Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTẤM HỘ CHIẾU TỘI LỖI IN BẢN ĐỒ “ĐƯỜNG LƯỠI BÒ”

TẤM HỘ CHIẾU TỘI LỖI IN BẢN ĐỒ “ĐƯỜNG LƯỠI BÒ”

Công dân của mỗi quốc gia đều tự hào khi cầm tấm hộ chiếu nước mình ra với thế giới, song đối với công dân Trung Quốc những ngày gần đây họ đang cảm thấy phiền phức khi cầm tấm hộ chiếu của mình ra nước ngoài.

Nguyên nhân là do chính quyền Trung Quốc đã cho in hình bản đồ “đường lưỡi bò” trong tấm hộ chiếu của công dân Trung Quốc, chính hành động này của chính quyền Trung Quốc đã gây nên những phản ứng của công dân nước họ và vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ những nước có liên quan và cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc đã làm một việc chưa có tiền lệ trong quốc tế, in tấm bản đồ “đường lưỡi bò” phi lý đang bị cả cộng đồng quốc tế phê phán trong cuốn hộ chiếu điện tử của công dân Trung Quốc được phát hành từ tháng 5/2012. Trong lịch sử, Trung Quốc đã phát minh ra nhiều thứ có giá trị cho cả nhân loại, tuy nhiên với “phát minh mới” cho in các yêu sách về chủ quyền lãnh thổ vào trong tấm hộ chiếu thì đang vấp phải sự phản đối của các nước trong và ngoài khu vực.

Phản ứng mạnh mẽ nhất đối với tấm hộ chiếu mới của Trung Quốc là Việt Nam. Ngày 22/11/2012, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã phát biểu cực lực phản đối việc Trung Quốc cho in hình bản đồ “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu của công dân Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục Việt Nam. Trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm phản đối cho Trung Quốc, đồng thời Việt Nam áp dụng việc cấp thị thực rời cho công dân Trung Quốc mang hộ chiếu mới có in “đường lưỡi bò”, thể hiện việc không thừa nhận cuốn hộ chiều in tấm bản đồ sai trái này của Trung Quốc. Để đáp lại việc làm này của Trung Quốc, tại các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam, ngay trước bàn hải quan nơi du khách trình hộ chiếu, một tấm bảng lớn được viết với 4 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp và Trung có nội dung: “Chào mừng các bạn đến với Việt Nam! Bạn có biết Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hay không?”. Một số nhà phân tích đã cho rằng hai cách chứng minh chủ quyền nhưng khác nhau về trình độ. Tấm hộ chiếu chỉ tuyên truyền trong dân chúng của họ, còn tấm bảng tuyên ngôn tại cửa khẩu kia đang nói cho cả thế giới biết sự thật bất kể họ thuộc quốc tịch nào.

Trợ lý ngoại trưởng kiêm người phát ngôn bộ Ngoại giao Philippines Raul S. Hernandez phát biểu Philippines phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc đưa đường bản đồ 9 đoạn vào hộ chiếu điện tử, hình ảnh trong đó bao trùm khu vực rõ ràng là một phần lãnh thổ của Philippines”, cho biết. “Philippines yêu cầu Trung Quốc tôn trọng lãnh thổ và lãnh hải của Philippines”. Ông nhấn mạnh Nếu để yên cho Trung Quốc làm như vậy điều đó có nghĩa là chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc trên toàn bộ vùng Biển Đông. Đồng thời cho biết Philipin đã gửi công hàm phản đối tới phía Trung Quốc. Trong công hàm gửi Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila, Ngoại trưởng Philipin Albert del Rosario cho biết Philipin phản đói mạnh mẽ việc Trung Quốc đưa bản đồ khẳng định chủ quyền vào hộ chiếu mới. Theo ông, tuyên bộ chủ quyền của Trung Quốc bao gồm cả khu vực rõ ràng là lãnh thổ của Philipines.

alt

 

Ảnh: Internet.

Trong tấm họ chiếu mới, Trung Quốc còn cho in một phần lãnh thổ ở khu vực bang Đông Bắc Ấn Độ Arunachal Paradesh. Để trả đũa cho hành động này, Ấn Đọ cho dán tờ visa có in phần lãnh thổ đè lên phần in của vùng lãnh thổ đó trong hộ chiếu của cong dân Trung Quốc khi đến Ấn Độ. Một cách làm đầy thách thức với Trung Quốc. Không rõ rồi chính quyền Bắc Kinh sẽ xử lý ra sao khi trong hộ chiếu của công dân Trung Quốc lại đi quảng cáo cho tấm visa in lãnh thổ của Ấn Độ.Đúng là lợi bất cập hại. Ngày 24/11 vừa qua, Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ cho biết việc chính phủ Trung Quốc cho lưu hành hộ chiếu điện tử mới với bản đồ bao gồm cả 2 vùng Arunachal Pradesh và Aksai Chin là không thể chấp nhận được

Indonesia là nước cũng chịu ảnh hưởng từ yêu sách “đường lưỡi bò”. Năm 2010, Indonesia đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc phản đối yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nói rằng chính sách in bản đồ lên hộ chiếu sẽ gây thêm căng thẳng tại Biển Đông và cản trở mọi nỗ lực hòa giải của các nước.

