Wednesday, December 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTrung Quốc vươn tay tới Bắc Băng Dương

Trung Quốc vươn tay tới Bắc Băng Dương

BienDong.Net: Xuelong (Tuyết Long), tàu phá băng của Trung Quốc vừa hoàn thành chuyến đi đầu tiên vượt Bắc Băng Dương, đánh dấu nỗ lực mới của nước này vươn cánh tay tới vùng cực bắc của trái đất.

Tàu Xuelong (Tuyết Long), tàu phá băng duy nhất của Trung Quốc đã cập cảng Iceland sau khi vượt chặng đường từ Thái Bình dương đến Đại Tây dương qua Bắc cực, Egill Thor Nielsson, một nhà khoa học tham gia cuộc hành trình cho biết.

Đây là con tàu Trung Quốc đầu tiên đi qua tuyến đường này. Chuyến đi tất nhiên là quan trọng, rút ngắn được hơn 40% quãng đường”, AFP dẫn lời ông Nielsson nói.

 alt

Tàu Xuelong của Trung Quốc ( Ảnh: Pric.gov )

 

Huigen Yang, trưởng đoàn thám hiểm cho biết phần lớn chặng hành trình không có băng.“Thật đáng ngạc nhiên… hầu hết tuyến đường qua Biển Bắc đều mở”- ông nói.

Biến đổi khí hậu đang mở ra triển vọng mới cho việc vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển qua Đường Biển Bắc hay Hành lang Tây Bắc ở phía bắc Canada. Ngày càng có nhiều tàu đi theo Đường Biển Bắc trong những năm gần đây. Có 4 tàu di chuyển theo đường này năm 2010, 34 tàu vào năm ngoái và con số sẽ cao hơn trong năm nay, ông Nielsson nói.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng và sự hiển diện tại Bắc cực. Tháng 6/2012 lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào công du Đan Mạch. Hai tháng trước đó, Iceland và Thụy Điển là trọng tâm chuyến công du 4 nước châu Âu của thủ tướng Ôn Gia Bảo. Tại Iceland, thủ tướng Trung Quốc đã ký một hiệp định khung về việc hợp tác ở vùng Bắc cực. Để đổi lại, Reykjavik ủng hộ việc Bắc Kinh gia hạn đơn xin được cấp quy chế quan sát viên thường trực của Hội đồng Bắc Cực. Đơn của Trung Quốc sẽ được xem xét vào tháng 5/2013.

Hội đồng Bắc Cực là một diễn đàn liên chính phủ gồm 8 nước (Canada, Đan Mạch,Hoa Kỳ, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thuỵ Điển và Nga), chính thức được thành lập năm 1996 để thảo luận về các vấn đề liên quan đến môi trường và phát triển tại khu vực.

Ba mục tiêu chiến lược của Trung Quốc đối với vùng Bắc Cực 

Trung Quốc đang lao vào cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng ở Bắc Cực với nhiều mục tiêu. Trước hết là khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên dưới lòng đại dương. Một công trình nghiên cứu của Nga ước tính tại đây có đến ¼ tài nguyên của trái đất còn chưa được phát hiện. Còn căn cứ theo nghiên cứu của Viện địa chất Mỹ thì khu vực này sở hữu 30% trữ lượng khí đốt thế giới, 13% trữ lượng dầu mỏ, 10% than đá và các khoáng sản khác, kể cả đất hiếm. Về phần mình, Groenland là một vùng đất tự trị thuộc về Đan Mạch, rộng gấp bốn lần nước Pháp và 85 diện tích chôn vùi dưới băng tuyết. Groenland ẩn chứa một kho tàng vô giá : dầu khí, than đá, khoáng sản. Trung Quốc không che giấu tham vọng đối với Groenland nói riêng và với Bắc Cực nói chung.

Nhưng bên cạnh đó, 50 % GDP của Trung Quốc tùy thuộc vào giao thông hàng hải. Bắc Kinh gần như tin chắc là Groenland sẽ tan băng trong một tương lai không xa và Bắc Băng Dương sẽ trở thành một tuyến đường hàng hải quan trọng cho phép tàu bè đi thẳng từ Thượng Hải tới Hamburg, rút ngắn hành trình đến hơn 6.000 km so với tuyến đường qua eo Malacca và kênh đào Suez, thêm vào đó còn tránh được nguy cơ cướp biển. …Tìm kiếm con đường hàng hải mới là mục tiêu chiến lược thứ hai của Trung Quốc.


