Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTướng Tàu bịp thiên hạ về chủ quyền đối với hai quần...

Tướng Tàu bịp thiên hạ về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Đầu Xuân Con Rồng, tạp chí Tri thức Thế giới – ấn phẩm chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Cộng, khai xuân với một loạt bài về Biển Đông, trong đó có bài “Bàn về chính sách an ninh và cục diện khó khăn của môi trường xung quanh Trung Cộng” của tướng Dương Nghị, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Đại học Quốc phòng Trung Cộng.

Viên tướng này phóng bút rằng “thực chất vấn đề Nam Hải chính là trò chơi chiến lược giữa Mỹ và Trung Cộng”, “Việt Nam đã lợi dụng vai trò Chủ tịch ASEAN nêu vấn đề Nam Hải ra các Hội nghị ASEAN, quấy rối cục diện an ninh xung quanh Trung Cộng” và “Việt Nam đang chiếm đến 58% số lượng đảo ở quần đảo Nam Sa của Trung Cộng”. 2 ý đầu liên quan câu chuyện thời sự ở Biển Đông.

Ý thứ 3 là câu chuyện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thiển ý của viên tướng này là các đảo ở quần đảo Trường Sa là thuộc chủ quyền của Trung Cộng, nhưng Việt Nam đang chiếm đóng phần lớn.

 

1. Câu chuyện thời sự ở Biển Đông trong 2 năm gần đây đang rất nóng hổi. Người người đều biết, nhà nhà đều hay. Vậy nên, về ý kiến của Dương Nghị rằng “thực chất vấn đề Nam Hải chính là trò chơi chiến lược giữa Mỹ và Trung Cộng”, “Việt Nam đã lợi dụng vai trò Chủ tịch ASEAN nêu vấn đề Nam Hải ra các Hội nghị ASEAN, quấy rối cục diện an ninh xung quanh Trung Cộng”, chỉ xin trao đổi ngắn gọn như sau.

Một là, lập luận của viên tướng này rất mâu thuẫn. Nếu vấn đề Biển Đông là trò chơi chiến lược giữa Mỹ và Trung Cộng thì hai diễn viên chính trong cuộc chơi chiến lược này phải là Trung Cộng và Mỹ. Từ đó, tình hình Biển Đông có sôi động lên, có nóng lên hay dịu đi phải là hệ quả đấu trí, đấu lực của Mỹ và Trung Cộng. Trong trường hợp đó trách nhiệm về tình hình Biển Đông hay là an ninh chiến lược của Trung Cộng bị ảnh hưởng phải là Mỹ và Trung Cộng chứ không phải là Việt Nam hay Phi Luật Tân hay Mã Lai. Thế nhưng vừa hạ bút khẳng định Biển Đông là trò chơi chiến lược giữa Mỹ và Trung Cộng thì tác giả lại kêu là Việt Nam đã lợi dụng vai trò Chủ tịch ASEAN nêu vấn đề Nam Hải ra các Hội nghị ASEAN, quấy rối cục diện an ninh xung quanh Trung Cộng. Hoá ra, trong trò chơi chiến lược này nước được cho là đối thủ của Trung Cộng lại vô can, còn nước không phải là đối thủ lại quấy rối cục diện an ninh chiến lược của Trung Cộng. Mâu thuẫn quá và hoang đường quá. Có lẽ tác giả cũng biết theo lô gích thì phải phải nêu đích danh Mỹ, nhưng tạp chí của Bộ Ngoại giao không thể nói thẳng điều đó được vì không lợi cho quan hệ giữa Trung Cộng và Mỹ. Biện pháp tốt nhất và an toàn nhất là đổ tất cả cho Việt Nam.


Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu. Ảnh: Internet.

Hai là, đúng là năm 2010, Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, nhưng phát biểu của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là rất mềm mỏng và phải chăng, chủ yếu nhấn mạnh yêu cầu duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông, thực hiện đầy đủ Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Cộng về ứng xử của các bên ở Biển Đông (gọi tắt là DOC). Trong phát biểu của Việt Nam năm đó, không có câu nào chỉ trích Trung Cộng một cách trực tiếp trực tiếp hoặc gián tiếp. Việt Nam cũng không kêu gọi các nước hoặc thúc giục các nước phát biểu về vấn đề Biển Đông. Điều này Bộ Ngoại giao Trung Cộng chắc biết rất rõ.

