Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnHỘI THẢO VỀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG CỦA HỌC GIẢ TRUNG QUỐC

HỘI THẢO VỀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG CỦA HỌC GIẢ TRUNG QUỐC

Ngày 14/6/2012, tại Bắc Kinh, Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc Trung Quốc phối hợp với trang mạng blog.sina.com.cn tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề: “Tranh chấp Nam Hải (Biển Đông): Chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế”.

Viện nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc (Bắc Kinh) là một tổ chức do các nhà khoa học nổi tiếng Trung Quốc thành lập năm 1993. Tôn chỉ của Viện là hỗ trợ và thúc đẩy công việc nghiên cứu chất lượng cao về lý luận kinh tế và các vấn đề kinh tế – xã hội mũi nhọn, đề xuất các phương án giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cải cách của Trung Quốc.

Từ khi thành lập đến nay, Viện đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia, học giả nổi tiếng đến từ các đơn vị nghiên cứu khoa học có uy tín của Trung Quốc như Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc, Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc Vụ viện, Viện nghiên cứu vĩ mô, Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Phúc Đán, Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước v.v… cùng nhiều viện nghiên cứu khoa học tiếng tăm các nước như Mỹ và châu Âu. Viện này được đánh giá là một trong những “túi khôn” (think tank) có ảnh hưởng lớn nhất của Trung Quốc hiện nay.

Đến dự cuộc hội thảo về Biển Đông ngày 14/6, có các học giả về luật, luật quốc tế, kinh tế học, chính trị học cùng các chuyên gia về luật biển. Giảng viên trường Đại học Công an nhân dân Trung Quốc Dương Tuấn Phong chủ trì Hội thảo. Nghiên cứu viên Trung tâm thông tin hải dương Trung Quốc Lý Lệnh Hoa và Giáo sư Đại học Nhân dân, cố vấn Quốc vụ viện Thời Ân Hoằng là hai khách mời phát biểu chính. Ngoài ra có 8 khách mời khác tham gia bình luận là Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc, Giáo sư Đại học Sơn Đông Thịnh Hồng; Giáo sư Học viện quan hệ quốc tế, Đại học Bắc Kinh Thượng Hội Bằng; Chủ nhiệm, nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu, Hội Xúc tiến hữu nghị quốc tế Trung Quốc Cát Hải Đình; Giáo sư Học viện Triết học, Đại học Nhân dân Trung Quốc Hà Quang Hộ; Nghiên cứu viên Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, Tổng biên tập Tạp chí “Đọc sách” Vương Viêm; Giáo sư Học viện Luật, Đại học Thanh Hoa Hứa Chương Nhuận; Giáo sư thỉnh giảng của Học viện Luật, Đại học Bắc Kinh và Học viện Quản lý chính phủ, Phó Hội trưởng Học hội Hiến pháp Trung Quốc Trương Thiên Phàm và Chủ tịch Hội đồng học thuật, Viện nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc, Giáo sư Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Trương Thử Quang. Các học giả và chuyên gia đã trao đổi, thảo luận với những góc nhìn khác nhau về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông và nêu một số kiến nghị cá nhân. BienDong.Net xin giới thiệu toàn văn nội dung cuộc thảo luận để bạn đọc tham khảo.

*

Người chủ trì Dương Tuấn Phong: Trước tiên xin cảm ơn các thầy giáo, các vị khách quý đã tới dự. Hôm nay là lần đầu tiên của diễn đàn tư tưởng “Luận bàn Sina – Thiên Tắc” do Viện Nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc và kênh Blog Sina hợp tác tổ chức. Chúng tôi sẽ định kỳ lựa chọn các vấn đề nóng trong xã hội mà công chúng quan tâm, mời các chuyên gia trong các lĩnh vực ở trong và ngoài nước, tiến hành giải mã một cách độc đáo, có trí tuệ, mang tính xây dựng từ góc nhìn chuyên nghiệp. Vấn đề hôm nay chúng ta bàn tới chính là vấn đề tranh chấp Nam Hải (Biển Đông) mà gần đây mọi người đều rất quan tâm. Chúng tôi muốn mượn vấn đề Nam Hải, giải thích lại một chút về quy tắc quốc tế và chủ quyền quốc gia, hy vọng có thể qua thảo luận của các học giả chuyên nghiệp để làm rõ một số hiểu lầm của công chúng đối với vấn đề Nam Hải. Sau đây xin mời giáo sư Thịnh Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc, phát biểu.

Thịnh Hồng: Xin cảm ơn các vị học giả tới tham dự Hội thảo, cuộc Hội thảo này bắt nguồn từ tranh chấp quốc tế ngày càng nhiều mà trong mấy năm qua Trung Quốc bị cuốn vào. Một mặt sự cọ xát giữa Trung Quốc với các nước xung quanh xảy ra liên tục; mặt khác Trung Quốc không thể không đối mặt với những thách thức của các nước lớn khác trên quốc tế. Những vấn đề đó đòi hỏi Trung Quốc phải đưa ra ứng phó chính xác. Vấn đề Nam Hải, vấn đề đảo Điếu Ngư, cũng như những tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với các quốc gia xung quanh khác, đều liên quan đến sự vướng mắc từ tầng sâu, ở nhiều bình diện. Nhưng đối với Chính phủ Trung Quốc mà nói, tìm được một quy tắc và nguyên tắc tương đối chín muồi và cân bằng làm cơ sở hành động của chúng ta là rất quan trọng. Đối với vấn đề chủ quyền, dân chúng Trung Quốc lại có tâm trạng dân tộc chủ nghĩa rất đặc biệt. Chúng ta cần suy nghĩ rốt cuộc làm thế nào ứng phó với vấn đề chủ quyền biên giới. Một mặt, trong khuôn khổ quốc tế hiện nay, là một quốc gia chủ quyền, Trung Quốc cần vừa có quyền lợi vừa có nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ lãnh thổ của quốc gia. Đồng thời cần suy nghĩ lâu dài, bất cứ tranh chấp lãnh thổ giữa bất kỳ quốc gia nào với quốc gia nào, đều bao hàm kiểu xung đột của các cách nhìn khác nhau; không thể hoàn toàn đứng trên lập trường của một bên để quyết định rốt cuộc việc đó đúng hay không đúng? Tổng hợp ý kiến của hai bên thậm chí nhiều bên, cuối cùng thông qua trao đổi tìm được biện pháp giải quyết, đó là một xu thế lớn. Tuyệt đối không thể dùng ý chí của một phía để giải quyết vấn đề biên giới. Ví dụ như giải quyết thông qua vũ lực, xét về lâu dài chưa chắc đã là có lợi nhất đối với một số nước. Bảo vệ lợi ích của một quốc gia cần tìm tòi một nguyên tắc cùng có lợi, cùng thắng đối với quốc gia xung quanh và quốc gia mình.

Trung Quốc không chỉ là một quốc gia dân tộc bình thường, mà còn là một nước lớn, một quốc gia có nền văn minh kéo dài suốt 5000 năm; vì vậy Trung Quốc cần có trách nhiệm riêng của mình đối với toàn bộ thế giới, cần có trách nhiệm lớn đối với hoà bình của thế giới và ổn định của khu vực. Trung Quốc không những cần bảo vệ lợi ích quốc gia của mình, mà cần suy xét vấn đề quốc tế xuất phát từ lợi ích lớn nhất của toàn thế giới. Chúng ta cũng thấy,Trung Quốc nên có thái độ gì đối với các vấn đề xuất hiện ở các nước Ai-cập, Tuy-ni-di, Syria, nhất là từ tình hình biến động “Mùa xuân Ả-rập” ở các nước xung quanh Trung Đông, Bắc Phi kể từ năm ngoái đến nay? Bởi vì Trung Quốc luôn coi trọng không can thiệp công việc nội bộ, nhưng nguyên tắc như vậy có phải là tuyệt đối thích hợp hay không? Đối với các vấn đề thế giới, một nước lớn nên có thái độ như thế nào, xét từ cách bày tỏ thái độ ngoại giao hiện nay của Trung Quốc, dường như không xác đáng.

Xét về tổng thể, một cách nhìn cơ bản, những năm qua toàn bộ bộ khung chính trị quốc tế là do người phương Tây chủ đạo. Trong cái khung quốc tế do người phương Tây chủ đạo đó, cần phải nói rằng nó không có được quy tắc quốc tế cơ bản công bằng; thực ra về bề ngoài nó có thể có rất nhiều từ ngữ chính nghĩa, nhưng đằng sau vẫn bị lợi ích quốc gia chi phối. Trên thực tế, tình hình quốc tế hiện nay đề ra cho chúng ta một nhiệm vụ. Chúng ta không thoả mãn với bộ khung chính trị quốc tế hiện nay, cũng không thoả mãn với quy tắc chính trị quốc tế do phương Tây chủ đạo. Trung Quốc cần kế thừa và phát huy trí tuệ xử lý vấn đề quốc tế trong nền văn hoá truyền thống, tạo ra quy tắc công bằng trong tình hình chính trị quốc tế hiện nay. Như thế mới có thể giải quyết thoả đáng hơn những xung đột giữa Trung Quốc với các nước xung quanh; đồng thời, hình thành quy tắc xử lý thoả đáng các công việc quốc tế.

Hội thảo này của chúng ta tuy lấy tranh chấp Nam Hải làm xuất phát điểm, nhưng mục đích của chúng ta là thảo luận một quy tắc thích hợp cho xử lý các loại vấn đề quốc tế. Xin cảm ơn quý vị!

Người chủ trì Dương Tuấn Phong: Xin mời thầy Lý Lệnh Hoa, Nghiên cứu viên Trung tâm thông tin Hải dương Trung Quốc giới thiệu một chút về bối cảnh của vấn đề Nam Hải. Thầy Lý Lệnh Hoa từng đích thân tham gia công việc khảo sát biên giới Nam Hải của Trung Quốc, là chuyên gia lâu năm trong vấn đề Nam Hải.

Lý Lệnh Hoa: Tôi đã nghiên cứu hải dương hơn 20 năm tại Trung tâm thông tin Hải dương quốc gia Hôm nay tôi rất vui cùng mọi người thảo luận vấn đề Nam Hải. Tôi đem tới một số thành quả nghiên cứu về vấn đề phân định biên giới Nam Hải mới nhất của giới học thuật để mọi người tham khảo, trong đó có “Các án lệ liên quan đến luật quốc tế của Trung Quốc”, “Tuyển tập nghiên cứu quốc sách hải dương”, “Tranh chấp Nam Hải địa duyên”, “Vấn đề hải dương”, v.v… Nói tới vấn đề của Nam Hải tôi rất chú ý tới quan điểm của một số người. Tôi có cảm giác thế này, hơn một năm qua, đặc biệt là kể từ khi Trung Quốc và Philippineses xảy ra xung đột từ tháng 12 năm ngoái đến nay, vấn đề Nam Hải hết sức nóng. Tôi cảm thấy, trong vấn đề chủ quyền quốc gia, đảo Hoàng Nham từ xưa tới nay là lãnh thổ của chúng ta, điểm này là khẳng định. Nhưng diện tích đảo Hoàng Nham quá nhỏ, hơn nữa không có người sinh sống, lúc thủy triều lên chỉ là một mỏm đá. Đảo Hoàng Nham được giáo sư Dương Hoài Nhân (tôi từng đích thân gặp người này ở Thiên Tân, người này đã mất) và Trưởng ty Phòng ngự của Chính phủ Dân quốc đưa vào khi vẽ “đường 11 đoạn” năm 1947. Khi nghiên cứu ranh giới vùng biển tiếp giáp năm 1998, vấn đề đảo Hoàng Nham đã từng được thảo luận liên quan tới việc không thể lấy nó để xác định ranh giới vùng biển tiếp giáp, do nó quá nhỏ và cách xa đất liền và vấn đề càng phức tạp hơn là đảo Hoàng Nham nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippineses. Việc lấy đảo Hoàng Nham làm điểm cơ sở cho chủ trương vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của chúng ta hay không là rất đáng phải bàn. Vì vậy, về vấn đề này, Bộ Ngoại giao và giới quân sự có lúc rất cứng; tôi cảm thấy là suy xét chưa đầy đủ; tôi đã viết cho Bộ Ngoại giao rất nhiều thư, nhưng không thấy hồi âm. 12 hải lý xung quanh đảo Hoàng Nham, khoanh một vòng lãnh hải là vẫn trong vùng đặc quyền kinh tế của người ta; vì vậy khi tàu cá vào Hoàng Nham thì tất nhiên đã vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippineses, nên xảy ra tranh chấp trong vấn đề này là điều rất bình thường.

Nhiều học giả khẳng định đường 9 đoạn, nhưng biên giới trên đất liền hay biên giới trên biển của toàn thế giới không có đường nào là đường tưởng tượng cả, duy nhất chỉ có đường 9 đoạn là đường tưởng tượng (“hư tuyến”). Chúng ta vẽ đường 9 đoạn không có kinh độ, vĩ độ cụ thể, cũng không có căn cứ pháp luật gì. Tôi giảng bài cho nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu biên giới và hải dương Trung Quốc tại Vũ Hán rằng, căn cứ pháp luật thực sự là thực hiện theo tinh thần Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Đường 9 đoạn chiếm vùng nước trên 80% của Nam Hải.

Đây là đường cơ sở lãnh hải của Trung Quốc vẽ năm 1996 (chỉ bản đồ), một đường từ Quảng Đông kéo tới phía đông nam của đảo Hải Nam. Điểm kết nối ven đất liền có 49 điểm. Đây là 28 điểm kết nối của quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), do chuyên gia của Cục Hải dương và quân đội vẽ trước năm 1995, bao gồm vùng nước với diện tích hơn 1000 hải lý vuông; công bố được một năm thì bị Chính phủ Việt Nam, Philippineses phản đối dữ dội. Việc phân định này vốn dĩ có rất nhiều chỗ không chuẩn xác, vậy mà nay lại vẫn muốn thực hiện phân định mơ hồ như vậy tại quần đảo Nam Sa (Trường Sa).

Tài nguyên Nam Hải phong phú, nước ta (Trung Quốc) và 5 nước Philippineses, Việt Nam… có tranh chấp lãnh hải. Tôi chủ trương áp dụng phương thức đàm phán hoà bình theo tinh thần của Công ước của LHQ về luật Biển để giải quyết, không thể sử dụng vũ lực giải quyết. Theo xu thế phát triển của luật biển quốc tế hiện nay, các nước ven Nam Hải trước tiên cần vẽ đường biên giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý, sau đó tiến hành cùng khai thác.

Lấy ví dụ, không thể đi giày rồi mới đi tất, cũng tức là không thể chưa xác định rõ chủ quyền đã tiến hành cùng khai thác. Sau này căn cứ theo điều 74, 83 của Công ước của LHQ về luật biển, đường tưởng tượng 9 đoạn sẽ phải vẽ lại; Philippineses chiếm bao nhiêu, Bru-nây chiếm bao nhiêu, Việt Nam chiếm bao nhiêu, chắc chắn không thể hoàn toàn phân chia theo như đường 9 đoạn hiện có được.

 

 

Bản đồ đã được sử dụng tại Hội thảo

Đường đứt đoạn là “đường 9 khúc”; đường vẽ liền là ranh giới các khu đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước ven Biển Đông do các học giả vẽ

Thịnh Hồng: Đường vẽ liền có phải là vẽ 200 hải lý của các nước không?

Lý Lệnh Hoa: Đúng, đường vẽ liền là vùng đặc quyền kinh tế vẽ theo Luật biển. Đảo Hoàng Nham là ở chỗ này, chúng ta chỉ có 12 hải lý lãnh hải. Thềm lục địa của Philippineses ở đây, vì vậy kể cả các tàu cá, tàu quân sự của chúng ta, đến đảo Hoàng Nham tất yếu sẽ vào vùng đặc quyền kinh tế của người khác. Không thể chỉ ràng buộc Việt Nam, Philippineses mà không ràng buộc Trung Quốc; mọi người đều cần thực hiện theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển.

Thịnh Hồng: Căn cứ mà chúng ta vẽ đường 9 đoạn là gì?

Lý Lệnh Hoa: Không có căn cứ gì; chỉ là tuyên bố đơn phương năm 1947.

Thịnh Hồng: Không được các nước khác thừa nhận?

Lý Lệnh Hoa: Không thừa nhận. Hoạch định ranh giới biển chúng ta cần phải theo quy tắc quốc tế, chứ không thể nói căn cứ vào lịch sử, vào mức độ giàu nghèo của nước mình, vào dân số của nước mình, đây đều không phải là căn cứ để hoạch định ranh giới. Theo tôi là căn cứ vào Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển để làm. Nhân dân các nước ven Nam Hải, nhân dân Trung Quốc đều có vùng nước rộng rãi, đều có đủ không gian để phát triển nghề cá, khai thác tài nguyên dưới đáy biển. Láng giềng của chúng ta sẽ phát triển kinh tế, chúng ta cũng sẽ được lợi. Nhìn nhận vấn đề từ góc độ của toàn nhân loại, chúng ta cần có quan điểm toàn cục.

Các đảo bãi của quần đảo Nam Sa (Trường Sa) không thể duy trì sinh hoạt lâu dài của loài người, nên căn cứ vào Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển thì chỉ có lãnh hải 12 hải lý, chứ không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý mà chúng ta chủ trương. “Quần đảo Nam Sa và vùng biển phụ cận của nó” như cách nói của Chính phủ là quá mơ hồ; ngay cả vùng phụ cận bao nhiêu hải lý cũng không nói rõ ràng. Chúng ta cần tôn trọng Công ước của Liên hợp quốc. Do địa vị pháp luật của đảo bãi Nam Sa thấp, không có đủ điều kiện để con người dựa vào đảo đó để sinh tồn, vì vậy chúng ta không thể xác định điểm tính lãnh hải của quần đảo Nam Sa, vì thế vùng phía nam của Nam Hải không thể có vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn.

Khu vực chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta và Việt Nam rất lớn, là mảng màu vàng nhạt. Nhưng khi Việt Nam hoạch định ranh giới phía Bắc tương đối khôn khéo, đã từ bỏ đường ranh giới lịch sử mà Pháp vạch ra với chính quyền nhà Thanh, phân định Vịnh Bắc Bộ được hoàn thành khi Chủ tịch Giang Trạch Dân còn đang lãnh đạo, nay đã được hơn 10 năm rồi, hiệu quả giải quyết tranh chấp rất tốt.

Chính quyền chúng ta chưa bao giờ từng tuyên bố chính thức về đường 9 đoạn. Nhưng các loại sách giáo khoa của Trung Quốc thì lại coi đường 9 đoạn là đường biên giới biển của Trung Quốc, vì vậy dẫn đến trong dân gian coi Nam Hải là lãnh hải mà Trung Quốc có từ lâu nay. Còn có một số phương tiện thông tin đại chúng, như “Thời báo Hoàn Cầu” đều không làm rõ vấn đề này, động một chút thì nói cần phải dùng chiến hạm đến đánh. Tôi cho rằng cần sớm xác định rõ địa vị pháp lý của đường 9 đoạn, không làm rõ sau này sẽ dễ xảy ra chuyện. Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển, “những đảo bãi không thể duy trì con người sinh sống hoặc đời sống kinh tế của bản thân nó, không nên có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”. Quần đảo Nam Sa quá phân tán, các đảo bãi rải rác khắp nơi, hơn nữa con người căn bản không thể sống dựa vào bản thân các đảo bãi của nó được. Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển, quần đảo Nam Sa không thể vạch ra vùng đặc quyền kinh tế, quần đảo Tây Sa cũng vậy. Đảo Bạch Long Vĩ, đảo Vĩnh Hưng, đảo Thái Bình sẽ phân định như thế nào cũng cần căn cứ vào Công ước.

Thịnh Hồng: Quan điểm của ông là đảo thuộc về chúng ta, nhưng không thể lấy đó để chủ trương vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh?

Lý Lệnh Hoa: Đúng, chính là lý lẽ đó.

Trương Thử Quang: Chúng ta chủ trương đảo này là của chúng ta, Philippineses cho rằng là của họ, lại nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ, căn cứ của chủ trương của chúng ta là gì?

Lý Lệnh Hoa: Không có căn cứ, căn cứ chính là cái gọi là “từ xưa tới nay đã là lãnh thổ của Trung Quốc”.

Trương Thử Quang: Tức là thực ra không có căn cứ. Bởi vì bất kể là chính quyền nhà Thanh hay chính quyền Dân quốc đều không kiểm soát thực tế khu vực đó, chỉ là chúng ta tuyên bố đơn phương vùng đó thuộc về chúng ta. Đảo Hoàng Nham đã nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippineses, tại sao ông lại cảm thấy chúng ta có thể coi đảo này là “lãnh thổ hải ngoại” của chúng ta.

Lý Lệnh Hoa: Cũng không phải là tất cả các đảo trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý đều thuộc về nước ven biển, ví dụ như Saint Pierre và quần đảo Miquelon gần Canada nhưng lại thuộc về nước Pháp.

Hà Quang Hộ: Còn vấn đề kiểm soát thực tế, ví dụ như quần đảo Manvinat trên thực tế là nước Anh kiểm soát, tôn trọng kiểm soát thực tế.

Trương Thử Quang: Vừa rồi nói đường 9 đoạn là do nước ta vẽ năm 1947. Vẽ cái đó có căn cứ gì?

Lý Lệnh Hoa: Không có căn cứ, khi đó các nước ven biển còn chưa độc lập, là Trung Quốc đơn phương tuyên bố. Tôi tổng kết một chút, tôi cho rằng vấn đề chủ yếu nhất mà “Công ước của LHQ về luật biển” giải quyết là phân chia lại vùng biển, mỗi một quốc gia ven biển đều có thềm lục địa 200 hải lý, tiện cho khai thác biển của các nước, khiến cho loài người đi tới con đường giàu có. Đây cần trở thành căn cứ để chúng ta và các nước xung quanh giải quyết tranh chấp Nam Hải.

Người chủ trì Dương Tuấn Phong: Cảm ơn thầy Lý Lệnh Hoa, sau đây chúng tôi mời giáo sư Thời Ân Hoằng, Chủ tịch Hội đồng khoa học Học viện quan hệ quốc tế, trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, chuyên gia nổi tiếng về các vấn đề quốc tế.

Thời Ân Hoằng: Gần đây vấn đề Nam Hải trở thành vấn đề lớn của ngoại giao láng giềng của Trung Quốc. Có hai bối cảnh: Thứ nhất là Mỹ tiến hành điều chỉnh chiến lược đối với Trung Quốc và phương hướng ngoại giao ở khu vực Đông Á; thứ hai là sự khuấy động của một số nước cá biệt ở Đông Nam Á trong bối cảnh đó. Khi Trung Quốc vẽ “đường 9 đoạn” năm 1947, rất nhiều trong số họ còn chưa độc lập; khi đó Trung Quốc cũng chưa có lực lượng hải quân, họ lại càng không có; khi đó đều đang đào than chứ chưa xuất hiện vấn đề tranh giành tài nguyên dầu khí hải dương; vì vậy sự tranh giành lúc đó không mạnh mẽ cho lắm. Tôi cảm thấy thái độ của Mỹ đối với việc Trung Quốc trỗi dậy là vấn đề thực sự, kể từ khi Obama lên nắm quyền, nhất là từ năm 2011 đến nay. Phương hướng chiến lược cơ bản của Mỹ đối với Trung Quốc có thể nói đã được xác định, tức là kiềm chế. Lực lượng quân sự tầm trung và tầm xa của Trung Quốc muốn trỗi dậy, thì Mỹ sẽ phong toả, tức là sẽ phong toả hải quân Trung Quốc trong một không gian nhỏ hẹp. Nguyên nhân ở tầng sâu hơn của tranh chấp Nam Hải là sự kiềm chế của Mỹ đối với Trung Quốc.

Bắt đầu từ năm 2011, phương hướng ngoại giao của Mỹ điều chỉnh sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ cho rằng cần phải giành được ưu thế ngoại giao ở Đông Á, thế nên gấp rút cạnh tranh, giành giật bạn bè với Trung Quốc, muốn thu hẹp không gian chiến lược của Trung Quốc. Nếu như thời cuộc căng thẳng, Mỹ thông qua các loại phương thức để uy hiếp, lúc không căng thẳng thì dần dần chèn ép anh với sự giám sát kiểm soát mạnh; về ngoại giao họ rất tích cực và rất linh hoạt trong cạnh tranh với Trung Quốc.

Thoạt đầu Trung Quốc xảy ra tranh chấp với quốc gia mà ý thức chủ quyền biển đặc biệt nhạy cảm là Việt Nam, thì Mỹ đã tung ra chính sách quay trở lại châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời bày tỏ quan tâm chặt chẽ đối với Nam Hải. Tháng 7 năm 2010, tại Hà Nội, Mỹ tuy không nói đảo Hoàng Nham thuộc về ai, nhưng Mỹ yêu cầu đàm phán đa phương, hơn nữa Mỹ cần tham gia. Họ luôn nghĩ Trung Quốc trỗi dậy có thể sẽ đem lại mối đe doạ.

Mỹ lôi kéo các nước có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, trước tiên là Việt Nam, sau đó là Philippineses, Obama có quyết tâm rất lớn, thậm chí trực tiếp gia tăng chi phí quân sự ở khu vực này, nhất định bảo vệ quyền lãnh đạo của Mỹ. Thế nhưng quan hệ Trung – Mỹ cũng rất quan trọng, nếu như làm Trung Quốc nổi giận, thật sự muốn đánh nhau thì liệu có đáng đối với Mỹ hay không, đây cũng là điều mà Mỹ cần phải suy xét. Nhưng nếu như Mỹ không tham gia, có thể những người em ở Đông Nam Á đều sẽ thay lòng đổi dạ. Thậm chí vấn đề đảo Điếu Ngư nếu xử lý không tốt, Nhật Bản cũng có thể sẽ thay lòng đổi dạ. Vì vậy đối với Mỹ mà nói, họ không hy vọng xung đột diện rộng ở Nam Hải. Vì vậy cần phải có sự kiềm chế, như thế Mỹ quả thực có sự ủng hộ tích cực đối với các nước Đông Nam Á, nhưng đồng thời cũng là sự ủng hộ có kiềm chế. Mỹ cần thực hiện cân bằng giữa Bắc Kinh và Manila.

Tại sao vấn đề Nam Hải căng thẳng lên, Mỹ có nước cờ mềm, Trung Quốc có nhu cầu cứng, về mặt ngoại giao châu Á, Mỹ muốn nắm chắc Trung Quốc, không nhất thiết phải đánh nhau với anh, thì cần phải nắm chắc anh, anh theo tôi, đây là sách lược cơ bản trong 30 năm gần đây nhất của Mỹ đối với Trung Quốc. Kiềm chế, phong toả về chiến lược. Mỹ là nước mạnh nhất thế giới, cũng là quan hệ đối ngoại quan trọng nhất của chúng ta, chỉ cần nắm chắc Mỹ, thì mối phiền não lớn nhất của chúng ta sẽ không còn nữa, chỉ còn lại những phiền não nhỏ, phiền não vừa. Có hai mươi mấy người gây sự với anh, giữa anh với người mạnh nhất không còn phiền não nữa, thì có thể hung dữ hơn một chút đối với hai mươi người kia. Thứ hai, xét về mặt kinh tế, Mỹ đứng đầu thế giới, nhưng Trung Quốc đứng thứ hai. Chỉ cần ông anh cho phép ông em trở thành cường quốc thế giới thì tiện lợi hơn nhiều. Trong vấn đề Nam Hải, từ năm 2007 đến nay Trung Quốc nhiều lần từ chối ý tưởng đàm phán đa phương của Mỹ, Mỹ nghĩ liệu có phải tiếp tục kiên trì hay không để làm cho Trung Quốc cuối cùng chấp nhận đề nghị đàm phán đa phương. Năm 2006, Trung Quốc hoàn toàn phản đối việc đưa vấn đề Iran ra Hội đồng Bảo an, nay Trung Quốc chí ít cũng có nhiều lúc tán thành hơn. Vì vậy Mỹ hy vọng Trung Quốc có thể hoà nhập vào hệ thống quốc tế mà họ xây dựng. Công chúng Trung Quốc không tín nhiệm Chính phủ trong vấn đề Nam Hải, kỳ thực Mỹ ngồi mát ăn bát vàng, chỉ cần Trung Quốc không đoàn kết, thì Mỹ có thể ngồi mát ăn bát vàng. Còn nữa, chính sách đối với Mỹ và chính sách Nam Hải của Trung Quốc từ nhiều năm nay lúc cần mềm thì không mềm, lúc cần cứng thì không cứng, hơn nữa lắc lư lên xuống, tính không xác định của chính sách đã làm tăng thêm mối rủi ro của ngoại giao Trung Quốc, như thế trên thực tế đã làm cho Mỹ được lợi.

Thế nào gọi là tính cứng rắn của Trung Quốc? Tính cứng rắn của Trung Quốc thì vừa rồi đã nói tới, chính là đơn phương kiên trì đường 9 đoạn. Đường 9 đoạn vốn dĩ chính là tương đối cứng, toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền của Trung Quốc, chú trọng pháp luật đều là tính cứng rắn. Nhưng Chính phủ giải thích thì lại mơ hồ; “chủ quyền thuộc ta, gác tranh chấp, cùng khai thác” chính là cách nói mơ hồ. Chủ quyền của Trung Quốc ở chỗ nào, là toàn bộ Nam Hải chăng, nếu như là toàn bộ Nam Hải, thì cả thế giới đều không đồng ý, bởi vì Nam Hải là đường thủy quốc tế; hay là tất cả các đảo, bãi và vùng nước phụ cận của Nam Hải, bản thân Trung Quốc cũng chưa nghĩ rõ ràng. Rốt cuộc cái gì là chủ quyền Nam Hải của Trung Quốc? Tất cả đều là một mớ rối rắm. Một phần vấn đề với Việt Nam đã được giải quyết, tháng 11 năm 2011, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Bắc Kinh, hai Đảng đạt được thoả thuận, những vấn đề vốn không thể giải quyết được thì kiềm chế, cọ xát nhỏ không thể làm to lên, cho đến nay những thoả thuận đó đang được thực hiện tương đối tốt.

Nay Trung Quốc cần có tư duy chiến lược, chủ động làm tốt quan hệ với các nước xung quanh, cần quan hệ tốt với châu Á, buộc Mỹ chấp nhận địa vị cường quốc thế giới của Trung Quốc. Trước đây Mỹ chưa bao giờ coi Trung Quốc là cường quốc thế giới cả.

Còn có đại cục trong nước, tăng cường nhận thức chung ở trong nước, tăng cường sự đoàn kết trong nước, tăng cường sự ủng hộ của nhân dân đối với chính sách của Chính phủ, phòng ngừa môi trường trong nước của Trung Quốc xấu đi. Về chính sách đối ngoại, nếu như cứ mềm mãi cũng không được, vì vậy có lúc cần có sự phản kích. Đặng Tiểu Bình nói để con cháu đời sau của chúng ta giải quyết, ý nói là 50 năm, 100 năm sau, vấn đề Nam Hải sẽ trở thành khủng hoảng, chúng ta cần có sự chuẩn bị tư tưởng. Vì vậy bất kể điều kiện khó khăn đến mấy, chúng ta cũng cần cố gắng giải quyết. Nay vấn đề Nam Hải thường xuyên xảy ra căng thẳng, cứ căng thẳng 10 năm, 20 năm nữa thì sẽ không đáng có, vì vậy chúng ta cần phải tìm được biện pháp giải quyết vấn đề dứt điểm một lần cho xong.

Người chủ trì Dương Tuấn Phong: Cảm ơn thầy Thời Ân Hoằng, xin mời thầy Thượng Hội Bằng, giáo sư Học viện Quan hệ quốc tế, Đại học Bắc Kinh, chuyên gia các vấn đề Nam Á phát biểu ý kiến!

Thượng Hội Bằng: Thầy Lý Lệnh Hoa đã giới thiệu từ phương diện bối cảnh, còn thầy Thời Ân Hoằng đã nói từ góc độ chiến lược. Tôi là học giả quan hệ quốc tế, tôi quan tâm hơn đến các vấn đề mà Trung Quốc sẽ gặp phải sau khi Trung Quốc trỗi dậy hòa nhập vào xã hội hiện đại. Tôi xem các vấn đề trên Nam Hải và vấn đề biên giới xung quanh Trung Quốc như cách một Trung Quốc trong quá trình trỗi dậy giải quyết như thế nào các mâu thuẫn phát sinh với trật tự quốc tế hiện nay. Trước khi trật tự quốc tế phương Tây nổi lên, trật tự Đông Á là thể chế của toàn thế giới; lúc đó một số cách làm, một số quan niệm còn giữ chủ đạo trong tư duy của người Trung Quốc. Thể chế Đông Á trên thực tế tồn tại thời gian hai nghìn năm, ở giữa tất nhiên cũng có giai đoạn suy thoái nhưng nhìn tổng thể là kinh nghiệm Trung Quốc xử lý quan hệ với các nước xung quanh. Nhưng từ cận đại đến nay, Trung Quốc bắt buộc phải chấp nhận trật tự quốc tế mới do các quốc gia phương Tây chủ đạo; hai trăm năm trở lại đây, Trung Quốc chưa có kinh nghiệm giải quyết các vấn đề như thế này, đối với phân định vùng biển, Trung Quốc có khái niệm rất mơ hồ. Một vài năm gần đây, môi trường bên ngoài Trung Quốc xấu đi, nguyên nhân cơ bản theo tôi có liên quan với việc Trung Quốc trỗi dậy. Khi anh rất yếu, các quốc gia xung quanh không lo sợ anh, nhưng thấy anh ngày một lớn mạnh, các nước xung quanh sẽ rất hoang mang, lo sợ. Hơn nữa, trong quá trình Trung Quốc trỗi dậy, chưa hoàn toàn nội hoá trật tự quốc tế, một vài hành vi của nó còn có điểm không giống với trật tự quốc tế hiện đại, vì thế hành vi của Trung Quốc làm các nước xung quanh rất lo sợ. Tôi nghĩ trong việc giải quyết vấn đề Nam Hải, chúng ta cần vừa phải kiên trì lợi ích quốc gia của chúng ta, đồng thời vừa cần tuân thủ các quy tắc quốc tế.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần phải bình tĩnh, có trí tuệ trong nhìn nhận vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Hành vi của các nước xung quanh và dư luận trong nước càng ngày càng khiến con người dễ mất đi lý trí; số người cảm thấy Trung Quốc hiện nay lớn mạnh rồi, có đủ khả năng đánh một trận giải quyết vấn đề không còn là số ít. Khinh suất sử dụng vũ lực không có lợi cho sự trỗi dậy và sự phát triển lâu dài của Trung Quốc. Tôi có chút hiểu biết về Nhật Bản. Nhật Bản có một vài bài học trong quá trình trỗi dậy thời cận đại mà chúng ta có thể học hỏi. Vấn đề đảo Điếu Ngư, trên thực tế chính là Nhật Bản muốn kích động tình cảm dân tộc của Trung Quốc, nếu Trung Quốc chịu sự trói buộc của tình cảm dân tộc không thể không động vũ lực, mâu thuẫn thế giới sẽ chĩa vào Trung Quốc, làm chậm lại rất nhiều sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cảnh ngộ của Trung Quốc hiện nay có chút giống Nhật Bản trước Thế chiến thứ 2. Lúc đó các nước phương Tây cũng muốn kiềm chế sự trỗi dậy của Nhật Bản, Nhật Bản đã áp dụng thủ đoạn chiến tranh để giải quyết vấn đề, xâm lược các nước xung quanh; cùng với việc đem tai họa đến nước khác, bản thân Nhật Bản cũng phải trả giá vì chiến tranh. Trung Quốc cũng vậy, đất nước có chút sức mạnh rồi, quân đội lớn mạnh một chút rồi, thì dân chúng cũng có chút bành trướng. Nếu đánh nhau với bên ngoài, sẽ có thể khiến cho tốc độ trỗi dậy của Trung Quốc chí ít bị chậm lại vài chục năm. Bài học thời cận đại của Nhật Bản là: Nhà nước không kiểm soát quân đội, ngược lại để quân đội kiểm soát Nhà nước, cuối cùng đã dẫn đến tai họa.

Cho dù thế nào, xét từ truyền thống lịch sử, Trung Quốc chúng ta có thực lực nhưng không mê tín vũ lực, phải thật sự thể hiện cho các nước xung quanh và các nước có chủ quyền trên thế giới thấy chúng ta trỗi dậy hòa bình. Nếu Trung Quốc về mặt này nhận thức có chút sai lệch, đều có ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc phục hưng dân tộc của Trung Quốc. Mâu thuẫn ở Nam Hải nếu áp dụng nhiều hơn các biện pháp phi quân sự sẽ tương đối tốt, ví dụ áp lực về kinh tế. Ví dụ không đi Philippineses du lịch, gây trở ngại trong thương mại v.v… Đồng thời cũng nên tích cực giải quyết vấn đề, không thể để vấn đề Nam Hải mãi làm cho nhân dân kích động. Chúng ta phải thuyết phục quần chúng nhân dân trong nước; chúng ta phải tỉnh táo giải quyết vấn đề, không phải cứ vẽ ra đường 9 đoạn thì nhất định là lãnh thổ của chúng ta; đây là vấn đề do lịch sử để lại, giống như biên giới rất nhiều nước đã xác định, cần ngồi lại đàm phán giải quyết vấn đề.

Người chủ trì Dương Tuấn Phong: Tiếp theo xin mời Chủ nhiệm Cát Hải Đình của Hội xúc tiến hữu nghị quốc tế Trung Quốc phát biểu.

Cát Hải Đình: Tôi làm về hữu nghị quốc tế, động đến tranh chấp quốc tế là tương đối đau đầu. Làm giao lưu quốc tế thì nên có tinh thần chủ nghĩa quốc tế, chủ nghĩa nhân đạo, nhưng từ trong máu thịt, tôi là người theo chủ nghĩa dân tộc, trong vấn đề Nam Hải tôi là người theo chủ nghĩa dân tộc kiên định, thậm chí ủng hộ không tiếc một trận đánh để bảo vệ chủ quyền của quốc gia mình, để gây dựng lại hình tượng quốc gia chúng ta. Thực ra, xem lại gần 30 năm nay Trung Quốc của chúng ta là quốc gia duy nhất trong 5 nước Thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc không có chiến tranh.

Pháp vượt qua Địa Trung Hải khai chiến với Lybia, Nga có chiến tranh Nga-Grudia, Mỹ càng không cần nói, mỗi trận chiến khu vực dường như đều có Mỹ, có thể nói là nở rộ khắp nơi. Đất nước chúng ta cũng có thể nói là nở rộ khắp nơi, nhưng nở rộ hoa nước bọt, chính là trận chiến nước bọt, sau đó nhẫn chịu. Vì thế, theo tôi về vấn đề Nam Hải liệu có thể phá vỡ kỷ lục mấy chục năm nay không có chiến tranh của chúng ta, để tạo dựng lại hình tượng đất nước của chúng ta? Then chốt là vấn đề có thể hay không, có dám hay không, có cần thiết hay không? Tôi muốn nói lên ý kiến của mình.

Tôi cảm giác “không cần thiết”. Nếu nói như vậy sẽ có rất nhiều người chửi, nhưng tôi cảm thấy không sợ. Chúng ta có thể duy trì sự thống nhất với nhà nước chúng ta, nhà nước chúng ta chịu đựng thì tôi cũng chịu đựng được. Liệu có thể thêm một bước từ nhẫn (chịu đựng) đến nhân (nhân nghĩa); hai chữ này rất khó để liên kết lại, chữ Nhẫn trên bộ Tâm là con dao (chữ Đao), chữ Nhân làm từ chữ Nhân (người) và chữ Nhị, chữ Nhị giống hay không giống con dao nằm ngang. Nhẫn thì bản thân rất khó chịu, người khác cũng sợ hãi; Nhân đặt ngang một con dao, bản thân cảm thấy rất tự tin, người khác cảm giác rất đáng tin, cũng rất đáng kính; Nhẫn dường như chính là một ngọn lửa căm giận rực cháy, Nhân chính là có một hào quang tương đối trí tuệ. Vậy thì chúng ta liệu có thể khi xử lý một vài trường hợp, từ Nhẫn đến Nhân đem ngọn lửa căm giận rực cháy chuyển hóa thành hào quang trí tuệ, để chiếu sáng con đường tiến lên của nhân loại chúng ta? Bất kể là chúng ta sẵn lòng hay không sẵn lòng, vui mừng hay không vui mừng, vấn đề Nam Hải trên thực tế đã bị quốc tế hóa, lợi ích hóa. Thực ra, mỗi một việc của nước ta đều có khả năng bị quốc tế hóa, mặt này đã hoà nhập sâu vào hệ thống quốc tế; đồng thời vai trò phát triển của nước ta có thể liên quan rất lớn đến tương lai của thế giới, về ý nghĩa nhất định, sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với chúng ta trên thực tế là sự quan tâm đối với tương lai của họ; trong tình hình này chúng tôi nghĩ quốc tế hóa Nam Hải lại có chút không bất ngờ. Lập trường của chúng ta là đúng, Nam Hải là vấn đề chủ quyền. Vấn đề chủ quyền là các nước khác không thể nhúng tay, không cần cộng đồng quốc tế nhúng tay; then chốt là chúng ta phải đối mặt với thực tế quốc tế hóa vấn đề Nam Hải. Quốc tế hóa vấn đề Nam Hải đối với chúng ta là trăm cái hại mà không có cái lợi nào, nhưng tôi cảm thấy vẫn là dùng phương pháp biện chứng để xem xét. Thực tế trong quá trình phát triển trưởng thành của đất nước chúng ta, có thể gặp phải rất nhiều các loại vấn đề, thách thức, có vấn đề còn phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn, có thể nói là cửa ải trùng trùng, hiểm trở trùng trùng; chúng ta bắt buộc phải qua lần lượt từng cái, hơn nữa qua một cách có trình độ, giành được sự thừa nhận của mọi người thậm chí vỗ tay tán thưởng, như vậy tôi cảm thấy mới có thể rèn luyện được xương cốt của chúng ta, mới có thể đảm nhận được nhiệm vụ lớn, mới có thể đóng góp cho hòa bình thế giới, văn minh nhân loại.

Thực tế trong rất nhiều lúc trên thế giới cần người trí tuệ nếm trải đủ mọi biến cố chứ không phải là kẻ mạnh. Vấn đề Nam Hải là một cửa ải trên con đường phát triển của đất nước chúng ta; cửa ải này không đi vòng được, cũng không thể trốn tránh; xử lý tốt thì được cả danh lẫn lợi, xử lý không tốt thì sẽ thất bại khi sắp thành công. Vấn đề lợi ích hóa Nam Hải chúng ta đã suy nghĩ làm thế nào để tối đa hóa lợi ích? Không chiến tranh là biện pháp phổ biến nhất, cũng là tối đa hóa lợi ích của các nước xung quanh Nam Hải. Tôi cảm thấy đối với Mỹ không phải vậy, trong vấn đề Nam Hải, Mỹ có lẽ hy vọng thậm chí khao khát nổ ra chiến tranh, chiến tranh đối với Mỹ là con đường và thủ đoạn có hiệu quả để huy động các nguồn lực của thế giới phục vụ cho Mỹ. Chúng ta bàn về quốc tế hóa cũng vậy, lợi ích hóa cũng vậy. Khi đối mặt với những vấn đề này, khi giải quyết vấn đề này chúng ta cứ nghĩ mãi, chúng ta cần có “Trung Quốc hóa” của bản thân, chúng ta chấp nhận quốc tế hóa ở mức độ rất lớn, nhưng chúng ta cũng cần mở ra “Trung Quốc hóa” của bản thân chúng ta trong quá trình này. Cũng cần không ngừng để cộng đồng quốc tế cảm nhận, suy nghĩ, chấp nhận nhân tố “Trung Quốc hóa”, trong đó bao gồm tiếp tục nhẫn nhịn đối với các sự việc này, nhưng càng cần phải biến ngọn lửa căm giận của Nhẫn thành hào quang của Nhân, thể hiện cho thế giới biết quan niệm Nhân nghĩa và khí phách Nhân nghĩa của đất nước Nhân nghĩa chúng ta. Các nước Việt Nam, Philippineses không thể không biết quân đội Mỹ không thể nào đánh nhau không công cho họ, hơn nữa hậu quả của chiến tranh không thể dự liệu được. Chúng ta cần tăng cường bản thân, việc tăng cường sức mạnh mềm cần sức mạnh cứng đủ để nâng đỡ; không có thực lực tất cả chỉ là bàn suông.

Tôi vẫn chưa suy nghĩ một cách rõ ràng về khái niệm cụ thể “Trung Quốc hóa” mà tôi vừa đề cập đến, nhưng khẳng định là phải loại bỏ cách làm chỉ cho mình là nhất, lôi bè kết cánh, can thiệp bằng vũ lực kiểu Mỹ. Tôi cảm thấy thế giới cũng cần phải thay đổi hương vị, Trung Quốc liệu có thể để thế giới nếm thử hương vị đặc biệt của Trung Quốc hay không. Cách nhìn và cách nghĩ ở trên là để chia sẻ với mọi người, mong mọi người đóng góp. Cuối cùng cảm ơn Thiên Tắc mời tôi tham gia hội thảo lần này, hy vọng lần sau có thể có nhiều cơ hội hơn nữa học hỏi từ mọi người, xin cảm ơn!

Thời Ân Hoằng: Tôi xin thêm một câu, trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc là chỉ phương hướng cơ bản, không phải là tuyệt đối không thể dùng đến vũ lực. Vấn đề là dùng vũ lực đối với ai, còn tính cả hiệu quả của việc dùng vũ lực; nói thật là người Trung Quốc bất đắc dĩ lắm mới dùng đến vũ lực, cái này phải suy nghĩ thật kỹ.

Người chủ trì Dương Tuấn Phong: Tiếp theo xin mời Giáo sư Hà Quang Hộ của Học viện Triết học, Đại học Nhân dân Trung Quốc.

Hà Quang Hộ: Các vị đang ngồi ở đây đều là chuyên gia trong lĩnh vực này; bởi vì tuổi của tôi cao hơn một chút, nên trong đầu luôn luôn tự xuất hiện bài học lịch sử rằng, nhất định phải cảnh giác với Chủ nghĩa dân tộc cuồng nhiệt. Vấn đề đảo Điếu Ngư của Nhật Bản gần đây, tôi đã theo dõi báo đài, cảm thấy các bài kích động tình cảm dân tộc tương đối nhiều. Ví dụ Makoto Ishihara đã nói gì, truyền thông lập tức đăng, còn những lời nói của những người ôn hòa như Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc lại rất ít xuất hiện. Nếu tiếng nói cuồng nhiệt chiếm thượng phong, tiếng nói lý trí rất ít, sẽ kích động mâu thuẫn dân tộc. Ngược lại xem lại bản thân chúng ta, vài năm gần đây, tôi cảm thấy những tiếng nói tương đối cuồng nhiệt chiếm thượng phong, đặc biệt là trên mạng. Buổi tọa đàm hôm nay lấy tiếng nói lý trí là chính, điều này ở Trung Quốc có thể tương đối ít, vì thế Thiên Tắc thực sự đã làm một việc tốt.

Như Chủ Nhiệm Cát Hải Đình vừa nói, ý nghĩa cơ bản của Nhân vẫn là Nhân ái; đã là người cần phải có Nhân tính, chúng ta đều là người chứ không phải là dã thú trong rừng rậm; hai là nói đến quan hệ giữa con người với con người, không phải là chỉ yêu bản thân mình, nhất định phải đề cập đến lợi ích của người khác.

Ví dụ Machiavelli khi nói về thủ đoạn cầm quyền đã xa rời hạt nhân của chính trị học cổ điển – đạo nghĩa. Chính trị nhất định là công việc của mọi người; đạo đức hay đạo nghĩa là linh hồn của nó; chính trị mà không nói đến đạo nghĩa thì không phải là chính trị tốt. Nói thế này để dễ so sánh, quân đội là quân đội dưới sự kiểm soát của kỷ luật, không có kỷ luật này thì quân đội sẽ là thổ phỉ. Chúng ta có thể tưởng tượng hoạt động chính trị vốn dĩ xuất hiện để cuộc sống mỗi người tốt hơn, nếu ngược lại sẽ trở thành thứ đàn áp con người, làm cho đời sống con người tồi tệ hơn, vậy thì tại sao còn cần thứ chính trị này nữa? Ví dụ hành vi của Mỹ là vì lợi ích quốc gia, nhưng chủ nghĩa lý tưởng của Mỹ không mất đi. Lấy một ví dụ nhỏ, khi chiến tranh vùng Vịnh lần đầu tiên nổ ra, những người đang ngồi trước tivi ở Trung Quốc đa phần đều mong muốn Mỹ thắng, rõ ràng là Iraq là kẻ xâm lược, ăn tươi nuốt sống một nước khác, cưỡng hiếp, giết người hàng loạt ở Kuwait, tuyên bố nước người ta là một tỉnh của nước mình, kể cả người Trung Quốc khi thấy Mỹ đánh bại Iraq, chúng ta đều cảm thấy “rất đã”, truyền thông của Mỹ cũng nhận thấy đây là chính nghĩa. Nhưng trên đường Iraq rút quân về, người Mỹ tiếp tục tập kích, dư luận trong nước Mỹ không ca ngợi thắng lợi mà chỉ trích Chính phủ. Báo chí truyền hình đều chửi chính quyền Bush cha, họ cho rằng lúc này tiếp tục tiến công không còn là chiến tranh mà là tàn sát hàng loạt. Cuối cùng Bush cha quyết định dừng tiến công. Tất cả các cuộc chiến có xuất phát từ chính nghĩa hay không vẫn là rất quan trọng.

Một vài tình cảm dân tộc trong vấn đề Nam Hải không phải là tình cảm lý trí. Tất nhiên điều này có quan hệ mật thiết với giáo dục và tuyên truyền tổng thể của chúng ta. Chính sách đối ngoại nhất biên đảo sau năm 1949, kết quả cuối cùng gây ra tổn thương to lớn, lâu dài cho Trung Quốc. Đầu tiên là nghiêng hẳn về phía Liên Xô, sau đó lại quay ngoắt và biến thành kẻ thù số một, đây đều không phải là kiểu ngoại giao chín chắn. Cuối cùng cả thế giới chỉ còn có một người bạn là Albania. Môi trường ngoại giao, môi trường quốc tế của chúng ta có thể nói là tồi tệ hơn bây giờ hàng nghìn lần, hàng vạn lần, lúc đó đã có một quyết định vô cùng táo bạo, đó là thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, thực tế chứng minh hoàn toàn không gây trở ngại đến quan hệ với Liên Xô lúc bấy giờ, có thể nói cục diện ngoại giao của Trung Quốc lúc đó đã có thay đổi long trời lở đất. Từ trạng thái cô lập nhất thế giới biến thành trạng thái vô cùng có lợi. Tuy nhiên, thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, khi mới bắt đầu cũng không được quần chúng nhân dân hiểu. Hiện nay chúng ta xử lý vấn đề Nam Hải, trên phương diện giáo dục và tuyên truyền cần đưa thông tin nhiều hơn, toàn diện hơn cho quần chúng nhân dân. Tại sao nhiều cư dân mạng chửi rủa Chính phủ về vụ va chạm máy bay ở Nam Hải, Đại sứ quán bị ném bom…, bởi vì hiểu biết của họ về sự việc là phiến diện, điều này có liên quan tới giáo dục và tuyên truyền lâu nay của chúng ta.

Có một lần ở Ban Thống chiến Trung ương, tôi nghe báo cáo của Phó Viện trưởng Học viện Ngoại giao, nói đến vấn đề đảo Điếu Ngư, người báo cáo đó là chuyên gia, ông ta nói đến những căn cứ để Nhật Bản chủ trương về chủ quyền đảo Điếu Ngư. Lúc đó tôi đã hỏi ông ta một câu, nếu nhân dân ai cũng có được thông tin tương tự, có lẽ quần chúng nhân dân chúng ta không bất mãn như vậy đối với Chính phủ Trung Quốc? Ông ta trả lời là đúng vậy, chắc chắn là như vậy. Có người chửi Chính phủ Trung Quốc “bán nước”, có phải vì tuyên truyền và giáo dục của chúng ta xa rời tình hình thực tế? Bộ Ngoại giao và Ban Tuyên truyền Trung ương không thống nhất, không phối hợp trong một vài vấn đề. Tình hình thực tế cơ bản là gì? Cần để cho quần chúng nhân dân và thanh niên hiểu biết toàn diện hơn nữa.

Tuyên truyền hiện nay gần như là chỉ cần Mỹ tham gia thì ta nhất định phản đối. Khi mà đầu óc chúng ta cuồng nhiệt đến mức chỉ có đối lập giữa Trung Quốc và phương Tây, bất chấp đúng sai, khi đầu óc chúng ta không còn tỉnh táo, chỉ còn biết đối kháng với Mỹ là đúng, thì chúng ta sẽ mất đi cảm giác đúng sai tối thiểu. Chúng ta nói Mỹ là sen đầm ở khắp nơi, vậy thì chúng ta phải mãi mãi đứng ở vị trí của thổ phỉ hay sao?

Chính vì những hiểu biết phiến diện về thực tế và lịch sử như vậy, vì tuyên truyền và giáo dục không theo lý trí trong thời gian dài như vậy, nên đã dẫn đến tình trạng trong rất nhiều vấn đề chúng ta không nhận định dựa trên bản chất đúng sai, mà dựa vào có đối lập với phương Tây hay không, có đối lập với Mỹ hay không để nhận định. Tôi xin lấy một ví dụ rất rõ ràng, khi xảy ra vụ va chạm máy bay ở Nam Hải và Đại sứ quán bị ném bom, chúng ta thấy có bao nhiêu thanh niên kháng nghị trên đường phố, khi Mỹ hoặc phương Tây xảy ra xung đột với Trung Quốc là tình cảm của quần chúng nhân dân như vậy. Tuy nhiên không lâu, khi xe quân đội Indonesia chở những kẻ thô bạo đến đốt cửa hàng của người Hoa, cưỡng hiếp phụ nữ người Hoa, có bao nhiêu thanh niên kháng nghị trên đường phố. Lúc đó, các Hạ Nghị sỹ Mỹ đã cùng ký tên đề nghị cắt quan hệ ngoại giao với Indonesia, lúc đó phản ứng của Bắc Kinh như thế nào? Cách đây không lâu, một vài thanh niên Trung Quốc còn hoan hô khi mấy nghìn dân thường bị chết trong ngày 11 tháng 9, chính bởi vì nạn nhân là Mỹ. Không lâu sau đó, chiến hạm của Nga bắn tàu buôn của Trung Quốc, làm thiệt mạng nhiều thủy thủ Trung Quốc, quần chúng nhân dân lại im lặng. Vì thế tình cảm dân tộc cần phải được định hướng đúng đắn.

Đối với vấn đề Nam Hải mà nói, bởi vì mọi người đều là chuyên gia trong lĩnh vực này, đường 9 đoạn được vẽ sát với Việt Nam, Philippineses, Malaysia, điều này tôi không tin các nước này có thể chấp nhận. Tranh chấp lãnh thổ nếu không giải quyết thỏa đáng, có thể trở thành thùng thuốc súng, tất nhiên không có lợi cho những nước này, cũng không có lợi cho Trung Quốc. Chúng ta không được quên đi một điểm, hiện nay chúng ta đang ở trong một thế giới tồn tại dựa vào nhau, chúng ta muốn tiếp tục sống thì cũng phải để người khác sống.

Lý Lệnh Hoa: Vấn đề Nam Hải không thể chỉ chủ trương chủ quyền, chúng ta cần thống nhất nguyên tắc phân giới, các nước xung quanh cần đều phải ngồi lại bàn bạc với nhau nghiêm túc, bắt buộc cần phải kết hợp hội đàm song phương và hội đàm đa phương mới có thể giải quyết được vấn đề.

Thời Ân Hoằng: Trong ngoại giao đề cập đến đàm phán lãnh thổ, trên thế giới, trong lịch sử, chỉ có một kiểu đàm phán đa phương, đó chính là Hội nghị hòa bình sau chiến tranh. Chuẩn tắc phân giới có thể qua hội đàm đa phương, nhưng phân giới lãnh thổ cụ thể vẫn cần phải qua đàm phán song phương.

Người chủ trì Dương Tuấn Phong: Xin mời Nghiên cứu viên Vương Diệm của Phòng Nghiên cứu Chính trị học, Viện Khoa học xã hội

Vương Diệm: Hiện nay, sau 30 năm Trung Quốc đã tích lũy được một số của cải kinh tế, lại có người có ý nghĩ trở thành nước thiên triều. Dùng vũ lực, anh phải có tính hợp lý, còn có vấn đề đánh được hay không, ví dụ đánh lại được Mỹ hay không. Hiện tại Trung Quốc chỉ từng bước phát triển thành một quốc gia bình thường mà thôi.

Người chủ trì Dương Tuấn Phong: Xin mời thầy Hứa Chương Nhuận, Học viện Luật, Đại học Thanh Hoa.

Hứa Chương Nhuận: Chủ đề phát biểu của tôi là chính trị biên cương Nam Hải và bối cảnh luật học – triết học lý tính của quốc gia. Lý do chọn chủ đề này là vì quan hệ quốc tế, chính trị quốc tế và chính trị biên cương Nam Hải không phải là chuyên ngành mà tôi nghiên cứu, tôi chỉ trình bày với tư cách là tri thức chung chung và dưới góc độ không chuyên.

1. Đầu tiên tôi muốn trình bày một điểm: dư luận về vấn đề Nam Hải cần phải giảm nhiệt. Ví dụ, lái xe taxi ngoài bàn chuyện Trung Nam Hải ra thì là bàn về Nam Hải. Ví dụ như vì sao hàng không mẫu hạm Trung Quốc chưa ra tay? Dư luận trong nước về vấn đề này cần phải hạ nhiệt, Đài Truyền hình Trung ương CCTV1 trực tiếp thảo luận về quân sự Nam Hải vào thời điểm giờ vàng 8h tối, điều này là không bình thường; rõ ràng thái độ chính thống đã khiến tình hình dư luận trong nhân dân nóng lên. Tôi cảm thấy bây giờ phải hạ nhiệt.

1) Công chúng tham gia thảo luận vấn đề Nam Hải, vừa là hiện tượng tốt vừa là hiện tượng xấu. Điều đáng mừng là trong giai đoạn hiện nay, những vấn đề chính trị liên quan đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc có thể được thảo luận công khai. Khống chế công cộng là không bình thường. Lúc nào thì truyền hình mới thảo luận vấn đề cải cách chính trị? Xưa nay chưa từng có. Vấn đề tôn giáo càng không thể thảo luận. Bởi vậy đây là hiện tượng tốt. Nhưng cũng lại là một hiện tượng xấu, hiện tượng xấu là thông qua kiểu thảo luận này rõ ràng là đã gây ra tác động đổ dầu vào lửa. Chủ nghĩa dân tộc hiện nay không thể bị kích động thêm nữa.