Mỹ cũng đã lên tiếng phê phán việc Trung Quốc in bản đồ “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu. Ngày 27/11, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này sẽ nêu những quan ngại với Trung Quốc về bản đồ mới in trên các cuốn hộ chiếu của Trung Quốc, trong đó nêu chi tiết tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng lãnh hải tranh chấp, khiến cho các quốc gia láng giềng Đông Nam Á của Trung Quốc phải cảnh giác. Phát biểu tại cuộc họp báo, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết: “Chúng tôi thực sự quan ngại về bản đồ đang gây căng thẳng và lo âu cho các nước Đông Nam Á. Chúng tôi dự định nêu vấn đề này với phía Trung Quốc“. Theo bà Nuland, Oasinhtơn sẽ nêu rõ ràng rằng động thái của Trung Quốc là không có lợi cho việc tạo ra một môi trường nơi các nước hữu quan trong khu vực có thể giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.

Trong khi đó, Bắc Kinh không muốn vấn đề nóng lên thêm ảnh hưởng đến hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế nên đã cố gắng hạ nhiệt căng thẳng xung quanh vấn đề hộ chiếu mới. Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc lần này chỉ nói một cách ngắn gọn rằng “ tấm bản đồ không nhắm vào bất cứ một quốc gia cụ thể nào”.

Một điều chớ trêu là Đài Loan vốn được coi có cùng quan điểm với Trung Quốc trong các vấn đề yêu sách về lãnh thổ cũng đã lên tiếng phản đối việc Bắc Kinh cho in các yêu sách về lãnh thổ trong cuốn hộ chiếu mới của công dân Trung Quốc. Bản tin ngày 23/11 của AP, trích lời các giới chức thuộc Ủy ban Hoa Lục của Đài Loan nói rằng, chính phủ Đài Loan không thể chấp nhận bản đồ này. Các nhà lập pháp của cả đảng đương quyền lẫn đảng đối lập ở Đài Bắc đều nói rằng hành vi khiêu khích này của Bắc Kinh sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ song phương vốn đã được cải thiện rất nhiều từ khi ông Mã Anh Cửu lên giữ chức Tổng thống cách nay hơn 4 năm.

Hành động của Bắc Kinh in bản đồ “đường lưỡi bò” lên tấm hộ chiếu cũng đã bị nhiều nhà nghiên cứu phê phán mạnh mẽ. Một số nhà phân tích nhận định rằng việc cho in bản đồ hình lưỡi bò lên hộ chiếu của người dân Trung Quốc là một canh bạc rất nguy hiểm. Ông John Blaxland, một nhà nghiên cứu về các vấn đề an ninh và quốc phòng của Đại học Quốc gia Australia, cho rằng việc in bản đồ như vậy trong hộ chiếu là một thủ đoạn tinh ma, là một phần của mưu đồ lâu dài của Trung Quốc.

Trước đây, Biển Đông được các tờ báo nổi tiếng Tây phương xem như vấn đề khu vực. Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc cho in bản đồ lên hộ chiếu thì nhiều tờ báo nổi tiếng giật mình và đã có những bình luận về đề tài nóng và hấp dẫn này. Một số báo cho rằng đây là đề tài nón bỏng chỉ sau vấn đề Do Thái và Palestine.

Động cơ nào đã thôi thúc Bắc Kinh có hành động trái với thông lệ quốc tế này, cho in trong cuốn hộ chiếu của công dân họ các yêu sách lãnh thổ đang bị các nước phản đối? Có lẽ nhà cầm quyền ở Bắc Kinh nghĩ rằng với việc các nước cấp visa và đóng dấu xuất nhập cảnh lên những cuốn hộ chiếu đó là “đương nhiên thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc”. Tính toán đó hoàn toàn sai lầm vì luật pháp quốc tế không có một điều khoản nào quy định như vậy. Dù các nước có cấp visa và đóng dấu xuất nhập cảnh vào hộ chiếu không có nghĩa là họ thừa nhận lãnh thổ được in trong cuốn hộ chiếu đó thuộc về Trung Quốc. Việc làm của Bắc Kinh không bao giờ đạt được theo ý muốn của họ, trái lại nó đang gây khó khăn cho công dân Trung Quốc trong việc giao lưu với các nước.

Trên các trang mạng của Trung Quốc đã xuất hiện nhiều phản ánh bức xúc của người dân Trung Quốc về việc này, thậm chí có những lời chỉ trích cách hành xử của Bắc Kinh. Trên diễn đàn Sina Weibo, một người dùng tên là “Nhìn mây dưới nước” than phiền: “Hộ chiếu Trung Quốc cực kỳ khó dùng. Bộ Ngoại giao xin hãy làm ơn đừng gây thêm rắc rối nữa”. Một người khác có nick là “Zhuge Mengde” nói “Đây thật sự là một hành động không có nghĩa lý gì của chính phủ Trung Quốc. Nếu có khả năng thì hãy ra mà lấy lại biển đảo. Đừng bắt dân thường phải trả giá cho những hành động ngu ngốc của chính quyền”. Nick có tên là “Tianyaliulo” thì viết: “Vấn đề tranh chấp lãnh thổ là Bộ Ngoại giao phải giải quyết. Họ không tự giải quyết được nên giờ đây họ đẩy người dân ra chiến tuyến”.

Không hiểu những người cầm quyền ở Bắc Kinh nghĩ gì khi người dân của họ đang phải hổ thẹn với cả thế giới vì cầm trong tay cuốn hộ chiếu với những hình ảnh về yêu sách lãnh thổ bất hợp pháp này. Tư tưởng Đại hán, bá quyền của Bắc Kinh đang làm phiền toái cho chính người dân của họ. Thật thương thay cho công dân của một nước lớn với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.

                                                                      Lê Thành

RELATED ARTICLES

Tin mới