Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLẠI NÓI VỀ YÊU SÁCH ĐƯỜNG LƯỠI BÒ CỦA TRUNG QUỐC

LẠI NÓI VỀ YÊU SÁCH ĐƯỜNG LƯỠI BÒ CỦA TRUNG QUỐC

Một loạt những hành động thô bạo của Trung Quốc trên Biển
Đông thời gian qua được dư luận trên thế giới đánh giá là những bước đi có tính
toán nhằm hiện thực hoá và hợp pháp hoá yêu sách đường lưỡi bò phi lịch sử, phi
lý và phi pháp của mình trên Biển Đông. Đã có nhiều công trình nghiên cứu, bài
viết của nhiều học giả trên thế giới, kể cả các học giả Trung Quốc chỉ ra những
điểm mập mờ, không có cơ sở lịch sử và cơ sở pháp lý trong yêu sách này, nhưng
thiết nghĩ cái đường lưỡi bò quái gở này vẫn cần phải được nói và nói nhiều nữa
để mọi người cùng hiểu.

Lâu nay, một số học giả Trung Quốc ra sức biện minh, viện
dẫn để cho rằng vùng nước nằm trong đường lưỡi bò là “vùng nước lịch sử” xưa
nay thuộc Trung Quốc, rằng “Trịnh Hoà đã 7 lần xuống Tây dương khai phá Nam Hải
và đã xác lập quản lý hành chính… vân vân và vân vân. Tuy nhiên, các học giả
này lại không thể đưa ra được bằng chứng hay những nghiên cứu mang tính nghiêm
túc, khoa học, thuyết phục đáng để người khác quan tâm. Trái lại, những bài
viết đó chỉ càng bộc lộ những quan điểm khác nhau, thậm chí mâu thuẫn ngay
trong chính bản thân Trung Quốc. Chỉ nói ngay cái bản đồ với những nét vẽ ngẫu
hứng và vô ý thức về 11 đoạn trong tập Atlas cá nhân của một người Trung Quốc,
sau đó được lợi dụng in lại, với những nét vẽ không rõ ràng, không xác định
được vị trí chính xác và không có chú giải chính thức về toạ độ của nó, cho dù
là tại thời điểm mà người Trung Quốc tự vẽ đường lưỡi bò này, kỹ thuật về toạ
độ và đo vẽ bản đồ của thế giới đã rất hoàn chỉnh, cũng thấy yêu sách này hoàn
toàn không có một tý giá trị nào về lịch sử, pháp lý hay khoa học…

Có lẽ chính vì điểm yếu đó, nên khi Trung Quốc quyết định
công bố chính thức đường yêu sách lưỡi bò với thế giới bằng công hàm ngày
7/5/2009 gửi Liên hợp quốc (LHQ), Trung Quốc đã nói khác đi, rằng “Trung Quốc
có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở biển Nam Trung Hoa (tức Biển
Đông) và các vùng nước kế cận, và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với
các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ở đó”. Khi
công hàm này được lưu hành tại LHQ, người ta có thể hiểu đây là quan điểm chính
thức của chính phủ Trung Quốc về yêu sách về đường lưỡi bò và yêu cầu thế giới
công nhận. Vậy nếu xét theo quan điểm chính thức này của Trung Quốc, người ta
có thể không bàn đến những quan điểm, những viện dẫn đầy mâu thuẫn mà các học
giả Trung Quốc hay nói tới về vùng nước lịch sử, về chủ quyền lâu đời của Trung
Quốc đối với đường lưỡi bò. Tuy nhiên, quan điểm chính thức này của Trung Quốc
cũng lộ ra những mâu thuẫn không thể biện minh được.

Thứ nhất, theo lời lẽ trong công hàm của Trung Quốc, thì
những từ như “chủ quyền”, “quyền chủ quyền” và “quyền tài phán”, hay “đáy biển
và lòng đất dưới đáy biển” đều là những khái niệm pháp lý chỉ được ghi nhận sau
này trong các văn kiện của luật biển quốc tế, và được hiểu thống nhất và đầy đủ
trong Công ước LHQ về Luật biển 1982. Theo các quy định của luật biển quốc tế
thì yêu sách của Trung Quốc về “quyền chủ quyền và quyền tài phán” trong đường
lưỡi bò, là đòi hỏi một vùng biển có quy chế pháp lý là vùng đặc quyền kinh tế
(ĐQKT) và thềm lục địa. Và như vậy, yêu sách này phải được xem xét có phù hợp
đối với luật pháp quốc tế đương đại hay không, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật
biển 1982.

