Tuesday, January 7, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiSỰ KHÁC BIỆT GIỮA HAI HỘI THẢO VỀ BIỂN ĐÔNG Ở TRUNG...

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA HAI HỘI THẢO VỀ BIỂN ĐÔNG Ở TRUNG QUỐC VÀ INDONESIA TRONG THÁNG 9 VỪA QUA

Ngày 13/9/2012, tờ Tin tức tham khảo của Trung Quốc đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “ Sự thay đổi cục diện Nam Hải (Biển Đông) và chiến lược của Trung Quốc” . Tham dự Hội thảo là những chuyên gia, học giả Trung Quốc như Đới Húc, Viện trưởng Viện nghiên cứu an ninh và hợp tác ở Biển Đông; Hình Quang Mai, Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu luật thuộc Viện nghiên cứu học thuật quân sự hải quân Trung Quốc; Ngô Tuệ, Trợ lý Viên trưởng Viện QHQT Trung Quốc; Lưu Tân Sinh, Ủy viên hiệp hội Trung Quốc – ASEAN; Tề Kiến Quốc, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu CÁ – TBD; Đào Đức Ngôn, Phó Tổng biên tập báo Tin tức tham khảo; Bành Quang Khiêm, Phó TTK Uỷ ban chính sách an ninh quốc gia thuộc Hội nghiên cứu chính sách và học thuật Trung Quốc ..

Nhìn qua những gương mặt này có thể thấy họ là những chuyên gia, học giả thường hay xuất hiện trên báo giới Trung Quốc, như Đới Húc, vốn là Đại tá quân đội, thuộc phái diều hâu, từng có những phát ngôn gây sốc khi trả lời thời báo Hoàn Cầu ngày 22/8 rằng “Trung Quốc cần trả đũa Nhật Bản trong vụ Senkaku. Tới đây phải bắt 2 chiếc tầu Nhật đưa về”, hay Tề Kiến Quốc, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn thời báo Hoàn cầu ngày 29/7 đã phê phán và bác bỏ chủ trương của một số người Trung Quốc muốn gây chiến tranh để giải quyết vấn đề Biển Đông.

alt

 

Tàu Hải giám của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.net.

Tại Hội thảo này, các chuyên gia và học giả Trung Quốc nhất trí rằng tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông có xu hướng chuyển từ cuộc đấu tranh đơn thuần trên lĩnh vực ngoại giao sang đấu tranh toàn diện trên các lĩnh vực pháp lý, kinh tế, tài nguyên, quân sự.. Nguyên nhân là do sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và khuyến khích một số nước nhỏ “mượn gió bẻ măng.” Học giả Ngô Nhuệ cho rằng Trung Quốc cần tích cực chiếm lĩnh mặt trận pháp lý, kiên trì “đường 9 đoạn” vì đường này là đường quy thuộc các đảo, có các vùng biển tương ứng. Đào Đức Ngôn thì lại băn khoăn: Trung Quốc cần phải có chiến lược giải quyết vấn đề Biển Đông ở cấp cao, nếu chỉ dựa vào chiến lược “lát cắt xúc xích” và “chia để trị” thì liệu có giải quyết được vấn đề Biển Đông không? Đới Húc thì kêu gọi phải phát huy thiết thực vai trò của “thành phố Tam Sa”, xây dựng cơ chế binh đoàn ở “ Tam Sa”, giao cho thành phố này nhiệm vụ thu hồi chủ quyền. Hình Quang Mai nêu việc Trung Quốc cấn chuẩn bị tốt công tác “văn công võ bị”, thu thập các chứng cứ về chủ quyền, tăng cường quản lý thực tế, đồng thời chuẩn bị tốt cho đấu tranh quân sự..

Qua phát biểu của các học giả Trung Quốc trong hội thảo có thể thấy giới này đang ngày càng bị phân hoá, quan điểm đã khác nhau trong cách tiếp cận về tranh chấp và giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Có tiếng nói diều hâu, bảo thủ, không thực tế, chỉ muốn đem thực hiện ngay cái tư tưởng nước lớn Trung Quốc, thâu tóm những gì có lợi cho mình. Nhưng cũng có tiếng nói băn khoăn, cân nhắc. Có tiếng nói mang cách nhìn thâm hiểm hơn, có tính đến mặt lý luận. Những phát biểu này dường như đang phân hoá xã hội và cách nghĩ của người Trung Quốc hiện nay đối với vấn đề biên giới lãnh thổ. Chả thế mà tạp chí Tri thức thế giới của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 16/9/2012 đã đăng bài phân tích về hai trường phái hiện nay trong dư luận Trung Quốc. Trường phái thứ nhất ủng hộ sử dụng vũ lực, coi vũ lực là quả đấm thép. Trường phái thứ hai là quan điểm “mình sống cũng phải để người khác sống”, cho rằng Trung Quốc cần tôn trọng Luật biển quốc tế, từ bỏ chủ trương lãnh thổ truyền thống như “đường 9 đoạn”. Những người theo trường phái này cho rằng Công ước Luật biển 1982 là một thành công lớn của các nước đang phát triển (Trung Quốc lúc đó là một nước đang phát triển) trong nền chính trị quốc tế. Trật tự biển quốc tế lần đầu tiên được xây dựng thông qua đàm phán, thương lượng chứ không phải là kết quả của chiến tranh. Công ước ngày càng trở nên quan trọng, trở thành cốt lõi và là cơ sở của trật tự biển hiện nay. Bài viết đặt câu hỏi: Trong quá trình bảo vệ lợi ích biển, Trung Quốc cần phải đi trước bằng vũ lực hay phải lấy lý lẽ để chinh phục mọi người ???

Còn hội thảo thứ hai là Hội thảo quốc tế với chủ đề “ Hoà bình và ổn định tại Biển Đông và Đông Nam Á, sự đoàn kết của ASEAN và can dự của các cường quốc trong khu vực”, do Trung tâm nghiên cứu chiến lược Châu Á của Ấn Độ (CASS), Trung tâm nghiên cứu quốc phòng và an ninh Indonesia (IODASS), Viện nghiên cứu hàng hải Indonesia (IMI) đồng tổ chức tại Indonesia ngày 20/9/2012. Rất đông đại biểu, khoảng 200 người, đã tham gia Hội thảo. Họ là các quan chức cấp cao từ Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Indonesia, là các học giả đến từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Australia, Thái Lan. Singapore.. Bộ tưởng Quốc phòng Indonesia đã dự và khai mạc Hội thảo. 15 bài tham luận và nhiều ý kiến tranh luận đã tập trung vào những vấn đề lớn trên Biển Đông như: An ninh năng lượng và tầm quan trọng của Biển Đông; ASEAN từ DOC đến COC; Vai trò của ASEAN trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông; Sự gia tăng khẳng định và tăng cường hiện đại hoá quân sự của Trung Quốc; Vai trò của UNCLOS, luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông; Sự can dự của các nước ngoài khu vực trong giải quyết tranh chấp Biển Đông…Đáng chú ý là ông A.B Mahapatram Giám đốc CASS đã thay mặt Ban tổ chức thông qua Tuyên bố của Hội thảo gồm 8 điểm. Điểm 3 trong Tuyên bố nêu: Năm 2012 tranh chấp Biển Đông tiếp tục căng thẳng với những biểu hiện như tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough; Lần đầu tiên trong lịch sử thành lập ASEAN, Hội nghị AMM- 45 không ra được Tuyên bố chung; Trung Quốc thành lập “thành phố Tam Sa”, tổ chức hệ thống chính quyền, triển khai hành động quân sự tại khu vực này và mời thầu các lô dầu khí nằm trong thềm lục địa của Việt Nam. Những hành động này đã vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, TAC 1976, đi ngược lại tinh thần DOC 2002 và định hướng thực hiện DOC hướng tới COC giữa ASEAN và Trung Quốc. Điểm 7 của Tuyên bố nêu: Sự hiện diện và can dự mang tính hợp tác của các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, EU… là cần thiết và đóng vai trò quan trọng. Các nước này có quyền, lợi ích và trách nhiệm trong việc duy trì hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực, phù hợp với lợi ích vủa các bên liên quan và cộng đồng quốc tế.

Chỉ trong vòng 1 tuần, hai hội thảo liên quan đến Biển Đông đã diễn ra tại Trung Quốc và Indonesia, với những phát biểu thể hiện ý chí và quan điểm khác nhau của các học giả xung quanh cùng một chủ đề Biển Đông. Điều đáng nói ở đây là Hội thảo tại Trung Quốc vẫn còn những tiếng nói chủ quan, nước lớn, không nhìn nhận vấn đề Biển Đông một cách thức thời, tỉnh táo, vẫn còn tiếng nói của phái diều hâu, chỉ muốn dùng quân sự để giải quyết tranh chấp chủ quyền theo kiểu thời Trung cổ khi cá lớn còn nuốt được cá bé một cách dễ dàng. Có tiếng nói thâm hiểm hơn kêu gọi chuẩn bị cơ sở pháp lý cho các đòi hỏi của Trung Quốc hiện nay, nhưng liệu Trung Quốc có thể làm gì khi không có đủ những bằng chứng lịch sử, dám để đưa ra tham chiếu với thông lệ và quy tắc trong luật pháp quốc tế? Cũng có những tiếng nói đắn đo, băn khoăn về chủ trương, chiến lược của Trung Quốc trong giải quyết vấn đề Biển Đông, khi trong vòng 5 đến 10 năm nữa áp lực chiến lược đến từ toàn bộ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đối với Trung Quốc sẽ ngày càng lớn. Trung Quốc không có nhiều dư địa để nhượng bộ và xoay chuyển tình thế trên vấn đề Biển Đông. Còn tại Hội thảo quốc tế ở Indonesia, trong Tuyên bố khi kết thúc hội thảo, các học giả quốc tế đã chỉ thẳng thừng là các hoạt động của Trung Quốc trong thời gian qua nằm trong các nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng trên vùng biển này, vi phạm luật pháp quốc tế và những văn kiện pháp lý quốc tế mà Trung Quốc là một bên ký kết. Học giả quốc tế cũng gián tiếp bác bỏ cái quan niệm cũ rích, bảo thủ của Trung Quốc không muốn cho các nước ngoài khu vực can dự vào những vấn đề “song phương” của Trung Quốc, bằng việc coi trọng sự cần thiết và quan trọng của các nước lớn ngoài khu vực, cũng như ASEAN, trong việc duy trì hoà bình, ổn định và phát triển trên Biển Đông.

Thế giới và khu vực ngày càng quan tâm đến tình hình Biển Đông vì những hệ lụy về chiến lược, chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, thương mại…tiềm ẩn do vùng biển này mang lại. Chắc chắn là Trung Quốc kiên quyết không muốn tình hình phát triển như thế. Nhưng chắc chắn là Trung Quốc không thể ngăn được sự quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế. Khi đã quan tâm đến tình hình Biển Đông, cộng đồng quốc tế sẽ hiểu đúng, hiểu đầy đủ về nguyên nhân và tác nhân gây mất ổn định khu vực là ai.

                                                       Minh Trí

RELATED ARTICLES

Tin mới