Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG TỪ CẤP CAO ASEM 9 TẠI LÀO ĐẾN...

VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG TỪ CẤP CAO ASEM 9 TẠI LÀO ĐẾN CẤP CAO ASEAN VÀ CẤP CAO ĐÔNG Á TẠI CĂMPUCHIA

Chỉ còn vài ngày nữa, tại Phnompenh, thủ đô Campuchia sẽ diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN, cấp cao ASEAN với các đối tác và cấp cao Đông Á (EAS). Tham dự Hội nghị sẽ có nguyên thủ của nhiều quốc gia, trong đó có Tổng thống Mỹ mới tái đắc cử Barack Obama, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và các vị lãnh đạo các nước ASEAN.

Cũng như những hội nghị trước đây, các nhà lãnh đạo sẽ quan tâm và bàn thảo về các vấn đề khu vực và thế giới, vấn đề Biển Đông sẽ được đề cập thế nào tại các diễn đàn đang là mối quan tâm của cộng đống quốc tế.

Trung Quốc đang ráo riết vận động để gạt bỏ nội dung vấn đề Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự của các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN sắp tới tại Phnompenh. Tuy nhiên, việc thảo luận vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn khu vực là xu thế không thể đảo ngược được vì tình hình căng thẳng ở Biển Đông trong những năm gần đây nhất là trong năm 2012 đã gây ra mối lo ngại chung của cả cộng đồng quốc tế.

Tại diễn đàn cấp cao các nước ASEM vừa qua tại Viêng Chăn – Lào từ ngày 05 và ngày 06/11/2012, mặc dù Trung Quốc đã ra sức lôi kéo, mua chuộc, gây sức ép để vấn đề Biển Đông không được đưa vào chương trình của Hội nghị ASEM, nhưng cuối cùng vấn đề Biển Đông cũng được nhiều quốc gia đề cập đến đến trong các cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị. Điều đáng chú ý là các nước Châu Âu rất quan tâm đến vấn đề Biển Đông, chủ động yêu cầu thảo luận vấn đề Biển Đông với lý do tình hình căng thẳng do Trung Quốc gây ra thời gian qua ở Biển Đông đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Theo một số nguồn tin thì chính các nước Châu Âu đã chủ động đề nghị đưa nội dung vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố của Hội nghị cấp cao ASEM 9.

alt

 

Ảnh minh họa: Internet.

 

Biển Đông là tuyến đường thương mại hàng hải toàn cầu, các nước Châu Âu có lợi ích rất lớn trong việc bảo đảm an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông. Bất kỳ sự mất ổn định nào ở Biển Đông cũng sẽ tác động đến các nước Châu Âu bởi vì nó sẽ dẫn đến chi phí bảo hiểm tàu biển của nước Châu Âu qua đây tăng lên cao hơn. Do vậy, Châu Âu cần có tiếng nói trước tình hình căng thẳng ngày càng leo thang ở Biển Đông.

Trong cuộc gặp với lãnh đạo EU, Tổng thống Thụy sỹ Eveline Widmer- Shlumpf và Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg, Tổng thống Philippin Aquino nêu vấn đề cần có một giải pháp quốc tế giải quyết tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh về tầm quan trọng của an ninh hàng hải ở Biển Đông là: “cần có một thỏa thuận trong đó xem xét ý nghĩa và tầm quan trọng về lợi ích quốc tế của tuyến đường thương mại thế giới qua vùng biển này”. Lãnh đạo EU, Thụy Sỹ và Na Uy đều ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của Philippin và tranh chấp, xung đột tại Biển Đông cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trước và trong thời gian Hội nghị ASEM 9 Trung Quốc tìm mọi cách, kể cả đe dọa để gạt vấn đề Biển Đông ra khỏi nội dung và Tuyên bố của Hội nghị ASEM 9. Một điều hết sức nghịch lý là trong khi ngăn cản các nước đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận tại Hội nghị ASEM 9 thì Trung Quốc lại chủ động phát biểu rất hung hăng về vấn đề quần đảo Senkaku tại Hội nghị cấp cao ASEM 9 để chỉ trích Nhật Bản. Cùng là 2 vấn đề Liên quan đến tranh chấp biển đảo, một vấn đề (Biển Đông) Trung Quốc cản trở thảo luận, một vấn đề (quần đảo Senkaku) Trung Quốc lại chủ động làm rùm beng. Qua thái độ và cách làm áp đặt này của Trung Quốc dư luận quốc tế đang có chung một nhận xét rằng Trung Quốc đang dùng sức mạnh kinh tế của mình để thao túng, áp đặt luật chơi cho riêng mình tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Chính điều này đã tạo nên sự phản đối mạnh mẽ từ các quốc gia Châu Âu. Theo một số người tham dự Hội nghị ASEM 9 cho biết, đại diện các quốc gia Châu Âu đã bỏ ra ngoài để bày tỏ thái độ bất bình với cách hành xử của Trung Quốc ngay tại Hội nghị.

