Sự phức tạp của vấn đề Biển Đông do liên quan đến nhiều khía cạnh, nhất là về chiến lược, cạnh tranh nước lớn, pháp lý, kinh tế và sự chồng chéo về lợi ích, sự đan xen giữa đối nội và đối ngoại của các nước liên quan. Ngoài các yếu tố về chủ quyền, tinh thần dân tộc, vị trí địa chiến lược, việc phân định các vùng biển tại Biển Đông và biên giới trên biển giữa các nước kéo theo sự phân chia quyền lợi to lớn về mặt kinh tế: năng lượng, thủy hải sản,… Các tranh chấp về các đảo, đá và các vùng biển mang tính lịch sử, đã kéo dài qua hai thế kỷ, mỗi thời kỳ có các nhân tố và diễn biến mới và hiện nay các hướng giải quyết vẫn còn để ngỏ. Bài viết này chủ yếu đề cập đến khía cạnh pháp lý quốc tế của các bên có yêu sách đòi chủ quyền ở biển Đông.
1. Yêu sách của Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan)
a) Về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Trung Quốc yêu sách về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chủ yếu dựa trên một số lập luận về phát hiện, chiếm hữu, quan hệ “thiên triều, chư hầu” trong lịch sử. Trung Quốc cho rằng Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phát hiện và chiếm hữu hai quần đảo từ xa xưa. Họ còn cho rằng, ngay cả khi các quốc gia khác chứng minh được chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì lúc đó các nước này cũng hành động dưới danh nghĩa của hoàng đế Trung Hoa theo quan hệ “thiên triều-chư hầu”, do đó các lãnh thổ mới này cũng thuộc về Trung Quốc(1).
Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc đã không chiếm hữu hòa bình, thực sự và dưới danh nghĩa nhà nước theo luật quốc tế đương thời đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nếu có sự phát hiện như Trung Quốc lập luận thì đó chỉ là sự phát hiện với tư cách cá nhân của các ngư dân, không nhân danh tư cách nhà nước. Hơn nữa, bản thân sự phát hiện không đủ xác lập chủ quyền mà cần đi cùng với sự quản lý liên tục và hiệu quả. Trung Quốc đã không thực thi việc “chiếm hữu hiệu quả” (effective occupation) đối với hai quần đảo, nhất là đối với Trường Sa – điều tiên quyết hiện nay theo các tiền lệ án quốc tế để chứng minh chủ quyền. Các hoạt động của Trung Quốc mang tính không liên tục, sách sử mà Trung Quốc trích dẫn cũng chỉ ghi chép vài sự kiện trong cả nghìn năm(2). Trước năm 1909 (khi Trung Quốc lần đầu tiên cho quân của Lý Chuẩn ra Hoàng Sa) thì các bản đồ và văn bản chính thức của nhà Thanh chỉ coi điểm cuối của đảo Hải Nam là cực Nam xa nhất của Trung Quốc, do đó Trung Quốc không thể phát hiện và chiếm hữu Hoàng Sa và Trường Sa từ xa xưa.
Quan hệ Việt – Trung trong lịch sử không phải là quan hệ “thiên triều – chư hầu” theo đúng nghĩa mà là quan hệ tương đối bình đẳng – các vua Việt Nam độc lập trong thực thi chính sách. Kể cả nếu coi quan hệ là “thiên triều – chư hầu” hay “thực dân – thuộc địa” thì theo các tiền lệ án và luật quốc tế, sau khi giành được độc lập các lãnh thổ của chư hầu hay thuộc địa sẽ thuộc chủ quyền của quốc gia mới.
Trung Quốc cũng đưa ra lập luận về việc Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc và không có quyền thay đổi theo nguyên tắc estoppel. Lập luận này dựa vào việc vào năm 1958, khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi thư tuyên bố tán thành Tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc, trong đó có việc áp dụng cho hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa(3).
Tuy nhiên, cần phải xem xét bức thư trong bối cảnh lúc bấy giờ, khi Mỹ đưa tàu chiến thuộc Hạm đội 7 vào eo biển Đài Loan, đe dọa trực tiếp an ninh của Trung Quốc. Bức thư hoàn toàn là một hành động thiện chí của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ủng hộ quyết định mở rộng lãnh hải của Trung Quốc, giảm bớt nguy cơ an ninh đối với Trung Quốc tại eo biển Đài Loan lúc bấy giờ. Câu chữ của bức thư chỉ thông báo việc tôn trọng và tán thành ‘hải phận” 12 hải lý của Trung Quốc, không có từ nào chỉ việc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quan trọng hơn, theo Hiệp định Geneva 1954, Chính quyền Sài Gòn quản lý phần nam vĩ tuyến 17, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính quyền này là bên tranh chấp trực tiếp đối với hai quần đảo này. Từ 1954 đến 1975, Chính quyền Sài Gòn đã thực thi chủ quyền cả về pháp lý và trên thực tế đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1976, nước Việt Nam thống nhất, Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) đã kế thừa các quyền và nghĩa vụ của cả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chính quyền Sài Gòn. Đối với các khu vực lãnh thổ bị chia cắt theo Hiệp định Geneva 1954, CHXHCNVN là chính phủ quản lý toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và kế thừa yêu sách (chủ quyền) đối với Hoàng Sa và Trường Sa và trở thành một bên trong tranh chấp. Như vậy, từ xưa đến nay, Việt Nam đã liên tục thực thi chủ quyền của mình đối với cả Hoàng Sa và Trường Sa. Ngay cả Trung Quốc cũng thừa nhận tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với cả hai quần đảo. Ngày 24/9/1975, Đặng Tiểu Bình nói với Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Bắc Kinh: “Giữa hai nước có tranh chấp về hai quần đảo và vấn đề này có thể trở thành chủ đề đàm phán giữa hai bên”(4). Vì vậy, việc coi bức thư là bằng chứng VNDCCH công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa là một sự xuyên tạc có dụng ý, trái với sự thật lịch sử.
