Tuesday, January 21, 2025
Trang chủBiển ĐôngHoàng Sa, Trường SaNgười 13 năm vác đá xây dựng Trường Sa

Người 13 năm vác đá xây dựng Trường Sa

BienDong.Net: “Cho dù có đi hết cuộc đời, những năm tháng ở Trường Sa vẫn không thể nào quên trong ký ức tôi. Quãng đời đẹp nhất của lính công binh hải quân là thời gian đi Trường Sa xây dựng đảo”.

Đó là tâm sự của ông Phạm Văn Minh, quê ở Nga Thanh (Nga Sơn, Thanh Hóa), người có thâm niên 13 năm liền vác đá xây dựngTrường Sa.

Năm 1988, ông Phạm Văn Minh là đại đội trưởng Đại đội 10, thuộc Trung đoàn 131 công binh Hải quân được lệnh ra Trường Sa xây dựng đảo. Trước ngày ra bãi cạn Tiên Nữ, ông nhận được tin 64 cán bộ, chiến sĩ trên tàu HQ-604 đã anh dũng chiến đấu bảo vệ biển đảo chống quân thù, có người đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi. Tin dữ ấy không làm ông chùn bước. Trái lại, ông càng nung nấu ý chí và quyết tâm đi đảo. “Lúc đó tôi nghĩ việc xây dựng đảo và khẳng định chủ quyền trên phần đất của Tổ quốc mình là sứ mệnh của người lính trên tuyến đầu chứ không nghĩ đến khó khăn gian khổ. Đi đảo ngày ấy là một niềm vinh dự lớn lao, tự hào và vinh quang vô cùng” – ông Minh nhớ lại.

alt

Cựu binh Phạm Văn Minh (Ảnh:Tuấn Cường)

Ông Minh kể: Hồi ấy các đảo lớn, nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa vẫn còn hoang sơ, rất nhiều đảo chìm. Khi thủy triều xuống, đảo nhô lên khỏi mặt nước, thủy triều lên, đảo lại chìm dưới biển. Thời tiết vô cùng khắc nghiệt, ban ngày nắng cháy da, đêm phải đắp chăn tránh sương biển và hơi muối mặn.

Để xây đảo, các chiến sĩ phải chạy đua với thời gian, bất chấp thời tiết nắng, mưa, hễ thủy triều xuống là đi vác đá từ tàu vào đảo. Do ngâm trong nước mặn lâu ngày, chân tay của các chiến sĩ đều bị bong tróc, tóc ai cũng cứng và đỏ quạch, da đen nhẻm. Dưới cái nắng 40oC và gió rát mặt, họ chỉ nhận ra nhau qua hàm răng trắng và ánh mắt sáng.

Ngày ấy vác đá không có tấm bảo hộ kê vai như bây giờ nên chỉ sau ba ngày là vai áo chiến sĩ rách bươm. “Chúng tôi nghĩ ra cách gấp đôi chiếc bao tải, đặt lên vai lót để vác đá cho đỡ đau. Thức ăn của chiến sĩ ngày ấy cũng chủ yếu là đồ hộp và rau muống phơi khô đem ra từ đất liền. Do không có thực phẩm tươi, nhiều người bị đau bụng, kiết lỵ. Nhiều đêm giông bão ầm ầm, anh em ngồi bên nhau kể chuyện quê nhà, cây đàn guitar bập bùng, bài hát “Đời mình là một khúc quân hành” vang lên trong màn đêm lẫn vào sóng nước. Sau những phút giây vui nhộn ấy là khoảng lặng. Trong sâu thẳm trái tim, các chiến sĩ đều nhớ đất liền, thương mẹ già ở quê, nhớ người bạn gái bịn rịn chia tay trước lúc lên đường…” – ông Minh kể.

Trường Sa là máu thịt thiêng liêng

Nói về chuyện vác đá rách vai, giọng ông Minh chùng xuống, xúc động: “Vết xước của đá trên vai càng nhiều, mình càng thấy yêu Tổ quốc. Đá càng nặng, tình yêu Tổ quốc càng sâu, thương đồng đội càng nhiều”.

 alt

Đảo Đá Tây ngày nay ( Ảnh BienDong.Net )

Những khó khăn ấy chưa phải là tận cùng. Vào một chiều tháng 7-1988, sau gần sáu ngày vật lộn với nắng gió, một “Loa thành” nữa gần sắp hoàn thành. Bỗng trời nổi giông, sấm chớp ầm ầm, mưa như trút nước. Nhìn bức tường vừa xây xong chưa kịp khô vữa bị mưa biển xói mòn, anh em ôm nhau khóc. “Trong nước mắt, hình ảnh ngôi nhà giữa biển khơi với lá cờ đỏ bay trên nóc đảo lấp lánh trong tim những người chiến sĩ. Đó chính là động lực khiến ngay sau khi cơn giông vừa tạnh, tôi cùng các chiến sĩ lại khẩn trương bắc giàn giáo, trộn hồ xếp từng viên đá vào lòng biển”.

Ông Minh bộc bạch: Trường Sa với tôi là máu thịt thiêng liêng nhất. Từng viên đá xây đảo, từng ngôi nhà lâu bền đã thấm mồ hôi nước mắt và cả máu của đồng đội. Những ngày xây dựng đảo là những ngày hoa lửa đẹp nhất của đời tôi”.

Hơn 13 năm chân trần vác đá xây đảo Nam Yết, Tốc Tan, Tiên Nữ, Trường Sa Lớn, cựu binh Minh cảm nhận được sự hy sinh thầm lặng của những người lính công binh thời bình. Tất cả mất mát, gian khổ năm xưa trở thành câu chuyện về những năm tháng xây loa thành kiên cố mang dáng hình Tổ quốc giữa trùng khơi. Chuyện của ông như truyền thêm lửa và hâm nóng tình yêu biển, đảo cho thế hệ cán bộ, chiến sĩ trẻ sau này. “Từng viên đá, nắm cát Trường Sa đều mang hồn thiêng Tổ quốc. Trường Sa là phần đất không tách rời của Việt Nam, bảo vệ giữ gìn Trường Sa là trách nhiệm đời đời của con cháu” – ông Minh nói trong xúc động.

MAI TUẤN CƯỜNG (theo báo chí quốc nội)

RELATED ARTICLES

Tin mới