Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc biến sự kiện Scarborough thành mô hình độc chiếm biển...

Trung Quốc biến sự kiện Scarborough thành mô hình độc chiếm biển Đông

Cái lệnh quái gở ấy thực tế chỉ là cái cớ, cố tình hợp pháp hóa bằng được để Trung Quốc duy trì 3 tàu (Ngư chính 310, Hải giám 75 và Hải giám 81) trên bãi Scarborough để giữ được những gì đã đoạt được từ Philippines, thậm chí cổ vũ ngư dân TQ tới vùng biển của nước khác để đánh bắt thuỷ sản.

Căng thẳng trên bãi cạn Scarborough những ngày qua không những không hạ nhiệt mà ngày càng có nhiều diễn biến mới lột tả mỗi lúc một rõ nét hơn đường đi nước bước của Trung Quốc trên biển Đông, Bắc Kinh đang xây dựng sự kiện Scarborough thành mô hình lý tưởng để phục vụ cho âm mưu chiếm biển Đông.

Trước thời điểm ngày 10/4/2012 vùng đầm phá bãi cạn Scarborough vẫn là ngư trường khai thác cá của ngư dân Philippines và một số nước xung quanh biển Đông, thi thoảng lực lượng cảnh sát biển Philippines phái tàu tuần tra, ngăn cản, thậm chí bắt một số tàu cá nước ngoài đến đánh bắt tại khu vực này, nhưng sau đó họ lại thả ra bởi những can thiệp ngoại giao hoặc các yếu tố khác. Sự việc chỉ có vậy, và trên thực tế, Philippines kiểm soát Scarborough.

Vụ đối đầu giữa tàu Trung Quốc và Philippines trên bãi cạn Scarborough ngày 10/4 khi tàu Hải giám Trung Quốc ra sức ngăn cản tàu Cảnh sát biển Philippines bắt tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép tại vùng biển Philippines tuyên bố chủ quyền và kiểm soát trên thực tế – đầm phá bãi cạn Scarborough. Manila chắc hẳn không thể ngờ, đó không phải một vụ đụng độ bình thường mà đó có thể là một cái bẫy đã gài sẵn.

Dường như ngay lập tức, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc vào cuộc lu loa lên rằng Philippines “xâm phạm chủ quyền”, “bắt bớ ngư dân” Trung Quốc. Hàng loạt đăng tải các bài báo, các chương trình bình luận trực tiếp của báo đài nhà nước Trung Quốc xuất hiện phê phán, chỉ trích Philippines, mà đỉnh điểm của sự chỉ trích đó là tuyên bố nổi tiếng khôi hài “Philippines ăn hiếp Trung Quốc!” của ông Đới Bỉnh Quốc, quan chức cấp cao nhất của Bắc Kinh đặc trách các vấn đề biển Đông hôm 15/5.

Không lâu sau vụ đụng độ ngày 10/4, Trung Quốc phái tàu Ngư chính 310 hiện đại nhất của mình ra bãi Scarborough cùng hai tàu Hải giám 75 và Hải giám 81 để thực hiện cái gọi là “chấp pháp trên biển”, trên thực tế là xua đuổi, bắt bớ tàu cá Philippines và thậm chí là tàu cá các nước khác quanh biển Đông nếu những tàu này “dám bén mảng” đến đầm phá bãi cạn Scarborough quen thuộc.

Với kiểu cách hành động như vậy, trên thực tế kiểu gì Trung Quốc cũng “lời”, ít nhất là lời một nửa. Ngày 15/5 thông tấn xã Hồng Kông (HK CNA) dẫn nguồn tin riêng (chưa được kiểm chứng, xác nhận -PV) cho hay, khi tiếp một lãnh đạo cộng đồng Hoa kiều Philippines, Phó tổng thống Philippines ông Jejomar Binay thở dài: “Cãi nhau với Trung Quốc (về bãi cạn Scarborough) có 10 năm nữa cũng không xong, tốt nhất là (Philippines và Trung Quốc) chia nhau, 50:50.” Thông tin này lập tức được các tờ báo, trang mạng tiếng Hoa trích dẫn, bình luận với thái độ hết sức phấn khởi!

HK CNA và truyền thông nhà nước Trung Quốc (Hoàn Cầu, Nhân dân nhật báo, QQ,…) có lẽ nghĩ rằng người dân Philippines và cộng đồng quốc tế dễ lừa nên mới “nặn” ra tin này. Ngày hôm qua, 16/5 Phó tổng thống Jejomar Binay khẳng định rõ, lập trường của ông về vấn đề biển Đông, Scarborough với Tổng thống Aquino III là một.

Nhưng khi đọc kỹ thông tin này của HK CNA cộng với những gì đang diễn ra, không khó để nhận thấy đó chính là điều truyền thông Trung Quốc muốn gắp bỏ cho người khác. Sau khi lu loa, “đặt được chân” lên Scarborough từ Philippines, nếu Philippines có sống chết tranh cãi, kiện cáo Trung Quốc ra tòa hay nhẹ nhàng đàm phán đòi lại thì ít nhất Trung Quốc cũng phải được 1 nửa, trong khi trên thực tế Bắc Kinh sẽ không bao giờ chịu buông những gì đã chiếm được.

Còn nếu Philippines “dám” giật lại “bát cơm” của mình, chắc chắn Trung Quốc sẽ dùng biện pháp mạnh đối với Philippines

Lấy sự kiện Scarborough làm mô hình thôn tính, ôm trọn biển Đông

Chiếc kim giấu trong bọc sẽ chưa lòi ra sớm nếu không có những động thái “vội vã”, được đà lấn tới của Bắc Kinh. Đó chính là cái họ gọi là “lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông”.