Trong các Hội nghị của ASEAN và ngoài khuôn khổ ASEAN đại diện nhiều nước phát biểu mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông. Chẳng hạn như tại Hội nghị ARF năm 2011 khi Indonesia làm Chủ tịch ASEAN có đến 18 trong tổng số 27 nước thành viên của Diễn đàn phát biểu (tại Hội nghị ARF năm 2010 ở Hà Nội chỉ có 14 nước phát biểu). Phi Luật Tân, Mã Lai, Indonesia phát biểu vì yêu sách đường lưõi bò phi lý của Trung Cộng đã cắt một phần thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các nước này. Các nhà lãnh đạo của Phi Luật Tân phát biểu mạnh mẽ nhất, đích danh lên án yêu sách đường lưỡi bò của Trung Cộng và nêu rõ trong năm 2011 Trung Cộng 7 lần xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Phi Luật Tân. Phi Luật Tân cũng đã đề nghị Trung Cộng đưa vấn đề ra Toà án quốc tế và Liên hợp quốc để giải quyết, nhưng Trung Cộng từ chối. Các nước ASEAN khác và nhiều nước khác như Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU v.v.. cũng phát biểu mạnh vì người ta cho rằng họ có lợi ích ở Biển Đông, vì họ bất bình với cách hành xử sai trái của Trung Cộng ở vùng biển này. Viên tướng Trung Cộng lý giải thế nào về tình hình thảo luận Biển Đông năm 2011 khi Việt Nam không phải là Chủ tịch của ASEAN? Một lần nữa, khi không tìm được lý do thoả đáng thì không có gì dễ bằng đổ lỗi cho Việt Nam.

2. Tướng Dương Nghị nêu rằng: “Việt Nam đang chiếm đến 58% số lượng đảo ở quần đảo Nam Sa” của Trung Cộng. Con số phần trăm bao nhiêu liên quan các đảo không phải quan trọng. Điều mấu chốt là các đảo ở quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hay của Trung Cộng. Có phải Trung Cộng có chủ quyền như viên tướng Tàu này nêu không?

Trung Cộng cho rằng họ có chủ quyền đối với hai quần đảo này từ đời Hán, đời Tống, đời Nguyên, đời Minh, đời Thanh v.v… Ngoài các tuyên bố như vậy, cho đến nay Trung Cộng chưa trưng ra các bằng chứng cụ thể để chứng minh việc Nhà nước họ có các hoạt động thực thi chủ quyền của họ đối với hai quần đảo này. Sử sách của quốc gia này từ Sử ký (còn gọi là Thái sử Công thư chép việc khoảng 3000 năm từ thời tiền sử đến năm 122 trước công nguyên), Hán Thư (chép việc thời Tây Hán đến năm 206 trước Công nguyên), Hậu Hán thư (chép việc đời Đông Hán), Tam Quốc chí (chép việc thời Tam Quốc), cho đến Tấn Thư, Tống Thư, Nam Tề Thư, Lương Thư, Ngụy Thư, Cựu Đường Thư, Tân Đường Thư, Tống Sử, Liêu Sử, Kim Sử, Nguyên Sử và Minh Sử đều khẳng định cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam. Các bản đồ của nước này cho đến cuối thế kỷ XX dưới thời nhà Thanh (như bản đồ Đại Thanh đế quốc trong tập Đại Thanh đế quốc toàn đồ do Thương vụ ấn thư quán Thương Hải xuất bản năm 1905 và bản đồ Hoàng Triều nhất thống dư địa tổng đồ trong cuốn Hoàng Thanh nhất thống dư địa toàn đồ xuất bản năm Quang Tự thứ 20) cũng chỉ thể hiện đảo Hải Nam là phần lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc. Không có bất kỳ bản đồ nào của Trung Quốc đến thời điểm đó thể hiện các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các học giả Trung Cộng có dùng sự kiện đô đốc Lý Chuẩn đổ bộ chớp nhoáng lên quần đảo Hoàng Sa năm 1907 để bảo vệ lập luận cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc. Quả thật đó là bằng chứng quan trọng, nếu vào thời điểm năm 1907 các quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là các hòn đảo vô chủ, chưa thuộc chủ quyền của ai. Nhưng thực tế lúc đó 2 quần đảo này đã có chủ và thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc đổ bộ chớp nhoáng đó cũng như việc dùng vũ lực chiếm đoạt Hoàng Sa vào các năm 1950, 1974 và một số đảo ở Trường Sa năm 1988, vì thế, là phi pháp.

Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được khẳng định bằng các chứng cứ cụ thể. Một là, từ thế kỷ XVII, Nhà nước phong kiến Việt Nam hàng năm cử các đội Hoàng Sa và Bắc Hải ra khai thác hai quần đảo. Mỗi đội Hoàng Sa có khoảng 70 người đi ra hai quần đảo khoảng 6 tháng để lượm các đồ đạc, vũ khí trên các tàu bị đắm ở hai quần đảo cũng như các loại hải sản ở đó. Hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải được thể hiện rất rõ trong các sách Toàn tập thiên nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá Công Đạo, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776), Lịch triều hiến chương loại chí (1821), Hoàng Việt địa dư chí (1833), Đại Nam thực lục tiền biên (1844), Đại Nam thực lục chính biên (1848), Đại Nam nhất thống chí (bộ sách địa lý Việt Nam do Quốc sử quán nhà Nguyễn soạn năm 1882) v.v… Tấm bản đồ nước Việt Nam năm 1838 “Đại Nam nhất thống toàn đồ” cũng đã thể hiện quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Hai là, triều đình Việt Nam, nhất là dưới thời các vua Gia Long và Minh Mạng, đã tăng cường các hoạt động củng cố chủ quyền qua việc cử các tướng sĩ ra đo đạc hai quần đảo: năm 1815 vua Gia Long cử Phạm Quang Ảnh dẫn đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa để khảo sát và đo đạc đường biển[1]; năm 1833 vua Minh Mạng cử đội trưởng giám thành Trương Phúc Sĩ cùng 20 lính ra Hoàng Sa vẽ bản đồ [2]; năm 1835 vua Minh Mạng cử cai đội Phạm Văn Nguyên đem lính và thợ ra dựng miếu ở Hoàng Sa[3]; năm 1836 vua Minh Mạng cử suất đội Phạm Hữu Nhật đưa lính ra Hoàng Sa đo đạc vẽ bản đồ[4]. Sau đó, vua Tự Đức phong danh hiệu “Hùng binh Trường Sa” cho thành viên đội Hoàng Sa.

