Báo “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” ngày 6/12/2012 đưa tin Tập Cận Bình, tân Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương ĐCS Trung Quốc đã khẳng định rằng “Trung Quốc đang đi theo con đường phát triển hoà bình”, rằng “ Trung Quốc không tìm kiếm chủ nghĩa bá quyền hay chủ nghĩa bành trướng” và “sự tiến bộ của Trung Quốc không gây bất lợi cho các nước khác”…
Tập đưa ra lời phát biểu trên tại Đại lễ đường nhân dân hôm 5/12/2012 trong cuộc gặp 20 chuyên gia nước ngoài đang sống và làm việc tại Trung Quốc, và là cuộc gặp đầu tiên của Tập với các vị khách nước ngoài kể từ khi được bầu làm Tổng Bí thư.
Phát biểu của Tập nghe có vẻ rất “hoà bình” trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và các nước xung quanh đang trở lên căng thẳng vì những hành động “gây hấn” của Trung Quốc trên biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như sự đối đầu ngày càng tăng lên giữa Trung Quốc và Mỹ ở hai khu vực này.
Thế nhưng, cũng theo tin từ báo “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” ngày 6/12/2012 thì Tập Cận Bình lại có những phát biểu kêu gọi quân đội Trung Quốc (PLA) sẵn sàng chiến đấu. Trong cuộc họp đặc biệt của quân uỷ trung ương, Tập đã yêu cầu các nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc tăng cường cải thiện các năng lực răn đe và chiến đấu của PLA thông qua các cuộc tập trận. Tập nói “Trung Quốc cần phải đẩy nhanh tốc độ hiện đại hoá quân đội” nhân sự kiện ngày 30/11 vừa qua, lực lượng không quân của PLA vừa kết thúc một cuộc tập trận quy mô lớn nhất kéo dài 11 ngày nhằm đánh giá khả năng của lực lượng này trong cuộc chiến tranh hiện đại. Đáng chú ý là trong cuộc nói chuyện với lực lượng tên lửa chiến lược và vũ khí hạt nhân của PLA ngày 5/12/2012, Tập nói lực lượng này cần có những chuẩn bị cụ thể cho công tác chiến đấu và đẩy mạnh các cuộc tập trận để nâng cao năng lực phục vụ trong những tính huống phức tạp.
Ảnh minh họa: Internet.
Lâu nay dư luận quốc tế đều không lạ gì về những việc Trung Quốc “nói một đằng làm một nẻo”. Chỉ có điều là, đối với một vị lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, trong cùng một ngày lại nói hai giọng trái ngược nhau, thể hiện sự mâu thuẫn trong chính sách của Trung Quốc. Trong tiếp xúc đối ngoại thì có vẻ như muốn để thế giới thấy một Trung Quốc “thiện chí”, chỉ muốn phát triển hoà bình, không xưng hùng xưng bá với ai. Nhưng trong khi nói chuyện đối nội, thì lại “hung hăng” kêu gọi PLA tăng cường hiện đại hoá quân đội, chuẩn bị mọi lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Thật khó hiểu và khó giải thích !!!
Tuy nhiên, câu trả lời rất đơn giản. Đó là đừng bao giờ ảo tưởng mà tin vào những điều người Trung Quốc nói, phải luôn luôn cảnh giác với những cái mà họ đang làm và đang chuẩn bị làm, để mà suy xét và có đối sách thích hợp. Suy cho cùng thì Tập Cận Bình cũng là người Trung Quốc, mang trong mình dòng máu sô vanh Đại Hán, chỉ muốn làm bá chủ thiên hạ, muốn trở thành trung tâm của thế giới, nên miệng thì nói “hoà bình” nhưng tâm thì sẵn sàng “động thủ” để theo đuổi cái dã tâm bành trướng, muốn vơ lấy tất cả của thiên hạ về mình.
Hãy cứ nhìn vào những hành động ngày càng trở lên mạnh tay của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông thì sẽ rõ là Trung Quốc muốn hay không muốn hoà bình. Tại khu vực biển Hoa Đông, tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật bản xung quanh quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư vẫn còn đó. Quần đảo này hiện Nhật Bản quản lý thực tế, nhưng tầu Trung Quốc luôn vi phạm lãnh hải của quần đảo, làm cho tình hình trong khu vực này luôn bất ổn, nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang Trung – Nhật có thể diễn ra bất cứ lúc nào nếu một trong hai bên không kiểm soát được tình hình, đe doạ hoà bình và ổn định ở khu vực Đông Á.