b) Về Đường lưỡi bò
Ngoài vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc còn cho lưu hành bản đồ có yêu sách Đường lưỡi bò, khởi thủy do một cá nhân vẽ vào những năm 1930 và được chính quyền Quốc dân Đảng cho ban hành vào năm 1948, lúc đầu là 11 đoạn nhưng Chu Ân Lai cho bỏ đi hai đoạn vào năm 1953. Tuy trên các bản đồ của Trung Quốc đều cho vẽ Đường lưỡi bò nhưng Trung Quốc không tuyên bố chính thức nêu yêu sách và cơ sở pháp lý của đường này. Đa số học giả Trung Quốc cho rằng chính quyền Đài Loan đã lưu hành bản đồ vẽ Đường lưỡi bò từ năm 1948 mà không có phản đối nào từ các quốc gia xung quanh. Do đó Trung Quốc có danh nghĩa lịch sử nhất định đối với Đường lưỡi bò, không phải chủ quyền toàn bộ mà có một số quyền lịch sử như đánh bắt cá, khai thác tài nguyên(5).
Năm 2009, Trung Quốc lần đầu tiên công khai bản đồ có Đường lưỡi bò trong Công hàm gửi Liên hợp quốc phản đối báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia(6). Gần đây, Trung Quốc áp dụng luật biển hiện đại bổ sung lập luận về cơ sở pháp lý của đường này theo hướng Trung Quốc có chủ quyền đối với các quần đảo tại Biển Đông và các quần đảo này có đời sống kinh tế riêng nên tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tương đương như Đường lưỡi bò. Ngày 14 tháng 4 năm 2011, Trung Quốc gửi Công hàm lên ủy ban ranh giới ngoài thềm lục địa Liên Hợp Quốc cáo buộc Philippines về việc “xâm lấn” và “chiếm đóng” một số hòn đảo và bãi đá ở “Quần đảo Nam Sa của Trung Quốc”. Công hàm của Trung Quốc cũng tuyên bố rằng “theo các điều khoản liên quan của Công ước luật biển 1982, cũng như Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1992) và Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1998), Quần đảo Nam Sa của Trung Quốc hoàn toàn được hưởng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”(7).
Tuy vậy, Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm về “quyền lịch sử” tại Biển Đông theo Đường lưỡi bò. Lý do chính là áp dụng Công ước 1982 theo hướng dùng Hoàng Sa và Trường Sa để đòi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cũng không tạo ra vùng biển đủ rộng để Trung Quốc có quyền đòi hỏi các vùng gần bờ các nước khác (là nơi tập trung nhiều tài nguyên, nhất là dầu khí). Vụ tàu Bình Minh 02 vào tháng 5/2011 và việc Việt Nam công khai vị trí xảy ra sự kiện cho thế giới rõ khiến Trung Quốc yếu thế trong lập luận. Do đó, khi phản đối hoạt động hợp tác của phía ấn Độ (công ty ONGC) với Việt Nam tại lô 127 và 128, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lần đầu tiên công khai nêu rõ Trung Quốc có “quyền” “được hình thành trong lịch sử” tại Biển Đông và cho rằng Công ước luật biển 1982 không làm ảnh hưởng đến các quyền này của Trung Quốc. Khi phản đối các vụ việc Philippin bắt giữ tàu cá ở vùng đặc quyền kinh tế của Philippin hay vụ cắt cáp lần hai xảy ra đối với Việt Nam ở vùng Tư Chính, Trung Quốc đều cho rằng ngư dân của mình đang đánh bắt ở trong vùng đánh cá “truyền thống”. Trước đó, tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc tại Indonesia tháng 7 năm 2011, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã lần đầu tiên công khai phát biểu là Đường lưỡi bò có từ năm 1948 và các chính phủ của Trung Quốc rất kiên định trong việc bảo vệ chủ quyền và các quyền của mình(8).
Đánh giá trên các khía cạnh khác nhau thì Đường lưỡi bò không thể là một yêu sách được chấp nhận:
Nếu xét về hình thức thì Đường lưỡi bò không thể là đường có giá trị thể hiện “biên giới” (dưới bất kỳ ý nghĩa nào) trên biển, do không có tọa độ rõ ràng; được vẽ một cách tùy tiện, trước là đường liền nét, sau đứt đoạn; ban đầu là 11 đoạn, nay còn 9 đoạn, có khi lại 10 đoạn; ngoài ra, đây là một đường vòng cung chứ không phải là đường gấp khúc nối các tọa độ như tất cả các biên giới khác trên thế giới.
Về tính chất: Đường lưỡi bò khởi thủy là do cá nhân vẽ, không phải quan điểm chính thức của Nhà nước nên không có giá trị pháp lý quốc tế. Trong Công hàm của Trung Quốc gửi LHQ tháng 5 năm 2009 phản bác các báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia cũng không có quan điểm chính thức về tính chất pháp lý của đường này.
Về quy chế pháp lý: Trong nội bộ Trung Quốc cũng không thống nhất, hiện có nhiều ý kiến khác nhau về tính chất pháp lý của Đường lưỡi bò. Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng Đường lưỡi bò là đường chỉ “vùng nước lịch sử” mà Trung Quốc có chủ quyền như nội thủy (hoặc như lãnh hải). Quan điểm thứ hai cho rằng đây là đường chỉ vùng nước mà Trung Quốc có một số quyền lịch sử – như quyền đánh cá, hay vùng quản lý truyền thống. Quan điểm thứ ba cho rằng đây là đường quy thuộc các đảo. Quan điểm thứ tư coi đường này là đường ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tính từ các đảo ngoài cùng của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa(9).
Tuy nhiên, phân tích kỹ có thể thấy Đường lưỡi bò không thể là đường chỉ “vùng nước lịch sử” của Trung Quốc do không đáp ứng yêu cầu của luật pháp quốc tế; bao gồm: Thứ nhất, quốc gia ven biển thực hiện một cách thực sự chủ quyền của mình một cách liên tục, hòa bình và lâu dài; Thứ hai, có sự chấp nhận công khai hoặc sự im lặng không phản đối của các quốc gia khác, nhất là các quốc gia láng giềng và có quyền lợi tại vùng biển này.
Về điều kiện thứ nhất: Một mặt, Trung Quốc không thể đáp ứng do trước đây các văn kiện chính thức của Nhà nước phong kiến Trung Quốc, như Đại Nguyên nhất thống chí (1294), Đại Minh nhất thống chí (1461), Đại Thanh nhất thống chí (1842), trước năm 1909 đều khẳng định “cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc là Nhai Huyện đảo Hải Nam”. Các bản đồ về Trung Quốc của các nước vẽ cùng thể hiện điều này, như bản đồi của Peter de Goyer và Jacob de Keyzer thuộc Công ty Đông ấn – Hà Lan vẽ vào thế kỷ XVII cũng giải thích rất rõ: “Nơi xa nhất của Trung Quốc bắt đầu từ phía nam đảo Hải Nam ở 18 độ vĩ Bắc, rồi từ đó ngược lên phía bắc đến vĩ độ 42o”(10). Về Trường Sa, cho tới tận năm 1932, công hàm ngày 29/9/1932 của Phái đoàn ngoại giao Trung Hoa dân quốc tại Paris vẫn còn khẳng định các nhóm đảo của quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) nằm cách đảo Hải Nam 145 hải lý và “tạo thành phần lãnh thổ nằm tận cùng ở phía Nam của Trung Hoa”(11).
Mặt khác, Trung Quốc không thể thực thi chủ quyền trên toàn bộ vùng biển rộng lớn này một cách liên tục, hòa bình từ thời xa xưa. Biển Đông ghi nhận các hoạt động của dân đánh cá và dân buôn của các nước xung quanh và các nước khác, không có một bằng chứng nào cho thấy biển này hoàn toàn là của Trung Quốc. Các sách Hán văn cổ đều ghi nhận các hoạt động của dân đánh cá và dân buôn ả-rập, ấn Độ, Malay và vùng Vịnh trong vùng biển này(12).
Về điều kiện thứ hai: Rõ ràng các quốc gia xung quanh Biển Đông không bao giờ thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với tất cả các vùng nước nằm trong đường này. Lập luận của Trung Quốc về sự im lặng thừa nhận chủ quyền từ các quốc gia xung quanh cũng hoàn toàn không có cơ sở, do trước đây Đường lưỡi bò do cá nhân vẽ, không đại diện cho Nhà nước, nên các nước khác không cần phải phản đối. Hơn nữa, việc các nước này thông qua các luật, tuyên bố về quy chế và các hoạt động liên quan đến các vùng biển chồng lấn lên Đường lưỡi bò đã gián tiếp phản bác đường này(13).
Mặc khác, lập luận về “vùng nước lịch sử” có quy chế như nội thủy hay lãnh hải đều mâu thuẫn với quan điểm chính thức của Trung Quốc trong Tuyên bố ngày 4/9/1958 về lãnh hải của Trung Quốc, trong đó Trung Quốc công nhận rằng các đảo bị tách biệt với lục địa bởi biển cả, chứ không phải các vùng nước lịch sử.
Ngoài ra, Công ước luật biển năm 1982 – mà Trung Quốc là quốc gia thành viên có nghĩa vụ tuân thủ các quy định – đã bác bỏ các khái niệm về “vùng nước lịch sử”. Trong các bộ luật của Trung Quốc như Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp của CHND Trung Hoa năm 1992, Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa năm 1998 cũng đều không đề cập đến “vùng nước lịch sử”.
Lập luận Đường lưỡi bò là đường chỉ “quyền lịch sử” cũng bị các điểm yếu pháp lý tương tự như lập luận về “vùng nước lịch sử” như đã phân tích ở trên. Ngoài ra, có thể trong lịch sử ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá xa bờ, nhưng không chỉ có mỗi ngư dân của Trung Quốc mà ngư dân các nước đều đánh bắt ở Biển Đông. Còn tài nguyên dưới đáy biển thì điều kiện khoa học kỹ thuật chưa cho phép khai thác, nhất là về dầu khí thì lại càng không biết đến. Mặt khác, Công ước luật biển ra đời năm 1982 đã xác định quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho các quốc gia ven biển.
Đối với khả năng diễn giải thứ ba coi Đường lưỡi bò là đường quy thuộc các đảo. Khả năng này chỉ được quốc tế chấp nhận như là một yêu sách. Trên thực tế, Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (sẽ trình bày ở phần sau), còn Trung Quốc khó chứng minh được chủ quyền của mình đối với hai quần đảo như đã trình bày ở trên.
Đối với diễn giải thứ tư để chỉ Đường lưỡi bò là đường ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tính từ các đảo ngoài cùng của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Khả năng này cũng thiếu cơ sở do đây là sự ngụy biện liên hệ đường lưỡi bò đã được vẽ cách đây gần nửa thế kỷ với các khái niệm về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của luật biển hiện đại. Mặt khác Trung Quốc khó chứng minh chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để dùng các đảo ở đây tạo ra ranh giới các vùng biển.
Kể cả trong trường hợp lý thuyết là Trung Quốc có chủ quyền đối với các quần đảo này thì cũng không thể đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng lớn như vậy, do các vị trí ở đây quá nhỏ, không có đời sống kinh tế riêng nên chỉ tối đa có vùng lãnh hải, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Kể cả trong trường hợp một số vị trí được coi là “đảo” theo điều 121 (3) UNCLOS 1982 thì hiệu lực các đảo để tại vùng biển rất bé so với bờ biển của các quốc gia đối diện, do đó “ranh giới” các vùng biển do các đảo tạo nên sẽ không đáng kể, không thể là “đường cách đều” như trong lập luận của một số học giả Trung Quốc. Thậm chí nếu coi các đảo tại Hoàng Sa và Trường Sa có hiệu lực pháp lý trong phân định ngang với đất liền thì ranh giới các đường trung tuyến cũng nhỏ hơn Đường lưỡi bò rất nhiều. Ngoài ra, lập luận về “quy chế đảo” của Trung Quốc tại Biển Đông mâu thuẫn với lập luận khác tại biển Hoa Đông. Khi trong lập luận phản đối báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa của Nhật Bản, Trung Quốc coi thực thể Okinotorishima tại Biển Hoa Đông (có điều kiện tương tự các vị trí của Hoàng Sa, Trường Sa) là đá, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng(14).
2. Yêu sách chủ quyền của Việt Nam
Yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dựa trên những bằng chứng lịch sử và pháp lý.
Về lịch sử, các tài liệu chép sử của triều đình nhà Nguyễn đã mô tả một cách thống nhất rằng từ thế kỷ XVII các đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải đã được chúa Nguyễn cử ra Hoàng Sa và Trường Sa khai thác các sản vật trong vòng sáu tháng trong một năm. Sau khi trở về sẽ phải nộp thuế cho các điểm thu thuế của triều đình. Các hoạt động này được tiến hành liên tục cho đến khi Pháp xâm chiếm Việt Nam. Thậm chí một số tài liệu nước ngoài còn mô tả dưới triều vua Gia Long vào năm 1816, Việt Nam đã tuyên bố việc chiếm hữu bằng một nghi lễ chính thức và kéo cờ tại quần đảo Hoàng Sa(15). Như vậy, khác với những bằng chứng lịch sử thiếu tính xác và không chính thức như của Trung Quốc, các bằng chứng lịch sử của Việt Nam là từ những nguồn chính thức của chính quyền phong kiến Việt Nam, có độ chính xác cao qua việc mô tả một cách thống nhất và được kiểm chứng bởi những tài liệu nước ngoài. Qua đó, việc khai thác và chiếm hữu Hoàng Sa và Trường Sa là những hoạt động mang danh nghĩa nhà nước, đã được thực hiện một cách liên tục và có hiệu quả. Những hoạt động theo các quy định của pháp luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ có thể tạo lập danh nghĩa chủ quyền cho Việt Nam(16).
