Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHÀNH ĐỘNG NGANG NGƯỢC BẤT CHẤP LUẬT PHÁP QUỐC TẾ CỦA...

HÀNH ĐỘNG NGANG NGƯỢC BẤT CHẤP LUẬT PHÁP QUỐC TẾ CỦA BẮC KINH

Việc ngày 23/6/2012, Tổng công ty Dầu khí Hải
dương Trung Quốc (CNOOC) công bố mời thầu quốc tế 09 lô dầu khí nằm sâu trong
vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động hết sức ngang
ngược bất chấp luật pháp quốc tế và dư luận quốc tế, hoàn toàn trái với các
thông lệ dầu khí quốc tế.


Theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về
Luật biển 1982, các quốc gia ven biển đương nhiên có vùng đặc quyền kinh tế, thềm
lục địa 200 hải lý. Khu vực 9 lô dầu khí Trung Quốc mời thầu có diện tích trên
160.000 km2 nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa 200 hải lý của
Việt Nam, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 của Việt Nam (bản đồ
kèm theo) xâm phạm trắng trợn quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc
gia chính đáng của Việt Nam theo các qui định của Công ước của Liên hợp quốc về
Luật biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên. Đây là bước leo
thang nghiêm trọng nhất của Trung Quốc trong một loạt các hành động gây hấn của
Trung Quốc kể từ khi Trung Quốc cho lưu hành bản đồ “đường lưỡi bò” ở Liên hợp
quốc tháng 5/2009.

Trung Quốc mời thầu 09 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (Ảnh TTXVN)

Việc làm này nằm trong tổng thể kế hoạch hiện
thực hoá yêu sách “đường lưỡi bò” để độc chiểm Biển Đông của Trung Quốc, đã được
chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ trước đó. Chính tại khu vực này (lô 148) tháng 5/2011,
Trung Quốc đã cắt cáp của tàu khảo sát Bình Minh 02 của Việt Nam khi nó đang tiến
hành hoạt động thu nổ địa chấn. Nhìn vào tấm bản đồ vẽ sơ đồ 9 lô dầu khí Trung
Quốc gọi thầu hôm 23/6/2012, một người bình thường cũng thấy rõ dã tâm của
Trung Quốc trong việc ức hiếp các nước láng giềng nhỏ xung quanh để thực hiện
mưu đồ làm chủ, khống chế Biển Đông. Hành động mời thầu của Trung Quốc không chỉ
là vì mục đích kinh tế hay chính trị đơn thuần mà nó nằm trong tổng thể chiến
lược độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Một điều đáng nói ở đây là Bắc Kinh đã
tình toán rất kỹ cho việc làm của mình khi chọn đúng thời điềm Việt Nam thông
qua Luật Biển, một việc làm chính đáng của quốc gia ven biển để triển khai gọi
thầu nhằm che đậy, nguỵ biện cho những hành động phi pháp, ngang ngược của
mình.

Hành động sai trái của Bắc Kinh ngay lập tức
đã bị những lời chỉ trích lên án gay gắt của chính giới và học giả quốc tế. Các
nhà nghiên cứu đều cho cho đây là một hành động chính trị hơn là hành động kinh
tế. Phát biểu tại Hội nghị “Biển Đông và châu Á – Thái Bình Dương trong chuyển
đổi: Khám phá những chọn lựa giải quyết tranh chấp” do Viện Nghiên cứu chiến lược
và quốc tế (CSIS) của Mỹ tổ chức tại Washington
trong ngày 28/6/2012. Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Lieberman đã phê phán trực diện
hành động mời thầu của Trung Quốc, cho rằng “việc Tổng công ty dầu khí Hải
dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu tại Biển Đông là tuyên bố vô căn cứ vì khu vực
này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vốn được luật pháp quốc tế thừa
nhận”, “hoặc là quân đội Trung Quốc hoặc là một thế lực nào khác tại Bộ Ngoại
giao ở Bắc Kinh xúi giục Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc đưa ra đòi hỏi
đó”. Ông Carlyle Thayer, giáo sư của Học viện Quốc phòng Australia khẳng định Trung Quốc đã trả đũa việc
Quốc hội Việt Nam thông qua
Luật Biển bằng cách mời thầu thăm dò, khai thác tại các lô, “tất cả đều nằm
trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.” Ông cũng cho rằng đây là một
hành động chính trị, nhiều hơn là một hành động có tính thương mại. Ông Carlyle
Thayer và bà Bonnie, chuyên gia về Châu Á của Trung tâm CSIS, đều dự đoán sẽ chẳng
có tập đoàn quốc tế đứng đắn nào đấu thầu các lô mà CNOOC vừa rao.

Trên mạng The Diplomat, ông Taylor Fravel,
một chuyên gia về biển thuộc Viện Công nghệ Massachusetts MIT cho rằng hành vi
mời thầu bất hợp pháp của Trung Quốc làm dấy lên nghi ngờ về những lời hứa “giảm
nhiệt” các tranh chấp ở Biển Đông và nghi ngờ về thiện chí cải thiện song
phương với Việt Nam của Trung Quốc.

