Friday, January 24, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiChính sách ngoại giao tồi tệ của Bắc Kinh

Chính sách ngoại giao tồi tệ của Bắc Kinh

altBienDong.Net: Dưới đầu đề” chính sách ngoại giao tồi tệ của Bắc Kinh, tạp chí National Interest hôm 17.12 đăng bài của hai tác giả James CladRobert A. Manning (nguyên văn tiếng Anh cũng đã được dẫn đăng trên BienDong.Net) cho rằng chính sách ngoại giao của Trung Quốc vô tình đã có tác dụng hỗ trợ cho ngoại giao của Mỹ trong khu vực.

Bài báo viết: Một câu nói đùa đang được lan truyền ở châu Á đặt câu hỏi: Ai là nhà ngoại giao đắc lực nhất của Mỹ ở châu Á”, và câu trả lời nghe có vẻ hài hước đó là Ngài Bắc Kinh.

Yếu tố gây cười ở đây dựa trên qui luật về những hậu quả không mong đợi. Những hành động ngày càng khiêu khích của Bắc Kinh, trong đó có việc cắt cáp tàu thăm dò địa chấn, cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của Việt nam, việc đòi chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông và những hành động dù cho đến nay vẫn chưa được báo chí đưa tin công khai nhưng lại là những thách thức rất nhạy cảm đối với Malaysia. Tất cả những việc đó dường như đã tạo ra điều mà chính Trung Quốc vẫn nói là họ không muốn thấy: Đó là một liên minh chống Trung Quốc trên thực tế được Mỹ ngấm ngầm ủng hộ trải dài từ Ấn Độ cho tới Biển Nhật Bản.

Như để nhấn mạnh điều đó, Ngoại trưởng Philippines gần đây đã nói rằng Manila “sẽ rất hoan nghênh”nếu Nhật Bản tái vũ trang và từ bỏ hiến pháp hòa bình của họ.

alt

Ảnh: NI.

Chuyện gì đang diễn ra? Phải chăng thái độ ngoan cố và quyết đoán của Trung Quốc đang trở thành nhân tố dẫn đến sự hạn chế hay thậm chí cô lập nước này? Người ta có xu hướng nghĩ như vậy. Sau chuyến đi tới Nhật bản và một số nước châu Á, chúng tôi trở về với những kết luận như sau:

Thứ nhất, căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ đã gia tăng do hành vi dối trá của Trung Quốc. Trong năm 2011, tại các cuộc họp kín, lãnh tụ tương lai Tập Cận Bình đã tìm cách lấy lòng các nhà lãnh đạo ASEAN đến thăm nước này, gây cho họ cảm giác rõ ràng rằng ông sẽ cố gắng làm dịu đi các tranh chấp lãnh thổ. Ông này cũng nói như vậy với lãnh đạo Việt Nam trong các cuộc gặp kín hồi tháng 12/2011. Trên thực tế, đã diễn ra điều ngược lại.

Thứ hai, Trung Quốc đã trở nên hung hãn hơn ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Giữa tháng 8.2012, hai vụ cản trở tàu thăm dò địa chấn hoạt động hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia đã để lại hậu quả, như lời một quan chức cấp cao Malaysia, là ” phá rụp cả 3 thập niên ngoại giao được thực hành một cách cẩn trọng”. Không giống các nước Vietnam, Indonesia, Singapore hay Philippines, Malaysia luôn tránh trực tiếp thách thức bản đồ “đường 9 đoạn” của Trung Quốc vốn bao quát phần lớn diện tích Biển Đông. (Bắc Kinh từ chối đưa ra tọa độ của các đường này). Tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã thành lập một “thành phố” mới trên đảo Phú Lâm của Việt Nam để “quản lý” các yêu sách của họ trên Biển Đông, và tháng 11 họ phát hành hộ chiếu mới in bản đồ bao gồm toàn bộ Biển Đông. Điều này đã khiến Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan phải lên tiếng cảnh báo rằng Biển Đông có thể trở thành “Palestine của châu Á”.

Thứ ba, Trung Quốc đặc biệt khoanh riêng Nhật Bản sang một bên. Những hành động hung hăng mới đây đối với Nhật bản tại khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai nước tranh chấp tại biển Hoa Đông nằm trong trường phái ngoại giao của Trung Quốc nhằm “làm nản lòng kẻ khác”: Bắc Kinh biết rằng các quốc gia có đòi hỏi chủ quyền biển đảo sẽ nhận ra và lo ngại trước thái độ hiếu chiến của Trung Quốc đối với một cường quốc châu Á khác còn lớn và mạnh hơn họ rất nhiều.

Cuối cùng là nhiệt độ trên đất liền cũng đã tăng lên. Sau khi so sánh chính sách của Bắc Kinh đối với người thiểu số với các vụ tự thiêu của những người Tây Tạng, một quan chức Mỹ đã nhận được sự phản ứng đầy cay độc hồi tuần trước. Bộ Ngoại giao Trung Quốc miêu tả bình luận này là “vô cùng ghê tởm”.( Trung Quốc cũng muốn nhắn nhủ điều này tới rất nhiều các cử tọa khác là Australia, EU, Ấn Độ và Nhật Bản ).

Hai ông James CladRobert A. Manning nhấn mạnh: Trong số 4 kết luận nêu ra ở trên, hai điều đầu – liên quan đến giải quyết vấn đề lãnh thổ – đã thực sự gây sửng sốt. chúng giờ đây đang được định hình. Vốn dễ dàng cảm nhận một cách tự nhiên thái độ thù nghịch có chủ đích của đối phương, các cơ quan quốc phòng và an ninh ở các nước đã nhìn thấy thái độ lá mặt lá trái của ban lãnh đạo mới của Trung Quốc. Ít quốc gia láng giềng với TQ  tin vào việc quyết định  chính sách theo kiểu tìm cách phân biệt lập trường của nước này với nước kia, hay tìm kiếm một lập trường không xung đột với Trung Quốc.

Liệu có cách nào thoát khỏi cái vòng tự gây chấn thương này? Các quan chức Nhà Trắng cũng chưa giúp được gì khi họ lựa chọn sai động từ – “xoay trục” – để nói về chuyến công du châu Á của Tổng thống Obama mùa hè năm ngoái. Thuật ngữ thay thế của họ, “tái cân bằng “, cũng không làm thay đổi câu chuyện.

Nhưng “xoay trục” chỉ là nói xạo. Giống như các tiền nhiệm, chính quyền Obama tiếp tục xúc tiến triển khai quân Mỹ tại châu Á trong khi vun đắp các liên minh và đối tác. Trong từng trường hợp, lợi ích quốc gia đan xen cung cấp một thứ chất kết dính, hỗ trợ việc duy trì lợi ích tương đồng và cùng có lợi ở châu Á – Thái Bình Dương.

Hồi giữa những năm 2000 cả các nước lớn và nhỏ xung quanh Trung Quốc đều lặng lẽ cho thấy mong muốn Mỹ có một hành động cân bằng rõ ràng hơn. Trung Quốc làm như không biết điều này và họ tố cáo Washington hành động nhằm “kiềm chế” Trung Quốc. Trên thực tế, lập trường hiện nay của Trung Quốc đã gây ra phản ứng tìm đối trọng ở khắp khu vực, từ Ấn Độ tới Việt Nam và Nhật Bản. Ngược lại, “ chính sách ngoại giao nụ cười” hồi đầu của Bắc Kinh đã mang lại những điều thần kì cho Trung Quốc, chuẩn bị điều kiện cho Trung Quốc có được uy thế lớn hơn bao giờ hết trong khu vực.

Sự thay đổi này, bắt đầu diễn từ năm 2008 cũng gây trở ngại cho nhiều người Trung Quốc. Chúng tôi trước đó đã biết rằng nhiều nhân vật có ảnh hưởng ở Trung Quốc trong các cuộc trò chuyện riêng vẫn phàn nàn về ảnh hưởng quá lớn của các tư lệnh PLA. Họ không mấy tôn trọng Quân ủy Trung ương, nơi Tập Cận Bình có được chỗ dựa chủ lực.

