Saturday, November 23, 2024

Đường chân trời

BienDong.Net: “Ra biển nhìn quanh chỉ thấy nước và trời, và cuối tầm mắt là đường chân trời. Dù đi đến đâu trên biển, đường chân trời vẫn chạy vòng quanh ta. Hồi nào ở rừng nhà văn Nguyễn Tuân đã kêu lên vì bệnh “thiếu chân giời”. Giữa biển thì thấy là thừa chân giời, thừa thãi. Nhưng chúng tôi trên con tàu hải quân HQ 936 không phải đi theo, đi tìm những đường chân trời hư ảo, vô tận. Chúng tôi ra Trường Sa, nơi đó mỗi hòn đảo là một đường chân trời đến được”…

Đó là cảm nhận của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên khi ra với Trường Sa. Nhân dịp đầu Xuân, BDN trân trọng giới thiệu bài thơ của ông nhan đề đường chân trời, ghi lại những cảm xúc sâu xa về biển đảo quê hương, kèm theo ảnh minh họa của BienDong.Net.

Tôi nói cùng anh về đường chân trời

không phải giới hạn của mắt nhìn ra biển

không phải nơi xa vời chân đi không thể đến

không phải chốn bồng bềnh, hư ảo chân mây.

 

Đảo Song Tử Tây ( ảnh BienDong.Net )

Đường chân trời của tôi là Song Tử Tây

chỉ gần ngay bên nhưng Song Tử Đông cách biệt

là nấm mộ nhỏ nhoi trên Nam Yết

người lính trẻ quên mình cứu xuồng đảo trôi.

 

Viếng mộ liệt sĩ Trường Sa trên đảo Nam Yết ( ảnh BDN )

Đường chân trời tôi đi từ những tiếng cười

những ánh mắt của trẻ thơ trên đảo

từ hàng cây bão táp, phong ba chịu nhiều gió bão

vẫn xanh hết màu xanh cho đảo hóa quê nhà.


Tôi vạch đường chân trời qua những giàn DK

người và sóng lắc lư trên biển

những người lính lấy thân mình làm bến

cho neo đậu niềm tin ở giữa đất liền.

 

Nhà giàn DK trên thềm lục địa phía Nam của Tổ Quốc ( ảnh BienDong.Net )

Cho yên cả lòng mình nhớ vợ thương con

đường chân trời chạy qua bao số phận

người trên bờ mong trời yên biển lặng

người giữa khơi lo yên ổn ở nhà.

 

Chia tay Trường Sa trong nỗi nhớ ( ảnh BDN )

Tôi nói cùng anh từ quần đảo Trường Sa

đường chân trời xa ngoài trùng biển cả

đường chân trời gần trong vùng thương nhớ

suốt đời ta mang nợ những chân trời.

Phạm Xuân Nguyên

RELATED ARTICLES

Tin mới