Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTHÀNH LẬP “THÀNH PHỐ TAM SA”: BƯỚC LEO THANG MỚI TRONG MỤC...

THÀNH LẬP “THÀNH PHỐ TAM SA”: BƯỚC LEO THANG MỚI TRONG MỤC TIÊU ĐỘC CHIẾM BIỂN ĐÔNG CỦA TRUNG QUỐC

Tình hình Biển Đông ngày càng nóng lên do các hoạt động ngày càng leo thang của Trung Quốc được thể hiện rất rõ từ đầu năm 2012 đến nay. Từ chỗ tăng cường bắt giữ uy hiếp tàu cá, ngư dân Việt Nam, Trung Quốc chủ động gây ra tranh chấp căng thẳng kéo dài với Philippines tại khu vực bãi cạn Scarborough.

Gần đây, Trung Quốc tiến hành thêm những bước leo thang mới như ngày 21-6-2012, Trung Quốc công bố thành lập thành phố Tam Sa với phạm vi quản lý bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; ngày 23-6-2012, Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế thăm dò ở 9 lô dầu khí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Những hành động thô bạo này của Trung Quốc càng làm cho tình hình Biển Đông thêm căng thẳng.

Bài viết này tập trung phân tích về những âm mưu, thủ đoạn của Trung Quốc trong việc công bố cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Rõ ràng đây là một trong những hoạt động nằm trong kế hoạch dài hơi thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, mà kế hoạch đó được triển khai từng bước theo lộ trình: kiểm soát – làm chủ – độc chiếm. Trong giai đoạn “kiểm soát” trong 3 thập kỷ cuối của Thế kỷ 20, năm 1974 nhân cơ hội quân đội Việt Nam Cộng hoà đang thất thủ trước quân đội Bắc Việt, Bắc Kinh đã nổ súng tấn công quân đội Việt Nam Cộng hòa trấn giữ tại Hoàng Sa và qua đó chiếm trọn quần đảo này. Tiếp theo đó, Trung Quốc cũng dùng vũ lực chiếm một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa trong các thập niên 80 và 90 của thế kỷ 20, qua đó hoàn thành giai đoạn “kiểm soát” trong lộ trình đã được vạch ra.

Từ thập kỷ đầu của Thế kỷ 21, Trung Quốc đi vào thực hiện bước “làm chủ”. Với ưu thế vượt trội về quân sự, công nghệ, kinh tế, Trung Quốc đã xây dựng căn cứ tàu ngầm, tăng cường lực lượng Hải quân, Hải giám, Ngư chính tuần tiễu ở Biển Đông; đẩy mạnh diễn tập quân sự ở Biển Đông; xây dựng nhiều công trình tại các đảo, bãi đá đang chiếm đóng ở Biển Đông; rồi thực hiện “làm chủ bằng khai thác” như mở du lịch tới Hoàng Sa, đẩy mạnh hoạt động khai thác hải sản trên thềm lục địa của các nước ven Biển Đông; biến các khu vực không tranh chấp thành các khu vực tranh chấp, tạo ra vùng tranh chấp mới trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước lân cận rồi đòi thực hiện “cùng khai thác”. Với cách làm này, Trung Quốc đang mưu toan làm chủ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và làm chủ các vùng biển trong yêu sách “đường lưỡi bò”, chiếm 80% diện tích Biển Đông.

Ngày 21/6/2012, việc trang mạng của Bộ Dân chính Trung Quốc thông báo Quốc Vụ viện Trung Quốc phê chuẩn quyết định thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam có thể là sự mở đầu cho một giai đoạn mới, giai đoạn “độc chiếm”. Có người đã bình luận, cái hành động ngang nhiên lấy vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của một quốc gia láng giềng, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, để thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” là một hành động “thực dân kiểu mới” của Thế kỷ 21.

Kế hoạch thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ lâu. Nếu chúng ta còn nhớ năm 2007, Trung Quốc đã qua báo giới tung tin về việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” gây phẫn nộ trong các tầng lớp nhân dân Việt Nam, dẫn đến những hoạt động phản kháng của người dân trước cơ quan đại diện của Trung Quốc. Rồi 5 năm sau, Quyết định thành lập “thành phố Tam Sa” được chính quyền Bắc Kinh công bố một cách công khai trên các trang mạng. Phải thừa nhận rằng Bắc Kinh đã khá mưu mẹo khi chọn đúng cơ hội Việt Nam thông qua Luật Biển để thực hiện bước đi này nhằm lấy cớ đổ lỗi cho Việt Nam và rêu rao cái gọi là “trả đũa” Việt Nam. Nhưng hành động của Bắc Kinh chỉ có thể lừa dối được những đứa trẻ chưa biết suy nghĩ còn những người có lương tri, chân chính trên thế giới đều nhận rõ bản chất của vấn đề. Việt Nam một quốc gia có bờ biển dài trên 3000 km thì việc thông qua Luật Biển tạo khuôn khổ pháp lý cho công tác quản lý, bảo vệ, khai thác các vùng biển là chuyện bình thường. Trung Quốc cũng đã có nhiều bộ luật liên quan đến biển, vậy cớ sao lại phản ứng một cách vô lý trước việc làm chính đáng của Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc lại lấy quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lãnh thổ của Việt Nam để thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” rồi lớn tiếng nói rằng để “trả đũa” Việt Nam. Cách ngụy biện cho các hành động sai trái đó càng thể hiện rõ cái chủ nghĩa Đại hán, bành trướng bá quyền của Trung Quốc. Hơn thế, nữa Tam Sa còn bao gồm cả vùng biển đảo của Philippines. Có lẽ Trung Quốc lại ngụy biện cho cái việc làm này bằng cách giải thích “Trung Quốc trừng phạt Philippines” vì Philippines phản đối các hành động của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough. Một người bình thường cũng thấy được rằng đây là hành động ngang ngược của nước lớn bắt nạt nước bé. Đây phải chăng là chính sách “ngoại giao hoà thuận với các nước láng giềng” mang đặc sắc Trung Quốc. Với hành động này Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và như vậy Trung Quốc có còn xứng đáng với vai trò “có trách nhiệm” của nước lớn Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nữa hay không?

Không hiểu Trung Quốc sẽ biện hộ như thế nào cho các phát biểu của một số tướng lĩnh Trung Quốc được đăng tải trên các báo kêu gọi quân sự hoá “Tam Sa”, “trên các đảo của Tam Sa chỗ nào đóng quân được thì đóng quân”, “thiết lập cơ chế quản lý vùng trời, vùng biển của thành phố Tam Sa” để vạch ra “vùng trời, vùng nước có thể cho phép máy bay, tàu thuyền nước ngoài qua lại và vùng trời, vùng nước không cho phép máy bay, tàu thuyền qua lại”, “Tam Sa là thành phố cấp địa khu, chí ít phải có một sư đoàn đồn trú”. Ý kiến của các tướng lĩnh Trung Quốc còn được xác nhận qua phát biểu của Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh “Quân đội Trung Quốc sẽ căn cứ quy định của Nhà nước, nghiên cứu thiết lập cơ quan quân sự tại Tam Sa”. Nếu xem xét kỹ các hành vi của Trung Quốc từ lời nói đến việc làm thì có thể thấy rõ Trung Quốc đang tạo dư luận để triển khai một kế hoạch mới hết sức nguy hiểm là biến các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam thành các căn cứ quân sự của Trung Quốc, biến Biển Đông thành “cái ao nhà của Trung Quốc”.

Nếu kế hoạch quân sự hóa “Tam Sa” mà các tướng lĩnh của Trung Quốc vạch ra trở thành hiện thực thì đúng là “tai họa” cho không chỉ các nước ven Biển Đông mà cho cả cộng đồng quốc tế. Như mọi người đều biết Biển Đông là tuyến đường hàng hải nhộn nhịp có lượng hàng hóa được tàu thuyền chuyên chở qua lại lớn thứ 2 thế giới. Nếu Trung Quốc thiết lập được các căn cứ quân sự trên các đảo ở Biển Đông rồi vạch ra những vùng được qua lại, những vùng không được qua lại thì có nghĩa là Trung Quốc đã kiếm soát, khống chế toàn bộ khu vực Biển Đông. Xét từ góc độ này thì việc thiết lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” chính là bước khởi đầu cho giai đoạn “độc chiếm” toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc.

Cộng đồng quốc tế cần hết sức cảnh giác trước các mưu toan của Trung Quốc. Để ngăn chặn những hành động leo thang tiếp theo của Trung Quốc ở Biển Đông, Các nước trong và ngoài khu vực cần cùng nhau lên tiếng vạch trần những việc làm sai trái, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, cần lên án mạnh mẽ hành động thiết lập “thành phố Tam Sa”. Thời gian gần đây, Việt Nam và Philippines là những nạn nhân chính của chính sách “cường quyền” của Trung Quốc đã phản ứng quyết liệt trước những hành động vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng lâu nay, một khi bị Trung Quốc lấn át, Việt Nam hoặc Philippines chỉ hành xử theo kiểu nước nào bị động chạm thì tuyên bố phản đối, chứ chưa có sự phối hợp nhịp nhàng hưởng ứng, bổ trợ nhau. Mặt khác, do có lợi ích khác nhau trong vấn đề Biển Đông lại bị Trung Quốc ra sức phân hóa chia rẽ nên các nước ASEAN chưa có sự thống nhất cao trong việc ứng phó với các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông. Sự bành trướng của Trung Quốc đang đắc lợi nhờ vào tình trạng thiếu tiếng nói chung này.

Với việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, bộ mặt “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc đã bị lột tẩy, Trung Quốc đã lộ nguyên hình của kẻ bành trướng, bá quyền nước lớn. Chắc chắn tới đây, những hành động thô bạo của Trung Quốc, trong đó có việc thành lập “thành phố Tam Sa” sẽ bị cả cộng đồng quốc tế phản đối tại các Hội nghị ASEAN và Diễn đàn ARF. ASEAN cần phát huy vai trò trong việc ngăn chặn các hành động gây hấn của Trung Quốc, gìn giữ hòa bình ổn định ở Biển Đông.

Mỹ đã từng tuyên bố không cho phép bất kỳ nước nào độc chiếm Biển Đông; Ngoại trưởng Ấn Độ cùng từng phát biển rằng Biển Đông là tài sản chung của cả nhân loại chứ không phải của riêng bất cứ một quốc gia nào. Mưu toan “độc chiếm Biển Đông” của Trung Quốc cần được ngăn chặn ngay từ những hành vi khởi đầu. Do vây, quyết định thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” của Trung Quốc chính là hành vi xâm lược trắng trợn cần được đưa ra phán xử tại một cơ quan trọng tài quốc tế, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc./.

Lê Trần

RELATED ARTICLES

Tin mới