Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBắc Kinh chỉ trích Luật Biển Việt Nam một cách vô lý

Bắc Kinh chỉ trích Luật Biển Việt Nam một cách vô lý

Ngày 21/6/2012, Quốc hội khóa XIII của Việt Nam đã thông qua Luật Biển Việt Nam với 99,2% tổng số đại biểu tán thành. Ngay lập tức Bắc Kinh lu loa công kích hoạt động lập pháp này của Việt Nam. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc gặp Đại sứ Việt Nam Nguyễn Văn Thơ phản đối. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên truyền hình đọc tuyên bố phản đối Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam. Bắc Kinh cho rằng việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam đã vi phạm thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc, vi phạm tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông và làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

Cả Bắc Kinh và Hà Nội đã nhiều lần lên tiếng phản đối lẫn nhau về câu chuyện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mỗi khi Bắc Kinh có hành động liên quan đến hai quần đảo này, Hà Nội giao thiệp phản đối. Cho nên việc Bắc Kinh lên tiếng lần này không phải là bất thường. Điều quan trọng hơn là phân tích lập luận mà Bắc Kinh nêu ra để phản đối việc làm của Việt Nam có cơ sở hay không?

Thông qua Luật Biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp bình thường

Đối với các quốc gia ven biển, trong đó có các quốc gia ven Biển Đông, xây dựng và ban hành các luật về biển là một nhu cầu tất yếu khách quan. Họ cần có luật để có cơ sở pháp lý xác định phạm vi và quy chế pháp lý các vùng biển của họ. Thông tin cho thấy, đến nay phần lớn các quốc gia ven Biển Đông, trong đó có Trung Quốc, đều đã có luật về biển của mình. Trung Quốc không chỉ có một luật, mà có đến 4 luật khác nhau. Đó là Luật về lãnh hải (1992), Luật về đường cơ sở (1996), Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (1998) và Luật về các đảo (2009). Indonesia có 2 luật là Luật về vùng đặc quyền kinh tế (1983), Luật lãnh hải và vùng nước quần đảo (1996). Malaysia cũng có 2 luật là Luật về thềm lục địa năm (1966) và Luật về vùng đặc quyền kinh tế (1984). Vào các năm 2008, 2010, Malaysia đã thông qua các Luật sửa đổi Luật thềm lục địa năm 1966. Phillippines có Luật về đường cơ sở (2009). Nhìn rộng ra bên ngoài khu vực Biển Đông, câu chuyện cũng hết sức rõ ràng. Nhật Bản có 2 luật là Luật về lãnh hải, vùng tiếp giáp (1977) và Luật về vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa (1996). Hàn Quốc có 2 Luật là Luật về lãnh hải (1977) và Luật về vùng đặc quyền kinh tế (1996). Ấn Độ có Luật về lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế (1976). Pakistan có Luật về lãnh hải và các vùng biển (1976). Figi có 2 luật là Luật về thềm lục địa (1970) và Luật về vùng đặc quyền kinh tế (1977). Srilanca có Luật về các vùng biển (1976). Yemen có Luật về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (1977). Myanmar có Luật về lãnh hải và các vùng biển (1977). Solomon Islands có Luật về các vùng biển (1978). Iran có Luật về các vùng biển (1993). Đông Timo có Luật về biên giới biển (2002). Thực tế cho thấy không có ai lên tiếng phê phán việc các quốc gia ven biển ban hành luật về biển. Cũng chẳng có nghị quyết nào của Liên hợp quốc phê phán việc các quốc gia ven biển ban hành luật về biển của họ.

