Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNghi ngại trước tham vọng biển của Trung Quốc

Nghi ngại trước tham vọng biển của Trung Quốc

BienDong.Net: Thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương, các quốc gia có biển đều quan tâm nghiên cứu phát triển chiến lược nhằm khai thác nguồn lợi từ biển.

Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã xác định phải “lấy phát triển kinh tế biển làm trung tâm”. Cũng từ đó, kinh tế biển của Trung Quốc luôn phát triển với tốc độ cao hơn tốc độ phát triển bình quân của kinh tế quốc gia.

Trong quy hoạch 5 năm được công bố năm 2010, Trung Quốc đã đẩy mạnh thêm một bước chiến lược phát triển kinh tế biển khi công bố “phương châm trăm chữ” về định hướng phát triển kinh tế biển một cách toàn diện trong tương lai. 

Phương châm này chủ trương: Quy hoạch cả trên đất liền và biển; hoạch định và thực thi phương hướng chiến lược phát triển biển, nâng cao năng lực phát triển, kiểm soát và quản lý biển toàn diện; quy hoạch khoa học các ngành kinh tế biển, phát triển dấu khí biển, vận tải biển, nghề cá biển…; phát triển và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên biển, tăng cường xây dựng các cảng cá, bảo vệ hải đảo, dải bờ biển và môi trường sinh thái biển; đảm bảo an ninh vận tải biển, bảo vệ quyền và lợi ích biển.

Trong báo cáo tại Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 8.11 vừa qua, Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào  khi đó cũng chỉ rõ mục tiêu lớn của Trung Quốc là phải trở thành “một cường quốc biển” trong tương lai. “Chúng ta cần phải nâng cao năng lực khai thác nguồn tài nguyên biển, kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích biển quốc gia, xây dựng cường quốc biển”, ông Hồ Cẩm Đào nói.

Báo cáo cũng xác định mục tiêu vĩ mô về phát triển sự nghiệp hải dương của Trung Quốc, đồng thời vạch ra các phương hướng tiến lên của Trung Quốc trong lĩnh vực biển.
Theo lập luận của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, nếu tính theo chỉ số tài nguyên bình quân đầu người, Trung Quốc là nước “đất rộng nhưng tài nguyên không rộng”. Nguồn tài nguyên nước ngọt theo đầu người của nước này chỉ bằng 1/4 trung bình của thế giới. Trong số 45 loại khoáng sản thiết yếu cho phát triển kinh tế quốc dân thì có tới một nửa không đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Tài nguyên dầu khí trong đất liền cũng được xác định sẽ cạn kiệt trong vài năm tới nếu tiếp tục duy trì tốc độ khai thác hiện nay. Trong khi đó, khó khăn về thiếu hụt năng lượng, đặc biệt là điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, vẫn chưa có giải pháp thực sự đột phá.

Vì vậy, xét về lâu dài, kinh tế biển đối với Trung Quốc không gì thay thế được. Trung Quốc xác định biển là kho báu tài nguyên lớn hơn đất liền nhưng khai thác chưa nhiều.

Thông qua phát triển kinh tế biển, Trung Quốc có thể bù đắp khoản nước ngọt thiếu hụt, sử dụng thủy triều và các dòng hải lưu để phát điện, đồng thời tăng cường khai thác hợp lý các tài nguyên khoáng sản biển như dầu mỏ, khí đốt, băng cháy, kim loại nặng và các nguồn hải sản.

Phát triển kinh tế biển sẽ trở thành điểm đỡ quan trọng giúp quốc gia đông dân nhất thế giới (hơn 1,3 tỷ người) khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn lực cho phát triển. Kinh tế biển trở thành một phần sinh lực cốt yếu nâng cao sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế hiện đứng thứ hai thế giới.

 Tham vọng biển của Trung Quốc là nguyên nhân gây gia tăng tranh chấp

Với việc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đã tích lũy được một tiềm lực kinh tế và quân sự khổng lồ.

Xuất phát từ nhu cầu đối với tài nguyên, đặc biệt là nhiên liệu và mở rộng phạm vi ảnh hưởng, chiến lược biển của Trung Quốc không chỉ tập trung vào các vùng biển xung quanh như Biển Đông hay Hoa Đông mà còn vươn tới tận Nam Cực, Bắc Băng dương trên bề rộng và tới cả những vùng biển sâu còn chứa đựng nhiều bí ẩn.

Tham vọng của Trung Quốc cộng với sự tự tin quá đáng về sức mạnh đã thúc đẩy nước này có những bước đi lấn lướt trên biển, bất chấp luật pháp.

 alt

Đường lưỡi bò tham lam bao chiếm hầu hết Biển Đông

  

“Trung Quốc vừa có nhiệm vụ to lớn bảo vệ các quyền lợi biển trong phạm vi quản lý, vừa có nhu cầu cấp thiết bảo vệ lợi ích biển tại các vùng biển ngoài phạm vi này”, ông Lý Cảnh Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế của Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc, nêu trong bài viết “Nội hàm phong phú quyền lợi biển của Trung Quốc” đăng trên trang Web của Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc.