Chúng tôi cũng biết một số quan chức lãnh đạo các công ty dầu lửa quốc gia (NOC), những người cũng thuộc hàng ngũ cấp cao của đảng Cộng sản. Trên phương diện kinh doanh thuần túy, nhiều người trong số đó nhận ra rằng tình hình căng thẳng sẽ làm gia tăng phí bảo hiểm hàng hải và làm nản nỗ lực thăm dò dầu khí và các khoáng sản khác ở tây Thái Bình Dương. Điều này khiến họ không hài lòng. Giống như các đối tác ở các công ty dầu khí quốc gia khác tại châu Á, họ cảm nhận sự gia tăng trong triển vọng thăm dò và sản xuất ở ngoài khơi.

Vậy thì tại sao Trung Quốc lại có thái độ ngỗ ngược như vậy? Chính sách quyết đoán của Trung Quốc đặt ra những câu hỏi cơ bản về những ý đồ sâu xa của nước này. Ví dụ như, phải chăng hành động hung hăng của Trung Quốc đang báo trước một học thuyết Monroe kiểu Trung Quốc ở Đông Á? Và phải chăng Bắc Kinh chẳng hề quan tâm đến câu chuyện là cách tiếp cận chủ quyền biển đảo của họ đang đi ngược hẳn lại với Công ước Luật Biển LHQ mà họ đã phê chuẩn?

Theo các tác giả, có lẽ Bắc Kinh là một cường quốc chủ trương “đòi lại” lãnh thổ hơn là xét lại, chủ yếu muốn đòi nợ cho những sự sỉ nhục và bẽ bàng mà họ phải chịu đựng trước đây. Song rốt cuộc trong 3 thập niên qua không một quốc gia nào được hưởng lợi từ hệ thống toàn cầu hóa hơn Trung Quốc….

Dù ra vẻ nghênh ngang, nhưng việc đưa ra tấm bản đồ đường 9 đoạn mơ hồ một cách cố ý và các hành động khác nhằm tìm kiếm lợi ích sau mấy thế kỉ tồi tệ, Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc thỏa thuận với các nước láng giềng đang hi vọng Mỹ vẫn là một cường quốc Thái Bình Dương trong một thời gian vô hạn định sắp tới. Bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh, chính các cường quốc châu Á khác cũng muốn Mỹ đến đây – không phải với tư cách là một nước bá quyền, mà là một nước làm đối trọng. Sau khi đánh mất vị thế gần như độc quyền ở Myanmar, Trung Quốc hiện chỉ còn 2 bạn bè gần gũi trong toàn cõi châu Á là Pakistan bất ổn và Bắc Triều Tiên khốn cùng.

Nếu như những hành động đe dọa thô bạo kiểu dân tộc chủ nghĩa gần đây được sử dụng như là liều thuốc bổ cho những sự yếu kém ở trong nước thì Bắc Kinh đang tự chuốc lấy những rắc rối thực sự. Một con đường tốt hơn vẫn còn để ngỏ: Trung Quốc có thể đạt được sự hiểu biết chung với Mỹ về chỗ đứng của mỗi nước ở châu Á và sau đó cùng Mỹ quản lý một hệ thống biển dựa trên luật lệ. Tuy nhiên, những động thái gần đây của Trung Quốc thay vào đó lại dựa trên một chính sách ngớ ngẩn tự loại mình ra bên lề, nó làm gia tăng sự nghi kị lẫn nhau với Mỹ và khiến cho khả năng đi đến cái đích đôi bên cùng có lợi càng thêm khó khăn.


 Tác giả bài viết, James Clad là Phụ Tá Trợ Lý Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ phụ trách Các vấn đề châu Á – Thái Bình Dương từ năm 2007 – 2009. Robert A. Manning là chuyên gia cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới