Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBỘ QUY TẮC ỨNG XỬ Ở BIỂN ĐÔNG (COC) KHI NÀO...

BỘ QUY TẮC ỨNG XỬ Ở BIỂN ĐÔNG (COC) KHI NÀO THÀNH HIỆN THỰC?

Sau khi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa năm 1995, tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp và căng thẳng.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 29 tại Jakarta, Indonesia tháng 7/1996 ra Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại trước những diễn biến trên Biển Đông và nhấn mạnh việc cần thiết phải xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) để duy trì ổn định trong khu vực và thúc đẩy sự hiểu biết giữa các quốc gia trong khu vực.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN, Hà Nội tháng 12/1998, lãnh đạo các nước ASEAN đã nhất trí xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Trên cơ sở dự thảo của Philippin và Việt Nam, trong năm 1999, các nước ASEAN đã nỗ lực thảo luận về COC và đến cuối năm 1999, các nước ASEAN đã thống nhất được dự thảo chung của COC để đàm phán với Trung Quốc. Từ đầu năm 2000, ASEAN và Trung Quốc bắt đẩu tiến hành thương lượng về dự thảo COC. Tuy nhiên, do Trung Quốc không muốn có các nội dung mang tính ràng buộc pháp lý cao trong COC có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc nên đã tìm mọi cách ngăn cản việc hình thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông làm cho đàm phán bế tắc.

Trước tình hình đó, các nước ASEAN đã đồng ý với Trung Quốc trước mắt thông qua Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông như là một văn kiện chính trị giữa ASEAN và Trung Quốc, nhằm tạo cơ sở cho việc duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông. Tháng 11/2002, tại Hội nghị cấp cao ASEAN tại Phnom-pênh (Căm-pu-chia), các nước ASEAN và Trung Quốc đã cùng nhau ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Nội dung chính của DOC gồm: Một là, các Bên cam kết tuân thủ mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á, 5 nguyên tắc tồn tại hòa bình và các nguyên tắc phổ cập khác của pháp luật quốc tế; Hai là, các Bên cam kết giải quyết mọi tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp về quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; Ba là, các bên khẳng định tôn trọng tự do hàng hải và tự do bay ở Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc phổ cập của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982; Bốn là, các bên cam kết kiềm chế không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định. Năm là, các Bên cam kết cùng nỗ lực để tìm kiếm các phương cách xây dựng lòng tin và thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong một số lĩnh vực ít nhạy cảm.

alt

Cùng với việc ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), các bên cam kết thực hiện nghiêm túc DOC và hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tại các Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc từ năm 2002 đến nay, các Bên đều khẳng định quyết tâm thực hiện đầy đủ DOC theo hướng cuối cùng thông qua COC. Từ khi ra đời, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Sau khi Trung Quốc cho lưu hành tấm bản đồ “đường lưỡi bò” ở Liên hợp quốc tháng 5/2009, tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, căng thẳng do Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” phi lí. Trước tình hình đó, các nước ASEAN thấy rằng cần phải sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với những nội dung mang tính pháp lý ràng buộc cao hơn, đồng thời đưa ra các chế tài ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông, không để tranh chấp leo thang và duy trì hoà bình ổn định, bảo đảm an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông. Nhằm mục tiêu đó, tại Hội nghị cấp cao ASEAN tháng 11/2011 ở Indonesia, Lãnh đạo các nước ASEAN đã nhất trí tham vấn nội bộ trong ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông và quyết định thành lập Nhóm công tác trong khuôn khổ cuộc họp quan chức ASEAN (SOM ASEAN) để bàn thảo xây dựng tài liệu quan điểm của ASEAN về các thành tố chính cần có của COC. Sau gần một năm bàn thảo, qua 7 vòng đàm phán các nước ASEAN đã nhất trí được với nhau về nội dung các thành tố chính của COC và được Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN thông qua tại cuộc họp AMM – 45 ở Phnom-pênh (Căm-pu-chia) tháng 7/2011. Đồng thời các nước ASEAN đề nghị Trung Quốc cùng bàn bạc để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Thái độ của Trung Quốc đối với việc xây dựng COC luôn thay đổi thất thường. Trước Hội nghị cấp cao ASEAN tháng 11/2011 ở Indonesia, Trung Quốc luôn phản đối việc xây dựng COC. Trước thái độ kiên quyết của các nước ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN tháng 11/2011, Trung Quốc tỏ ý sẵn sàng trao đổi với các nước ASEAN về COC. Tuy nhiên, sau khi ASEAN thống nhất được nội dung các thành tố chính của COC thì Trung Quốc lại ngãng ra. Tại Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc tháng 7/2011 ở Phnom-pênh (Căm-pu-chia), Trung Quốc tuyên bố “chưa phải thời điểm để triển khai đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN về COC, Trung Quốc sẽ tiến hành đàm phán với ASEAN về COC vào thời điểm thích hợp”. Sở dĩ Trung Quốc không muốn xây dựng COC vì Trung Quốc lo ngại văn kiện này sẽ cản trở các hoạt động leo thang thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc trong tương lai.

Trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông ngày càng leo thang, các nước ASEAN đều mong muốn sớm xây dựng COC như là một công cụ hiệu quả để duy trì hoà bình ổn định, ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông. Các nước ngoài khu vực từ Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ đến Châu Úc đều ủng hộ việc sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Đáng chú ý, Mỹ nhiều lần kêu gọi Trung Quốc sớm ngồi cùng các nước ASEAN để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Để thúc đẩy tiến trình xây dựng COC, tại cuộc họp ASEAN bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9/2012, Indonesia còn chủ động đưa ra dự thảo văn kiện COC và nhận được sự đồng tình ủng hộ của đa số các nước. Thái Lan với tư cách điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc cũng nỗ lực thúc đẩy, chủ động đề nghị tổ chức cuộc họp giữa ASEAN và Trung Quốc tại Pattaya, Thái Lan để bàn về COC vào cuối tháng 9/2012. Trung Quốc đã cử bà Thứ trưởng Ngoại giao Phó Doanh đến tham dự cuộc họp, nhưng bà ta đã kiên quyết không chịu bàn thảo với các nước ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông với lý do “thời điểm chưa chín muồi”. Tại cuộc họp các nước ASEAN đã gặp phải sự kháng cự từ Trung Quốc. Trung Quốc khăng khăng cho rằng Trung Quốc chỉ thảo luận vấn đề Biển Đông với từng nước liên quan đến tranh chấp. Họ tìm mọi cách cản trở khởi động đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Các nước ASEAN đã đưa ra đề nghị ASEAN và Trung Quốc sẽ công bố quyết định khởi động tiến trình đàm phán về COC tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc trong tháng 11 này ở Phnom-pênh (Căm-pu-chia), vấn đề này một lần nữa lại bị Trung Quốc từ chối thẳng thừng. Thái độ của Trung Quốc đã làm thất vọng không chỉ các nước ASEAN mà cả cộng đồng quốc tế. Có thể dễ dàng nhận thấy, việc khởi động tiến trình đàm phán về COC có vẻ còn quá xa vời. Sau cuộc họp SOM ASEAN – Trung Quốc ở Pattaya vừa qua, ông Sihasak Phuangketkeow, một quan chức của Bộ Ngoại giao Thái Lan nói có thể phải mất 2 năm nữa mới có thể chính thức nhất trí về COC. Giáo sư Carle Thayer của Úc cho rằng Trung Quốc dường như sẽ không ra quyết định gì về COC cho đến khi hoàn tất chuyển đổi lãnh đạo các cấp của Trung Quốc vào năm 2013.

Dư luận quốc tế đang quan tâm vì sao Trung Quốc tìm mọi cách trì hoãn, ngăn cản việc xây dựng COC? Nếu họ thực sự muốn cùng các nước ASEAN duy trì hoà bình, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, duy trì phát triển quan hệ “láng giềng hữu hảo” với các nước ven Biển Đông thì việc họ liên tiếp không chấp nhận ngồi cùng các nước ASEAN để soạn thảo văn bảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC thật khó có thể chấp nhận được. Về nguyên nhân Trung Quốc cản trở xây dựng COC, nhiều nhà phân tích cho rằng do Trung Quốc đang ráo riết triển khai các hoạt động để hiện thực hoá yêu sách “đường lưỡi bò”, thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, nên Trung Quốc muốn rảnh tay để hoành hành. Họ hiểu rằng việc ra đời COC sẽ đồng nghĩa với việc hạn chế các hoạt động quá khích của họ đối với các nước láng giềng ở Biển Đông. Nếu với cách suy nghĩ này thì có lẽ chẳng khi nào các nước ASEAN có thể cùng xây dựng được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông theo đúng nghĩa của nó, cũng như mong mỏi của các nước trong khu vực và của cả cộng đồng quốc tế.

Để thoát ra khỏi bế tắc này, các nước ASEAN cần chủ động tự xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông mà không cần Trung Quốc, COC cần để ngỏ cho tất cả các nước tham gia, kể cả Mỹ nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho ngăn ngừa xung đột tiềm tàng ở Biển Đông. Với cách tiếp cận này, các nước ASEAN không chỉ xây dựng được một COC với những nội dung như mong muốn mà còn tạo ra được áp lực cho Trung Quốc buộc phải tham gia vào COC.

                                                                                                                  Quang Anh

 

 

 

RELATED ARTICLES

Tin mới