Những gì diễn ra ở Hội nghị ASEM 9 làm dư luận đang đặt ra câu hỏi Trung Quốc sẽ tiếp tục làm gì tại Hội nghị cấp cao ASEAN và cấp cao Đông Á diễn ra trong những ngày tới đây tại Phnompenh và liệu có đạt được tiến triển gì xung quanh Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) tại các hội nghị cấp cao ASEAN và Đông Á sắp tới hay không? Chúng ta còn nhớ tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN (AMM 45) tháng 7 vừa qua ở Phnompenh, Trung Quốc đã gây sức ép lên nước chủ nhà Campuchia, quấy rối tiến trình Hội nghị làm cho AMM 45 lần đầu tiên trong lịch sử không ra được Tuyên bố của Ngoại trưởng. Tuy nhiên, sự can thiệp thô bạo của Trung Quốc vào công việc nội bộ của ASEAN đã gây bất bình cho các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Do vậy, Trung Quốc không thể tiếp tục lối hành xử theo cách mà họ đã thực hiện tại ASEAN (AMM 45), Trung Quốc cũng nên tự thấy rằng họ không thể tiếp tục áp đặt ý kiến của riêng họ lên tất cả các quốc gia ASEAN, hơn nữa tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á còn có Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Ấn Độ, Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Úc….

Ngay sau Hội nghị AMM 45, các nước ASEAN đã tìm được tiếng nói chung trên vấn đề Biển Đông để ra được Tuyên bố chung 6 điểm của các nước ASEAN. Điều này cho thấy mưu toan gạt bỏ vấn đề Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự và các văn kiện của ASEAN đã thất bại. Nội dung Tuyên bố 6 điểm của ASEAN không chỉ là quan điểm chung của các nước ASEAN mà đã trở thành nhận thức chung của cả cộng đồng quốc tế. Thái độ của các nước Châu Âu đối với vấn đề Biển Đông tại ASEAN vừa rồi đã cho thấy rõ điều này. Tất cả các nước trong và ngoài khu vực đều ủng hộ duy trì hòa bình ổn định, bảo đảm an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông; giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và ép buộc trong việc giải quyết tranh chấp. Do vậy, một điều có thể khẳng định là vấn đề Biển Đông sẽ tiếp tục được bàn thảo tại các hội nghị cấp cao ASEAN và cấp cao Đông Á sắp tới. Mỹ, Nhật, Ấn Độ… thời gian qua đều tỏ ý không hài lòng với các hành động lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông, nhiều lần kêu gọi Trung Quốc sớm cùng các nước ASEAN bàn thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và tỏ ý hy vọng Trung Quốc và ASEAN sẽ đạt được tiến triển thực chất trên vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh vào trung tuần tháng 11 này tại Campuchia. Chắc chắn các nước này sẽ tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị cấp cao Đông Á sắp tới.

Tuy nhiên, không còn hy vọng để có được đột phá trong vấn đề COC tại các cuộc họp sắp tới ở Phnompenh vì Trung Quốc hoàn toàn không có thiện chí trong việc cùng các nước ASEAN thảo luận về COC mặc dù các nước ASEAN đã sẵn sàng và luôn tỏ thiện chí. Nhằm thúc đẩy sớm trao đổi về COC, Thái Lan với tư cách điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc đã chủ động đề xuất tổ chức cuộc gặp quan chức cao cấp (SOM) ASEAN – Trung Quốc tại Pattaya, Thái Lan để bàn về COC vào cuối tháng 9/2012. Tuy nhiên, tại cuộc họp này đã không có được bất cứ tiến triển nào xung quanh vấn đề này. Bà Phó Doanh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tới dự phiên họp này, nhưng với thái độ rất trịch thượng bà ta đã khước từ thẳng thừng những đề xuất mang tính xây dựng của ASEAN, kiên quyết không chấp nhận việc ASEAN và Trung Quốc cùng tuyên bố khởi động tiến trình thảo luận về COC tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc diễn ra vào cuối tuần này. Trung Quốc luôn cao giọng khẳng định muốn cùng các nước ASEAN tăng cường hợp tác, giải quyết ổn thỏa các vấn đề khu vực để duy trì hòa bình ổn định ở khu vực, nhưng trên thực tế hành động của họ lại hoàn toàn ngược lại với những lời nói đó. Cả thế giới đều cho rằng để duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông, ngăn ngừa xung đột leo thang cần sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông mang tính pháp lý ràng buộc cao hơn. Chỉ có một mình Trung Quốc tìm cách cản trở tiến trình xây dựng COC. Như vậy rõ ràng là Trung Quốc đang đi ngược lại mọi nỗ chung của các nước ASEAN và của cả cộng đồng quốc tế.

Ông Ôn Gia Bản, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc và cấp cao Đông Á chắc chắn sẽ nhận được những lời chất vấn từ các nước ASEAN về vấn đề này. Theo một số nguồn tin thì tại Hội nghị cấp cao ASEM 6 ở Lào vừa qua, ông Ôn Gia Bảo đã phải né tránh không tham gia một phiên họp mà ủy quyền cho ông Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tham dự khi Hội nghị đề cập đến vấn đề cập đến vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông. Không rõ ông Ôn Gia Bảo sẽ xử lý ra sao tại cấp cao Đông Á tới đây.

Từ Hội nghị cấp cao ASEM 6 tới Hội nghị cấp cao ASEAN và cấp cao Đông Á chỉ vẻn vẹn chưa đến 10 ngày, sức nóng của vấn đề Biển Đông đang tăng lên. Dư luận quốc tế đang chú ý theo dõi những diễn biến xung quanh vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông tại Hội nghị cấp cao ASEAN và cấp cao Đông Á sắp tới.

                                                                                Thu Vân

RELATED ARTICLES

Tin mới