Còn tại khu vực Biển Đông thì sao? Tình hình còn nghiêm trọng hơn. Cũng lại bởi chính những hoạt động gây hấn của Trung Quốc tại vùng biển này. Kể từ khi tuyên bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” thuộc tỉnh Hải Nam, “quản lý” một vùng biển rộng 2 triệu km2 nằm trong yêu sách phi lý về “đường lưỡi bò” bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước xung quanh, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc đã triển khai một loạt các hành động hợp thức hóa sự hoạt động của cái thành phố phi pháp này. Nào là tổ chức bầu cử Chủ tịch và Hội đồng nhân dân; quy hoạch cơ sở hạ tầng cho “Tam Sa”; xây dựng các công trình dân sự và quân sự; thông qua “quy hoạch khu chức năng biển tỉnh Hải Nam” (trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa); xuất bản bản đồ “Tam Sa”; bố trí quân đội đồn trú tại đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa); tập trận chiếm đảo quy mô lớn ở Biển Đông; bốn tỉnh Trung Quốc tổ chức tuần tra liên hợp ở khu vực Biển Đông. Gần đây, báo cáo của tình báo hải quân Mỹ cho biết tầu sân bay “Liêu Ninh” của Trung Quốc sắp tới có thể sẽ được bố trí ở Biển Đông. Trung Quốc đang sản xuất và bố trí tên lửa đạn đạo DF-21 có thể bao phủ 70% Biển Đông, 30% còn lại do tầu sân bay khống chế. Tất cả các động thái trên, đặc biệt là các động thái về quân sự, đang làm cho tình hình Biển Đông luôn ở trong tình trạng căng thẳng.
Trong khi dư luận quốc tế chưa kịp lắng sự bức xúc về vụ Trung Quốc ngang ngược cho lưu hành hộ chiếu điện tử mà bên trong in bản đồ với yêu sách “đường lưỡi bò” trên Biển Đông thì lại đến việc tỉnh Hải Nam ngày 27/11 thông qua bản sửa đổi “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam”, nội dung là cấm tầu, thuyền và nhân viên trên tầu, thuyền nước ngoài đi vào vùng biển thuộc quyền quản lý của tỉnh Hải Nam một cách phi pháp, đồng thời xác định những biện pháp trừng phạt như kiểm tra, bắt giữ, trục xuất… Bản điều lệ này lại châm ngòi cho một loạt phản ứng mạnh mẽ của các nước trong và ngoài khu vực. Trong hai ngày 29 và 30/11/2012 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã hai lần lên tiếng về quyết định của tỉnh Hải Nam, nói rằng Mỹ sẽ nêu vấn đề này với Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Mỹ đề nghị các bên liên quan tránh có những hành động đơn phương hoặc gây hấn nào làm căng thẳng thêm tình hình.
Ngày 1/12/ 2012, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines đã ra tuyên bố phản đối điều lệ nêu trên của Trung Quốc và cho rằng đó là việc làm “bất hợp pháp”, phải bị lên án vì nó xâm phạm vào vùng biển của quốc gia khác và gây cản trở cho tự do hàng hải trên Biển Đông. Tổng thống Benigno Aquino cho biết Philippines sẽ có công hàm phản đối chính thức về bản điều lệ này, vì nó vi phạm Công ước của LHQ về Luật Biển 1982. Ngày 1/12/2012, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cũng bày tỏ sự quan ngại đối với bản điều lệ này, Ông nói: “Đây là việc làm vô cùng nghiêm trọng, làm gia tăng và qua ngại giữa các bên”. Ngay cả Đài Loan, vùng lãnh thổ mà Trung Quốc cho là của mình, cũng phải lên tiếng. Ngoại trưởng Đài Loan Lâm Vĩnh Lạc ngày 1/12/2012 nói: “Chúng tôi cho rằng sự tự do qua lại của các tầu thuyền trong khu vực Biển Đông là một nguyên tắc được cộng đồng quốc tế công nhận. Chúng tôi cũng hy vọng phía Trung Quốc nên cố gắng kiềm chế hành động của mình”.
Singapore, nơi có các cảng container hộn nhịp thứ hai thế giới, là quốc gia Đông Nam Á thứ hai bày tỏ quan ngại trước những qui định mới nói trên của Trung Quốc sau khi Philippines hôm 1/12 chỉ trích kế hoạch này của Trung Quốc là bất hợp pháp. Trong một tuyên bố ngày 1/12/2012, Bộ Ngoại giao Singapore nêu rõ: “Singapore quan ngại về những diễn tiến này” và nhấn mạnh “Chúng tôi hối thúc tất cả các bên có tranh chấp chủ quyền trên Biển Hoa Nam (Biển Đông) không hành xử khiêu khích. Điều quan trọng là tất cả các bên tôn trọng những nguyên tắc luật quốc tế đã được chấp nhận và kiềm chế những hành động có thể làm leo thang căng thẳng.”
Ngày 3/12/2012, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm kiên quyết phản đối những hành động trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt ngay những việc làm sai trái và không để tái diễn những hành động tương tự. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 4/12/2012 cũng lên tiếng nêu rõ những hành động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam; vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/201; trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Tuyên bố cấp cao kỷ niệm 10 năm DOC, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp.
Từ những hành động cứng rắn và chủ ý hiện thực hoá và pháp lý hoá yêu sách “đường lưỡi bò” và quyền kiểm soát chủ quyền của mình trên Biển Đông, giới quan sát đánh giá Trung Quốc sẽ ngày càng có những hành động ngang ngược hơn, không loại trừ những biện pháp dùng lực lượng quân sự để gây hấn với các nước như Việt Nam, Philippines… nhằm giành lấy thế chủ động ở khu vực này. Những hành động như vậy sẽ đe dọa nghiêm trọng hòa bình trong khu vực Biển Đông. Tập Cận Bình trong cùng một ngày, nói với thế giới về chim bồ câu và cành ô liu, nhưng giọng nói thì lại đầy mùi thuốc súng. Nhân loại hãy cảnh giác !!!.
Trung Kiên, 12/2012