Thứ hai, vào thời điểm đường lưỡi bò được vẽ ra, theo như
học giả Trung Quốc, là vào năm 1947, thì luật biển quốc tế lúc bấy giờ chủ yếu
dựa theo những quy phạm mang tính tập quán, nghĩa là chủ quyền của quốc gia ven
biển, chỉ giới hạn trong một vùng lãnh hải mở rộng ra từ biển của quốc gia đó,
thường là 3 hải lý, là tầm bắn của phát đạn pháo, được thẩm phán người Hà Lan
tên là Cornelius Bynkershoek phát triển. Ngoài vùng lãnh hải là vùng biển quốc
tế, nơi mà các quốc gia khác thực hiện các quyền tự do trên biển, và biển cả
thuộc về nhân loại nói chung, không là của riêng của bất cứ quốc gia nào. Khái
niệm quyền chủ quyền và quyền tài phán chưa hề xuất hiện và được nói tới, cho
đến Hội nghị Luật biển đầu tiên của LHQ tổ chức năm 1956 tại Geneva. Các chính
quyền Trung Quốc thời bấy giờ cũng công nhận và không phản đối chiều rộng 3 hải
lý của lãnh hải. Như thế thì những yêu sách của Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền
bằng đường lưỡi bò không có chỗ đứng trong luật pháp quốc tế ngay trong thời
gian đó.

Thứ ba, nếu xét theo thời điểm Trung Quốc cho lưu hành ở LHQ
ngày 7/5/2009 thì những quan điểm của Trung Quốc sẽ được xem xét theo Công ước
LHQ về Luật biển năm 1982. Công ước là thành tựu của nhân loại trong việc trù
định các quy định pháp lý liên quan đến biển và đại dương, được hầu hết các
quốc gia trên thế giới (162), trong đó có Trung Quốc, phê chuẩn và tham gia.
Theo Công ước, các quốc gia ven biển có quyền có vùng ĐQKT và thềm lục địa với
những quy chế pháp lý rõ ràng. Trung Quốc là một trong 9 quốc gia ven Biển Đông
thì Trung Quốc cũng chỉ được hưởng vùng ĐQKT và thềm lục địa là 200 hải lý. Nếu
Trung Quốc trình LHQ báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa và được phê
chuẩn thì vùng thềm lục địa tối đa cũng chỉ là 350 hải lý. Với những quy định
của Công ước, Trung Quốc không thể có vùng ĐQKT và thềm lục địa, như trong yêu
sách đường lưỡi bò, rộng lớn hàng nghìn hải lý tính từ bờ biển Trung Quốc. Ngay
cả khi Trung Quốc lập luận rằng yêu sách trên có được là do Trung Quốc có chủ
quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở giữa Biển Đông thì lập luận
này cũng sớm bị bác bỏ, vì chủ quyền của Trung Quốc tại hai quần đảo này không
có cơ sở lịch sử và pháp lý chứng minh đầy đủ, và vì hai quần đảo này đang còn
là vấn đề còn tranh chấp với các quốc gia khác, dù ít dù nhiều, cũng có tuyên
bố chủ quyền một phần hay toàn bộ đối với hai quần đảo, như Việt Nam,
Philippines, Malaysia và Brunei. Hơn thế nữa, theo quy định của Công ước, các
đảo trong hai quần đảo này là đá và bãi ngầm, không được coi là nơi con người có
thể sinh sống được nên không thể có vùng ĐQKT và thềm lục địa.

Biển Đông là vùng biển nửa kín, có 9 quốc gia bao bọc, và vì
vậy, Biển Đông không thể và không bao giờ chỉ là của riêng Trung Quốc. Tham
vọng độc chiếm vùng biển này bằng đường lưỡi bò của Trung Quốc đã ngang nhiên
xâm phạm thô bạo các quyền lợi chính đáng của các quốc gia ven biển khác ven
Biển Đông đã được quy định cụ thể trong Công ước LHQ về Luật biển 1982.

Có thể nói, yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc, dù lập
luận và viện dẫn theo luật pháp quốc tế đương đại, hay dẫn chứng lịch sử để
chứng minh chủ quyền, đều bộc lộ những mâu thuẫn, những điều phi lý rất dễ dàng
nhận biết để bác bỏ. Điều đáng nói ở đây là yêu sách này, trong quá khứ cũng
như hiện tại, đang bị lợi dụng và đẩy lên bởi tư tưởng Đại Hán Trung Quốc, muốn
thâu tóm toàn thiên hạ trong tay mình và bắt thiên hạ phải phụ thuộc vào mình.
Tư tưởng này trong thời đại ngày nay không những được coi là sự hoang tưởng, mà
còn là cản trở chính yếu cho sự phát triển hoà bình của một dân tộc, một quốc
gia rộng lớn trên thế giới.

Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới có đường biên
giới trên đất liền dài trên 22 triệu km, tiếp giáp với 14 quốc gia khác, và
đường bờ biển dài hơn 18,000 km. Trung Quốc cũng là quốc gia duy nhất có nhiều
vấn đề tranh chấp biên giới lãnh thổ với các quốc gia láng giềng khác. Ngoài
khu vực Biển Đông, Trung Quốc còn có những tranh chấp với Nhật Bản, Hàn Quốc ở
khu vực biển Hoa Đông. Nếu cứ theo đuổi quan điểm và chính sách hung hăng như
Trung Quốc đang làm hiện nay thì liệu Trung Quốc có thể phát triển yên ổn trong
hoà bình và thực sự là một quốc gia có trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế hay
không? như Trung Quốc vẫn rao giảng trên quốc tế./.

Minh Trung, 7/2012.

RELATED ARTICLES

Tin mới