Ông Robert Beckman, giám đốc Trung tâm Luật
quốc tế, Đại học quốc gia Singapore khi trả lời phỏng vấn tờ báo Hoàn Cầu của
Trung Quốc ngày 5/7/2012 cũng chỉ trích hành động ngạo mạn của Trung Quốc và
cho rằng: Công bố mời thầu của CNOOC có thể xem là bước ngoặt khẳng định chủ
quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên nằm trong
khu vực yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Điều này cho thấy Trung Quốc
đang thể hiện lập trường cứng rắn hơn trong các đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông.

Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết tại
các khu vực này, từ lâu Việt Nam đã triển khai hoạt động dầu khí, trong đó có một
số lô hợp tác với các đối tác nước ngoài như lô 128 hợp tác với ONGC của Ấn Độ;
lô từ 129 đến 132 hợp tác với Gasprom của Nga; lô 156 hợp tác với Exxon Mobil của
Mỹ. Đây là những tập đoàn dầu khí lớn hàng đầu thế giới và luôn nhận được sự hậu
thuẫn của Chính phủ các nước Mỹ, Nga, Ấn Độ và họ đã nghiên cứu rất kỹ luật
pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 trước khi ký kết các hợp
đồng hợp tác dầu khí với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại các khu vực này. Hành động
táo tợn này của Bắc Kinh là nhằm thực thi chiêu bài của một kẻ ăn cắp “biến cái
của người khác thành cái của mình”, biến khu vực không có tranh chấp thành
tranh chấp.

Hành động thô bạo của Bắc Kinh đã làm cho
những người Lãnh đạo ở Hà Nội thức tỉnh, thấy rõ bộ mặt thật của Trung Quốc,
không còn ảo tưởng về “người anh cả phương Bắc”. Chính vì lẽ đó hành động gọi
thầu của Trung Quốc vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của Chính quyền Hà Nội với
Tuyên bố phản đối của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 26/6/2012. Đồng thời Bộ
Ngoại giao Việt Nam cũng triệu Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản
đối ngày 27/6/2012; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức họp báo kiên quyết phản đối
và yêu cầu Trung Quốc huỷ bỏ ngay hoạt động mời thầu trên, tôn trọng luật pháp
quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần
Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Một số báo chí ở Việt Nam cũng có những
bài viết lên án hành động ngang ngược của Trung Quốc. Các cuộc biểu tình của
các tầng lớp nhân dân tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh
nhằm phản đối các quyết định sai trái của phía Trung Quốc cũng đã diễn ra vào
hai ngày chủ nhật là ngày 1 và 8/7/2012. Tuy nhiên, Hà Nội cần tiếp tục triển
khai thêm nhiều các biện pháp để ngăn chặn những hành động lấn tới tiếp theo của
Bắc Kinh; đưa việc mời thầu 9 lô dầu khí trái phép của Trung Quốc ra thảo luận
rộng rãi tại các diễn đàn khu vực, quốc tế; đưa vấn đề ra xét xử tại một cơ
quan tài phán quốc tế.

Một động thái rất đáng chú ý là trước khi
sang Phnom Penh
họp diễn đàn an ninh khu vực ARF 19, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton
có chuyến thăm tới Hà Nội từ 10/7-11/7. Phải chăng những hành động ngang
ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông gần đây là lý do để bà Ngoại trưởng Hillary
Clinton phải đến Hà Nội để tìm hiểu tình hình trước khi tham dự Hội nghị ARF
19. Chắc chắn vấn đề Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc mời thầu trái phép
9 lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam sẽ là chủ đề được hai bên thảo luận
trong chuyến thăm lần này. Chính bà Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nhiều lần
lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ việc thực thi các quyền lợi chính đáng của quốc gia
ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa của mình, phản đối việc gây
sức ép đối với các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp trên thềm lục địa của các
nước ở Biển Đông.

Với những nhận thức mới về bộ mặt thật của
Bắc Kinh qua việc mời thầu phi pháp 9 lô dầu khí, Việt Nam sẽ lên tiếng phê
phán những hành động của Bắc Kinh tại các diễn đàn sắp tới ở Campuchia để bảo vệ
cho các quyền lợi chính đáng hợp pháp của mình trên Biển Đông. Người ta cũng
trông đợi một phát biểu mạnh mẽ của bà Ngoại trưởng Hillary Clinton đối với
các hành động quá khích của Bắc Kinh bao gồm hành vi mời thầu 9 lô dầu khí và
việc thành lập thành phố Tam Sa trong thời gian qua. Tại Phnom Penh, bà Ngoại
trưởng Hillary Clinton cũng sẽ có các cuộc gặp với những người đồng nhiệm
trong khuôn khổ cuộc gặp đối thoại ASEAN – Mỹ và Diễn đàn các nước Mê Kông – Mỹ.
Đây là cơ hội để bà Ngoại trưởng Hillary Clinton thể hiện vai trò trong việc
ngăn ngừa những hoạt động lấn lướt của Trung Quốc trong tương lai, duy trì hoà
bình ổn định và an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Lê Thành

RELATED ARTICLES

Tin mới