BienDong.Net: Cuộc tranh chấp Trung- Nhật xung quanh nhóm đảo Senkaku/ Điếu Ngư đang phát triển đầy kịch tính với việc Nhật tuyên bố quốc hữu hóa chúng từ tay tư nhân và những cuộc biểu tình bài Nhật lan rộng của người Trung Quốc cũng như việc hai bên đưa vấn đề này ra trước LHQ. Đằng sau cuộc xung đột này là cái gì? Xin giới thiệu góc nhìn của Rodger Baker, chuyên gia Stratfor, hãng phân tích tin tức tình báo qua bản dịch của BienDong.Net.
Ngày 29.9 đánh dấu 40 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản, hai quốc gia đã trải qua phần lớn thế kỉ 20 trong tình trạng thù địch, nếu không nói thẳng ra là chiến tranh.
Dịp kỉ niệm này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Trung – Nhật xuống tới mức thấp nhất do cuộc tranh chấp đối với một chuỗi đảo ở Biển Hoa Đông mà người Nhật gọi là Senkaku còn người Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Khu vực quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư (Ảnh: ChinaTimes)
Những hòn đảo này, chẳng hơn gì những hòn đá không người, bản thân chúng không có giá trị gì đặc biệt. Tuy nhiên, những phe nhóm theo chủ nghĩa dân tộc ở hai nước đã sử dụng chúng để khơi dậy những hiềm khích cũ; tại Trung Quốc, chính phủ còn hỗ trợ tổ chức các cuộc phản đối chống kế hoạch của Nhật mua và quốc hữu hóa các hòn đảo này từ tay chủ sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, thái độ quyết liệt gia tăng của Trung quốc không chỉ giới hạn vào vấn đề này. Trung Quốc đã xúc tiến một kế hoạch đáng chú ý nhằm mở rộng và cải thiện lực lượng hải quân coi đó như phương thức giúp bảo vệ lợi ích hàng hải của họ. Là một quốc đảo, nhất thiết phụ thuộc vào việc tiếp cận các đường hàng hải, Nhật Bản tất nhiên coi hành động này của Trung Quốc như một mối đe dọa. Do nhu cầu kinh tế và chính trị của họ, hành động khuếch trương quân sự của Trung Quốc có thể đánh thức Nhật Bản khỏi giấc ngủ hòa bình vốn là đặc trưng của họ từ sau Thế Chiến II.
Nét nổi bật mới của cuộc xung đột cũ
Căng thẳng hiện nay xung quanh nhóm đảo tranh chấp nổ ra hồi tháng Tư.
Trong chuyến thăm Mỹ, Thống đốc Tokyo Shintaro Ishihara, nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn, nổi tiếng với cuốn sách xuất bản năm 1989 nhan đề The Japan That Can Say No (Nước Nhật bản có thể nói không ), trong đó chủ trương Nhật Bản phải đóng vai trò mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế mà không ràng buộc vào lợi ích hay ảnh hưởng của Mỹ, ông ta nói rằng chính quyền thành phố Tokyo đang dự định mua ba trong số 5 hòn đảo trong quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư từ chủ sở hữu tư nhân người Nhật. Tuyên bố của Ishihara khi đó không gây mấy căng thẳng, tuy nhiên nỗ lực tiếp theo đó nhằm gây quĩ và thúc đẩy kế hoạch mua đảo này đã thu hút sự chú ý và rốt cục đã lôi kéo cả sự can dự của chính phủ trung ương Nhật Bản. Nỗ lực này cũng tạo cho Trung Quốc một cái cớ để đánh lạc hướng sự chú ý trước tình trạng bế tắc về quân sự và chính trị với Philippines liên quan đến việc kiểm soát một phần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Trong nhiều thập kỷ, Tokyo và Bắc Kinh nhìn chung đã duy trì một thỏa thuận ngầm nhằm giữ yên cuộc tranh chấp quần đảo này. Nhật đồng ý không tiến hành xây dựng bất kỳ công trình nào hoặc cho bất kỳ ai đổ bộ lên đảo; Trung Quốc chấp nhận hoãn việc đưa ra bất kì đòi hỏi nào đối với quần đảo, và không để cho cuộc tranh chấp gây ảnh hưởng tới quan hệ thương mại và chính trị. Mặc dù đụng độ đã xảy ra, thường là do va chạm giữa tàu phòng vệ bờ biển Nhật Bản và các tàu cá Trung Quốc, hay do các nhà hoạt động theo chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản hoặc Trung Quốc tìm cách đổ bộ lên đảo, song các cuộc tranh cãi về lãnh thổ dai dẳng này chỉ đóng vai trò rất nhỏ trong quan hệ song phương Trung – Nhật.
Tuy nhiên, kế hoạch mua đảo của Thống đốc Tokyo Ishihara và sau đó là xây dựng một tiền đồn an ninh tại đây đã buộc chính phủ Nhật phải ra tay. Đối mặt với sức ép chính trị trong nước đòi đảm bảo cho tuyên bố chủ quyền của Nhật đối với các đảo này, chính phủ Nhật cho rằng việc ‘quốc hữu hóa’ các đảo này là sự lựa chọn đỡ rắc rối hơn cả. Bằng cách nắm quyền kiểm soát đối với việc xây dựng và đổ bộ lên đảo, chính quyền Nhật có thể duy trì được thỏa thuận ngầm về phần mình đối với Trung Quốc trong việc quản lý đảo.
Trung Quốc coi kế hoạch quốc hữu hóa này của Nhật như một cơ hội để khai thác. Ngay cả khi phía Nhật Bản còn đang tranh cãi nên hành động như thế nào thì Trung Quốc đã bắt đầu khuấy động tình cảm bài Nhật và hồi tháng 8, Bắc Kinh đã ngầm ủng hộ hành động của một nhóm các nhà hoạt động Hồng Kong đưa tàu đến quần đảo tranh chấp và đổ bộ lên đó. Cùng lúc, Bắc Kinh đã ngăn một tàu cá Trung Quốc có ý định làm điều này, họ sử dụng qui chế bán tự trị của Hồng Kong như một phương thức để tách họ ra khỏi hành động này và để duy trì một sự linh hoạt lớn hơn trong việc đối phó với Nhật Bản.
Người biểu tình Trung Quốc đập phá các xe hơi do Nhật Bản sản xuất liên quan đến vụ
Đúng như điều người ta chờ đợi, lực lượng bảo vệ Bờ biển Nhật bản đã bắt giữ các nhà hành động Hồng Kong và tịch thu tàu của họ, song Tokyo đã mau chóng trả tự do cho họ để tránh leo thang căng thẳng. Chưa đầy một tháng sau, sau quyết định cuối cùng của Nhật Bản nhằm mua các đảo này từ chủ sở hữu tư nhân, các cuộc biểu tình chống Nhật đã lan khắp Trung Quốc, tại nhiều nơi chúng đã biến thành các cuộc nổi loạn và phá phách nhằm vào các sản phẩm và công ty Nhật. Mặc dù rất nhiều trong số các cuộc biểu tình này do chính phủ dàn dựng, song Trung Quốc đã bắt đầu có biện pháp mạnh khi một số cuộc biểu tình vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Trong khi vẫn tiếp tục khai thác giọng điệu bài Nhật, các phương tiện truyền thông Trung Quốc do nhà nước quản lí lại tiết lộ những nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm xác định danh tính và trừng phạt những người biểu tình bạo động và cảnh báo rằng lòng tự hào dân tộc không phải là cái cớ để thực hiện các hành vi phá hoại.
Hiện tại, cả Trung Quốc và Nhật đều hành động để giữ cho cuộc tranh chấp nằm trong giới hạn có thể điều khiển được sau một tháng căng thẳng tăng cao. Trung Quốc chuyển sang gây gián đoạn thương mại với Nhật Bản ở mức cục bộ khi có tin một số sản phẩm của Nhật phải mất nhiều thời gian hơn để làm thủ tục thông quan, trong khi Nhật Bản cử một thứ trưởng đi thương thuyết với Bắc Kinh. Các tàu hải giám Trung quốc tiếp tục xâm nhập khu vực xung quanh các đảo tranh chấp và có tin hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tàu cá Trung Quốc ở Hoa Đông tập trung gần vùng biển xung quanh quần đảo này, song cả Trung Quốc và Nhật Bản có vẻ đều kiểm soát hành động của mình. Cả hai bên đều không thể công khai nhượng bộ lập trường lãnh thổ của mình, và đều tìm cách để ghi điểm về chính trị mà không để cho tình hình xấu thêm.
Thế nan giải chính trị ở Bắc Kinh và Tokyo
Cuộc tranh chấp biển đảo xảy ra khi Trung Quốc và Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới đều đang gặp khủng hoảng chính trị ở trong nước và đứng trước những đường hướng kinh tế không rõ ràng ở phía trước. Tuy nhiên, cuộc tranh chấp cũng phản ánh vị thế khác nhau của hai nước này trong lịch sử phát triển của họ và trong cán cân quyền lực ở Đông Á.
Trung Quốc, cường quốc đang nổi lên ở châu Á tăng trưởng nhanh về kinh tế trong nhiều thập kỉ qua hiện đang đương đầu với một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống, cuộc khủng hoảng mà Nhật bản đã chứng kiến hồi đầu những năm 1990 còn Hàn Quốc và những con hổ khác của châu Á cũng đã trải qua hồi cuối những năm 1990. Trung Quốc đã đạt tới giới hạn của mô hình kinh tế lấy động lực là những khoản vay nợ tài chính và xuất khẩu, và giờ đây phải giải quyết những hậu quả kinh tế- xã hội mà sự thay đổi này mang lại. Việc điều này diễn ra trong bối cảnh cuộc chuyển giao ban lãnh đạo 10 năm một lần chỉ càng làm gia tăng khó khăn chính trị của Trung Quốc khi nước này tranh luận về những giải pháp nhằm chuyển sang một mô hình kinh tế bền vững hơn. Tuy nhiên trong khi sự khuếch trương kinh tế của Trung Quốc có thể đã đạt tới giới hạn thì phát triển quân sự của họ vẫn gia tăng.
Quân đội Trung Quốc đang trở thành một lực lượng chiến đấu hiện đại hơn, tích cực hơn trong việc tác động tới chính sách đối ngoại của Trung Quốc, và quyết đoán hơn về vai trò của họ trong khu vực. Hôm 23.9, Hải quân Quân giải phóng Nhân dân đã tiếp nhận tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc và chiếc tàu này đóng vai trò là biểu tượng quân sự của Trung Quốc. Trong khi Bắc Kinh coi chiếc tàu sân bay như công cụ để khẳng định lợi ích của Trung Quốc trong khu vực ( và có thể là trên toàn cầu về lâu về dài ) giống như cách mà Hoa kì sử dụng hạm đội tàu sân bay của họ, thì hiện thời Trung Quốc mới có một chiếc, và nước này vẫn còn bỡ ngỡ với hoạt động của tàu sân bay và máy bay. Việc có duy nhất một tàu sân bay có thể tạo ra nhiều hạn chế hơn là cơ hội cho việc sử dụng nó trong khi nó gây nên những mối lo ngại và phản ứng từ các nước láng giềng.
Trái lại, Nhật Bản lại trải qua hai thập kỉ èo uột kinh tế với đặc trung là sự trì trệ toàn diện trong tăng trưởng, cho dù đây không nhất thiết là một sự thoái suy sức mạnh tổng hợp của họ. Vậy mà trong suốt hai thập kỉ ấy, nền kinh tế Trung Quốc lại tăng trưởng với nhịp độ hai con số, lên tới mức thậm chí bắt kịp nền kinh tế Nhật Bản. Bất chấp tình trạng bất ổn, nền kinh tế Nhật vẫn còn rất nhiều sức mạnh tiềm ẩn. Vấn đề chủ yếu của Nhật là thiếu một sự năng động kinh tế, một sự lo ngại đang bắt đầu được phản ánh trong nền chính trị Nhật Bản, nơi các lực lượng mới đang nổi lên thách thức hiện trạng chính trị. Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền lâu đời đã mất chính quyền vào tay Đảng Dân chủ đối lập hồi năm 2009, và hai đảng thuộc dòng chính này lại đang đối diện với những thách thức mới từ những ứng cử viên độc lập, phi truyền thống và từ những đảng khu vực đang nổi lên, những người này chủ trương chủ nghĩa dân tộc và kêu gọi thi hành một chính sách đối ngoại mạnh mẽ hơn.
Ngay cả trước khi các đảng khu vực này nổi lên, Nhật Bản đã bắt đầu bước chuyển chậm rãi nhưng không thể đảo ngược được nhằm thoát ra khỏi những hạn chế về quân sự ràng buộc họ sau Thế chiến II. Với sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc, chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên và cả sự bành trướng quân sự của Hàn Quốc, Nhật Bản thận trọng theo dõi khi các mối đe dọa nổi lên đối với các lợi ích hàng hải của họ, và họ đã bắt đầu hành động. Hoa kì, phần thì vì muốn chia sẻ gánh nặng duy trì an ninh với các đồng minh, nên đã cổ vũ nỗ lực của Tokyo nhằm đóng vai trò tích cực hơn trong vấn đề an ninh khu vực và quốc tế, phù hợp với ảnh hưởng kinh tế tổng thể của Nhật Bản.
Tranh chấp vị thế bá chủ ở Đông Á
Trung Quốc đang loay hoay với vai trò mới của giới quân sự trong quan hệ đối ngoại của họ, trong khi Nhật Bản thì coi sự tái xuất từ từ của quân đội như là công cụ trong quan hệ đối ngoại của họ. Đà tăng trưởng kinh tế hai thập kỉ của Trung Quốc đã đạt tới giới hạn lôgic của nó, song do qui mô dân số khổng lồ của Trung Quốc và do nước này chưa có tiến bộ trong việc chuyển sang một nền kinh tế dựa nhiều hơn vào tiêu dùng, Bắc Kinh vẫn còn phải đi một chặng dường dài trước khi đạt được bất kì một kiểu phân phối của cải và lợi nhuận nào mang tính công bằng. Điều này khiến cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đối mặt với những căng thẳng ngày càng tăng về xã hội, với những nguồn lực mới ít hơn trong tay. Nhật Bản, sau hai thập kỉ xã hội nước này thực sự chấp nhận duy trì ổn định xã hội với cái giá phải cải tổ kinh tế và sự xáo trộn, giờ đây nước này đang đi tới giới hạn của sự kiên nhẫn với một hệ thống quan liêu nổi tiếng trì trệ.
Cả hai nước đều chứng kiến sự gia tăng tâm lí chấp nhận chủ nghĩa dân tộc, cả hai đều nhìn thấy một vai trò ngày càng tích cực đối với quân đội của họ, và cả hai đều cùng chiếm giữ một không gian chiến lược. Với việc Washington tăng cường tập trung vào khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Bắc Kinh lo ngại rằng một nước Nhật Bản mới trỗi dậy có thể hỗ trợ Mỹ kiềm chế Trung Quốc trong một chiến lược ngăn chặn mang âm hưởng của chiến tranh Lạnh.
Giờ đây chúng ta đang chứng kiến giai đoạn đầu của một sự chuyển dịch khác trong quyền lực ở châu Á. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà việc thiết lập lại quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản năm 1972 lại diễn ra tiếp theo chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới Trung Quốc. Nhóm đảo Senkaku/ Điếu Ngư hồi đó thậm chí không phải là một vấn đề, bởi lẽ chúng vẫn nằm dưới quyền quản lí của Mỹ. Quốc phòng của Nhật Bản phần lớn do Mỹ đảm trách và từ rất lâu trước đó, Nhật Bản đã đánh đổi các quyền về quân sự của họ để được tiếp cận dễ dàng thị trường Mỹ và sự bảo vệ của Mỹ. Thay đổi trong quan hệ Mỹ- Trung đã mở đường cho việc phát triển nhanh chóng quan hệ Trung- Nhật.
Lợi ích cơ bản của Mỹ là duy trì một sự cân bằng lâu dài giữa hai cường quốc then chốt châu Á sao cho không nước nào trong số họ có thể thách thức vị thế bá chủ của bản thân Washington tại khu vực Thái Bình Dương. Trong Thế chiến II, điều này đã đưa Mỹ tới việc ủng hộ Trung Quốc trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Nhật. Vai trò hiện nay của Mỹ ủng hộ một sự trỗi dậy về quân sự của Nhật Bản chống lại sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc cũng nằm trong đường hướng đó. Khi Trung Quốc đang chuệnh choạng bước vào một chu kì kinh tế mới, một yếu tố rất có thể sẽ gây ra những thay đổi sâu sắc trong nền kinh tế chính trị trong nội bộ Trung Quốc, không khó để hình dung việc cán cân địa chính trị cơ bản của Trung Quốc và Nhật Bản sẽ lại thay đổi một lần nữa. Và khi điều này xảy ra, vai trò của Mỹ cũng có thể thay đổi.