi ích cốt lõi” của họ ở Biển Đông. Ngày 9/10, tờ báo điện tử “China Daily” lớn tiếng nói rằng “Đối với vấn đề Biển Đông, điều Trung Quốc cần làm không phải là chờ đợi mà là đánh trước” khi Việt Nam và Phi-líp-pin còn chưa đủ mạnh để có thể chống lại Trung Quốc. Trước đó, ngày 27/9, tờ “Thời báo Hoàn cầu” chính thức của Trung Quốc đã trắng trợn hô hào “Đã đến lúc sử dụng vũ lực tại Biển Đông với Việt Nam, Phi-líp-pin, lấy chiến tranh để ngăn chặn chiến tranh…” Đây là những lời lẽ kích động chiến tranh rất trắng trợn, là sự thách thức dư luận trong khu vực và thế giới. Đáng chú ý là những lời lẽ sặc mùi thuốc súng đó được báo chí Bắc Kinh tung ra chỉ ít ngày trước cuộc đi thăm chính thức Trung Quốc của Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bối cảnh đó, dư luận không thể không đặt ra câu hỏi, việc Bắc Kinh tung ra những luận điệu hiếu chiến nói trên là nhằm mục đích gì?


“Đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông bị nhiều quốc gia phản đối. Ảnh BBC.

Việc làm của Bắc Kinh đã đi ngược lại xu thế hòa bình, ổn định của khu vực. Họ không thể tránh khỏi hệ quả tất yếu sẽ rơi vào thế cô lập bị dư luận khu vực và thế giới lên án. Trong cuộc hội thảo quốc tế do Học viện nghiên cứu Âu Mỹ thuộc Viện nghiên cứu Trung ương Đài Loan Academia Sinica tổ chức tại Đài Bắc ngày 7 và 8/10, nhiều học giả đến từ Mỹ, Canada, Australia, Pháp, Bỉ đã phát biểu tham luận bác bỏ yêu sách ngang ngược của Bắc Kinh thể hiện trong tấm bản đồ hình lưỡi bò ở Biển Đông, nhấn mạnh quyền tự do hàng hải quốc tế; phê phán ý đồ muốn dùng vũ lực để độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Các học giả đều cho rằng những lời lẽ kích động chiến tranh trên báo chí Trung Quốc là nhằm đe dọa các nước đang kiên quyết bảo vệ các đòi hỏi chủ quyền của mình đối với các hòn đảo trên Biển Đông như Việt Nam, đe dọa các nước nào muốn hợp tác với Việt Nam tiến hành thăm dò khai thác tài nguyên trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam…, gây không khí căng thẳng ở khu vực Biển Đông nhằm mục đích trục lợi. Dư luận cũng thấy rõ, việc làm của Bắc Kinh đã phơi bày bộ mặt thật của họ khi mồm thì nói “trỗi dậy hòa bình” trong bụng thì ráo riết chuẩn bị gây chiến ở Biển Đông. Tại cuộc hội thảo, bà Theresa Fallon, một chuyên gia thuộc viện nghiên cứu về châu Á; một cơ quan tham vấn (Think tank) của châu Âu có trụ sở tại Bruxelles (Bỉ) đã phát biểu nhấn mạnh, giọng điệu hung hăng của Bắc Kinh có vẻ “không khôn ngoan” và “phản tác dụng” về mặt chiến lược và quân sự. Theo chuyên gia này, một quan điểm như vậy chỉ có hệ quả là đẩy Việt Nam, Phi-líp-pin về phía Mỹ cũng như về phía Nhật Bản, Ấn Độ để hình thành ra một liên minh chống Trung Quốc.

Cũng phải nói rõ là những lời lẽ hung hăng và hành động ngang ngược của họ không mảy may làm lung lay quyết tâm sắt đá của Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền tài phán trên vùng thềm lục địa 200 hải lý của mình đã được Luật biển của Liên hợp quốc 1982 thừa nhận, cũng không làm thay đổi được quyết tâm hợp tác giữa Việt Nam và các nước khác, trong đó có Ấn Độ, trong việc thăm dò khai thác tài nguyên trên vùng biển thuộc chủ quyền của mình trên Biển Đông.

Ấn Độ là nước bạn có truyền thống hữu nghị lâu đời với Việt Nam. Việc Việt Nam và Ấn Độ hợp tác thăm dò tài nguyên tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là xuất phát từ lợi ích chung của hai nước, hoàn toàn phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế và Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982. Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ấn Độ đã bày tỏ trước dư luận thế giới sẽ thực hiện các thỏa thuận đã đạt được giữa hai nước và kiên quyết bằng mọi biện pháp bảo vệ các dự án hợp tác giữa hai bên.

Trước khi lên đường thăm chính thức cấp Nhà nước Ấn Độ, Chủ tịch Trương Tấn Sang khi trả lời phỏng vấn của hãng tin Ấn Độ PTI, đã hoan nghênh hợp tác Việt – Ấn trong lĩnh vực dầu khí. Chủ tịch nói “thực tế là tất cả các dự án giữa Việt Nam và các đối tác khác bao gồm tập đoàn Ấn Độ ONGC trong lĩnh vực dầu khí đều nằm trên thềm lục địa trong vùng đặc quyền kinh tế và thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật biển”. Chủ tịch cũng khẳng định Việt Nam cam kết bảo vệ lợi ích hợp pháp của các công ty nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí.

Dư luận quốc tế thấy rõ, phát biểu của nhà lãnh đạo Nhà nước Việt Nam là sự đáp trả mạnh mẽ và kiên quyết đối với những mưu toan muốn sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực của những kẻ đang kích động chiến tranh, làm vẩn đục bầu không khí hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á và Biển Đông.

Dù Biển Đông vẫn sẽ còn nổi lên những cơn sóng ngầm nhưng Việt Nam cùng các lực lượng yêu chuộng hòa bình trong khu vực sẽ kiên quyết chặn đứng mọi âm mưu gây chiến và đập tan mọi hành động xâm lược, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam./.

Mai Long

RELATED ARTICLES

Tin mới