Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLỜI NÓI VÀ VIỆC LÀM CỦA BẮC KINH LIÊN QUAN BIỂN...

LỜI NÓI VÀ VIỆC LÀM CỦA BẮC KINH LIÊN QUAN BIỂN ĐÔNG ĐẦY RẪY MÂU THUẨN

Những lời nói hoa mỹ của Bắc Kinh

Ngày 4/8/2012, NFN Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương ra Tuyên bố khá dài đối với việc Bộ Ngoại giao Mỹ nói về Biển Đông. Tần Cương nói: “Trung Quốc trân trọng tình hữu nghị và hợp tác với ASEAN.

Các bên tham gia DOC đã cam kết không có hành động làm phức tạp các tranh chấp. Điều làm mọi người lo lắng là một số nước không tôn trọng hoặc không tuân thủ DOC có các hành động khiêu khích, chà đạp các nguyên tắc cơ bản và tinh thần DOC, gây phức tạp cho việc thảo luận Luật ứng xử ở Biển Đông”.

Tiếp đó, ngày 7/9/2012, trong dịp dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần thứ 20 tại Vladivostock (Nga) ông Hồ Cẩm Đào Chủ tịch Trung Quốc có cuộc gặp với ông Trương Tấn Sang Chủ tịch Việt Nam. Trong cuộc gặp, Ông Hồ Cẩm Đào đề nghị các nước láng giềng bình tĩnh và kiềm chế trong vấn đề Biển Đông. Ông khẳng định Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với ASEAN thực hiện DOC, thúc đẩy hợp tác thực chất, bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực. Khi gặp các nhà lãnh đạo của Indonesia, Malaysia và Brunei, ông Hồ Cẩm Đào cũng kêu gọi các nước láng giềng giữ bình tĩnh, kiềm chế trong vấn đề Biển Đông và trấn an rằng Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với ASEAN thực hiện DOC, thúc đẩy hợp tác thực chất, bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực.

Ngày 8/9/2012 khi trả lời phỏng vấn của tờ “The Straits Times” của Singapore, bà Phó Doanh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, cũng đề cập vấn đề Biển Đông. Bà Phó cho rằng “có những nước có yêu sách chủ quyền đã vi phạm DOC, liên tục áp dụng các hành động khiêu khích ở Biển Đông và lại cao giọng kêu gọi các nước láng giềng đều phải thành thực tôn trọng DOC, không áp dụng thêm bất kỳ hành động khiêu khích nào”.

alt

 

Tàu Hải giám của TQ trên Biển Đông. Ảnh: Xinhua.net

Phụ họa cho lập luận của ban lãnh đạo Bắc Kinh, tờ Hoàn Cầu liên tục đăng các bài đả kích, vu cáo, thậm chí de dọa sử dụng vũ lực đối với Việt Nam và Philippines, còn Nhân dân Nhật báo thanh minh các nước láng giềng đã bóp méo hình ảnh của Trung Quốc. Cũng với giọng điệu này, vị Giáo sư Lý Kim Minh từ Đại học Hạ Môn đã nêu tại Hội thảo “Biên giới Biển và chiến lược đối ngoại của Trung Quốc” do Tạp chí “Quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc” tổ chức ngày 3/8/2012 rằng “Việt Nam và Philippines đã liên tục gây sự về vấn đề Biển Đông, làm cho tranh chấp không ngừng”. Vị này cho rằng “Việt Nam và Philippines tiếp tục ra tay trên vấn đề Biển Đông nhằm gây sức ép đối với Trung Quốc. Tại AMM 45 ở Campuchia từ 9-13/7, Philippines và Việt Nam có ý đồ thúc đẩy thông qua DOC, ép buộc Trung Quốc phải chấp nhận”v.v…

Những việc làm thô bạo của Bắc Kinh

Tháng 4/2011, Trung Quốc cho tàu quân sự quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí của Philippines ở trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của nước này. Philippines phản ứng mạnh nhiều lần yêu cầu Trung Quốc đưa vụ việc ra Toà án quốc tế giải quyết. Trung Quốc kiên quyết từ chối yêu cầu của Philippines. Tháng 5/2011, Trung Quốc cho tàu hải giám cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi tàu này đang hoạt động ở lô 148 – chỉ cách bờ biển của Việt Nam 126 hải lý. Tiếp đó ngày 9/6/2011, Trung Quốc lại cho tàu cá mưu toan cắt cáp thăm dò của tàu Viking II cũng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ở lô 136 trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Hà Nội kịch liệt phản đối việc Bắc Kinh sử dụng vũ lực để phá hoại hoạt động bình thường của Việt Nam trong vùng biển của mình. Tại diễn đàn Hội nghị các nước thành viên Công ước Luật Biển 1982 của Liên hợp quốc, ông Lê Lương Minh, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam đã tố cáo hành động phi pháp của Bắc Kinh.

Dư luận thế giới cũng bị sốc trước hành vi gây hấn, hiếu chiến của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Tại Hội thảo về an ninh hàng hải ở Biển Đông tổ chức ở Washington DC vào cuối tháng 6/2011, các học giả Mỹ, Úc, Việt Nam và các nước khác đã bày tỏ quan ngại về việc làm của Trung Quốc. Các đại biểu dự Hội nghị liên tục chất vấn ông Tô Hạo, Giáo sư Học viện Ngoại giao Trung Quốc và vị giáo sư này chịu trận không thể giải thích được. Đó là những chuyện năm ngoái.