2) Thông qua lần thảo luận này có thể thấy, tính tự giác của giới tri thức và dân chúng nói chung, bao gồm cả Chính phủ, đối với biên giới lợi ích quốc gia là chưa từng có. Trước đây ủng hộ Á – Phi – Mỹ Latinh là kết quả của việc không có tính tự giác về lợi ích quốc gia; bây giờ đã có tự giác về lợi ích quốc gia, có lợi cho tự giác chính trị và tự giác văn hóa. Nhưng hiện tượng tốt này lại mang đến một nỗi lo: khả năng quân đội lớn mạnh đang lên, nếu phái quân đội nắm quyền chủ động phát ngôn về vấn đề này, lợi dụng dư luận để ép buộc phải có hành động, thì chưa chắc đã là việc tốt. Hơn nữa, thực tế vài năm gần đây, Trung Quốc đã bị lôi kéo vào vòng quay chạy đua vũ trang, ví dụ như đóng thêm mấy tàu sân bay. Phân phối lợi ích của cải cách kinh tế như thế nào, quân đội sẽ không cam tâm đứng ở ngoài rìa.

3) Sự kiện lần này đã làm nổi rõ trách nhiệm của nước lớn, Trung Quốc hiện nay đúng là nước lớn, dù là chính trị khu vực hay địa chính trị nếu không có sự tham gia của Trung Quốc thì thật khó tưởng tượng. Nhưng nếu việc này cứ tiếp diễn, sẽ dẫn đến sự chia rẽ chính trị của Trung Quốc, xét lâu dài sẽ tạo thành chia rẽ chính trị trong nước. Vấn đề Đài Loan là ở chỗ chia rẽ dân tộc, đại lục lại vì việc này mà tạo thành chia rẽ chính trị thì lợi bất cập hại. Có thể buộc Trung Quốc phải lật bài ngửa trước khi phục hưng toàn diện, thế lực bên ngoài thì mong Trung Quốc sớm lật bài ngửa.

4) Sự kiện lần này đã được nửa năm, lực lượng trí thức Trung Quốc bất kể là truyền thông hay giới trí thức, là chuyên gia hay thành phần trí thức chung chung, lực lượng trí thức kiểu này đều đã thể hiện, cho nên dân chúng chịu ảnh hưởng lớn từ giới trí thức, truyền thông và giới tư tưởng. Nhưng chuẩn bị căn cứ khoa học cho vấn đề này thì thiếu một cách nghiêm trọng, đường chín đoạn nói không rõ, không đủ căn cứ khoa học ví dụ như phân tích về Luật Biển là thiếu nghiêm trọng.

Tóm lại, tôi thấy hiện nay dư luận về vấn đề Nam Hải nên hạ nhiệt.

2. Từ chiến tranh Nha Phiến đến nay, quá trình chuyển đổi của Trung Quốc đã đến thời khắc quan trọng đến gần đích, tiến trình này không thể bị đứt đoạn một cách tùy ý. Dù là Mỹ hay các quốc gia dân chủ phát triển khác, tuy có khủng hoảng của Chính phủ nhưng chính quyền không hề có khủng hoảng. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện nay không chỉ có khủng hoảng chính phủ, quan trọng hơn là thể chế chính trị tốt đẹp của chúng ta vẫn chưa được hình thành, chính quyền đang rơi vào trong khủng hoảng sâu sắc, duy trì ổn định đã trở thành vấn đề, thực ra vấn đề của Trung Quốc ở Nam Hải chính là duy trì ổn định quốc tế.

3. Phải nhìn rõ giai đoạn lịch sử phát triển của nhà nước dân chủ và sự phát triển lý tính của nhà nước Trung Quốc, điều này giúp chúng ta đặt mình vào đúng vị trí của một quốc gia bình thường. Tôi cảm thấy trong thời gian 105 năm từ chiến tranh Nha Phiến đến năm 1945, là giai đoạn Trung Quốc xóa bỏ hệ thống triều cống, là một nước yếu thế phát triển sau và theo đuổi sinh tồn. Cho nên trong hoàn cảnh này, Trung Quốc từ một người lạ, một người bị hại từng bước hiểu rõ thậm chí tiếp thu với mức độ nhất định hệ thống quốc tế. Từ năm 1945 – 2008, có thể chia thành hai giai đoạn, giai đoạn đầu chủ yếu là vai trò của 105 năm trước, giai đoạn sau là từng bước chuyển biến vai trò người tiếp thu và thích ứng hệ thống quốc tế, Trung Quốc giờ đây là nước hưởng lợi trong hệ thống quốc tế. Hơn nữa, đi xe không mất tiền đi đến bây giờ đủ rồi. Sau năm 2008, có thể Trung Quốc dần dần bước vào giai đoạn Trung Quốc và thế giới, vai trò của Trung Quốc, ở mức độ nhất định, trở thành người tạo dựng hệ thống quốc tế ngày càng nổi rõ. Trong bối cảnh này, Trung Quốc hiện nay hơi giống với thời kỳ đầu chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha năm 1898, lúc đó Mỹ mới trỗi dậy, nhưng các thế lực ở châu Âu không muốn chấp nhận, cũng không muốn thừa nhận, cuối cùng chỉ còn cách là chiến tranh một mất một còn. Vì vậy, Mỹ trở thành cường quốc thậm chí là số một của thế giới là đã có từ năm 1898. Trong cuộc chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha, Mỹ đã thôn tính toàn bộ vùng Nam California. Trung Quốc hiện nay đang ở ngưỡng cửa của cuộc chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha, nếu ngày nào đó, ví dụ như năm sau, năm sau nữa chẳng hạn đánh một trận, kết quả sẽ giống như chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha, hai mươi năm sau có thể nói trận đó đánh tốt, nhưng nếu thất bại thì sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể bị cản trở.

Trong hoàn cảnh này, Trung Quốc đang ở trong thời kỳ thử thách ý chí chính trị của nước lớn, tôi thấy vừa rồi mấy vị giáo sư có nói một điều, hay là Trung Quốc dùng chiêu “kéo chậm lại”, hình như là đang thể hiện ý chí chính trị, nhưng đã có khả năng quyết đoán chính trị hay chưa, nhìn từ hiện tại hình như vẫn chưa đủ.

4. Giai đoạn này cũng là thời kỳ Trung Quốc hoàn thành xây dựng một đất nước hiện đại, cũng là thời kỳ đất nước phát triển, chính trị sinh tồn, chính trị sinh mệnh và chính trị biên cương dần dần lộ ra. Vì vậy, Trung Quốc hiện nay được liên hệ với bối cảnh lịch sử văn minh, quyền lực, chính trị và quốc gia quyền lực Địa Trung Hải từ thế kỷ 16 đến 19. Trong bối cảnh này, xử lý vấn đề chính trị biên cương, chính trị sinh mệnh và chính trị sinh tồn thực tế là yếu tố cốt lõi trong quá trình đất nước Trung Quốc phát triển. Về vấn đề này, tôi thấy cần phải nhắc đến một điểm, đó là từ khi Thomas Hobbes lấy nhà nước dân chủ hiện đại sắp xuất hiện làm sinh mệnh chính trị, lấy tiến hành cực đại hóa lợi ích làm chủ thể, lấy chính trị bảo tồn sinh mệnh và tính chính đáng làm phương châm hoạt động. Do đó, đã chia thành hai giới hạn là chính trị quốc gia và chính trị quốc tế, chính trị quốc gia chú trọng chính nghĩa, chú trọng đạo đức, chú trọng đạo đức phổ quát, nhưng chính trị quốc tế là lĩnh vực phi đạo đức, hoặc là lĩnh vực đạo đức không với tới, huống hồ anh nói chính trị là việc của nhiều người, không phải là chính trị quốc tế, chính trị quốc tế là thế bá quyền, cái anh nói không phải là chính trị mang ý nghĩa quốc tế về cơ bản.

Hà Quang Hộ: Nhân tố mới hiện nay là dựa vào nhau, bây giờ nhất định phải là anh lấy thì tôi cũng lấy.

Hứa Chương Nhuận: Phân biệt chính trị quốc tế và chính trị quốc gia, chính trị quốc gia lấy lý tính công dân để chỉ đạo chính nghĩa, chính trị quốc tế lại lấy hành vi quốc gia để chỉ đạo giới hạn lợi ích làm mục tiêu lớn nhất.

5. Tôi thấy trong tình hình này, quốc gia quyền lực và chính trị quyền lực mà văn minh Địa Trung Hải đã nói đến vẫn chưa bị lịch sử bỏ qua. Cuối thế kỷ 18 đến thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, các nền chính trị hiến pháp và nhà nước chế độ lập hiến xuất hiện, mệnh đề này vẫn còn giá trị thực tế; chính trị văn hóa và quốc gia văn minh đối với Trung Quốc mà nói là viễn cảnh hứa hẹn, cũng là mục tiêu. Trong bối cảnh hiện nay, lấy thực lực để nói về chính trị quốc tế e rằng là sự lựa chọn tốt. Trong đó, có một điều tôi phải làm rõ, “Công ước của LHQ về luật biển” lúc đó được khởi thảo dưới sự chỉ đạo của các nước phương Tây, sau này các nước khác lần lượt gia nhập, trong đó có một điều, là vấn đề này, điều ước này có thể sửa đổi, thực tế Công ước Luật Biển sau này tiếp tục được sửa đổi.

Lý Lệnh Hoa: “Công ước của LHQ về luật biển” có một điều là sau 10 năm chính phủ các nước có thể đề xuất ý kiến sửa đổi, nhưng sau 10 năm bất cứ nhà nước nào cũng không được bảo lưu.

Thời Ân Hoằng: Luật Biển là do Đại hội đồng Liên hợp quốc xây dựng, các nước Thường trực Hội đồng Bảo an không có quyền phủ quyết, anh làm ngoại giao với các nước xung quanh không tốt, bạn bè trên thế giới không nhiều, làm sao theo ý của anh được.

Vương Diệm: Mỹ tuyên bố luật của Mỹ cao hơn luật quốc tế.

Lý Lệnh Hoa: Không nên cứ việc gì cũng đưa Mỹ vào; tuân thủ điều ước quốc tế là một xu hướng lớn.

Thời Ân Hoằng: Mỹ sắp phê chuẩn Luật Biển, thực tế là chuẩn bị đối đầu với Trung Quốc.

Hà Quang Hộ: Có quy tắc rồi ta phải làm theo.

Lý Lệnh Hoa: Phải tuân thủ quy tắc quốc tế, chứ không thể tùy ý.

Vương Diệm: Quyết định ở sức mạnh cứng và mềm của các nước, xung quanh đều nói anh tốt, đương nhiên quy tắc quốc tế sẽ phải thuận theo anh.

Thời Ân Hoằng: Chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha, mặc dù GDP của Mỹ đứng đầu thế giới, đánh cho Tây Ban Nha tan tác, nhưng tiền đề của nó là vấn đề giữa Anh và Mỹ đã được giải quyết, mâu thuẫn giữa nước mới nổi số 1 và nước phát triển già số 1 đã được giải quyết. Bây giờ, Trung Quốc đi đánh một nước nhỏ hoặc nước vừa, mà quan hệ với ông anh (Mỹ) vẫn đối lập, thì có thắng cũng vô dụng.

Hứa Chương Nhuận: Tôi xin trình bày, Trung Quốc có thể đề xuất sửa đổi Luật Biển, tiền đề sửa đổi là bạn bè có ủng hộ hay không, có đủ thực lực sử dụng quyền “đề xuất sửa đổi” hay không. Nếu có thì sửa đổi, nếu không có thì đề xuất bảo lưu điều khoản, tình huống này thực ra là quyền phát ngôn pháp luật, còn đằng sau là vấn đề quyền phát ngôn chính trị và quyền giải thích thành văn.

Tôi đồng ý với ý của mọi người, vấn đề Trung Quốc ở Nam Hải không phải là vấn đề trọng đại; vấn đề trọng đại chính là quan hệ Trung – Mỹ. Làm tốt quan hệ Trung – Mỹ rồi, giải quyết xong, thì vấn đề Nam Hải sẽ giải quyết dễ dàng. Nếu bây giờ sự chú ý không hướng vào Trung Nam Hải (nội chính), không hướng vào Thái Bình Dương (quan hệ Trung – Mỹ), mà đặt vào Nam Hải, thì chúng ta đã bị mắc bẫy. Trung Quốc làm Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) sẽ là việc làm vô ích.

Thời Ân Hoằng: Vô ích cũng phải làm, đặc biệt là gần đây, nói ngoại giao láng giềng của Trung Quốc xuất hiện khủng hoảng, nếu không làm SCO, trong lòng thấy không có bạn sẽ sinh lo.

Hà Quang Hộ: SCO giờ đã không đáng tin rồi. Tôi thấy có một điểm rất quan trọng, nhân tố tiêu cực của chiến tranh lạnh vẫn còn tiếp tục tồn tại, nguy cơ hủy diệt lẫn nhau vẫn còn, nhìn chính diện mà nói, tính phụ thuộc lẫn nhau của thời đại toàn cầu đang được tăng cường.

Lý Lệnh Hoa: Tương lai sắp xuất hiện, Philippines, Việt Nam, Malaysia kéo bè chống Trung Quốc là hoàn toàn có khả năng.

Người dẫn chương trinh Dương Tuấn Phong: Cuối cùng chúng tôi xin kính mời giáo sư Trương Thiên Phàm của Học viện Pháp luật Đại học Bắc Kinh.

Trương Thiên Phàm: Về vấn đề này, tôi hơi bị lạ lẫm, nói cảm nhận của cá nhân, tôi không phải làm luật quốc tế, cũng không có nghiên cứu gì về Nam Hải. Đầu tiên, việc Thiên Tắc mở cuộc trò chuyện này là rất có ý nghĩa. Tôi cho rằng, trước đây, tranh chấp lãnh thổ là đề tài nhạy cảm, trong nước không cho phép bàn đến, chỉ duy nhất một tiếng nói. Hôm nay có thể mở cuộc trò chuyện này, đầu tiên đã cho thấy, chúng ta có thể phát biểu ý kiến của mình về một vấn đề tương đối nhạy cảm, bao gồm các ý kiến cũng không giống nhau, thực ra là một hiện tượng tốt, lành mạnh. Ít nhất có lợi cho việc ngăn ngừa tâm lý kích động trên mạng internet. Nam Hải chỉ là một vấn đề nhỏ, nếu để tình hình này tiếp tục, có thể khiến cải cách của chúng ta đi đến lối rẽ. Nam Hải cũng không phải lần đầu tiên xảy ra chuyện, bất kỳ việc nào xảy ra với biên giới Trung Quốc đều sẽ xuất hiện cái gọi là “tâm lý tinh thần yêu nước”. Đối với vấn đề Nam Hải, nên cố gắng theo chính trị hóa và hệ tư tưởng, không nên mang quá nhiều sắc thái tình cảm để nhìn nhận vấn đề này. Bởi vì, khuynh hướng này có thể nói lịch sử lâu đời, từ Chiến tranh nha phiến đến nay, lòng tự tin của Trung Quốc luôn chịu sự tổn thương to lớn, cũng co thể lý giải tâm lý hiện nay.

Tôi còn nhớ, Trương Minh của Nhân đại đã coi tâm lý gần một trăm năm nay của Trung Quốc là “tâm lý của người oán phụ”, Trung Quốc xử lý những vấn đề này không có phong độ mà một nước lớn nên có. Đương nhiên có yếu tố bản thân chúng ta, trạng thái chính trị trong nước và quốc tế của chúng ta là như vậy, khẳng định cũng là rất bình thường. Tôi nghĩ Trung Quốc sau bao nhiêu năm phát triển như vậy, nên thay đổi một chút kiểu tâm lý yếu thế này, không nên hễ bàn về lãnh thổ là lập tức đưa lên mạng internet, lập tức tranh luận về yêu nước, bán nước; môi trường như vậy không thể tạo ra những chính sách tương đối lý trí. Một số chuyên gia cũng có thể nhận ra, chính sách đối ngoại của chúng ta đã bị trói buộc bởi tâm lý chủ nghĩa yêu nước do giáo dục trong một thời gian dài tạo ra, anh muốn tháo bỏ ra cũng không được. Ai đã đặt Chính phủ vào vị trí đạo đức cao quý của chủ nghĩa yêu nước? Thực ra chính là do tự Chính phủ. Vì họ thông qua sách giáo khoa lịch sử, thông qua giáo dục khiến tuyệt đại đa số công dân chúng ta đều có tâm lý như thế (chủ nghĩa dân tộc). Tôi hy vọng thông qua vấn đề Nam Hải có thể tạo ra tiếng nói đa nguyên trong nước, là ai đúng ai sai, mỗi người có ý kiến khác nhau rất khó ngay lập tức đạt được nhận thức chung, ít nhất cũng hình thành lập trường đa nguyên hóa, hơn nữa, mọi người đều thấy bản thân lập trường đa nguyên hóa là khá bình thường, tôi thấy tình hình này tương đối tốt.

Khi Trung Quốc xử lý vấn đề quốc tế, đặc biệt là liên quan đến vấn đề lãnh thổ của mình, đầu tiên phải có một thái độ cơ bản, thái độ này chính là phải chú trọng luật pháp. Mỹ có lợi ích xung đột với chúng ta, nhận định của họ không thể coi là tiêu chuẩn; hầu như rất nhiều nước nhất là các nước có xung đột lợi ích với chúng ta, chúng ta có một số cách làm không thật có lý, thêm vào đó cư dân mạng, quần chúng của chúng ta về vấn đề này cũng không có lý. Chỉ cần có tranh chấp là lập tức xếp hàng, chỉ cần có tranh chấp lãnh thổ với anh thì tôi khẳng định là tôi đúng, khẳng định đứng về phía chúng ta, bất kể theo đạo lý, lãnh thổ không phải là của chúng ta. Kiểu tâm lý này, kiểu lôgic này không ổn lắm, không thể vì liên quan đến lợi ích mà không chú trọng phải trái. Về quan điểm này, tôi không đồng ý thời đại rừng xanh của chính trị quốc tế, hoàn toàn là đọ sức quyền lực; một số vấn đề còn có phải trái, có quy tắc; là nước lớn chúng ta nên tôn trọng bộ quy tắc này. Có thể nhận ra rằng, nước ta đưa ra những đạo lý này thực chất là không đứng vững. Ví dụ như chủ quyền về lịch sử, bản thân điều này rất mơ hồ. Chúng ta đều biết trong quan niệm về lịch sử của Trung Quốc, thế giới chỉ có một quốc gia. Dù lịch sử có định luật gì, lịch sử cũng không thể quyết định tất cả, không thể nói đây trước kia là của anh, nên bây giờ cũng của anh. Nếu như thế, ngày xưa Việt Nam cũng là của chúng ta, Việt Nam có hoàng đế, vốn ngày xưa là quan cấp châu thời Đường. Bây giờ anh muốn đòi lãnh thổ của Việt Nam liệu có được không? Lịch sử không thể quyết định mọi thứ, vậy rút cục cái gì là tiêu chuẩn quyết định biên giới lãnh thổ? Trung Quốc đích thực là một nước lớn có trách nhiệm, thì nên tôn trọng quy tắc quốc tế, nếu quy tắc quốc tế cho chúng ta biết tương đối rõ ràng chủ quyền thuộc về ai, cho dù kết luận có phù hợp hay mâu thuẫn với lợi ích của chúng ta thì đều phải phục tùng.

Đương nhiên có một số tiền đề, phải suy xét quy tắc quốc tế do các nước lớn tạo ra, không có lợi cho Trung Quốc, nước yếu, nước đang phát triển. Tiền đề nhất thiết phải là công bằng, chính nghĩa, ít nhất về hình thức không có sự kỳ thị Trung Quốc, không có sự bất bình đẳng rõ ràng; nếu như vậy, chúng ta nên tuân theo luật quốc tế, Luật Biển để xử lý vấn đề. Kể cả khi hai bên không đạt được nhất trí, nên giao cho tổ chức trọng tài quốc tế có uy tín đưa ra phán xét cuối cùng. Đương nhiên, tiền đề là tổ chức trọng tài quốc tế không được kỳ thị lợi ích của chúng ta, nó phải được tổ chức bằng phương thức tương đối công bằng, chính nghĩa.

Hà Quang Hộ: Tôi muốn chen ngang một câu, vừa rồi nói đến vấn đề sửa đổi quy tắc quốc tế, sau khi sửa đổi một quy tắc dường như có lợi cho anh, nhưng trong một vấn đề khác lại hoàn toàn bất lợi cho anh. Ví dụ các đảo ở Nam Hải, theo như hiện nay mỗi một đảo chỉ có chủ quyền lãnh hải 12 hải lý, nếu như theo quy tắc mới, ví dụ đổi thành 100 hải lý, giả thiết vấn đề giống với Nga, cuối cùng Nga cũng chủ trương đòi 100 hải lý, vậy thì có thể đến biên giới của chúng ta rồi. Do đó vấn đề này có tính hai mặt, vì vậy sửa đổi quy tắc quốc tế phải gác vấn đề cụ thể sang một bên, phải có một nguyên tắc có lý, phổ quát.

Lý Lệnh Hoa: Xu thế cơ bản của quốc tế là vậy, ví dụ khi nước Anh xử lý tranh chấp biển đảo tương tự đã chủ trương rút ngắn từ 200 hải lý xuống còn 12 hải lý. Anh, Ấn Độ xử lý tốt hơn chúng ta.

Trương Thiên Phàm: Chúng ta phải kiên trì quy tắc tương đối bình đẳng, không kỳ thị, phổ quát.

Lý Lệnh Hoa: Phát biểu của thầy Trương Thiên Phàm tương đối có lý.

Trương Thiên Phàm: Ví dụ có vấn đề lãnh thổ có tranh chấp, nếu anh có thực lực có thể trực tiếp lấy được, đánh cũng không vấn đề gì, hoặc người bản địa ở đó cảm thấy nước này có tác dụng bảo vệ đối với họ, do đó tự nguyện đi theo anh cũng không có vấn đề gì. Gặp phải trường hợp như chúng ta, đã không có sức mạnh cứng, cũng không có sức mạnh mềm, theo tôi lúc này dựa vào quy tắc là tốt nhất.

Lý Lệnh Hoa: Vấn đề Nam Hải sau này sẽ còn gay gắt hơn nữa.

Trương Thiên Phàm: Nước ta phải xác định một bộ quy tắc; quy tắc mà chúng ta chấp nhận, đương nhiên là phải được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc quốc tế đã có hiện nay. Vấn đề này cần đưa vào chương trình nghị sự, giải quyết một lần trong một, hai năm. Sau này đừng có hễ gặp phải vấn đề là lập tức xảy ra tranh cãi với người khác, không có lợi lắm cho địa vị quốc tế của ta, kể cả tình hình cải cách trong nước của chúng ta.

Trung Quốc là một nước lớn, đất nước muốn phát triển lâu dài, nếu chúng ta biết xây dựng nền kinh tế thị trường trong nước dựa vào pháp trị, quốc tế cũng cần dựa vào pháp trị, tuân thủ nguyên tắc quốc tế, có thể bất lợi cho chúng ta trên vấn đề Nam Hải, nhưng về tổng thể vẫn có lợi cho chúng ta. Đối với chúng ta mà nói, rủi ro ít nhất vẫn là hòa mình vào trật tự quốc tế, khi thực sự không được thì tham khảo cách làm của Mỹ, Mỹ làm thế nào? Họ vẽ 10 mét, ta cũng vẽ 10 mét, Mỹ chỉ trích thì chúng ta nói anh cũng làm như vậy.

Tôi cảm thấy chúng ta có một chút ý thức, tâm thái của chúng ta từ thời chiến tranh nha phiến đến nay vẫn như vậy, nhưng tình hình đã khác nhiều. Chiến tranh nha phiến chắc chắn là người khác đến xâm lược rồi, chúng ta bị đánh một cách bị động. Bây giờ chúng ta có thực lực ra bên ngoài ngó nghiêng, ví dụ như nảy sinh xung đột với Việt Nam trong vấn đề đảo Nam Sa hay là đảo gì đó, lúc này chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Đương nhiên, một mặt là cân nhắc giá thành lợi ích, dĩ nhiên là tính toán trên nhiều mặt, bao gồm lợi ích ngắn hạn và lợi ích lâu dài. Tự cô lập mình, thì nhất định phải dựa vào một số nước lớn khác, mà nếu anh dựa vào người khác, nhất định sẽ có giá thành đi kèm. Vì vậy tôi cho rằng tuân thủ quy tắc vẫn là một biện pháp tương đối chắc chắn, tương đối an toàn, tương đối có trật tự.

Thời Ân Hoằng: Số lần nhắc đến luật biển trong các hoạt động ngoại giao rõ ràng đã nhiều hơn trước.

Lý Lệnh Hoa: Năm nay là tròn 30 năm ký kết “Công ước của LHQ về luật biển”, trong nước có thể sẽ tuyên truyền về vấn đề này.

Thượng Hội Bằng: Ở nước ta chí ít một số ban ngành Chính phủ còn dễ điều khiển. Đặc biệt Bộ Ngoại giao luôn có lập trường không giống với quân đội chúng ta. Điều này cho thấy cải cách mở cửa của nước ta luôn đứng trước nguy cơ, từ nguy cơ lớn như chiến tranh nha phiến đến nay, gốc rễ của nó vẫn chưa được loại bỏ, ngày nay cái gọi là Trung Quốc trỗi dậy, làm cho các nước khác, bao gồm các nước xung quanh lo ngại cũng có lý nhất định. Nói thật, chính trị trong nước chúng ta vẫn chưa làm tốt, trên quốc tế anh không nên khoe mẽ. Nhìn từ lịch sử nước Đức, Nhật, cuối cùng đều là tai ương, gộp hai loại thế yếu lại, vấn đề trong nước xử lý không tốt, có áp lực sẽ rất dễ gây ra sự kiện quốc tế. Tôi không chủ trương cổ xúy quá đáng chính trị thế lực hay chính trị quyền lực, một mặt tôi e ngại chưa có được thế lực này, mặt khác sự bành trướng của chủ nghĩa dân tộc có thể là mang tính tai ương.

Chúng ta phải có thái độ khôn khéo để xử lý quan hệ quốc tế. Bất kể nhà nước này quyết sách như thế nào, quyết sách đó phải được kiểm nghiệm lý tính và công khai, quan sát vấn đề Nam Hải, có một chút ý thức lý tính công khai. Tôi nghĩ đối với những vấn đề như thế này, Trung Quốc từ trước đến giờ không thiếu quan sát; cái thiếu là quan sát lý tính. Xã hội chúng ta trong một thời gian dài dưới sự hun đúc giáo dục “chủ nghĩa yêu nước”, không có lý tính gì cả, nhận định của dân chúng không cần biết đến lý tính.

Thịnh Hồng: Tôi cảm thấy một mâu thuẫn lớn nào đó của chúng ta trong vấn đề Nam Hải và tranh chấp lãnh thổ với các nước xung quanh; anh phải coi việc nhà nước dân chủ bảo vệ lãnh thổ chủ quyền giống như việc cá nhân tranh thủ lợi ích lớn nhất của mình, cũng cần quan tâm tới quy tắc quốc tế, ở bình diện cá nhân xung đột chiến lược cũng như việc trọng tài không thể kiêm vận động viên vậy, nhưng đối với một quốc gia mà nói thì bắt buộc phải quan tâm tất cả.

Tôi đưa ra một quy tắc đơn giản để chứng minh thái độ của mình. Một là chúng ta phải kiên trì bảo vệ hoặc nỗ lực hình thành quy tắc quốc tế công bằng, quy tắc quốc tế này thực ra không hề cao xa, giống như quy tắc giữa người với người, giữa người với người ứng xử với nhau như thế nào, quy tắc quốc tế sẽ ứng xử như vậy. Tranh chấp tài sản đúng hay không đúng là đánh nhau, đây là vấn đề rất thường thức, không phải vấn đề rất phức tạp. Thế nhưng bây giờ có quan điểm tách rời quan hệ cá nhân và quan hệ quốc gia, cho rằng quốc gia dân tộc có thể không cần đến đạo đức. Chúng ta cần phải đặt đạo đức cá nhân vào tầm quốc gia. Dùng một câu để giải thích, ví dụ có tranh chấp lãnh thổ với một quốc gia khác, chúng ta nên coi đây là chủ quyền chưa xác định, chúng ta phấn đấu vì chủ quyền này, nhưng phấn đấu theo quy tắc công bằng. Điều này rất đơn giản, các nước trong cuộc cuối cùng đồng ý, nhưng không thể sử dụng vũ lực. Chúng tôi không cho rằng dùng vũ lực để lấy nhất định sẽ thuộc về anh hoặc vĩnh viễn thuộc về anh, đây là điểm đầu tiên.

Điểm thứ hai là, trong điều kiện này, chúng ta dốc hết sức lực để giành lấy lợi ích tối đa, tôi có thể mặc cả, tôi có thể huy động các loại biện pháp, chỉ cần giải quyết hòa bình là hoàn toàn có thể làm được, thậm chí bỏ tiền mua, chỉ cần không đánh nhau, chỉ cần tôi cho rằng hợp lý là được. Tôi cho rằng chúng ta nỗ lực tranh thủ chủ quyền quốc gia tối đa trên quy tắc quốc tế công bằng, tôi cho rằng không có bất cứ vấn đề gì. Nếu hai cái này có xung đột, nếu như cái gọi là lợi ích chủ quyền quốc gia và sự công bằng của quy tắc quốc tế có xung đột, tôi nghĩ tính công bằng của quy tắc quốc tế có ưu thế hơn lợi ích quốc gia, trong điều kiện không thể có cả hai được mà lại ưu tiên quốc gia, thì cũng giống như quy tắc xã hội ưu tiên lợi ích cá nhân.

Điểm thứ ba, nếu như có một số nước muốn dùng vũ lực giải quyết, chúng ta phải dùng vũ lực để đáp lại, dùng vũ lực để bảo vệ một quy tắc thông thường.

Điểm thứ tư, thực ra một nước cần phải suy xét tính toán lâu dài, mà lợi ích lớn nhất của anh không phải ở bên ngoài mà là ở bên trong; cách quan trọng nhất để bảo vệ lợi ích của anh là luyện nội công của anh. Nội công của anh luyện tốt, có chính trị rõ ràng, chế độ ưu việt, thì anh có thể tồn tại lâu dài. Điều quan trọng nhất là anh có một cơ cấu chế độ tốt để bảo đảm cho văn minh này tồn tại lâu dài, chỉ cần anh tồn tại lâu dài mà chính quyền khác không thể tồn tại lâu dài thì anh có cơ sở mặc cả tốt hơn. Nếu tranh giành chủ quyền chưa xác định, thực ra trong khi mặc cả, nước có chế độ ưu việt nhất có thể cười từ đầu đến cuối.

Thực ra, cuối cùng cũng cần phải làm mờ nhạt đi quốc gia dân tộc; quốc gia dân tộc chỉ một hình thái lịch sử, hơn nữa là một kết cấu do những nhóm người khác nhau cấu thành, sau khi kết cấu này vừa ra đời, có thể sẽ xa rời với mục đích ban đầu, dẫn đến sự đối kháng giữa các quốc gia dân tộc.

Trương Thử Quang: Hội thảo hôm nay đưa vấn đề Nam Hải ra thảo luận là hơi muộn, nhưng tôi cho rằng hội thảo hôm nay rất hay, các đại biểu đến dự hôm nay đều là các chuyên gia về mặt này, vì vậy Hội thảo hôm nay rất thành công, đây là điều thứ nhất.

Hai là, về vấn đề Nam Hải tôi muốn nói ba điểm.

1. Chủ quyền cũng là quyền sở hữu tài sản; khoảng lãnh thổ đó chính là vấn đề quyền sở hữu tài sản; nguyên tắc đầu tiên trong quy tắc quyền sở hữu tài sản là ai chiếm trước thì là của người ấy; còn một điều kiện là anh có thể chiếm hữu thực tế vĩnh viễn được không?

2. “Lãnh thổ hải ngoại” trên thế giới rất nhiều, tranh chấp Manvinat cũng là lãnh thổ hải ngoại, xác nhận là lãnh thổ hải ngoại cần có những nguyên tắc gì? Tôi cho rằng cần phải thảo luận cụ thể những vấn đề này.

3. Đường 9 đoạn đã được chúng ta vẽ ra trước năm 1947, các nước khác vẫn chưa thành lập. Bởi vì đường 9 đoạn là vấn đề rất quan trọng, cho nên tôi nghĩ rằng đàm phán về vấn đề đường 9 đoạn cần phải được người khác thừa nhận quyền lợi của anh; quyền lợi của anh phải được người khác thừa nhận, người khác không thừa nhận thì quyền lợi này là không có.

Ba là, ví dụ vừa rồi có nói đến đạo nghĩa và truyền thống, tôi nghĩ rằng phải coi trọng đạo nghĩa, nhưng trên quốc tế hiện giờ là giải quyết vấn đề theo truyền thống, không phải giải quyết vấn đề theo đạo nghĩa. Trong vấn đề quốc tế đã như vậy, vậy đạo nghĩa thể hiện như thế nào? Tôi cho rằng có 3 nguyên tắc có thể cân nhắc, thứ nhất là không cần đánh mà vẫn đuổi được người khác, đàm phán hòa bình; hai là xuất binh có lý do; ba là đánh là phải thắng, thất bại thì không có đạo nghĩa gì cả, e rằng mấy điểm này cần phải cân nhắc.

Còn một vấn đề, quốc tế cũng vậy, trong nước cũng vậy, tôi nghĩ chiến lược rất quan trọng. Nhưng tư duy có thể còn quan trọng hơn chiến lược. Chiến lược quốc tế của chúng ta là gì? Tư duy của chúng ta là gì? Hai vấn đề này hiện tại tôi đều không rõ.

Trung Quốc là nước lớn đang trỗi dậy, nhưng Trung Quốc cho đến bây giờ e rằng tâm thái và thực lực của nước lớn không phối hợp với nhau, thậm chí tâm thái nước lớn và trỗi dậy của nước lớn không tương thích với nhau. Tình trạng của chúng ta hiện giờ, rất nhiều vấn đề ngoại giao tôi thấy cách nói của Chính phủ không giống nhau, giữa các ban ngành Chính phủ không thống nhất, nhưng lại muốn “trì hoãn”, cho nên về mặt này trong toàn xã hội thể hiện đa nguyên hóa là có nguyên nhân của nó. Vì sao vấn đề này có thể thảo luận, vì sao vấn đề khác không thể thảo luận, tôi nghĩ rằng vấn đề nằm ở đây, người ta không nói rõ giới hạn giữa Chính phủ và nhân dân. Tôi nghĩ Chính phủ nhất nguyên hóa và xã hội đa nguyên hóa, lý trí Chính phủ và lý trí xã hội đều cần phải tính tới.

Người chủ trì Dương Tuấn Phong: Hội thảo đến đây kết thúc, xin cảm ơn quý vị đã tới dự./.

RELATED ARTICLES

Tin mới