Ba là, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được ghi nhận trong các tư liệu, sách, bản đồ của phương Tây. Năm 1837, Giám mục J. L. Taberd có bài viết “Ghi chép về địa lý nước Cochinchine” mô tả “Pracel hay Paracels” là phần lãnh thổ nước Cochinchine và nói rõ người Cochinchine gọi Pracel hay Paracels là “Cát vàng” [5]. Năm 1838, ông vẽ An nam Đại quốc họa đồ, trong đó có một phần quần đảo Hoàng Sa và ghi “(Paracel seu Cát Vàng”[6] (tức là Paracel hay Cát Vàng). Năm 1849, trong bài Địa lý vương quốc Cochinchina của Gutzlaff có đoạn nói rõ Paracels thuộc lãnh thổ Việt Nam và chú thích có tiếng Việt là “Kát Vàng”[7].

Bốn là, sau khi đô hộ Đông Dương, Pháp đã thay mặt Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX Pháp tăng cường tuần tiễu ở Hoàng Sa để ngăn chặn buôn lậu, cho tàu hải quân, nghiên cứu ra hoạt động ở 02 quần đảo. Từ 1930 – 1933, Pháp cho quân đóng ở các đảo chính ở Trường Sa. Năm 1931 và 1932 Pháp bác bỏ dự định của chính quyền Quảng Đông cho đấu thầu khai thác phân chim ở quần đảo Hoàng Sa. Năm 1933, Pháp sát nhập các đảo ở Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Năm 1938 Pháp ký Nghị định lập đơn vị hành chính ở quần đảo Hoàng Sa. Trong năm này Pháp dựng bia chủ quyền, xây đèn biển, trạm khí tượng, đài vô tuyến điện ở đảo Hoàng Sa; đồng thời xây dựng trạm khí tượng và đài vô tuyến điện ở đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa. Sau năm 1945, Pháp tiếp tục quản lý quần đảo và sau đó bàn giao cho chính quyền Sài Gòn quản lý theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. Năm 1950 lợi dụng Pháp bị sa lầy ở chiến trường Đông Dương, Trung Cộng cho quân chiếm nửa phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền Sài Gòn quản lý nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa đến năm 1974 và quần đảo Trường Sa đến năm 1975. Năm 1974 Mỹ rút khỏi Việt Nam, quân đội Sài Gòn đang chống đỡ các cuộc tấn công của quân cách mạng. Lợi dụng thời cơ đó, Trung Cộng dùng vũ lực đánh chiếm nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa từ tay quân đội Sài Gòn. Năm 1975 Nhà nước Việt Nam thống nhất và tiếp quản các đảo ở quần đảo Trường Sa. Năm 1988, Trung Cộng cho quân chiếm đóng một số đảo san hô chìm ở quần đảo Trường Sa.

Tóm lại, sự thật lịch sử là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hàng trăm năm nay. Việc Việt Nam đang quản lý phần lớn các đảo ở quần đảo Trường Sa là điều bình thường. Chính Trung Cộng là kẻ chiếm đóng bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa và 07 đảo chìm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hơn bất kỳ ai khác các tướng Tàu và Bộ Ngoại giao Trung Cộng rất thuộc câu chuyện chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mưu đồ xuyên tạc lịch sử về vấn đề hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như tướng Tàu Dương Nghị làm chắc chắn không thể lòe bịp được ai./.

 


[1] Đại Nam Thực lục Chính biên, quyển 50.

[2] Đại Nam Thực lục Chính biên, quyển 122.

[3] Đại Nam Thực lục Chính biên, quyển 154.

[4] Đại Nam Thực lục Chính biên, quyển 165.

[5] Bài này đăng trong “Tạp chí của Hội Châu Á Băng-gan” (The Journal of the Asiatic Society of Bengal), tập VI, 1837, trang 745.

[6] Bản đồ này đính trong cuốn “Từ điển La tinh Việt Nam” (Dictionarium Latino – Anamiticum) 1838.

[7] Bài “Địa lý của Vương quốc Cochinchina” (Geography of the Cochinchinese Empire) đăng trong “Tạp chí Hội Địa lý Hoàng gia Luân Đôn” (The Journal of the Royal Geography Society of London) tập 19, 1849, trang 93.

RELATED ARTICLES

Tin mới