Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ đứng đâu trong cuộc tranh chấp tại Biển Đông?

Mỹ đứng đâu trong cuộc tranh chấp tại Biển Đông?

BienDong.Net: Trong bối cảnh Trung Quốc mưu toan độc chiếm Biển Đông, sự xuất hiện vai trò của Mỹ- cường quốc số 1 thế giới là một yếu tố đang chú ý. Lập luận phân tích của TS Nguyễn Ngọc Trường, chuyên gia về các vấn đề quốc tế cho chúng ta thêm một góc nhìn về vấn đề này.

I – Mỹ với Biển Đông: Từ không can dự tới “trở lại châu Á”

Trải qua hơn một thế kỷ hiện diện tại châu Á, kể từ cuộc chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha giành giật Philippines năm 1898, mỗi lần Washington quan tâm lớn và tái can dự sâu vào châu Á-Thái Bình Dương là mỗi lần Washington nhận thấy lợi ích của Mỹ bị thách thức nghiêm trọng, do những đảo lộn trong trật tự và tương quan lực lượng ở khu vực với sự xuất hiện các chủ thể quyền lực mới.

alt

Ngày 8.3.2009, tàu thuyền Trung Quốc đối đầu với tàu Impeccable, một tàu thám thính đại dương không vũ trang của Mỹ cách Hải Nam 120km. (Ảnh TL TQ)

Lần thứ nhất liên quan đến sự bành trướng của Nhật Bản dẫn tới cuộc tập kích không-hải quân của quân đội Nhật Hoàng vào Trân Châu Cảng và Mỹ tham chiến. Thái Bình Dương là một trong các mặt trận quan trọng, với tập hợp lực lượng do Mỹ đứng đầu.

Lần thứ hai liên quan tới sự ra đời của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, hình thành liên minh Xô-Trung và cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Mỹ nhận thức nguy cơ chủ nghĩa cộng sản tràn xuống Đông Nam Á, do đó đẩy mạnh thực hiện chủ trương ngăn chặn “làn sóng Đỏ”, dẫn tới việc mở rộng chiến tranh Việt Nam.

Lần thứ ba là giai đoạn hiện nay liên quan tới “mối đe dọa Trung Quốc” tại châu Á cùng việc Bắc Kinh đòi tôn trọng “lợi ích cốt lõi” tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Mỹ chủ trương “trở lại châu Á”, bắt đầu từ việc tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), tháng 7.2009, và tháng 7.2010 xác định vấn đề tự do hàng hải tại Biển Đông nằm trong “lợi ích quốc gia” của Mỹ.

Từ trước thời kỳ kể trên, Biển Đông chưa bao giờ là “vấn đề” đối với Mỹ, chỉ tới khi Trung Quốc thách thức sự hiện diện của Mỹ và muốn độc chiếm Biển Đông.

Từ can thiệp, dính líu tới không can dự

Trong phần lớn hậu kỳ của sự bành trướng phương Tây sang Viễn Đông, Mỹ thường cầm trịch cho việc duy trì ổn định và nguyên trạng tại khu vực. Mỹ về bản chất là cường quốc bá chủ, nhưng chống lại sự nổi lên của bất kỳ nước lớn nào hay nhóm nước lớn nào mưu cầu thực hiện bá quyền khu vực. Phương thức mà Mỹ thực thi chủ nghĩa hiện thực cổ điển, sau này phát triển thành chủ nghĩa hiện thực mới, là phòng vệ tập thể, còn gọi là an ninh liên minh, có từ hai nước trở lên tham gia. Đặc điểm của mô thức này là sắp xếp hệ thống phòng vệ để ngăn chặn một nước hoặc nhóm nước xuất hiện như là kẻ thù hiện thực hoặc đối thủ tiềm tàng đe dọa trật tự Mỹ tại khu vực.

Năm 1972, Nixon bất ngờ thăm Trung Quốc, mở ra thời kỳ hòa hoãn và câu kết Mỹ-Trung trong chiến lược tranh bá với Liên Xô. Chính quyền Mỹ thực hiện chính sách “mơ hồ” đối với vấn đề chủ quyền Biển Đông, thực chất là làm ngơ cho Trung Quốc từng bước lấn chiếm Biển Đông. Một số tư liệu giải mật gần đây của Bộ Ngoại giao Mỹ cho người ta biết rõ hơn về thái độ “thấy chết mà không cứu” của Mỹ trong các vụ tranh chấp tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa năm 1974, năm 1995.

Những gì các chính quyền đảng Cộng hòa quan tâm ở châu Á mang tính toàn cầu của một siêu cường. Chính trong giai đoạn này, George W. Bush đã thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin từ bỏ căn cứ quân sự ở Cuba và Cam Ranh.