Cái lệnh quái gở ấy thực tế chỉ là cái cớ hợp pháp hóa để Trung Quốc duy trì 3 tàu (Ngư chính 310, Hải giám 75 và Hải giám 81) trên bãi Scarborouhg để giữ được những gì đã đoạt được từ Philippines.

Scarborough thực sự là một phép thử hoàn hảo, nói đúng hơn là một nước cờ đầy mưu mô, ít nhất nó giúp Bắc Kinh dấn thêm được một bước, đồng thời thử phản ứng của Mỹ và các bên liên quan. Nếu ASEAN im lặng, “thời cơ vàng” để Bắc Kinh có hành động bất ngờ và táo tợn hơn trên biển Đông.

Mỹ đưa tàu ngầm USS North Carolina cập cảng Subic gần Scarborough hôm 13/5 và dự kiến sẽ rời Subic ngày 19/5 tới, nhưng còn nhiều tàu chiến khác của Mỹ sẽ kéo tới Philippines. Động thái này của Mỹ có thể khiến Bắc Kinh tính toán thận trọng hơn trong nước đi tiếp theo, nhưng tham vọng ôm trọn biển Đông không dễ từ bỏ.

Và không phải đợi lâu, bản tin sớm 17/5 của tờ Nhân dân nhật báo “vô tình tiết lộ”, 2 tàu Ngư chính khác của Trung Quốc vừa lặng lẽ rời cảng vào trưa hôm qua 16/5 dong thẳng xuống khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) để thực hiện cái gọi là “tuần tra, chấp pháp”, mặc dù không nói rõ là 2 tàu nào, số hiệu bao nhiêu.

Trước đó, cái “lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông” được Bắc Kinh giải thích rất rõ cho ngư dân của họ, hãy kéo xuống đánh bắt ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam – PV), tức từ 12 độ Vĩ Bắc trở vào, vùng này không bị “cấm”.

Như vậy, 3 tàu Ngư chính 310, Hải giám 75 và Hải giám 81 sẽ có nhiệm vụ “trông coi Scarborough”, 2 tàu Ngư chính còn lại sẽ dẫn các tàu cá Trung Quốc xuống phía Nam, tức là khu vực phụ cận quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Ở một bãi đá, bãi cạn nào đó nếu ngư dân Trung Quốc vào khai thác (trái phép – PV), xảy ra va chạm, 2 tàu Ngư chính sẽ trực tiếp nhảy vào can thiệp.

Tạp chí quốc phòng Janes số gần đây đưa tin, trong năm nay và năm 2013 tới, Trung Quốc sẽ trang bị thêm 36 tàu Hải giám nữa, tập trung cho biển Đông, trong đó có 7 chiếc lượng dãn nước 1500 tấn, 15 chiếc 1000 tấn và 14 chiếc 600 tấn.

Hiện tại, lực lượng Hải giám có tổng cộng 300 tàu các loại, trong đó có 30 chiế lượng dãn nước 1000 tấn trở lên, 6 máy bay và 4 trực thăng. Lực lượng tàu Hải giám đóng mới, to hơn và hiện đại hơn biên chế xuống biển Đông sẽ góp phần đẩy nhanh nước cờ Scarborough sang các đảo, bãi đá khác ở quần đảo Trường Sa.

Cũng chẳng phải giấu diếm, Thiệu Phong, Chủ nhiệm Sở nghiên cứu chiến lược chính trị và kinh tế, viện Khoa học xã hội Trung Quốc thuộc nhóm “học giả hiếu chiến” Bắc Kinh vừa có bài đăng trên tờ Kinh tế đạo báo – Trung Quốc, kêu gọi nhà cầm quyền nước này sao không biến Scarborough thành mô hình mẫu chuẩn để xử lý vấn đề Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam -PV)? Thiệu Phong nhấn mạnh, Trung Quốc cần có “thái độ kiên quyết, chuẩn bị kĩ càng, quyết không lùi bước” trên biển Đông.

Trong khi đó, mấy tướng lĩnh bàn giấy Trung Quốc lại tiếp tục viết bài khiêu khích, đồng thời khẳng định rõ âm mưu được đà lấn tới của Bắc Kinh. Trương Triệu Trung (thiếu tướng hải quân) vừa kêu gọi nhà cầm quyền Trung Quốc nên chủ động. Về kinh tế, tập trung đẩy mạnh khai thác tài nguyên biển, về quân sự nếu “xảy chuyện” cần có phương án chủ động giải quyết.

Trương Triệu Trung đánh giá, Trung Quốc “có nhiều thành công” trong vụ Scarborough. La Viện, một thiếu tướng khác thì tỏ ra thích thú với tên gọi “thiếu tướng diều hâu” mà dư luận đặt cho vì thái độ hiếu chiến trên biển Đông khi trả lời phỏng vấn tờ Herald, tạp chí của Tân Hoa Xã ngày 16/5.

Những ngày tới, diễn biến trên bãi Scarborough nói riêng, biển Đông nói chung sẽ còn phức tạp và tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn khi Trung Quốc với sự cổ xuý, vào hùa của truyền thông sẽ ngày càng hung hăng, táo tợn.

Vấn đề trực tiếp của Philippines, nhưng đó cũng là bài toán chung đặt ra cho tất cả các bên có tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông.

Nước cờ thôn tính biển Đông (đường lưỡi bò 9 đoạn) của Bắc Kinh ngày càng bộc lộ rõ, tuy nhiên đối phó với nó bằng cách nào để giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ mà vẫn giữ được hòa bình, ổn định sẽ là vấn đề nan giải nhưng không thể không làm, làm càng sớm càng tốt đối với các bên liên quan.

Ngọc Hà

RELATED ARTICLES

Tin mới