Việt Nam là quốc gia ven Biển Đông có bờ biển dài hơn 3200 km. Thể theo Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982, Việt Nam có các vùng biển nội thuỷ, lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế khoảng 1 triệu km2. Việt Nam có gần 30 tỉnh ở ven biển với khoảng 1/3 dân số. Kinh tế biển chiếm gần một nửa GDP của cả nước. Việt Nam cũng đã gia nhập Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 cách đây gần 20 năm. Trước đây, Việt Nam có một số Tuyên bố của Chính phủ liên quan các vùng biển của mình, như Tuyên bố năm 1977 về các vùng biển và Tuyên bố năm 1982 về đường cơ sở. Nhưng về văn bản Luật thì cho đến nay Việt Nam chưa có một Luật nào về các vùng biển của mình. Cho nên, việc Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam là rất cần thiết nhằm lấp lỗ hổng trong khuôn khổ pháp luật của mình. Việc thông qua Luật Biển của Việt Nam là một việc bình thường như các nước khác ven Biển Đông đã và đang làm. Việc thông qua Luật Biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp bình thường của Quốc hội Việt Nam. Khoá nào của Quốc hội Việt Nam cũng có các Luật được thông qua. Ngay tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, bên cạnh Luật Biển Việt Nam, Quốc hội Việt Nam còn thông qua 12 Luật khác. Đó là Luật bảo hiểm tiền gửi; Luật phòng, chống rửa tiền; Luật giáo dục đại học; Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá; Bộ luật lao động (sửa đổi); Luật giá; Luật công đoàn (sửa đổi); Luật giám định tư pháp; Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật quảng cáo; Luật tài nguyên nước (sửa đổi).

Nội dung của Luật Biển Việt Nam phù hợp Công ước Luật biển năm 1982

Theo thông tin của các báo trong nước, Luật Biển Việt Nam có 55 điều với nội dung chính là quy định về phạm vi và quy chế pháp lý các vùng biển của Việt Nam. Nội thuỷ và lãnh hải là hai vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nội thuỷ nằm bên trong đường cơ sở. Lãnh hải nằm bên ngoài đường cơ sở và có chiều rộng là 12 hải lý. Vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để đo lãnh hải. Thềm lục địa Việt Nam rộng tối thiểu 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để đo lãnh hải. Luật Biển Việt Nam quy định nếu ở khu vực cụ thể mép ngoài của rìa lục địa Việt Nam vượt quá 200 hải lý thì thềm lục địa được mở ra đến tối đa là 350 hải lý. Hai vùng biển này thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam. Luật Biển Việt Nam công nhận quyền đi qua không gây hại của mọi loại tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải Việt Nam. Luật cũng công nhận quyền tự do hàng hải và tự do hàng không của các nước khác trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Đối chiếu với các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, ai cũng thấy rõ các quy định của Luật Biển Việt Nam không khác gì các các quy định trong các Điều 2, 3, 17, 18, 19, 21, 22, 27, 28, 9, 55, 56, 57, 58, 60, 76, 77, 78 của Công ước.

Nội dung quan trọng khác của Luật Biển Việt Nam nói về nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển, tìm kiếm cứu nạn, các nguyên tắc và chính sách quản lý và bảo vệ biển, các nguyên tắc phát triển kinh tế biển, các ngành kinh tế biển được ưu tiên phát triển, quy hoạch phát triển kinh tế biển, xây dựng và phát triển kinh tế biển, khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế trên các đảo và hoạt động trên biển. Luật cũng có các quy định về tuần tra, kiểm soát trên biển với các điều khoản về lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển, nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên biển, cờ, sắc phục và phù hiệu. Ngoài ra, Luật Biển Việt Nam khẳng định chủ trương của Việt Nam giải quyết các tranh chấp biển, đảo với các nước bằng các biện pháp hoà bình (môi giới, trung gian, hoà giải, trọng tài quốc tế, toà án quốc tế v.v..) phù hợp Công ước Luật Biển năm 1982, luật pháp và thực tiễn quốc tế; đẩy mạnh hợp tác quốc té trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học, cứu hộ, cúu nạn v.v…

Tóm lại, nội dung các điều khoản của Luật Biển Việt Nam đã chuyển hoá các quy định quan trọng của Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc vào pháp luật quốc nội và làm cho các quy định của pháp luật quốc nội hài hoà hơn với quy định của pháp luật quốc tế. Điều cần thiết phải lưu ý là Luật Biển Việt Nam có một quy định rất then chốt. Đó là trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật Biển Việt Nam và quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia thì Việt Nam áp dụng quy định của các điều ước quốc tế. Điều đó có nghĩa là Việt Nam ưu tiên các cam kết quốc tế của mình. Chẳng có Luật nào về biển của Trung Quốc có quy định như vậy. Rõ ràng, việc Luật Biển Việt Nam cam kết tuân thủ pháp luật quốc tế và ưu tiên thực hiện pháp luật quốc tế không thể nào trái với nhận thức chung của lãnh đạo cao cấp hai nước, không thể nào trái Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, không thể nào làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

Khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là tất yếu

Lý do làm Bắc Kinh tức tối ở đây chính là việc các nhà lập pháp của Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong Luật Biển Việt Nam. Hai nước có tranh chấp về hai quần đảo nay từ lâu. Cả khu vực đều biết. Cả thế giới đều biết. Việt Nam đã khẳng định có chủ quyền trong tiếp xúc cấp cao cũng như trong mọi tiếp xúc song phương ở Hà Nội và Bắc Kinh. Việt Nam nhiều lần nêu rõ lập trường này tại các diễn đàn quốc tế và diễn đàn khu vực. Tuyên bố năm 1977 về các vùng biển của Việt Nam đã khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Khi phê chuẩn Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982, Quốc hội Việt Nam ghi rất rõ trong Nghị quyết phê chuẩn là “Quốc hội khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Bản Nghị quyết này hiện nay vẫn đang đuợc lưu giữ tại Ban Thư ký Liên hợp quốc. Luật Biên giới quốc gia năm 2003 cũng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo. Có nghĩa là việc Luật Biển Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một điều rất bình thường. Đó là sự tiếp nối các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam. Việt Nam có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ XVII. Do đó, không có lý do gì để các nhà lập pháp Việt Nam không nêu 2 quần đảo này trong Luật Biển Việt Nam. Nếu Luật Biển Việt Nam không nêu 2 quần đảo thì đó mới là điều bất thường. Sự mâu thuẩn của Bắc Kinh còn bộc lộ ở chỗ họ đòi Việt Nam không được đề cập 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong Luật Biển Việt Nam, nhưng chính họ lại nêu 2 quần đảo này trong Điều 2 của Luật lãnh hải Trung Quốc, mặc dù họ hoàn toàn không có chủ quyền đối với hai quần đảo. Có phải Bắc Kinh cho rằng vì Trung Quốc là siêu cường nên Luật của họ được phép đề cập, còn Việt Nam là nước nhỏ nên Luật Biển Việt Nam không được đề cập? Thử hỏi trên đời này còn có gì phi lý hơn thái độ này của Bắc Kinh? Bắc Kinh cay cú vì đã họ phí công nhưng cuối cùng đã không thể ép buộc Hà Nội làm theo những gì Bắc Kinh mộng ước.

Điều cần phải khẳng định là không có câu nào, chữ nào trong Tuyên bố DOC năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc yêu cầu Việt Nam từ bỏ chủ quyền đối với 2 quần đảo. Cũng không hề có câu nào, chữ nào trong Tuyên bố chung tháng 10-2011 giữa Việt Nam và Trung Quốc và Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản giải quyết tranh chấp biển giữa hai nước nói rằng Việt Nam không được khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo. Cũng không có câu nào, chữ nào trong Tuyên bố chung và Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản ký tháng 10-2011 quy định Việt Nam không được thông qua Luật Biển Việt Nam.

Tóm lại, việc Bắc Kinh đòi Việt Nam không thông qua Luật Biển Việt Nam là việc làm phi lý. Việc Bắc Kinh chỉ trích Việt Nam và cáo buộc Luật Biển Việt Nam vi phạm Tuyên bố DOC năm 2002, vi phạm các thoả thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc và làm phức tạp tình hình Biển Đông là sự bịa đặt hoàn toàn không có cơ sở. Việc Bắc Kinh chỉ trích Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam thêm một lần nữa bộc lộ thái độ nước lớn, ngạo mạn của Bắc Kinh trong quan hệ với các nước láng giềng. Nhưng việc làm đó cũng thêm một lần nữa giúp thế giới hiểu thêm về bộ mặt thật của Bắc Kinh./.

Chí Tâm

 

RELATED ARTICLES

Tin mới