Trong những năm đầu thế kỷ 21, trọng tâm chiến lược toàn cầu của Mỹ lần lượt đặt ở châu Âu và vấn đề chống khủng bố khiến Mỹ dính líu vào hai cuộc chiến tranh Iraq, Afghanistan, làm xao nhãng mối quan tâm của Mỹ đối với châu Á-Thái Bình Dương. Chính thời điểm này, con rồng Trung Quốc quẫy sóng Biển Đông. Trong suốt một thời gian dài, Mỹ giữ thái độ nước đôi về những hành động của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Tháng 6.2008, khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thực hiện chuyến thăm quan trọng sang Mỹ. Trong một tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp tại Nhà Trắng, hai bên đồng ý tổ chức thường xuyên các cuộc đàm phán cấp cao về các vấn đề an ninh và chiến lược. Hơn nữa, Tổng thống Bush cũng nói rằng Mỹ ủng hộ “chủ quyền quốc gia, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam “. Đây là một tuyên bố chưa từng có của một tổng thống Mỹ, cho thấy ở cấp cao nhất của chính quyền Mỹ đã có những cân nhắc về những gì đang diễn ra ở Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc gây áp lực lên các công ty Mỹ tiến hành việc thăm dò khai thác dầu khí tại các vùng biển của Việt Nam. Khi Biển Đông phát sinh căng thẳng mới từ năm 2007, Mỹ từng bước tham gia vào cuộc chơi, nhưng vẫn giữ lập trường “không can dự”.

“Trở lại châu Á”

Sự trỗi dậy của Trung Quốc với những nỗ lực xây dựng chiến lược hoặc trật tự Trung Hoa sớm muộn sẽ thách thức quyền lãnh đạo của Mỹ. Trong tình hình đó, theo lý thuyết chuyển dịch quyền lực, Mỹ có thể từ bỏ một phần đặc quyền nhưng sẽ không từ bỏ địa vị chủ đạo. Mỹ không nhất thiết tham dự vào mọi quá trình, nhưng lựa chọn các công cụ quyền lực cứng hoặc mềm để tác động vào những quá trình chính yếu, phù hợp với thực tế của “nhà giàu thiếu tiền”.

Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính từ mùa Thu 2008 thúc đẩy cuộc “khủng hoảng kép” về sức mạnh kinh tế và vị thế đối ngoại của Mỹ trên thế giới, cũng chính là thời điểm Trung Quốc vượt ra khỏi chủ trương “giấu mình chờ thời” và vạch ra “ranh giới đỏ” cho hoạt động của Mỹ tại Biển Đông.

Nhận thức các thách thức đối với quyền lợi Mỹ

Vai trò và sức mạnh của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương đã suy yếu đáng kể. Sự nổi lên của Trung Quốc càng làm nổi bật sự sa sút của Mỹ. Nhưng vì suy yếu mà Mỹ đẩy mạnh can dự. Sự điều chỉnh bắt đầu ngay từ năm đầu của chính quyền Obama, từng bước định hình cùng với quá trình điều chỉnh lại các ưu tiên đối ngoại quốc gia cũng như chiến lược toàn cầu của Mỹ.

Một sự kiện đáng kể đến mang tên “Impeccable” có thể là một trong các yếu tố tác động đến nhận thức về mối “đe doạ trực tiếp những quyền lợi chính đáng của Mỹ” tại một vùng biển quốc tế như Biển Đông, góp phần thúc đẩy quá trình điều chỉnh chính sách châu Á của Mỹ. Lầu Năm Góc cho biết ngày 8.3.2009, năm tàu thuyền Trung Quốc đã đối đầu với tàu Impeccable, một tàu thám thính đại dương không vũ trang của Mỹ, với “cử chỉ nguy hiểm và liều lĩnh”, lúc tàu này đang hoạt động cách đảo Hải Nam khoảng 120km. Năm sau, các đại diện cao cấp của Bắc Kinh đề nghị Mỹ tôn trọng “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Theo đó, các tàu và máy bay quân sự của Mỹ ngừng sử dụng Biển Đông thám thính Trung Quốc. Nghĩa là Mỹ không can thiệp vào các cuộc tranh chấp Biển Đông, để Trung Quốc một mình “múa gậy vườn hoang”.

Giới chức trách hoạch định chính sách của Mỹ tìm kiếm sự đồng thuận cho chính sách “trở lại châu Á”, với phép thử Biển Đông.

II- Mỹ với Biển Đông: Một phần của cuộc cạnh tranh chiến lược

Mỹ chưa từng rời khỏi châu Á. Mỹ rời khỏi là rời khỏi Đông Nam Á sau Chiến tranh Việt Nam. Khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố Mỹ “trở lại châu Á” trong dịp tham dự diễn đàn ARF tại Bangkok, tháng 7.2009, thì chính sách này chủ yếu là trở lại Đông Nam Á mà Biển Đông là một phép thử.

alt

Đến năm 2020, 60% tàu chiến của Mỹ sẽ có mặt ở châu Á – Thái Bình Dương.( Ảnh: TL TQ )

“Trở lại châu Á” là gì?

Chủ trương “trở lại châu Á” mang nội dung toàn diện. Đó là sự chuyển hướng trọng tâm chiến lược từ Tây sang Đông, là một sự thay đổi quan niệm về ưu tiên chiến lược. Chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có những điều chỉnh đáng kể, bằng chứng là Mỹ đã thắt chặt quan hệ với nhiều nước Đông Nam Á, đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao, tăng cường hiện diện cả về quân sự lẫn kinh tế tại khu vực này… Việc Mỹ tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) mở đường cho việc Mỹ được mời làm thành viên chính thức của hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) trong kỳ họp tại Hà Nội, năm 2010.

Về mặt ngoại giao, Mỹ đã can dự ở mức cao nhất với tổ chức ASEAN. Tháng 7.2012, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Campuchia, ghi nhận sự hiện diện của Ngoại trưởng Mỹ liên tục trong 4 năm (2009-2012) tại diễn đàn này, góp phần tạo cho ARF một vị thế nổi bật trong đời sống chính trị, an ninh khu vực. Tổng thống Barack Obama nhiều khả năng sẽ tham dự hội nghị EAS vào tháng 11/2012 tại Phnôm Pênh và gặp gỡ các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên ASEAN. Đây là lần thứ hai tổng thống Mỹ tham dự EAS và lần thứ tư gặp gỡ cấp cao Mỹ-ASEAN, thể hiện sự cam kết ở cấp cao nhất của Mỹ đối với một khu vực như Đông Á và Đông Nam Á.

Biển Đông: Từ “trung lập” sang “can dự”

Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain trong bài viết “Tại sao châu Á muốn nước Mỹ?” đăng trên tạp chí The Diplomat ngày 22/5/2012, cho rằng Biển Đông chính là một trong những phép thử đối với Washington về vai trò của nước này tại châu Á và Biển Đông. Ông viết: “Mỹ không có tuyên bố chủ quyền ở khu vực tranh chấp này và chúng ta không nên đứng về phía nào cả. Tuy nhiên, khu vực tranh chấp này nằm ngay tâm điểm lợi ích của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, không phải vì sự thông thương trị giá 1.200 tỉ USD đi qua Biển Đông mỗi năm, cũng chẳng vì Philippines là đồng minh của Mỹ, mà vì điều này là yếu tố quyết định để cho một châu Á đang trỗi dậy tránh được mặt trái của chính sách thực dụng, ở đó các nước mạnh muốn làm gì thì làm, còn nước nhỏ phải chịu thiệt thòi”. Thượng nghị sĩ John McCain cho rằng tranh chấp ở đây là mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng. Nhưng Mỹ sẽ hỗ trợ các đối tác ASEAN để họ có thể đưa ra một mặt trận thống nhất và giải quyết sự khác biệt một cách hòa bình và đa phương.

Chiến lược tự nó không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng. Nó là kết quả của tư duy chiến lược xuất phát từ thực tiễn, hình thành trong quá trình triển khai thực tiễn. 2010 là năm cột mốc quan trọng của việc xác định rõ lập trường của Washington đối với vấn đề Biển Đông. Phản ứng được chú ý nhiều nhất của Mỹ là trên bình diện chính trị ngoại giao, mở màn bằng bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tháng 6/2010 tại Diễn đàn Shangri-La, Singapore, ngày 5/6/2010. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tỏ ý lo ngại về nguy cơ Biển Đông trở thành một khu vực mà “những tranh chấp lãnh thổ có thể đe dọa đến quyền tự do lưu thông trên biển và phát triển kinh tế của khu vực”. Ông Gates nói: “Chính sách của chúng tôi là rõ ràng: Điều quan trọng là cần đảm bảo hòa bình, tự do hàng hải và hoạt động kinh tế được tự do và không bị gián đoạn. Chúng tôi không đứng về bên nào đang tham gia tranh chấp chủ quyền, nhưng chúng tôi chống lại việc sử dụng vũ lực và các hành động gây trở ngại cho tự do hàng hải. Chúng tôi chống lại mọi hành động hù dọa các công ty Mỹ hay bất cứ quốc gia nào đang có hoạt động kinh tế chính đáng tại khu vực”.