Còn năm 2012 thì sao? Từ tháng 2 đến tháng 3, Bắc Kinh chỉ đạo cho thuộc cấp ở Hải Nam tăng cường o ép, cản trở và bắt giữ ngư dân Việt Nam đánh cá ở quần đảo Hoàng Sa. Kịch bản mà Bắc Kinh dàn dựng để binh lính Trung Quốc thực hiện là bắt giữ ngư dân và tàu cá Việt Nam trong khu vực quần đảo Hoàng Sa, ép ngư dân gọi điện về Việt Nam nhắn người nhà nộp tiền chuộc. Nhận được tiền chuộc thì thả người về (tàu giữa lại để còn sử dụng). Dư luận và thế giới kinh ngạc và ngả mũ trước quốc sách tống tiền trắng trợn và thô bỉ của Bắc Kinh. Tháng 4/2011, Bắc Kinh gây xung đột với Manila ở bãi cạn Scarborough (Bắc Kinh gọi là Hoàng Nham, còn Manila gọi là Panatang). Bắc Kinh lại tuốt gươm ra bằng cách điều hàng chục tàu chiến đến bãi cạn này để uy hiếp Philippines. Ngày 21/6/2012, Bắc Kinh công bố quyết định phê chuẩn thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa bao trùm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngày 23/6/2012, Bắc Kinh công bố mời thầu quốc tế ở 9 lô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Các lô này có diện tích hơn 1600.000 km2. Có nơi chỉ cách đảo Phú Quý của Việt Nam khoảng 37-38 hải lý. Sau đó Bắc Kinh dồn dập tăng cường các hoạt động phi pháp xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam ở Biển Đông. Các việc làm của Bắc Kinh làm cho tình hình trở nên căng thẳng hơn.

Bắc Kinh ép và mua chuộc Nông Pênh phá đám Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN lần thứ 45. Cực chẳng đã, Nông Pênh buộc phải bán rẻ lợi ích của khối ASEAN để chiều lòng Bắc Kinh. 9 nước ASEAN đã nhất trí lời văn của đoạn nói về Biển Đông trong dự thảo Thông cáo chung của AMM 445 nhưng Nông Pênh kiên quyết phản đối. Hệ quả là lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN Hội nghị Ngoại trưởng không ra được Thông cáo chung. Còn câu chuyện Luật ứng xử ở Biển Đông (Code of Conduct) thì thế nào? Mọi người đều biết đọan cuối cùng của DOC năm 2002 đã khẳng định cam kết của ASEAN và Trung Quốc phấn đấu để xây dựng COC. Việc xây dựng văn kiện này không phải là cam kết đơn phương của ASEAN. Không phải là mong muốn riêng của Việt Nam hay Philippines. Tháng 7/2-13 ASEAN đã hoàn thành dự thảo COC để bàn thảo với Trung Quốc. Trung Quốc từ chối bàn thảo COC là làm trái với điều mà họ đã cam kết 10 năm trước.  

Lời bình

Việc xâm phạm thô bạo các vùng biển của Việt Nam và Philippines có phải là hành động thể hiện “Trung Quốc trân trọng tình hữu nghị và hợp tác với ASEAN” ? Việc cản trở Việt Nam và Philippines tiến hành các hoạt động kinh tế bình thường trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của họ có phù hợp với ngôn từ hoa mĩ của Bắc Kinh là các nước phải tôn trọng DOC? Bắc Kinh hay Hà Nội hay Manila vi phạm Tuyên bố DOC năm 2002?

Ngày 12/9/2012, tại cuộc điều trần của Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, bà Ross Lehtinen, Chủ tịch Uỷ ban này, nêu rõ Trung Quốc đang chèn ép các nước láng giềng ở Biển Đông và nhấn mạnh “không thể dung thứ những chiến thuật gây hấn, đe doạ và cưỡng bức của Trung Quốc ở Biển Đông”. Ông Brad Berman, một Hạ nghị sĩ thuộc Đảng dân chủ đánh giá “các hoạt động khiêu khích ngằy càng tăng của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông”. Glaser, một nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu về chiến lược và quốc tế cho rằng Trung Quốc đang đe doạ các nước, “chính sách ngoại gia đe doạ của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến khu vực và quốc tế. Việc Trung Quốc coi thường luật pháp quốc tế là tiền lệ xấu đáng lo ngại”.

Không biết các chính trị gia và các ký giả Trung Quốc có suy nghĩ tí nào không khi họ ra rả kêu gào về việc một số nước láng giềng khiêu khích, không tôn trọng DOC, có các hành động khiêu khích và làm cho tình hình Biển Đông phức tạp và căng thẳng hơn? Những việc làm của Trung Quốc liên quan Biển Đông thực sự chà đạp thô bạo các nguyên tắc, quy phạm của Công ước Luật Biển 1982 của Liên hợp quốc, các cam kết của Trung Quốc theo văn bản DOC ký với ASEAN năm 2002. Các chính trị gia và các ký giả Trung Quốc hiểu rõ thế nào là trách nhiệm của một bên ký kết công ước Luật Biển 1982, một bên ký kết DOC 2002. Họ cũng biết rằng cả thế giới bất mãn đối với những việc làm của Trung Quốc ở Biển Đông. Họ biết rõ hình ảnh một Trung Quốc trỗi dậy hoà bình đang dần dần bị xoá trong con mắt của dư luận thế giới. Họ bất cần và cũng không ngượng mồm.

RELATED ARTICLES

Tin mới