Ngày 8.9, Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2012 chính thức khai mạc ở thành phố Vladivostoc của Nga với sự tham gia của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên. Mặc dù APEC chỉ là một diễn đàn kinh tế khu vực, vấn đề Biển Đông không phải là nội dung của diễn đàn APEC, song phát biểu của nhiều nhà Lãnh đạo xung quanh vấn đề Biển Đông trước và ngay bên lề diễn đàn APEC cho thấy rõ sự quan tâm ngày càng gia tăng của cộng đồng quốc tế trước những diễn biến phức tạp, căng thẳng ở Biển Đông thời gian gần đây.
Trước khi đến Vladivostoc dự cấp cao APEC, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đề cập nhiều đến vấn đề Biển Đông trong các cuộc tiếp xúc với các nhà Lãnh đạo Trung Quốc tại chuyến thăm tới nước này.
Đáng chú ý, trong bài phát biểu tại trường Đảng Trung ương Trung Quốc ở Bắc Kinh ngày 6/9/2012, Thủ tướng Lý Hiển Long đã phát biểu rất trực diện về vấn đề Biển Đông, khẳng định rất rõ ràng chính sách của Singapore về vấn đề Biển Đông; nhấn mạnh Biển Đông có tầm chiến lược đối với sự tồn tại và phát triển của Singapore; tỏ lo ngại căng thẳng leo thang ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến lợi ích an ninh của Singapore, tác động xấu đến sự đoàn kết của ASEAN; kêu gọi giải quyết tranh chấp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Ông cho rằng, các nước đang quan sát Trung Quốc ứng xử với các nước láng giềng trong đề Biển Đông, để từ đó đánh giá sự phát triển của Trung Quốc đối với thế giới; kêu gọi Trung Quốc sớm bàn bạc với ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông; nhấn mạnh ASEAN cần tỏ rõ lập trường và đóng vai trò nhất định trong vấn đề Biển Đông. Ông Lý Hiển Long cảnh báo. “Biển Đông là trái tim của ASEAN. Vì vậy, nếu ASEAN không giải quyết được vấn đề tranh chấp thì uy tín của khối sẽ bị hủy hoại”, đồng thời nhấn mạnh “Các bãi cạn là quan trọng, các giếng dầu là quan trọng, các mỏ khí dưới lòng Biển Đông cũng quan trọng. Nhưng hình ảnh dài lâu của Trung Quốc, không chỉ đối với ASEAN mà với cả thế giới, là cực kỳ quan trọng”.
Tổng thống Nga V. Putin và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tại APEC 2012. Ảnh: AFP.
Chủ đề Biển Đông cũng được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đề cập rất nhiều trong chuyến thăm các nước Trung Quốc, Indonesia, Brunei trên đường đi dự cấp cao APEC tại Vladivostok. Bà Hillary yêu cầu “không cưỡng ép, hăm họa, không đe dọa sử dụng vũ lực và không được sử dụng vũ lực” trong tranh chấp Biển Đông, hối thúc “các nước trong khu vực hợp tác với nhau để giải quyết tranh chấp thông qua các cuộc đàm phán đa phương và dựa trên luật pháp quốc tế”. Ngoại trưởng Hillary Clinton truyền tải thông điệp rằng Trung Quốc “đừng nên làm quá” trong vấn đề biển Đông.
Tại Vladivostok vấn đề Biển Đông cũng được trao đổi rất sôi động bên lề hội nghị APEC. Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng khẳng định quan điểm của Singapore là duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải trên Biển Đông; cho rằng ASEAN cần phải đóng vai trò trung tâm trong mọi cuộc đàm phán về tranh chấp trên Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của COC đối với giải quyết tranh chấp trên Biển Đông và “các tranh chấp phải được giải quyết bằng đối thoại theo khuôn khổ luật pháp quốc tế”. Trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định Washington khuyến khích Matxcơva đóng một vai trò chủ động hơn tại châu Á – Thái Bình Dương nhằm kiềm chế căng thẳng leo thang ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Tại cuộc gặp bên lề hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cùng người đồng cấp Singapore Lý Hiển Long đề nghị Trung Quốc và các nước Đông Nam Á liên quan cần giải quyết tranh chấp trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế; nhấn mạnh “tranh chấp chủ quyền và quyền khai thác nguồn lợi trên biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình theo công pháp quốc tế, gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển1982”.
Trong cuộc gặp với người đứng đầu Trung Quốc, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đề nghị Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc ký tháng 10/2011; giải quyết thỏa đáng mọi tranh chấp và những vấn đề mới nảy sinh bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quôc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ửng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tiến tới Bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông (COC).
Tại cuộc hội đàm song phương bên lề Hội nghị APEC giữa Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul và Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Thái Surapong khẳng định với vai trò điều phối quan hệ Trung Quốc – ASEAN sẽ làm hết sức để thúc đẩy các bên liên quan giải quyết tranh chấp Biển Đông; đồng thời yêu cầu Trung Quốc sớm cùng các nước ASEAN bàn thảo xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) vì đây là biện pháp tốt nhất để giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông.
Ngay sau Hội nghị cấp cao APEC, ngày 10/9/2012 tại cuộc họp hỗn hợp cấp Bộ trưởng Australia – Singapore lần thứ 7, Ngoại trưởng Singapore đã thông báo toàn diện về tình hình Biển Đông; Ngoại trưởng Australia nhận định đang có những quan ngại chung về “không khí” tranh cãi chủ quyền trên Biển Đông cũng như ảnh hưởng của nó đối với hình ảnh của khu vực Châu Á- Thái Bình Dương với tư cách một thị trường kinh doanh. Ngoại trưởng hai nước cùng kêu gọi các bên tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tóm lại, vấn đề Biển Đông được đề cập ở những khía cạnh khác nhau, với những cách thức khác nhau trong phát biểu của các nhà Lãnh đạo, trưởng đoàn các nước tham dự cấp cao APEC, song đều thể hiện một mối lo ngại trước những hành động leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời ủng hộ việc duy trì hòa bình ổn định, bảo đảm an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực; giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; thực hiện nghiêm túc DOC, sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC.
Sở dĩ vấn đề Biển Đông được cộng đồng quốc tế quan tâm như vậy là do những hành động gây hấn ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm hiện thực hóa yêu sách phi lý “đường lưỡi bò”, biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc từ đầu năm đến nay như: Trung Quốc gây ra tranh chấp kéo dài với Philippin ở khu vực bãi cạn Scarborough từ đầu tháng 4/2012; công bố Quyết định thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” cùng với việc ráo riết triển khai các hoạt động củng cố cơ quan lập pháp, hành chính, quân sự và cơ sở hạ tầng ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” từ cuối tháng 6/2012; công bố mời thầu 9 lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, chỉ cách bờ Biển Việt Nam 60 hải lý ngày 23/6/2012; công bố mới thầu 26 lô dầu khí ở Biển Đông và biển Hoa Đông 28/8/2012; cho hàng vạn tàu cá với sự yểm trợ của các tàu Hải giám, Ngư chính của Trung Quốc xuống hoạt động ở Biển Đông; bắt giữ phạt nặng đánh đập ngư dân Việt Nam, uy hiếp, đe dọa các tàu cá của Việt Nam đang hoạt động đánh bắt ở khu vực quần đảo Hoàng Sa…. Những hành động ngang ngược kể trên của Trung Quốc ở Biển Đông đã tạo ra mối quan ngại chung của cộng đồng quốc tế; các nước đều lo ngại hòa bình ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông sẽ bị đe dọa nếu Trung Quốc tiếp tục các hành động lấn tới ở Biển Đông.
Quang Anh