Tuesday, January 14, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiGIÁO SƯ LUẬT CỦA TRUNG QUỐC CHẲNG HIỂU GÌ VỀ LUẬT PHÁP...

GIÁO SƯ LUẬT CỦA TRUNG QUỐC CHẲNG HIỂU GÌ VỀ LUẬT PHÁP QUỐC TẾ

Báo Nhân dân điện tử của Trung Quốc ngày 3/7/2012 trích nguồn từ báo “Pháp chế” đăng bài “sử dụng nhiều biện pháp để đối phó với Luật Biển Việt Nam” của Hoàng Dao, giáo sư Viện Luật, Đại học Trung Sơn, Trung Quốc.

Vị giáo sư này có nói đến một số biện pháp để ngăn chặn Việt Nam và một số nước khác đưa tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ra Tòa án Quốc tế, đó là Trung Quốc cần sớm chuẩn bị đầy đủ các biện pháp pháp lý, trong trường hợp tòa án hoặc trọng tài quốc tế không thể căn cứ vào chứng cứ lịch sử để xác định chủ quyền của nước chiếm trước, thì có thể áp dụng nguyên tắc kiểm soát có hiệu quả, và nguyên tắc này phải kết hợp với khái niệm “mốc thời gian quan trọng”.

Vị giáo sư này cho rằng năm 1975 là “mốc thời gian quan trọng” cho tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc, vì sau khi kết thúc chiến tranh năm 1975, Việt Nam mới lần đầu tiên đưa ra đòi hỏi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Xem ra thì vị giáo sư Hoàng Dao có vẻ như cũng có nghiên cứu về luật pháp quốc tế, có biết về những khái niệm pháp lý, thực tiễn pháp lý quốc tế liên quan đến việc giải quyết tranh chấp chủ quyền đã được đúc kết qua những án lệ quốc tế, những nghiên cứu của các luật gia quốc tế. Nhưng dường như vị giáo sư Hoàng Dao chẳng hiểu biết mấy về bản chất và nội dung của cái “mốc thời gian quan trọng” mà các học giả quốc tế nổi tiếng nói như thế nào. Thế nên phải nói rõ cho vị giáo sư Hoàng Dao này hiểu thêm để đừng có nói càn trên một tạp chí luật của Trung Quốc.

Cái mà vị giáo sư Hoàng Dao nói đến thực ra là một khái niệm kỹ thuật pháp lý được gọi là “thời điểm kết tinh” hoặc “thời điểm quyết định” thường được sử dụng trong quá trình xét xử của Tòa án quốc tế và Trọng tài quốc tế liên quan đến các tranh chấp chủ quyền giữa các nước trên thế giới như vụ đảo Palmas (Mỹ và Hà Lan năm 1928), vụ đảo Clipperton giữa Mêhicô và Pháp (1931), vụ Đông Greenland (1933) giữa Na Uy và Đan Mạch, vụ Minquiers và Ecréhous (1953) giữa Anh và Pháp… và sau này được học thuyết phát triển thêm. Trong luật quốc tế, điểm thời gian kết thúc một giai đoạn trong đó các yếu tố vật chất của tranh chấp được nói đã xuất hiện thường được gọi là “thời điểm kết tinh”. Nó thường hay được áp dụng cho các tranh chấp lãnh thổ để chia ra khoảng thời gian trong đó một bên có thể trình bày sự củng cố danh nghĩa hoặc sự hoàn thiện yêu cầu của thuyết chiếm cứ. Khái niệm “thời điểm kết tinh” tranh chấp được đưa vào các cuộc tranh luận để làm rõ bản chất của tranh chấp. Thời điểm kết tinh được xác định vào thời điểm có một yêu sách chính thức được đưa ra. Khi xét xử các vụ tranh chấp ở trên, Tòa án chấp nhận rằng khi có một sự kết tinh tranh chấp thì những bằng chứng tạo ra sau đó không còn giá trị. Tuy nhiên, cả học thuyết lẫn những án lệ qua các vụ xử nói trên của Trọng tài quốc tế và Tòa án quốc tế đều không định nghĩa được “thời điểm kết tinh” tranh chấp là gì và tác dụng thực sự của nó ra sao. Có học giả cho rằng đây là thời điểm mà sau đó các hành vi do các nước thực hiện không thể thay đổi các quyền tương tự của các nước đó. Có học giả lại cho rằng khái niệm “thời điểm kết tinh” bao trùm một giai đoạn hơn là một ngày tháng chính xác. Tuy nhiên, nhiều luật gia cho rằng “thời điểm kết tinh” là thời gian mà sau nó, trong một tranh chấp lãnh thổ, hành động cư xử của các bên không còn có thể được xét đến, đó là thời điểm mà chủ quyền đã được xác định. Chính vì vậy, các bên liên quan đến tranh chấp có thể chọn nhiều “thời điểm kết tinh” khác nhau nhằm cải thiện vị trí của họ trong tranh chấp. Trong vụ đảo Minquiers và Ecrehous giữa Anh và Pháp, thì Pháp chọn thời điểm kết tinh là năm 1839, còn Anh chọn là năm 1956. Trong vụ Đông Greenland, thời điểm kết tinh là ngày 10/7/1931 khi Na uy chiếm đóng lãnh thổ đang tranh chấp nhưng Đan Mạch lại chứng minh được rằng trước thời gian này Đan Mạch đã hành động với tư cách là nước có chủ quyền lãnh thổ và có sự thực hiện trên thực tế quyền lực Nhà nước.

Nếu như vị giáo sư Hoàng Dao của Trung Quốc muốn nhắc đến “thời điểm kết tinh” cho tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì cần phải hiểu rằng: Việt Nam đã phát hiện và chiếm hữu từ lâu đời, ngay từ khi hai quần đảo nói trên còn là vô chủ, ít nhất là từ đầu thế kỷ XVII, khi các vua chúa Việt Nam thời bấy giờ đã có những hoạt động như tổ chức khai thác có hệ thống các đảo, tiến hành khảo sát, đo đạc và kiểm tra kiểm soát, xây dựng các miếu, đền, bia đá.. như các dấu hiệu tượng trưng về chủ quyền, tổ chức thu thuế và cứu trợ các tầu thuyền nước ngoài gặp nạn… Hành xử chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo trong lịch sử còn được ghi nhận trong các sách sử của các triều đại phong kiến Việt Nam cũng như sách, nhật ký hàng hải của các tác giả người phương Tây, thậm chí cả người Trung Quốc cũng công nhận. Còn Trung Quốc, thì chỉ đến năm 1909 mới bắt đầu để ý tới hai quần đảo và nhảy vào tranh chấp đối với Việt Nam. Nhiều luật gia, nhà nghiên cứu quốc tế đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo và đã cho in sách hoặc công bố những nghiên cứu của mình trên nhiều tạp chí luật có uy tín trên quốc tế, mà vị Giáo sư Hoàng Dao nên tìm đọc trước khi đưa ra ý kiến của mình, đó là Bà Monique Chemillier – Gendreau, nguyên chủ tịch Hội Luật gia dân chủ Pháp, Chủ tịch Hội Luật gia Châu Âu, với cuốn “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, hay Kriangsak Kittichaisaree trong tác phẩm “Luật biển và việc phân định biên giới biển tại Đông Nam Á”, hay Jean Ferrier trong bài viết “Tranh chấp các đảo Hoàng Sa và vấn đề chủ quyền trên các đảo không người ở” và còn nhiều học giả uy tín khác nữa.

Thời điểm năm 1975 mà vị giáo sư Hoàng Dao cho là “thời điểm kết tinh” của tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn không có căn cứ và cũng chẳng có chứng cứ gì khi xét theo luật pháp quốc tế. Có chăng, đó là chiến thắng lịch sử 1975 mà nước Việt Nam giành được sau cuộc chiến tranh gần 20 năm để thống nhất đất nước, và trước đó là năm 1974, khi Trung Quốc lợi dụng việc Việt Nam đang tập trung cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, đã cho quân cướp và chiếm đóng phi pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc trong lịch sử đã khởi nguồn cho tình hình trên Biển Đông ngày càng căng thẳng, gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh trong khu vực.

Minh Ngọc

RELATED ARTICLES

Tin mới