Tuesday, December 24, 2024
Trang chủUncategorizedVùng biển Việt Nam giàu tiềm năng khoáng sản

Vùng biển Việt Nam giàu tiềm năng khoáng sản

BienDong.Net: Theo báo cáo của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, sau khi tiến hành điều tra đặc điểm địa chất, địa động lực địa chất khoáng sản, địa chất môi trường độ sâu từ 30m đến 100m nước vùng bờ biển Việt Nam, các nhà khoa học đã phát hiện tiềm năng lớn tài nguyên địa chất, khoáng sản rắn đáy biển có khả năng khai thác công nghiệp.

Báo cáo cho thấy, vùng biển Cửa Nhượng thuộc tỉnh Hà Tĩnh và vùng biển Cửa Gianh có độ sâu từ 50- 65m nước là khu vực giàu triển vọng về sa khoáng đáy biển titan. Vùng biển Ninh Chữ thuộc tỉnh Ninh Thuận – Hàm Tân thuộc tỉnh Bình Thuận với độ sâu từ 30 – 100m nước rất giàu tiềm năng về sa khoáng biển.

Hiện nay, các nhà khoa học cũng đã khoanh vùng 4 khu vực tập trung sa khoáng phân bố trong các đới bờ cổ với lượng tài nguyên dự báo lên tới 23.688.000 tấn quặng ilmenit, zircon. Vùng biển Vũng Tàu đến Côn Đảo có tài nguyên dự báo cát xây dựng là 88 tỷ mét khối.

Cùng với tài nguyên khoáng sản, trước đó, các nhà khoa học cũng đã phát hiện và khoanh vùng 27 vùng biển Việt Nam có thể chứa nhiều khí hydrate nguồn nguyên liệu thay thế cho dầu lửa và than đá. Khí hydrate đã được các nhà khoa học trên thế giới xếp vào một trong 9 nguồn năng lượng sạch trong tương lai.

Các nhà khoa học địa chất cho rằng, phần lớn địa hình đáy biển trên vùng biển Việt Nam có vĩ tuyến trùng với hướng tách giãn của Biển Đông. Tại đây, có nhiều núi lửa là dạng địa hình thuận lợi cho việc hình thành các cao nguyên ngầm, vì vậy có rất nhiều dạng tài nguyên tồn tại, đặc biệt là dầu khí ở thềm lục địa.

Cùng với dầu khí, các dạng khoáng sản rắn cũng đã được phát hiện ở vùng ven biển và biển nông ven bờ (0-50m nước), trong đó một số mỏ sa khoáng đã khai thác…

Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 coi dầu khí vẫn là ngành ưu tiên phát triển cao trong số 4 ngành kinh tế biển quan trọng đến năm 2020: dầu khí, hàng hải, thủy sản và du lịch.

Khoáng sản rắn ở biển Việt Nam phân bố trong trầm tích Đệ tứ, trong các đá gốc ven bờ thềm lục địa và biển sâu. Trong trầm tích Đệ tứ đã phát hiện các tích tụ công nghiệp và một loạt các khoáng vật quặng, phi quặng (sa khoáng), phôtphorit và các biểu hiện của glauconit, pirit, thạch cao, kết hạch sắt – mangan…

 altVùng biển Việt Nam giàu tiềm năng khoáng sản ( Ảnh BienDong.Net )

Một số mỏ sa khoáng có ý nghĩa kinh tế như các mỏ có chứa Inmenit, Rutin,Monazit, Ziacon và các biểu hiện Manhêtit, Caxiterit, Vàng, Crôm, Corindon, Topa, Spiner,…Những mỏ đang khai thác là Quảng Xương, Thanh Hóa (trữ lượng Ti: 80.198 tấn, Zn: 2.298 tấn), mỏ Cẩm Hoà (trữ lượng Ti: 2.500.000 tấn, Zn: 85.995 tấn), mỏ Kẻ Ninh (trữ lượng Ti: 443.475 tấn, Zn: 35.126 tấn), mỏ Kẻ Sung (trữ lượng Ti:3.370.000 tấn, Zn: 100.000 tấn), mỏ Đề Gi (trữ lượng Ti:1.749.599 tấn, Zr:78.978 tấn), mỏ Hàm Tân (Ti: 1.300.000 tấn, Zn:442.198 tấn).

Liên quan đến các mỏ sa khoáng Titan, Ziacon, đất hiểm, những tài liệu thống kê cho thấy ven biển Việt Nam,  có 2 mỏ lớn, 7 mỏ trung bình, 6 mỏ nhỏ và hàng chục điểm quặng (dưới 25.000 tấn). Các mỏ sa khoáng chủ yếu là Titan, Ziacon, còn các quặng đất hiếm chưa đạt giá trị công nghiệp của mỏ nên chỉ xem là những quặng đi kèm khi khai thác.

alt

Dàn khoan dầu trên mỏ Bạch Hổ thuộc thềm lục địa Việt Nam ( ảnh Internet )

Cát thủy tinh là một trong những khoáng sản chính ven biển Việt Nam, phân bố rải rác dọc bờ biển từ Bắc đến Nam. Có mỏ ở ngoài đảo như Vân Hải (Quảng Ninh). Hầu hết các mỏ cỡ lớn tập trung ở ven biển, đoạn từ Cam Ranh đến Bình Châu. Ước chừng có 20 mỏ đã được tìm kiếm, thăm dò với tổng trữ lượng khoáng 584 triệu tấn. Đa số các mỏ là cát thủy tinh. Một số mỏ cát có chất lượng tốt như  Vân Hải, Cam Ranh có chất lượng cao để sản xuất pha lê dụng cụ quang học..

Các khoáng sản khác ở ven biển: Ngoài quặng Titan cùng kim loại hiếm đi kèm và cát thủy tinh, các khoáng sản kim loại khác chỉ là những biểu hiện Vàng, Thiếc (Sầm Sơn, vùng Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị – Huế, Quảng Nam- Quảng Ngãi, Quy Nhơn- Phú Yên, Bình Thuận – Vũng Tàu). Về quặng sắt, lớn nhất Việt nam là mỏ Thạch Khê nằm ở ven biển Hà Tĩnh có trữ lượng 532 triệu tấn. Vật liệu xây dựng và san lấp được phân bố ở vùng nước nông, cửa sông, ven biển, trong đó khá tập trung ở vùng ven bờ nước nông Quảng Ninh – Hải Phòng.

Các nghiên cứu cho thấy tại vùng quần đảo Trường Sa- Hoàng Sa khoáng vật Pyrit có cả ở 3 vùng biển theo độ sâu (thềm, sườn lục địa và biển sâu) nhưng chủ yếu ở rìa ngoài thềm lục địa tới chân lục địa độ sâu khoảng 200- 2.800m. Phía Nam đảo Trường Sa pirit có hàm lượng khá cao, đạt 5,5- 7,5% vât liệu trầm tích, dải phía Đông quần đảo ở độ sâu 1.000 – 2.000m hàm lượng pirit là khoảng 1-5% vật liệu trầm tích. Kết hạch sắt- mangan có xung quanh quần đảo Trường Sa trong đó hàm lượng mangan tăng dần theo độ sâu từ 500m-3.000m (khoảng 1,5%). Kết hạch sắt-mangan tập trung chủ yếu ở chân lục địa độ sâu 2.000 – 4.000m. Ngoài ra tại vùng quần đảo này còn phát hiện thạch cao, thường đi cùng pirit, hàm lượng thay đổi từ 2,9% đến 6,5%.

Dầu khí là nguồn tài nguyên quan trọng đã được chú ý nghiên cứu rất sớm. Dầu khí tích tụ trong các bể trầm tích: Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Malay- Thổ chu, Tư Chính- Vũng Mây và nhóm bể Trường Sa. Dầu khí đã được phát hiện và khai thác ở các bể Cửu Long Nam Côn Sơn, Malay – thổ Chu, sông Hồng, bể Cửu Long có 5 mỏ đang khai thác là Bạch Hổ, Rồng, Rạng Đông, Hồng Ngọc, Sư Tử Đen và một số mỏ khác. Bể Cửu Long là bể chứa dầu chủ yếu ở thềm lục địa Việt Nam. Bể Nam Côn Sơn phát hiện cả dầu và khí, có 2 mỏ đang khai thác là Đại Hùng, và mỏ khí Lan Tây- Lan Đỏ, ngoài ra còn mỏ Rồng, Hải Thạch…Bể Malay-Thổ Chu có cả dầu và khí, với các mỏ:Buga, Kekwa-Cái nước, Bunga Rây, Bunga Seroga ở vùng chống lấn Việt Nam – Maylaysia. Bể sông Hông có mỏ khí Tiền Hải và một số phát hiện ở Vịnh Bắc Bộ.