Dưới thời Pháp thuộc, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm dưới sự quản lý trực tiếp của họ. Vào năm 1933, Pháp đã ra tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo này theo đúng trình tự về chiếm hữu lãnh thổ của luật quốc tế. Pháp cũng đã duy trì sự chiếm đóng và xác lập địa giới hành chính cho Hoàng Sa và Trường Sa và sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam, với tư cách là chính quyền bảo hộ cho Việt Nam thời kỳ này. Điều này chứng minh rằng Pháp đã thực hiện việc chiếm hữu Hoàng Sa và Trường Sa cho Việt Nam với tư cách là chính quyền bảo hộ của Việt Nam. Sau khi rút khỏi Việt Nam, Pháp đã chuyển giao việc kiểm soát hai quần đảo này cho chính quyền Việt Nam. Nói cách khác, chủ quyền đã được Pháp xác lập hợp pháp tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Sài Gòn) kế thừa.
Chính quyền Sài Gòn đã tiếp tục duy trì sự kiểm soát hiệu quả đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua các hoạt động chiếm đóng, quản lý liên tục cho tới khi chuyển giao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.
Năm 1976 khi Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam sáp nhập với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN), nước Việt Nam thống nhất đã kế thừa chủ quyền của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Như vậy, xuất phát từ danh nghĩa lịch sử và căn cứ pháp lý về chủ quyền được xác lập hợp pháp từ thời phong kiến nhà Nguyễn, thời kỳ chính quyền bảo hộ Pháp và được kế thừa hợp pháp, CHXHCN Việt Nam có đầy đủ cơ sở theo các quy định của luật quốc tế để xác lập chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa(17).
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm là các bằng chứng và ghi chép trong lịch sử của Việt Nam chưa tách biệt rõ ràng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Đồng thời, theo các luận điểm hiện đại thì bản thân các thực thể tại Hoàng Sa và Trường Sa không tạo nên các “quần đảo” đúng nghĩa theo Công ước luật biển 1982. Chủ quyền lên từng đảo, đá riêng biệt có quá trình lịch sử xác lập là khác nhau.
Ngoài yêu sách về chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam yêu sách các vùng biển nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa(18), và đệ trình yêu sách thềm lục địa mở rộng với vùng biển phía miền Bắc và phía Nam (cùng Malaysia) lên Liên Hợp Quốc năm 2009(19). Qua các báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa, có thể thấy Việt Nam gián tiếp không coi các vị trí (hình thái địa chất) ở Hoàng Sa là các đảo theo điều 121 Công ước luật biển 1982 và do đó không có các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, mà chỉ có tối đa 12 hải lý lãnh hải. Nếu tồn tại một số vị trí ở đây là đảo thì các đảo có vùng thềm lục địa riêng, chồng lấn lên các vùng thềm lục địa kéo dài từ đường cơ sở, và do đó không cần thiết phải nộp báo cáo lên ủy ban của Liên hợp quốc.
3. Yêu sách của Philippineses
Philippines đưa ra yêu sách chủ quyền là dựa vào tính kế cận về mặt địa lý giữa các đảo của khu vực Kalayaan (phần lớn quần đảo Trường Sa) và lãnh thổ Philippines, dựa vào sự phát hiện và kiểm soát hữu hiệu và tầm quan trọng về an ninh và kinh tế của Kalayaan đối với Philippines(20).
Tính kế cận về mặt địa lý đã từng được một số quốc gia sử dụng để đưa ra yêu sách chủ quyền đối với một số đảo trong thế kỷ XIX. Lập luận thường được sử dụng là nếu các đảo nằm gần lãnh thổ của một quốc gia, nhưng ngoài phạm vi lãnh hải, thì có thể được yêu sách chủ quyền dựa trên tính kế cận. Tuy nhiên, trong án lệ đảo Palmas, một trong những lập luận mà Mỹ đưa ra để bảo vệ chủ quyền của đảo Palmas cũng là sự kế cận và lập luận này đã bị các trọng tài phản đối. Các trọng tài đã lập luận rằng mặc dù các quốc gia trong một số trường hợp có thể có chủ quyền với các đảo gần bờ do tính kế cận về mặt địa lý, nhưng đối với các đảo gần bờ nằm ngoài phạm vi lãnh hải thì việc xác định chủ quyền với các đảo này sẽ không thể chỉ căn cứ vào tính kế cận(21). Hơn nữa, thẩm phán Huber cũng làm rõ thêm rằng, các hành động thể hiện chủ quyền có ý nghĩa hơn là căn cứ về tính kế cận, cho dù là trong trường hợp tính kế cận đó được kết hợp với sự tồn tại của các đường biên giới tự nhiên(22). Như vậy, tính kế cận về mặt địa lý không phải là cơ sở để đưa ra yêu sách về chủ quyền đối với các đảo tuy gần bờ nhưng nằm ngoài phạm vi lãnh hải như trong trường hợp các đảo của quần đảo Trường Sa và lãnh thổ Philippin.
