Wednesday, January 15, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnTrung Quốc lại cắt cáp tàu khảo sát của Việt Nam

Trung Quốc lại cắt cáp tàu khảo sát của Việt Nam

Theo thông báo của Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam, sáng sớm ngày 30/11/2012 trong khi tàu Bình Minh 02 đang làm nhiệm vụ sâu trên thềm lục địa vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ thì bị 2 tàu cá của Trung Quốc chạy ngang qua phía sau tàu, làm đứt cáp thu nổ địa chấn của tàu Bình Minh 02. Hành động vi phạm trắng trợn này của phía Trung Quốc đã gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ phía Việt Nam.

Ngày 3/12/2012, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao cho phía Trung Quốc công hàm kiên quyết phản đối hành động gây hấn của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, chấm dứt ngay những việc làm sai trái đó và không để tái diễn những hành động tương tự.

Ngày 03/12/2012, Ông Phạm Việt Dũng, Phó trưởng ban Tìm kiếm Thăm dò – phụ trách Văn phòng Biển Đông của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã trả lời phỏng vấn báo chí, lên án hành động thô bạo của phía Trung Quốc. Ông Dũng cho biết: thời gian gần đây, rất nhiều tàu cá Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam đánh bắt hải sản, tập trung ở khu vực từ Cồn Cỏ đến Nam Tri Tôn với số lượng rất lớn, có ngày lên tới hơn 100 lần chiếc. Khi các lực lượng chức năng bảo vệ tàu Bình Minh 02 phát tín hiệu cảnh báo và yêu cầu các tàu cá ra khỏi khu vực làm việc của tàu Bình Minh 02, một cặp tàu kéo giã cào mang số hiệu 16025 và 16028 của Trung Quốc đã chạy qua phía sau tàu Bình Minh 02 và gây đứt cáp địa chấn của tàu Bình Minh 02 cách phao đuôi khoảng 25m. Vị trí cáp bị đứt có tọa độ là 17º26 Bắc và 108º02 Đông, cách đảo Cồn Cỏ 43 hải lý về phía đông nam và cách đường trung tuyến Việt Nam – Trung Quốc 20 hải lý về phía Tây. Ông Dũng nhấn mạnh: Việc tàu cá Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng biển Việt Nam đánh bắt hải sản, không những vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam mà còn cản trở hoạt động bình thường của ngư dân Việt Nam và làm ảnh hưởng đến hoạt động trên biển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam kịch liệt phản đối hành động xâm hại tàu Bình Minh 02 của tàu cá Trung Quốc và kiến nghị các cơ quan chức năng yêu cầu phía Trung Quốc giáo dục công dân Trung Quốc tôn trọng vùng biển Việt Nam, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các tàu Việt Nam, trong đó có các tàu khảo sát của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Ngày 04/12/2012, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị tuyên bố: “Những hành động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam; vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011; trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Tuyên bố cấp cao kỷ niệm 10 năm DOC, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp”.

Ngày 06/12/2012, tại cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang nhiên nói đây là “khu vực chồng lấn” và vu cáo “Hải quân Việt Nam xua đuổi một cách vô lý” tàu cá của họ. Không hiểu Trung Quốc lấy cơ sở pháp lý nào để nói đây là “vùng chồng lấn” vì nó chỉ cách bờ biển miền Trung Việt Nam 50 hải lý. Phải chăng Trung Quốc đang đòi vùng chồng lấn theo “đường lưỡi bò” phi lý của họ đang bị cả thế giới phê phán? Cho dù phân định ở khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ được thực hiện theo bất kỳ phương án nào thì địa điểm bị đứt cáp cũng hoàn toàn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho thấy Trung Quốc đang mưu toan biến vùng không tranh chấp trên thềm lục địa các nước ven Biển Đông thành vùng tranh chấp.

Dư luận quốc tế hết sức quan tâm đến vụ việc nghiêm trọng này, nhiều tờ báo của Mỹ đã lên tiếng phê phán việc làm của Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông.

Tiếp theo một chuỗi các hoạt động gây hấn ở Biển Đông từ đầu năm đến nay (vụ tranh chấp căng thẳng kéo dài ở khu vực bãi cạn Scaborough với Philippin; công bố thành lập “thành phố Tam Sa” và một loạt các hành động củng cố “Tam Sa”; mời thầu 9 lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam; bắt giữ trái phép, uy hiếp tàu cá ngư dân Việt Nam…), việc tàu cá Trung Quốc làm đứt cáp của tàu Bình Minh 02 là một bước leo thang mới của Trung Quốc ở Biển Đông, tính chất vụ việc hết sức nghiêm trọng vì nó xảy ra chỉ cách đảo Cồn Cỏ của Việt Nam 43 hải lý, vi phạm trắng trợn quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Sau những gì diễn ra ở Biển Đông thời gian qua, dư luận quốc tế đang lo ngại trước việc Trung Quốc sử dụng lực lượng số đông tàu cá để xác lập chủ quyền trên Biển Đông. Việc huy động cùng lúc hàng trăm tàu cá xâm phạm vùng biển Việt Nam để cản trở hoạt động của tàu khảo sát Bình Minh 02 là một việc làm đầy toan tính nhằm thực hiện yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý ở Biển Đông. Nhìn lại năm 2012, thấy rằng, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng tàu cá để gây hấn với Philippin ở khu vực bãi cạn Scabourough; sử dụng số đông tàu cá để gây sức ép với Nhật trong tranh chấp quần đảo Senkaku; huy động nhiều tàu cá vi phạm vùng biển của Hàn Quốc…, trước đó tháng 6/2011, tàu cá Trung Quốc dưới sự yểm trợ của tàu ngư chính đã phá hoại cáp của tàu khảo sát Viking 2 của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Những việc làm có tính toán và mang tính hệ thống này của Trung Quốc không chỉ vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước có chung đường biên giới trên biển với Trung Quốc mà còn đe dọa đến an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông, tuyến đường biển nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới. Do vậy, gần đây các nước ngoài khu vực như Mỹ, Ấn Độ và EU phản ứng mạnh mẽ trước các hành động đe dọa, ép buộc của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trước những diễn biến mới ở Biển Đông, ông Joshi, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ nhấn mạnh “Không chỉ có chúng tôi, mà tất cả mọi người đều nhìn nhận rằng, các vấn đề cần phải được giải quyết phù hợp với quy định quốc tế, vốn được nêu trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, đó là yêu cầu đầu tiên của chúng tôi”; đồng thời Tư lệnh Joshi khẳng định “Không phải chúng tôi mong đợi hiện diện quá thường xuyên ở khu vực hàng hải này (Biển Đông), nhưng khi có những yêu cầu liên quan đến lợi ích quốc gia, ví dụ như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Ấn Độ ONGC Videsh, chúng tôi sẽ cần đến đó và chúng tôi đã sẵn sàng chuẩn bị”. Quan điểm này của Ấn Độ cũng là quan điểm của Mỹ và nhiều nước khác có lợi ích lớn trong tự do, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Trong mấy ngày gần đây, 4 tàu cá của Trung Quốc cũng liên tục xâm nhập trái phép vào lãnh hải của quần đảo Senkaku. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản đã triệu hồi Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo lên để phản đối. Tàu cá Trung Quốc cũng liên tiếp vi phạm vùng biển của Hàn Quốc và bị các cơ quan chức năng của Hàn Quốc bắt giữ.

Nhiều nhà phân tích cho rằng để bảo vệ cho cái “mặt nạ hòa bình”, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh xua “đội quân” tàu cá hàng chục nghìn chiếc với sự yểm trợ của các tàu hải giám, tàu ngư chính Trung Quốc xuống Biển Đông, xâm nhập sâu vào vùng đặc quyền kinh tế, các vùng thềm lục địa của các nước; dùng chiến lược “lấy thịt đè người” để biến những vùng không tranh chấp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa các nước thành khu vực tranh chấp, vừa để cướp tài nguyên của các nước láng giềng, vừa để phá hoại cản trở các hoạt động kinh tế của các nước láng giềng ven Biển Đông. Đây là một cách làm hết sức nham hiểm để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông mà không dùng đến “súng đạn” và nếu các nước dùng tàu quân sự để xua đuổi, bắt giữ tàu cá Trung Quốc thì họ lại có cớ “lu loa” để triển khai các hành động gây hấn.

Việc Trung Quốc một lần nữa phá hoại cáp của tàu Bình Minh 02 diễn ra ngay sau Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc làm dư luận quốc tế lo ngại về một chính sách cứng rắn hơn với các nước láng giềng trong vấn đề Biển đảo của Ban Lãnh đạo mới ở Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới