Trong những ngày gần đây tình hình Đông Hải tiếp tục leo thang gây ra mối quan ngại cho cả cộng đồng quốc tế. Giờ đây, vấn đề quần đảo Senkaku không chỉ còn là vấn đề song phương giữa Trung Quốc – Nhật Bản hay vấn đề của khu vực Đông Á mà nó đã được các bên liên quan đưa ra diễn đàn Liên hợp quốc.
Theo những văn bản pháp lý gần đây do Nhật Bản công bố thì Nhật Bản có cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền của Nhật đối với quần đảo Senkaku, hơn thế nữa Nhật Bản đã và đang thực sự quản lý quần đảo này. Do vậy, mà Nhật Bản tỏ ý sẵn sàng đưa vấn đề này ra cơ quan tài phán quốc tế.Ngày 27/9, phát biểu sau phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York – Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tuyên bố sẽ bảo vệ đến cùng lãnh thổ Nhật Bản. Ông nhấn mạnh “quần đảo Senkaku là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Nhật Bản xét theo lịch sử và luật pháp quốc tế, rõ ràng không có vấn đề tranh chấp lãnh thổ gì ở đây cả. Do vậy, không thể có chuyện thỏa hiệp hay lùi bước về quan điểm cốt lõi này”, đồng thời khẳng định Nhật tự tin vào “chiến thắng” nếu vụ việc được đưa ra Tòa án công lý quốc tế. Đồng thời, Ông Noda chỉ trích mưu toan áp đặt ý chí lên các nước khác bằng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực. Thủ tướng Nhật cũng cam kết Tokyo sẽ phản ứng bình tĩnh và kiềm chế không cho tranh chấp ảnh hưởng bất lợi đến quan hệ song phương. Trước đó, trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, ông Noda kêu gọi giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, đúng luật pháp quốc tế và không sử dụng vũ lực.
Một phần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh minh họa: Internet.
Bất đồng giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) đã ảnh hưởng mạnh đến quan hệ kinh tế, thương mại Trung – Nhật làm cho quan hệ hai nước trở nên tồi tệ nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ đến nay, đồng thời đe dọa hòa bình ổn định trong khu vực. Tại Trung Quốc đã diễn ra biểu tình lớn chống Nhật với hàng vạn người tham gia ở rất nhiều thành phố lớn của Trung Quốc; người biểu tình đập phá nhà hàng Nhật, cửa hàng Nhật, đốt phá ô tô Nhật, nhiều nhà máy của Nhật đầu tư ở Trung Quốc phải đóng cửa; Chính phủ Trung Quốc hủy bỏ lễ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung – Nhật dự kiến tổ chức vào ngày 29/9/2012. Căng thẳng leo thang xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật Bản có nguy cơ lan sang lĩnh vực thương mại giữa hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, thậm chí ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Trả lời phỏng vấn Wall Street Journal hôm 22/9, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đưa ra lời cảnh báo “Trung Quốc cần phát triển thông qua các khoản đầu tư nước ngoài mà nước này thu hút được”, “hy vọng Trung Quốc nhận thức được rằng bất kỳ hành động nào gây cản trở đầu tư nước ngoài cũng là làm hại chính nước này. Gây tổn hại mối quan hệ bằng những hành vi như thế thì không chỉ làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của hai nước mà còn cả kinh tế toàn cầu”.
Trước tình hình ngày càng căng thẳng xung quanh vấn đề Senkaku, ngày 25/7 bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Ngoại trưởng Trung Quốc và Nhật Bản đã có cuộc đàm phán nhằm tìm cách giảm căng thẳng ở biển Đông Hải. Tuy nhiên, cuộc đàm phán đã diễn ra căng thẳng và không đạt được kết quả. Tại cuộc đàm phán, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã nhắc lại “quan điểm chính thức và nghiêm túc của Trung Quốc về vấn đề quần đảo Điếu Ngư – lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc từ thời cổ đại”; còn Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba tuyên bố, Tokyo có lập trường riêng của mình và kêu gọi sự kiềm chế trong cuộc tranh chấp đang đe dọa quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Với những tuyên bố công khai khá cứng rắn của Trung Quốc gần đây cho thấy, tranh chấp khó có thể nhanh chóng chấm dứt, Ngày 27/9, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã đưa vấn đề quần đảo Senkaku ra Đại hội đồng Liên hợp quốc, cáo buộc Nhật Bản “đánh cắp” quần đảo này của Trung Quốc; nhấn mạnh quan điểm lịch sử của Trung Quốc rằng Nhật Bản đã lừa dối Trung Quốc để ký một hiệp ước nhượng lại quần đảo này vào năm 1895; “yêu cầu Nhật Bản ngừng ngay tất cả các hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, có các hành động cụ thể để khắc phục sai lầm và quay trở lại giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng”.
Trên thực địa, Trung Quốc tiếp tục đưa nhiều tàu hải giám, ngư chính và hàng ngàn tàu cá Trung Quốc đến hoạt động ở khu vực gần quần đảo Senkaku; Đài Loan cũng đưa hàng trăm tàu cá dưới sự hộ tống của các tàu tuần duyên đến khu vực tranh chấp Senkaku làm gia tăng thêm căng thẳng ở biển Hoa Đông. Có nhiều thông tin còn cho biết đang có sự cấu kết và phối hợp chặt chẽ giữa các tàu của Trung Quốc và Đài Loan để cùng chống lại Nhật Bản ở khu vực quần đảo Senkaku.
Cùng với các tàu Trung Quốc hoạt động gần khu vực quần đảo Senkaku, hôm 25/9, hàng chục tàu Đài Loan được tàu tuần tra hộ tống đã đi vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku buộc các tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã phun vòi rồng vào các tàu đánh cá của Đài Loan; trong khi tàu tuần tra của Đài Loan “đáp trả” bằng cách chĩa vòi rồng vào tàu Nhật và đã xảy ra vụ đấu vòi rồng giữa tàu của Nhật Bản và tàu của Đài Loan. Vụ việc này đã đẩy căng thẳng trong chấp chấp quần đảo Senkaku tăng cao. Theo báo Financial Times ngày 27/9, Trung Quốc đã cam kết bảo vệ tàu cá Đài Loan trước lực lượng tuần duyên Nhật Bản. Sau vụ việc đấu vòi rồng giữa tàu tuần duyên của Nhật Bản và Đài Loan, Văn phòng sự vụ Đài Loan thuộc Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc ra Thông báo cho biết: “Các tàu của chính phủ đại lục hiện cung cấp dịch vụ cho ngư dân của cả hai phía ở eo biển Đài Loan”. Thông báo này tuyên bố: “Cả hai phía đều là một nhà. Những người anh em, ngay cả nếu họ có tranh cãi nội bộ, vẫn nên đoàn kết chống lại sự xâm lấn từ bên ngoài”. Ngày 25/9/2012, Trung Quốc cũng đã ra một cuốn sách về quần đảo Điếu Ngư (Senkaku), khẳng định lại những luận điệu lâu nay của phía Trung Quốc xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku. Cùng ngày hôm đó, Trung Quốc đã bàn giao tàu sân bay đầu tiên cho Hải quân để chính thức đưa vào sử dụng. Trong bối cảnh tình hình biển Hoa Đông diễn biến hết sức căng thẳng, những hành động đó của Trung Quốc như đổ thêm dầu vào lửa, làm cho tình hình khu vực càng thêm phức tạp.
Nhật Bản, nước có nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới với các trang thiết bị trên biển, trên không hết sức hiện đại, lại là đồng minh chiến lược của Mỹ ở khu vực, nhưng với những gì đang diễn ra ở biển Hoa Đông trong những ngày qua, Nhật Bản đang lo ngại Trung Quốc sẽ áp dụng chính sách “lấy thịt đè người” trên biển Hoa Đông như họ đã từng làm với các nước ven Biển Đông.
Bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc hàng năm, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có cuộc gặp với người đồng nhiệm Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba. Bà Clinton kêu gọi “những cái đầu lạnh, rằng Nhật và Trung Quốc cần đối thoại để làm dịu tình hình”. Tại cuộc gặp với ông Dương Khiết Trì, Bà Clinton đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Nhật về quần đảo Senkaku cùng với hàng loạt tranh chấp chủ quyền khác tại Biển Đông với một số thành viên ASEAN. Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba tại New York, Bà Clinton tiếp tục khẳng định Mỹ sẽ thực hiện nghĩa vụ theo Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật, bảo vệ Nhật Bản nếu bị tấn công. Mặc dù Mỹ luôn nhấn mạnh không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông hay biển Đông Hải, song với khẳng định nói trên, rõ ràng Mỹ đang hậu thuẫn cho Nhật Bản trong vấn đề Senkaku.
Theo dõi tình hình tranh chấp xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku trong những ngày gần đây, đồng thời nhìn lại những gì đã xảy ra ở Biển Đông càng thấy lo ngại về sự lớn mạnh của một Trung Quốc Đại hán. Trung Quốc càng lớn mạnh thì càng hành xử manh động hơn và hung hăng hơn. Trung Quốc không chỉ bắt nạt các nước nhỏ như Việt Nam, Philippin ở Biển Đông mà Trung Quốc đang còn lấn lướt cả Nhật Bản, nước có nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới lại có người hậu thuẫn là cường quốc số 1 thế giới Hoa Kỳ. Với sự lớn mạnh vượt trội về kinh tế, Trung Quốc đã hành động bất chấp lẽ phải, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp dư luận. Đây là điều đang tạo ra mối lo ngại chung cho cả cộng đồng thế giới.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đều cho rằng những hành động quá khích và cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông đang làm tổn thất ngay cho chính Trung Quốc, làm hoen ố hình ảnh của một nước Trung Quốc nhân danh chủ nghĩa xã hội. Giờ đây, không ai còn tin vào chính sách “phát triển hòa bình” của Trung Quốc; các nước láng giềng thì ngày càng nghi kỵ Trung Quốc. Ngay cả những người dân Trung Quốc có lương tri cũng đã bày tỏ bất bình với cách hành xử của đất nước họ. Một blogger Trung Quốc đã viết trên trang mạng của họ rằng “trên thế giới này có quốc gia khiến người ta phải tôn kính, có quốc gia khiến người ta phải sợ hãi, song với những vụ biểu tình như vừa diễn ra ở Trung Quốc chỉ khiến người ta cười vào mặt”.
Quang Anh