Mạng tin Theatrumbelli mới đây đăng bài phân tích về tình hình Biển Đông của tác giả Laurent Garnier, nội dung như sau:
Những thách thức
Các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa với diện tích bề mặt chưa quá 15km2 là mục tiêu theo đuổi của những yêu sách và xung đột gia tăng kể từ những năm 1970. Những lợi ích từ yêu sách đối với hai quần đảo này của các nhà nước là gì?
Mở rộng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)
Theo luật quốc tế, việc một nhà nước sở hữu một vùng lãnh thổ trên biển sẽ có những đặc quyền đối với một phạm vi lãnh hải và EEZ. Việc các nhà nước xung quanh Biển Đông tranh giành quyền sở hữu các đảo nhỏ và đảo san hô không có người ở và không thể sinh sống được tại Trường Sa và Hoàng Sa trước hết không chỉ nhằm giành chủ quyền đối với các hòn đảo này mà quan trọng là nhằm mở rộng EEZ. Chính vì lý do này mà Trung Quốc, nước có EEZ rộng 880.000km2 (Mỹ có EEZ rộng 12 triệu km2, Nhật 4,4 triệu km2, Pháp 11 triệu km2) đang dòm ngó 3,5 triệu km2 Biển Đông.
Các nguồn tài nguyên thiên nhiên và hải sản
Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa dồi dào tài nguyên thiên nhiên. Khoảng 10% trữ lượng cá của thế giới nằm tại Biển Đông. Trữ lượng cá ước tính lên đến nhiều triệu tấn, các nguồn hải sản phong phú, đặc biệt là các loài hải sản có giá trị cao như tôm hùm, rùa, đồi mồi, bào ngư quý hiếm… Về khoáng sản, ngoài phốt phát, các hòn đảo còn tiềm ẩn trữ lượng lớn các mỏ kim loại dưới đáy biển.
Kiểm soát các tuyến hàng hải thương mại quốc tế
Biển Đông bao quát nhiều eo biển: Eo biển Malacca nằm giữa bán đảo Malaysia và đảo Sumatra của Indonesia, nối biển Andaman ven Ấn Độ Dương với Biển Đông tại phía Nam; eo biển Sonde chia cắt các đảo Java của Indonesia với đảo Sumatra; eo biển Lombok nối biển Java và Ấn Độ Dương chia cắt các đảo Bali và Lombok của Indonesia; eo biển Macassar, với chiều rộng trung bình 15km và dài khoảng 800km, chia cách phía tây đảo Borneo và phía đông đảo Sulawesi, cho phép thông thương giữa biển Celebes và biển Java; eo biển Balabac, với chiều rộng rộng 55km, nối biển Sulu với Biển Đông, chia cách đảo Balabac (thuộc tỉnh Palawan của Philippines) với các đảo nằm ở phía bắc của Borneo, thuộc bang Sabah của Malaysia,; eo biển Luzon nằm giữa các đảo Luzon và Đài Loan; eo biển Đài Loan, ngăn cách giữa quần đảo Đài Loan với Trung Quốc đại lục.
Biển Đông là cửa ngõ thông thương, nơi tập trung các tuyến hàng hải thương mại quan trọng bởi đây là đường ngắn nhất nối giữa Bắc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Eo biển Malacca vận chuyển lượng dầu mỏ lớn gấp sáu lần kênh đào Suez và nhiều hơn 17 lần kênh đào Panama. Biển Đông là nơi vận chuyển 2/3 nguồn năng lượng của Hàn Quốc, 60% nguồn năng lượng của Nhật Bản và Đài Loan, 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc, tức là hơn một nửa năng lượng nhập khẩu của khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, việc nắm quyền kiểm soát hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa sẽ giúp kiểm soát một phần lớn EEZ và tuyến thương mại quan trọng hàng đầu thế giới.
Các nguồn tài nguyên dầu khí
Theo tác giả Robert D. Kaplan, Biển Đông có trữ lượng dầu thô đạt 7 tỉ thùng (so với 1.383 tỉ thùng trên đất liền toàn thế giới theo tính toán của Tập đoàn BP năm 2010), chiếm 0,5% trữ lượng dầu của thế giới và có trữ lượng khí đốt đạt 25.000 tỷ m3 (so với 187.100 tỷ m3 khí trên đất
liền toàn thế giới), chiếm 13,4% trữ lượng khí đốt toàn cầu.
Phạm vi triển khai một hạm đội tàu ngầm
Biển Đông là tuyến hàng hải thương mại ưu tiên, thậm chí cốt yếu giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Không chỉ có tầm quan trọng về thương mại, Biển Đông còn chiếm một vị trí quan trọng trong chiến lược quân sự, đặc biệt đối với Trung Quốc. Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh của các đội tàu ngầm trong khu vực, đặc biệt là việc nước này xây dựng căn cứ tàu ngầm tại cảng Tam Á ở phía nam đảo Hải Nam. Dường như tham vọng của Trung Quốc tại các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa hay các quần đảo khác cũng như các vùng nước sâu tại Biển Đông không nhằm mục đích nào khác ngoài bảo đảm cho nước này một khu vực triển khai an toàn đội tàu ngầm tấn công. Dù thế nào Biển Đông vẫn là vùng biển xung quanh Trung Quốc có vùng nước sâu cho phép tàu ngầm nước này dễ dàng tiến ra Thái Bình Dương.
Tình trạng tranh chấp
Thiếu vắng giải pháp đạo đức?
Tính chất nghiêm trọng của cuộc xung đột này là thiếu một giải pháp đạo đức. Tranh chấp tại Biển Đông hiện nay theo cách: “kẻ mạnh có thể làm điều mình muốn”. Tuy nhiên, nếu có khả năng xảy ra một cuộc tranh chấp thì cũng chỉ hạn chế ở một số cuộc đụng độ lẻ tẻ và không dẫn tới một cuộc chiến tranh quy mô lớn. Cũng cần phải thấy các cuộc đụng độ đó sẽ không gây ra nhiều lo ngại song chất lượng vũ khí sẽ quyết định cuộc đối đầu.
Một giải pháp pháp lý?
Mặc dù thiếu vắng giải pháp đạo đức song vẫn tồn tại luật pháp quốc tế, đặc là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 được ký tại Montego Bay. Công ước này không thể giải quyết toàn bộ mọi cuộc xung đột và đối đầu, song đề ra một khung cảnh luật hợp pháp, trong đó mọi tranh chấp trên có thể được giải quyết theo các quy tắc lãnh hải và EEZ mà không phải cần tới đối đầu vũ trang. Công ước cũng là một tư liệu gốc về các luật lệ quy định các hoạt động ngoài khơi. Các nước có thể yêu cầu mở rộng EEZ trên thềm lục địa của mình. Đó là điều mà Malaysia và Việt Nam đã làm năm 2009. Nhưng do luật pháp quốc tế không đủ nên hành động phối hợp giữa Malaysia và Việt Nam đã làm Trung Quốc không hài lòng. Trung Quốc sau đó đã gửi một công hàm lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhằm chính thức hóa lập trường của nước này đối với yêu sách “đường lưỡi bò” trên Biển Đông, một quan điểm từ trước đến nay chưa được nước nào công nhận. Hành động của Trung Quốc đi ngược lại với điều 89 của UNCLOS, theo đó “không một nhà nước nào có thể đòi hỏi một khu vực bất kỳ ngoài biển khơi làm chủ quyền riêng”. Cũng cần phải nhấn mạnh vai trò của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là quan trọng trong vấn đề này.
ASEAN và vấn đề giải quyết tranh chấp tại Biển Đông
Từ đầu thập niên 1990, ASEAN đã nỗ lực đóng một vai trò tích cực trong việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông. Điều này thể hiện qua một loạt tuyên bố của Hiệp hội về vấn đề này, thông qua đối thoại với Trung Quốc, tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF, bắt đầu năm 1994). Một trong những văn kiện quan trọng đạt được là Tuyên bố ASEAN về Biển Đông. Tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực. Các bên tranh chấp cần kiềm chế để tạo ra môi trường tin cậy hướng đến việc giải quyết triệt để tranh chấp tại khu vực.
Đối thoại ASEAN – Trung Quốc đã đưa các bên tranh chấp (trừ Đài Loan) ngồi vào bàn đàm phán. Với vai trò hạt nhân của mình trong ARF, ASEAN đã thành công trong việc đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của diễn đàn mang tính đa phương này, bất chấp sự phản đối ban đầu của Trung Quốc.
Do bốn thành viên của ASEAN là Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines đều tuyên bố chủ quyền với một phần hoặc toàn bộ quần đảo Trường Sa, nên Hiệp hội không thể đóng vai trò là bên thứ ba trung gian giữa Trung Quốc và các bên tranh chấp khác.
ASEAN và Trung Quốc đã thành lập Nhóm hành động chung nhằm soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC), bắt đầu làm việc từ 15/3/2000. Thách thức đặt ra là làm sao dung hòa lập trường của ASEAN và Trung Quốc đối với cơ chế giải quyết tranh chấp này. Ngay cả việc đạt được sự đồng thuận trong nội khối ASEAN cũng gặp nhiều khó khăn. Cuối cùng, các bên cũng đạt được sự nhất trí dẫn đến ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ngày 4/11/2002.
Để xây dựng được chính sách chung của ASEAN đối với Biển Đông, cần dung hòa lập trường và lợi ích của 5 thành viên Hiệp hội có tuyên bố chủ quyền tại khu vực này, ngoài ra cần phải tính đến quan điểm và lợi ích của năm nước còn lại, trong đó Thái Lan và Myanmar có quan hệ gần gũi, đặc biệt là không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Ngọc Hà