Hơn một tháng sau phát biểu gây sóng gió này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, đến lượt Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, khi dự hội nghị ARF tại Hà Nội, khẳng định Mỹ có “lợi ích quốc gia” trong vấn đề tự do hàng hải trên Biển Đông. “Lợi ích quốc gia” được đưa ra để đối trọng với “lợi ích cốt lõi” mà các nhà lãnh đạo cao cấp của Bắc Kinh đưa ra với Mỹ hồi tháng 3 và tháng 5/2010.

Mới đây, ngày 5.9.2012, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì cam kết với người đồng cấp Mỹ đang ở thăm Trung Quốc: “Tự do và an toàn hàng hải trên Biển Đông phải được bảo đảm. Đối với Trung Quốc và các nước láng giềng, Biển Đông thật sự là huyết mạch trong trao đổi hàng hóa và giao thương. Hiện tại và sau này sẽ không có vấn đề gì ở vùng biển này liên quan đến tự do hàng hải”. Nhưng lời cam kết này không làm bất kỳ một ai yên tâm. Bởi vì các sự kiện tại Biển Đông từ năm 2009 đến nay đã chỉ ra một thực tế: Các nhà chính trị ngoại giao Bắc Kinh nói một đằng, còn các tướng lĩnh đô đốc Trung Quốc lại làm một nẻo.

Các tuyên bố của Bộ trưởng Gates tại Singapore và Ngoại trưởng Mỹ Clinton tại Hà Nội vào tháng 7/2010 đã đánh dấu sự chuyển biến trong thái độ của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông, từ “trung lập” sang “can dự”.

Lá chắn tên lửa và tuyên bố tuyển cử của ứng cử viên Cộng hòa

Với Biển Đông, Mỹ không nhất thiết tham dự vào mọi quá trình, không nhất thiết phải dùng quân lực để trực tiếp ngăn chặn quân lực Trung Quốc hoành hành ở Biển Đông, Mỹ có thể dùng các công cụ quyền lực cứng hoặc mềm để tác động vào những quá trình chính yếu ở vùng biển này. Theo nhìn nhận chung, vai trò quan trọng bậc nhất của Mỹ là kiềm chế, đối trọng và cân bằng với quyền lực với Trung Quốc. Điều này không một nước lớn nào khác có thể làm được.

Mỹ tái bố trí lực lượng quân sự ở Tây Thái Bình Dương và tập hợp lực lượng chính trị ngoại giao ở châu Á nhằm tạo ra sự răn đe tiềm ẩn đối với Trung Quốc. Mỹ mới đây tuyên bố đang lên kế hoạch mở rộng quy mô lớn hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Á dưới cái vỏ bọc “lá chắn tên lửa”. Các nhà quan sát Trung Quốc thông qua báo chí Hong Kong cho rằng quá trình thực hiện NATO phiên bản châu Á đang dần hình thành. Mỹ sẽ bố trí tại phía Nam Nhật Bản và Đông Nam Á hệ thống rađa sóng ngắn cực kỳ lợi hại. Một khi công tác bố trí hoàn tất, Mỹ sẽ thiết lập được một vòng cung án ngữ toàn bộ phía Đông và Đông Nam Trung Quốc và có thể giám sát chính xác bất kỳ một quả tên lửa đạn đạo nào được bắn từ Trung Quốc ngang qua Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Trung Quốc vừa rồi đã thử nghiệm thành công loại tên lửa đạn đạo mới để đối phó với lá chắn tên lửa của Mỹ.

Một tiêu điểm của cuộc tranh chấp Mỹ-Trung hiện nay có quan hệ tới vấn đề Biển Đông, đó là Trung Quốc muốn Mỹ phải tính đến sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc để không đối đầu với nước này mà đi tới sự nhượng bộ nào đó, nghĩa là Mỹ cần phải chấp nhận sự phát triển thế lực và ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng. Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Mitt Romney tất nhiên không chấp nhận quan điểm này khi cho rằng Trung Quốc đang tìm cách thống trị châu Á và “cần làm nhụt chí Trung Quốc đang nỗ lực thống trị các nước láng giềng”. Ông Romney đã nhiều lần chỉ trích Tổng thống Obama thiếu cứng rắn với Bắc Kinh và cam kết nếu đắc cử, ông ta sẽ không cho “kẻ bạo chúa giàu có biến thế kỷ 21 thành thế kỷ của Trung Quốc”(!).

Tất nhiên, từ tuyên bố tuyển cử đến triển khai thực tiễn vẫn còn một quãng đường dài, ở đấy Mỹ không còn khả năng hô phong hoán vũ, mà phải tính đến tất cả các yếu tố quan hệ, tới thực lực và lợi ích Mỹ.

TS. Nguyễn Ngọc Trường

RELATED ARTICLES

Tin mới