Mặt khác, sự chiếm hữu và quản lý có hiệu quả chỉ được thực hiện qua việc phát hiện của Cloma, một công dân của Philippines vào năm 1956. Sự phát hiện này của Cloma chỉ mang danh nghĩa cá nhân, không nhân danh nhà nước Philippines. Điều này thể hiện ở việc, sau khi “phát hiện”, Cloma đã ra tuyên bố rằng mặc dù không được ủy quyền từ nhà nước Philippines, hành động của Cloma vẫn có giá trị thể hiện chủ quyền của Philippines tại Trường Sa. Tuy nhiên, chính phủ Philippines đã không đưa ra yêu sách lãnh thổ nào tại thời điểm này mà chỉ đưa ra những tuyên bố trung lập. Sau đó, đến năm 1971, Philippines mới thay đổi lập trường của mình, lần đầu tiên ra tuyên bố chủ quyền và tiến hành chiếm đóng một đảo. Đến năm 1978 cơ sở pháp lý đầy đủ về yêu sách chủ quyền mới được đưa ra. Trong khi đó các tuyên bố về chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, cũng như các hoạt động chiếm đóng và quản lý đã được thực hiện từ rất lâu trước đó. Theo như những quy định pháp luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, việc chiếm hữu chỉ được thực hiện với các vùng lãnh thổ vô chủ hoặc lãnh thổ đã bị từ bỏ, và phải được quản lý một cách hiệu quả, liên tục, hòa bình bởi cơ quan nhà nước. Tất cả những yêu cầu này đều không được chính phủ Philippines thực hiện. Như vậy, khó có thể nói, Philippines đã chiếm hữu và quản lý hiệu quả với một vùng “lãnh thổ vô chủ” Trường Sa.
Ngoài yêu sách chủ quyền lãnh thổ, Philippines điều chỉnh và đưa ra yêu sách vùng biển từ đường cơ sở quần đảo được sửa đổi vào năm 2009 phù hợp với Công ước luật biển 1982. Đây là lần đầu tiên Philippines từ bỏ ranh giới hình hộp Kalayaan (khu vực yêu sách của Philippines ở Trường Sa) mà quay sang sử dụng Luật biển 1982 để xác định đường cơ sở, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Philippines cũng đồng thời quy định quy chế đảo cho các đảo thuộc Trường Sa mà Philippines yêu sách chủ quyền(23).
Công hàm của Philippines ngày 5/4/2011 gửi Liên Hiệp Quốc đã bác bỏ yêu sách Đường lưỡi bò của Trung Quốc và mọi đường yêu sách khác không dựa trên cơ sở Luật biển 1982(24). Sự thay đổi về quan điểm của Philippines trong công hàm 5/4/2011 thể hiện ở việc tách biệt hai dạng tranh chấp: tranh chấp chủ quyền đối với các hình thái địa chất (đảo, đá, bãi,…) và tranh chấp vùng biển. Mặc dù vẫn còn mập mờ trong việc xác định rằng, các hình thái địa chất ở quần đảo Trường Sa chỉ có lãnh hải 12 hải lý, Philippin đã có bước chuyển khi nhấn mạnh nguyên tắc “đất thống trị biển” theo Luật biển 1982, từ đó gợi mở khả năng các nước liên quan cùng ngồi lại thỏa thuận về ranh giới ngoài thềm lục địa kéo dài tự nhiên từ bờ biển của các quốc gia ven biển trên cơ sở luật quốc tế.
4. Yêu sách của Malaysia và Brunei
Malaysia công bố bản đồ về thềm lục địa ngày 21 tháng 12 năm 1979 và yêu sách chủ quyền với tất cả các đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Malyasia. Yêu sách của Brunei cũng được đưa ra tương tự như Malaysia.