 “Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo trong đường đứt khúc 9 đoạn và vùng biển phụ cận của nó được đánh dấu trên bản đồ, đồng thời được hưởng quyền lợi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường đứt khúc”, ông Lý Quang Cảnh viết.

Không chỉ thế, tác giả bài viết còn nêu yêu sách đòi lợi ích biển cả ở những vùng biển xa. “Quyền lợi biển quốc gia bao gồm hai hàm nghĩa. Một là các quyền lợi mà nhà nước có thể sử dụng trên biển và hai là, lợi ích có thể giành được và lợi ích cần được bảo vệ”, ông Lý Cảnh Quang viết.

Hàm nghĩa thứ hai ở đây ám chỉ việc Trung Quốc cũng có quyền bảo vệ các quyền lợi biển ngoài phạm vi quản lý, như các vùng biển quốc tế, vùng đáy biển quốc tế, Nam Cực và Bắc Cực. 

Có lẽ do xuất phát từ quan điểm này, thời gian qua Trung Quốc đã không ngừng đẩy mạnh các hoạt động tại những vùng biển không thuộc phạm vi quản lý. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Bắc Kinh còn tiến thêm một bước khi tìm cách hợp thức hóa vùng biển của nước khác thành biển của mình. Việc Trung Quốc cho in bản đồ có hình đường “lưỡi bò” trên mẫu hộ chiếu mới và thành lập “thành phố Tam Sa” vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam là những ví dụ điển hình.

Theo quy định của UNCLOS, các quốc gia ven biển có quyền hoạch định vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa phù hợp với các quy định đề ra trong UNCLOS và luật pháp liên quan như “Luật vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”, “Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp”. Đây là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng để các nước xác lập các vùng biển thuộc phạm vi quản lý và đặc quyền quốc gia, từ đó khoanh vùng không gian và nguồn tài nguyên biển được phép khai thác, sử dụng. Là quốc gia kí công ước này, song Trung Quốc lại hành động bất chấp các ràng buộc của công ước, gây xung đột với hầu hết các nước có vùng biển chung với họ.

Trung Quốc tìm cách thay đổi nguyên trạng trên biển

Dư luận lưu ý điểm nổi bật nhất của Trung Quốc trong tranh chấp biển đảo hiện nay là tìm cách “thay đổi nguyên trạng”, nói cách khác là “biến không thành có”.

 alt

Tàu hải giám Trung Quốc áp sát quần đảo Điếu Ngư/Senkaku tháng 9.2012 ( Ảnh Internet)


Theo giáo sư Mỹ M. Taylor Fravel, trong các vụ tranh chấp với Philippines và Nhật Bản, Bắc Kinh đã sử dụng sự hiện diện của các cơ quan dân sự thực thi pháp luật để tạo ra các tình huống mới trên biển nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Trước tháng 4.2012, cả Trung Quốc lẫn Philippines đều không duy trì một sự hiện diện thường trực tại bãi đá ngầm Scarborough. Ngư dân của Philippines, Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc vẫn hoạt động trong và xung quanh các rạn san hô lớn. Trong quá khứ, đặc biệt là vào cuối năm 1990 và đầu những năm 2000, Hải quân Philippines đã bắt giữ ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở bên trong bãi đá ngầm Scarborough. Kể từ đó, lực lượng tuần tra Trung Quốc đã đến bãi đá ngầm Scarborough, nhưng không nỗ lực kiểm soát thực sự bãi đá ngầm này cũng như vùng biển xung quanh.

Tình hình đã thay đổi sau khi có sự đối đầu liên quan đến chủ quyền đối với bãi đá ngầm Scarborough. Tranh chấp bắt đầu vào tháng 4/2012, khi Hải quân Philippines tìm cách bắt giữ ngư dân Trung Quốc đang hoạt động ở khu vực đầm phá này. Sau khi nhận được tín hiệu cấp cứu, hai tàu Hải giám Trung Quốc (CMS) đã  đến hiện trường, chặn lối vào đầm phá và không cho bắt giữ ngư dân Trung Quốc. Sau khi các tàu đánh cá rời khỏi khu vực, tàu công vụ của cả hai bên vẫn ở lại để bảo vệ tuyên bố chủ quyền đối với bãi đã ngầm Scarborough. Đến cuối tháng 5, Trung Quốc đã triển khai ở khu vực này tới 7 tàu Hải giám và Ngư chính.

Vào đầu tháng 6, phía Philippines thông báo đã đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc, trong đó qui định hai bên cùng rút hết tàu khỏi khu vực tranh chấp. Mặc dù Trung Quốc không bao giờ công khai xác nhận sự tồn tại của thỏa thuận như vậy, hồi giữa tháng 6, tàu của cả hai bên đều đã rút khỏi vùng biển Scarborough, khi một cơn  bão đang đến gần. Tuy nhiên, sau đó, tàu Trung Quốc đã quay trở lại và kể từ đó, duy trì một sự hiện diện thường trực tại các vùng biển quanh bãi đá ngầm. Trung Quốc cũng đã chăng dây chắn lối duy nhất vào bên trong bãi đá ngầm Scarborough.