Theo các nhà phân tích, Trung Quốc đang lao vào cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng tại Bắc Cực v
ới mục tiêu chiến lược nữa : chen chân được vào Bắc Cực sẽ cho phép Bắc Kinh quan sát tận tường mọi ‘động thái’ của Âu, Mỹ và tham gia nghiên cứu khoa học về đại dương. Hiện tại 8 nước cận cực – trong đó có Hoa Kỳ, Canada và Nga – đều là thành viên Hội đồng Bắc cực. Nga, Mỹ và Canada sẽ tranh giành chủ quyền ở Bắc cực, quyền sở hữu các tuyến giao thông vận tải. Mặc dù vậy, theo Asia Times, TQ tuyên bố Bắc Cực là vùng lợi ích chiến lược của TQ.

Từ Biển Đông đến Bắc Băng Dương

Về con đường chinh phục đai dương, mở rộng tầm ảnh hưởng trên biển của Trung Quốc, chuyên gia về châu Á của viện CERI Thierry Aube nhấn mạnh lối hành xử bắt nạt của Trung Quốc: “Xét đến chiến lược bành trướng trên biển của Bắc Kinh – đặc biệt đối với các nước lân cận ở khu vực Biển Đông thì thái độ của Trung Quốc khiến chúng ta phải nêu lên nhiều nghi vấn. Trung Quốc không hề bị lương tâm cắn rứt khi khẳng định chủ quyền đối với cả một vùng biển rộng lớn. Trung Quốc cũng không ngần ngại uy hiếp các nước nhỏ trong khu vực. Bài học kinh nghiệm tranh chấp ở Biển Đông bắt buộc chúng ta phải cân nhắc kỹ hơn về những ý đồ và tham vọng của Trung Quốc đối với vùng Bắc Băng Dương, đối với vùng đất Groenland”.

alt

Bản đồ Bắc Cực
Dù muốn dù không, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất nhòm ngó kho dự trữ tiềm tàng của vùng Groenland. Trong cuộc chạy đua tranh giành tài nguyên ở vùng Bắc Cực này thì Bắc Kinh sẽ phải đối diện với những đối thủ nặng ký như Hoa Kỳ, Canada hay Nga và kể cả trong một chừng mực nào đó là của các nước Bắc Âu. Theo quan điểm của ông Thierry Aube, trung tâm nghiên cứu CERI, không một ai muốn nhường cho Trung Quốc một chỗ đứng dù khiêm tốn trong khu vực này :

« 5 nước bao quanh không muốn để mất độc quyền – tôi không kể đến Đan Mạch, Iceland và Thụy Điển. Những thành phần chống đối sự hiện diện của Trung Quốc đang triệt để khai thác lá bài ‘môi trường’ để loại Bắc Kinh ra khỏi cuộc chinh phục Bắc cực. 5 quốc gia này muốn Groenland vẫn là phần sân sau của mình ». 

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu về Trung Quốc Marie Holzman, bằng một cách hành xử vừa khôn ngoan và khéo léo, cộng thêm với tính kiên nhẫn vốn có, Trung Quốc sớm muộn gì cũng sẽ đạt được mục tiêu với tới Bắc Cực bất chấp những chống đối của 8 nước liên quan.

Nhà nghiên cứu Marie Holzman, người 30 năm qua liên tục quan sát và nghiên cứu về Trung Quốc, lưu ý: “Trung Quốc luôn có tầm nhìn xa, rất xa và có những tính toán lâu dài.Trung Quốc luôn sẵn sàng hy sinh để đạt được điều họ mong muốn. Trung Quốc đã xây dựng hẳn những phòng thí nghiệm, các trung tâm nghiên cứu về vùng Bắc Băng Dương tại nhiều thành phố như Thượng Hải, Đại Liên, Vũ Hán. Tại Trung Quốc hiện có ít nhất 10 trường đại học chuyên nghiên cứu về đại dương học, về luật biển, về môi trường … về tất cả những khía cạnh của chính sách vươn ra đại dương đối với vùng Bắc Băng Dương. Trung Quốc cũng đã có hẳn một chính sách rất rõ ràng cho đến năm 2020 -2030. Và đó  là điều đáng quan ngại”.

Người ta cũng chỉ ra rằng dù không có địa thế thuận lợi trực tiếp đối với Bắc Cực nhưng Trung Quốc đã đi đường vòng để tham gia vào cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng và tài nguyên của khu vực. Trong bài toán chiến lược đó, Bắc Kinh đang tìm cách lôi kéo Đan Mạch và Iceland về phía mình, bằng những hợp đồng và thỏa thuận hợp tác phát triển lâu dài. E rằng những lời dỗ ngọt và lá bài chiêu dụ của Trung Quốc, sớm muộn gì cũng sẽ làm siêu lòng Iceland và Groenland.

Bach Đằng ( tổng hợp theo RFI và Asia Times )

 

 

 

RELATED ARTICLES

Tin mới