Kết quả phân tích trữ lượng và tiềm năng dầu khí tính đến 31/12/2004 là 4.300 triệu tấn dầu quy đổi, đã phát hiện 1.208,89 triệu tấn dầu quy đổi chiếm 28% tổng tài nguyên dầu khí Việt Nam, trong đó tổng trữ lượng dầu khí có khả năng thương mại là 814,7 triệu tấn dầu qui đổi, chiếm 67% tổng tài nguyên dầu khí đã phát hiện. Trữ lượng phát hiện tính cho các mỏ dầu khí gồm trữ lượng với hệ số thu hồi dầu khí cơ bản và hệ số thu hồi bổ sung do áp dụng công nghệ mới gia tăng thu hồi được tính cho các mỏ đã tuyên bố thương mại, phát triển và đang khai thác được phân bổ như sau: Trữ lượng dầu và condensat khoảng 420 triệu tấn (18 triệu tấn condensat), 394,7tỷ m3 khí trong đó khí đồng hành 69,9 tỷ m3 khí không đồng hành 324,8 tỷ m3.

Tài nguyên hidrat metan (băng cháy)

Từ nhiều năm nay, các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực đã theo đuổi nghiên cứu một dạng tồn tại của khí metan trong trầm tích ở đáy biển gọi là hidrat metan.

Trong những điều kiện nhất định, các phân tử nước liên kết với nhau (liên kết hidro) để tạo thành những hốc bên trong chứa các phân tử khí, chủ yếu là metan (CH). Tích tụ khí trong các hang hốc này cũng tương tự như trong các mỏ khí thông thường. Ngoài metan là chủ yếu còn có thể chứa hyđrocabon nhẹ khác như etan, propan, butan, nitơ, điôxit cacbon,…Về hình dạng hydrat metan trông như tuyết hay băng nên nó mang cái tên là “băng cháy”. Băng cháy hình thành trong điều kiện áp suất cao và nhiệt độ thấp. Ở những vùng biển tích tụ hydrat metan thường ở độ sâu 400-500m (áp suất khoảng 40 atm và nhiệt độ 6 độ C), ở 2 cực độ sâu nhỏ hơn nhưng nhiệt độ lại thấp hơn. Ngoài ra, người ta còn chú ý đến độ muối xem như một tác nhân quan trọng ảnh hưởng đến sự tích tụ và giữ sự ổn định của hiđrat metan. Người ta nói “hidrat metan” là nguồn nhiên liệu khổng lồ cho tương lai vì tiềm năng tài nguyên này rất lớn. Người ta dự báo trữ lượng hydrat metan khoảng 400 triệu  Tcf (Trillion cubic feet), tức khoảng 11.200 triệu tỷ m3. Trong khi đó trữ lượng khí thiên nhiên được xác minh trên toàn thế giới hiện nay là 150 nghìn tỷ mét khối. Nếu khai thác hidrat metan thì đó sẽ là nguồn năng lượng cho thế giới trong tương lai. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có nước nào khai thác hidrat metan ở quy mô công nghiệp. Nhưng triển vọng khoảng một vài chục năm tới người ta có thể khai thác công nghiệp loại nhiên liệu này không phải là dự báo thiếu cơ sở. WTO đang tính chuyện thành lập một tổ chức tư vấn Quốc tế về hidrat metan (World Methane Hydrates Advisory Board) để hỗ trợ các nước thành viên khảo sát, tìm kiếm và phân chia quyền khai thác ở các vùng biển quốc tế. Phương pháp khai thác hydrat metan khả dĩ nhất là giảm áp suất để khí giải phóng, tuy nhiên chưa có công nghệ hoàn chỉnh cho việc khai thác.

Hoa Biển Xanh ( theo VNA và W.W.W.thuongmai.VN )

RELATED ARTICLES

Tin mới