Nhìn từ góc độ luật pháp quốc tế, yêu sách về chủ quyền các đảo tại Trường Sa của Malaysia và Brunei được đưa ra dựa trên sự áp dụng ngược về học thuyết thềm lục địa. Một trong những nguyên tắc được pháp luật quốc tế về biển thừa nhận là đất thống trị biển, chỉ có lãnh thổ mới là cơ sở để hoạch định các vùng biển, trong đó có thềm lục địa, không phải là ngược lại, dùng thềm lục địa để làm căn cứ xác định chủ quyền với lãnh thổ. Trong án lệ về Thềm lục địa biển Bắc(25), và Công ước luật biển 1982 đã chỉ rõ mối quan hệ giữa thềm lục địa, lãnh thổ và sự kế cận. Theo đó, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với thềm lục địa được xác lập dựa trên sự kéo dài tự nhiên từ lãnh thổ đất liền của quốc gia đó. Những quyền mà quốc gia ven biển có được trong vùng thềm lục địa không ngang bằng với chủ quyền. Đó chỉ là quyền chủ quyền trong việc thăm dò, khai thác các tài nguyên thiên nhiên của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển(26). Quyền chủ quyền này không đồng nghĩa với việc tạo ra chủ quyền đối với các hòn đảo nằm trong phạm vi thềm lục địa đó. Trái lại, từ chủ quyền đối với các hòn đảo lại có thể tạo ra các vùng biển trong đó có thềm lục địa của riêng các hòn đảo này. Như vậy, căn cứ pháp lý mà Malaysia và Brunei yêu sách về chủ quyền đối với một số đảo của quần đảo Trường Sa dựa trên việc các đảo này nằm trên thềm lục địa của hai quốc gia này là không có cơ sở theo những quy định của luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, Malaysia và Brunei có thể lập luận một số hình thái địa chất tại Trường Sa chỉ là các thực thể nửa nổi, nửa chìm (low tide elevation), do đó các bên không có quyền xác lập chủ quyền lên các thực thể này, và chủ quyền sẽ thuộc về quốc gia sở hữu lãnh hải xung quanh các thực thể này. Mặt khác, các hình thái địa chất nổi lúc thủy triều cao nhiều khả năng chỉ có lãnh hải 12 hải lý, do đó các vùng biển ngoài các phạm vi lãnh hải này sẽ thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển.
Nói tóm lại, trong các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, nhất là đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các nước liên quan thì yêu sách của Việt Nam là có bằng chứng lịch sử rõ ràng và có cơ sở pháp lý, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế.
Do bản chất nhạy cảm của vấn đề chủ quyền cũng như lập trường của các nước liên quan còn quá khác biệt nên khả năng Trung Quốc và các nước tranh chấp khác thuộc ASEAN đàm phán và sử dụng các biện pháp hòa bình khác để giải quyết dứt điểm vấn đề tranh chấp Biển Đông là rất ít hiện thực.
Đối với quần đảo Hoàng Sa, giải pháp thông qua đàm phán hay qua tòa án quốc tế là khó có thể diễn ra do Trung Quốc sẽ không đồng ý.
Đối với quần đảo Trường Sa, khả năng đưa các vấn đề ra giải quyết tại tòa án quốc tế hay các cơ chế thứ ba hiện nay cũng ít tính khả thi do Trung Quốc không đồng ý và các nước khác cũng chưa chuẩn bị và không chắc chắn về các lập luận, chứng cứ của mình. Tính khả thi của phương án giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hoà bình cũng không cao do dưới sức ép nội bộ, không chính phủ nước nào muốn và dám nhân nhượng về chủ quyền.
Việc phân định dứt điểm các vùng biển chồng lấn cũng khó có thể hoàn thành trong 20-30 năm tới. Để giải quyết dứt điểm thì ba vấn đề gần như không khả thi sau phải cùng đồng thời xảy ra. Thứ nhất, các bên phải giải quyết xong vấn đề chủ quyền và quy chế pháp lý của Hoàng Sa và Trường Sa trước. Thứ hai, giải quyết được khác biệt quá lớn hiện nay về hình thức đàm phán để có thể “bắt đầu ngồi vào bàn thực sự”, Trung Quốc muốn đàm phán trên cơ sở song phương nhằm phát huy lợi thế nước lớn, trong khi các nước nhỏ hơn ưu tiên đàm phán trên cơ sở đa phương để có điều kiện tập hợp lực lượng nhằm tránh bị lép vế so với Trung Quốc. Thứ ba, quan trọng nhất, giải pháp phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế thì không phù hợp với lợi ích nước lớn Trung Quốc, do nước này có thể chỉ “được chia” khoảng 20-25% Biển Đông ở phần phía Bắc ít tài nguyên.
Tình hình trên Biển Đông thời gian tới nhiều khả năng sẽ diễn biến theo hình thức hòa dịu và căng thẳng đan xen. Các bên sẽ vẫn tiến hành các hoạt động thực thi quyền chủ quyền, quyền tài phán theo Công ước luật biển. Trung Quốc khó có thể từ bỏ yêu sách Đường lưỡi bò và tiếp tục các hoạt động trên biển, bao gồm cả cản phá các hoạt động của các nước khác. Trung Quốc tiếp tục quyết đoán tại Biển Đông nhằm bảo vệ “các lợi ích” của họ khi cần thiết, đồng thời hạn chế leo thang tranh chấp thành xung đột quân sự, tránh đối đầu chiến lược với Mỹ, các cường quốc khác và ASEAN nhằm duy trì môi trường hòa bình cho phát triển, tránh đẩy ASEAN gần Mỹ. Tình hình sẽ hòa dịu khi Trung Quốc có nhu cầu giảm nhẹ căng thẳng tại Biển Đông để tiếp tục “phát triển hòa bình”. Các bên có yêu sách vẫn có nhu cầu duy trì đối thoại, muốn có các bước tiến triển. Các nước nhỏ hơn vẫn đưa vấn đề Biển Đông ra các diễn đàn khu vực và quốc tế khi cần thiết. Các diễn đàn trong khuôn khổ ASEAN tiếp tục là nơi để các bên trong và ngoài khu vực bàn thảo về tình hình Biển Đông./.