Trước khi xảy ra đối đầu, Trung Quốc không hề có sự hiện diện thường trực tại bãi đá ngầm Scarborough. Ba tháng sau, Trung Quốc đã kiểm soát trên thực tế bãi đá ngầm này và các vùng biển xung quanh, qua đó làm thay đổi nguyên trạng theo hướng có lợi cho mình. Trong  một bài xã luận, tờ Thời báo Hoàn cầu khẳng định Trung Quốc “đã củng cố kiểm soát trực tiếp” bãi đá ngầm này.

Một động thái tương tự đang diễn ra ở Biển Hoa Đông, liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước khi chính phủ Nhật “quốc hữu hóa” ba trong số các đảo nhỏ của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong tháng 9.2012, tàu công vụ Trung Quốc đã tránh đi vào giới hạn 12 hải lý của lãnh hải xung quanh các đảo của Nhật Bản. Dường như, Trung Quốc và Nhật Bản đã có  một thỏa thuận ngầm từ giữa những năm 2000 về việc hạn chế sự hiện diện của tàu và công dân gần các hòn đảo nói trên, trong một nỗ lực tránh xung đột leo thang.

Hồi tháng 9.2010, vụ bắt giữ một thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc xâm phạm giới hạn 12 hải lý và sau đó đâm vào tàu tuần duyên Nhật Bản đã gây ra một cuộc khủng hoảng trong quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản. Một trong số các phản ứng của Trung Quốc là tăng số lượng các vụ tuần tra, do các tàu Hải giám và Ngư chính thực hiện, ở các vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Khi đó, các tàu công vụ Trung Quốc chỉ hoạt động ở vùng biển giáp ranh lãnh hải Nhật Bản và đôi khi chỉ xâm phạm trong một thời gian ngắn ngủi. Trên thực tế, phía Trung Quốc đã chấp nhận sự kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và các vùng biển xung quanh (theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển).
Tuy nhiên, sau khi Nhật Bản “quốc hữu hóa” ba trong số các hòn đảo của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc đã từ bỏ cách tiếp cận này. Thứ nhất, Trung Quốc đã ban hành đường cơ sở để đòi hỏi chủ quyền đối với các vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và sau đó bắt đầu tiến hành tuần tra gần như hàng ngày trong những vùng biển mới được tuyên bố chủ quyền, trực tiếp thách thức sự kiểm soát của Nhật Bản. Các cuộc tuần tra này nhằm hai mục đích: để chứng minh rằng việc Nhật Bản mua lại các hòn đảo sẽ không ảnh hưởng đến các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và thách thức quan điểm của Nhật Bản là không có tranh chấp về chủ quyền các hòn đảo nói trên.

Mặc dù không kiểm soát các vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, Trung Quốc hiện không còn chấp nhận sự kiểm soát trên thực tế của Nhật Bản. Ngày 31.10, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định rằng một hiện trạng mới đã được tạo ra. Sau khi mô tả các vụ tuần tra của Trung Quốc là “thường xuyên”, phát ngôn viên Hồng Lỗi nói rằng “phía Nhật Bản phải đối mặt với  thực tế rằng một sự thay đổi cơ bản đã xảy ra ở quần đảo Điếu Ngư”.

Trong cả hai trường hợp, Bắc Kinh đều hậu thuẫn cho những yêu sách bằng sự hiện diện cơ bắp nhằm củng cố lập trường của Trung Quốc và ngăn chặn mọi thách thức hơn nữa của đối phương. Những phản ứng này cho thấy Trung Quốc sẵn sàng hành động đơn phương để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của nước này. 

Về con đường chinh phục đai dương, mở rộng tầm ảnh hưởng trên biển của Trung Quốc, chuyên gia về châu Á của viện CERI, Thierry Aube nhắc lại thời sự nóng bỏng và căng thẳng tại vùng Biển Đông. Ông nhấn mạnh đến lối hành xử của Trung Quốc, bắt nạt các nước bé :

« Trung Quốc thường khiến mọi người ‘khiếp sợ’. Đó là một sự thật có phần đúng và có phần không đúng. Nhưng nếu nhìn đến chiến lược bành trướng trên biển của Bắc Kinh, đặc biệt đối với các nước lân cận ở khu vực Biển Đông thì thái độ của Trung Quốc khiến chúng ta phải nêu lên nhiều nghi vấn và cần thận trọng : Trung Quốc không hề bị lương tâm cắn rứt khi khẳng định chủ quyền đối với cả một vùng biển rộng lớn. Trung Quốc cũng không ngần ngại uy hiếp các nước nhỏ trong khu vực. Bài học và kinh nghiệm qua cuộc tranh chấp ở Biển Đông bắt buộc chúng ta phải cân nhắc kỹ hơn về những ý đồ và tham vọng của Trung Quốc đối với vùng Bắc Băng Dương, đối với vùng đất Groenland ».

BDN ( theo Dân Trí và Đất Việt )

RELATED ARTICLES

Tin mới