Trần Trường Thủy*
Chú thích:
Các nhận định của bài viết là ý kiến cá nhân, không phản ánh quan điểm của cơ quan nơi tác giả công tác. Tác giả cám ơn TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Học viện Ngoại giao đã có nhiều góp ý và bổ sung giá trị.
* TS. Trần Trường Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao
1. Phát biểu của GS. Fu Kueh Chen, Shanghai Jiaotong University, tại Hội thảo “Policy Options for Developing a Common UNCLOS Strategy in Asia”, May 9-11, 2011 in Hong Kong.
2. “Historical Evidence To Support China’s Sovereignty over Nansha Islands” http://www.fmprc.gov.cn/eng/topics/3754/t19231.htm
3. “International Recognition of China’s Sovereignty over the Nansha Islands”. http://www.fmprc.gov.cn/eng/topics/3754/t19232.htm
4. “The Hoang Sa (Paracel) and Truong Sa (Spratly) Archipelagoes and International Law”, Vietnam MOFA, 1988, p26.
5. Zou Keyuan (2012): China’s U-Shaped Line in the South China Sea Revisited, Ocean Development & International Law, 43:1, 19
6. Xem Công hàm đính kèm Bản đồ có Đường lưỡi bò tại
http://www.un.org/depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/chn_2009re_mys_vnm_e.pdf
7. Xem Công hàm của Trung Quốc tại http://www.un.org/depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/chn_2011_re_phl_e.pdf
8. Phát biểu của Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ARF năm 2011.http://www.fmprc.gov.cn/eng/zxxx/t842183.htm
9. Phát biểu của giáo sư Lưu Nam Lai (Trung Quốc) tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ nhất tại Hà Nội do Học viện Ngoại giao và Hội luật gia tổ chức tháng 11/2009.
10. Peter de Goyer and Jacob de Keyzer: An Embassy from the east-India Company United Provinces to the Grand Tartar Cham Emperor of China…, Thư viện Menzies, Australia, v. Ige. rare b DS 708.N64. Tài liệu ủy ban biên giới quốc gia
11. Note of 29 September 1932 from the Legation of the Chinese Republic in France to the Ministry of Foreign Affairs, Paris. Annex 10 in “Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands”, 2000, by Monique Chemillier-Gendreau, Kluwer Law International.
12. G.M.C. Valero: Spratly Archipelago: Is the question of sovereignty still relevant, IILS, University of the Philippines Law Center, Diliman, Quezon City, 1993.
13. Xem thêm bảng thống kê các nước ban hành văn bản gián tiếp phủ định Đường lưỡi bò tại Zou Keyuan (2012): China’s U-Shaped Line in the South China Sea Revisited, Ocean Development & International Law, 43:1, p25
14.http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/jpn08/chn_6feb09_e.pdf
15. Jean Louis, “Note on the Geography of Cochinchina” (1837) VI (Part II) Journal of the Asiatic Society of Bengal, 737-745; John Barrow, A Voyage to Cochinchina, (T.Cadell and W Davies, 1806), tr 17
16. “The Hoang Sa (Paracel) and Truong Sa (Spratly) Archipelagoes and International Law”, Vietnam MOFA, 1988, p.9
17. Ibid
18. Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ra Tuyên bố ngày 12 tháng 5 năm 1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa, và Tuyên bố ngày 12 tháng 11 năm 1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam, các vùng nước bên trong đường cơ sở có quy chế nội thủy.
19. Xem 2 báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa tại:
– http://www.un.org/depts/los/clcs_new/submissions_files/submission_mysvnm_33_2009.htm
– http://www.un.org/depts/los/clcs_new/submissions_files/submiss
20. Presidential Decree No. 1596: Declaring Certain Area Part of the Philippine Territory and Providing for their Government and Administration. Philippines. 11 June 1978.
21. Vụ Đảo Palmas, Phán quyết của Trọng tài quốc tế, (1928) 2 RIAA, tr.893
22. Như trên, tr.894
23. “PGMA signs baselines bill into law”, Press Release by Philippine Information Agency on March 12, 2009. http://www.pia.gov.ph/?m=12&sec=reader&rp=1&fi=p090312.htm&no=8&date=03/12/2009
24.http://www.un.org/depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/phl_re_chn_2011.pdf
25. Vụ thềm lục địa biển bắc, phán quyết của Tòa công lý quốc tế, ICJ Reports (1969) p3
26. Theo quy định của điều 76 và 77 Công ước luật biển 1982.