Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc bắn cháy ca bin tàu cá Việt Nam

Trung Quốc bắn cháy ca bin tàu cá Việt Nam

BienDong.Net: Theo các nguồn tin từ Việt Nam, ngày 20.03, một chiếc tàu đánh cá của Việt Nam đang hoạt động tại vùng quần đảo Hoàng Sa đã bị tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy ca bin.

Bộ Ngoại giao Việt Nam tố cáo đây là hành động sai trái và vô nhân đạo, đe dọa tính mạng ngư dân Việt Nam”.

 

Ngư dân trên tàu Quảng Ngãi nói bị tàu TQ bắn cháy rụi cabin (Ảnh: Người Lao Động)

Ngày 25.03, trả lời báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nói rằng đây là một vụ việc hết sức nghiêm trọng”, vừa vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”, vừa “vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”, cũng như một số thỏa thuận song phương và khu vực mà Bắc Kinh đã ký kết.

Trong cuộc họp báo hôm 26.03.2013, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã thừa nhận sự cố liên quan đến chiếc tàu đánh cá Việt Nam hôm 20.03.2013, nhưng không chịu xác nhận thông tin tàu Trung Quốc đã bắn vào tàu Việt Nam. Hồng Lỗi cho rằng : « Việc có biện pháp chống lại tàu cá Việt Nam xâm nhập trái phép lãnh hải Trung Quốc là điều cần thiết và chính đáng », vì theo nhân vật nàyquần đảo Tây Sa (tên Trung Quốc đặt cho vùng Hoàng Sa mà họ chiếm từ tay Việt Nam từ năm 1974) là bộ phận không thể tách rời khỏi lãnh thố Trung Quốc“. 

Nhưng khi bị phóng viên của hãng tin Pháp AFP tại Bắc Kinh hỏi dồn về chi tiết chiếc tàu cá Việt Nam bị bắn cháy ca bin, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối xác nhận việc tàu Trung Quốc đã nổ súng vào tàu cá Việt Nam, mà nói lấp lửng là « chiếc tàu cá Việt Nam không hề bị thiệt hại vào lúc đó ».

Sau đó, theo Tân Hoa Xã, một sĩ quan Hải quân Trung Quốc giấu tên cũng phủ nhận việc nổ súng, nhưng cho rằng tàu Trung Quốc đã bắn hai quả pháo sáng về phía tàu cá Việt Nam để cảnh cáo, và hai quả pháo này đã tắt ở trên không.

Theo RFI, cách giải thích trên của quan chức Hải quân Trung Quốc là một cố gắng nữa để giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của sự cố mà Bắc Kinh gây nên.

Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Washington, Phó phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell cho biết Hoa Kỳ quan ngại trước các thông tin về sự cố xẩy ra đối với tàu đánh cá của Việt Nam và đang tìm kiếm thêm thông tin từ cả hai phía Bắc Kinh và Hà Nội.

Theo ông Ventrell, với tư cách một quốc gia Thái Bình Dương, Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, (bảo đảm) việc tôn trọng luật pháp quốc tế, quyền tự do hàng hải và thương mại hợp pháp mà không bị cản trở ở Biển Đông”.

Do vậy, theo ông Ventrell, Hoa Kỳ phản đối các hành động đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hay biện pháp thúc ép từ bất kỳ bên tranh chấp nào để thúc đẩy các yêu sách của mình ở Biển Đông.”

Đại diện Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng những vụ việc như thế này càng cho thấy nhu cầu phải có một bộ quy tắc ứng xử giữa các bên trong vấn đề Biển Đông.

Phát biểu trên báo quốc nội Lao Động, luật sư – tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao nguyên Phó Vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ cho rằng hành động của Trung Quốc thể hiện sự leo thang hết sức nguy hiểm, đó là bắt đầu dùng vũ lực trực tiếp xâm phạm các quyền, chủ quyền hợp pháp của VN trên vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa.

Đây không còn là sự đe dọa vũ lực nữa mà là sử dụng vũ lực trực tiếp- ông Giao nói. Xét trên tất cả các hành vi của TQ, có đủ căn cứ để khẳng định rằng TQ đang vi phạm một cách thô bạo luật pháp quốc tế.

Theo ông Giao, VN cần mềm dẻo nhưng cũng cần bản lĩnh và kiên quyết. Trước hết nhà nước phải có phương thức bảo vệ ngư dân, tăng cường các tàu kiểm ngư hiện đại ra biển, sát cánh để bảo vệ ngư dân. Ngoài ra, nhà nước cần có chế độ chính sách bảo hiểm cụ thể với ngư dân, bởi lẽ ngư dân không chỉ đánh bắt hải sản, mà họ còn đang làm nhiệm vụ tiền tiêu, bảo vệ chủ quyền.

Về phần mình, TS Hoàng Việt, nhà nghiên cứu Biển Đông nhận định: Các hành động nối tiếp của Trung Quốc đều cho thấy rằng đã được chỉ đạo, phối hợp rất chặt chẽ, nó thể hiện rõ mục đích phục vụ cho cái tham vọng của Trung Quốc.

“Chắc chắn Trung Quốc sẽ không dừng lại tham vọng đó” Ông Việt quả quyết. “Điều đó buộc Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực và trên thế giới muốn duy trì được hòa bình, ổn định cho an ninh trên Biển Đông thì phải có hành động mang tính thiết thực và cụ thể hơn để ngăn cản tham vọng của Trung Quốc”.

Ngư dân Việt Nam quyết bám biển giữ chủ quyền

Bất chấp hành động vũ lực của phía Trung Quốc, Ông Bùi Văn Phải ngư dân huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, cho biết sẽ tiếp tục đi biển sau khi cabin tàu của ông bị lực lượng Trung Quốc bắn cháy trên Biển Đông.

alt

Tàu cá Việt Nam trên Biển Đông ( Ảnh Internet )

Kể lại sự việc với phóng viên VOA, ông cho hay ông nghe thấy tất cả 6 tiếng súng nổ hôm 20.03.

“Lúc đầu, tôi nghe nổ bốn tiếng súng. Bốn phát đạn. Tôi không dừng. Tôi vẫn chạy máy. Hai phút sau tôi nghe thấy hai tiếng súng nữa. Sau đó chúng tôi thấy cabin bốc cháy”, ông nói.

“Lúc đó tôi mới dừng tàu lại để cùng anh em dập tắt ngọn lửa và giữ lá cờ tổ quốc của mình để nó không bị cháy. Trên tàu có bốn bình gas cho nên tôi chỉ biết cứu lửa và bảo vệ lá cờ thôi, không thì mấy bình gas nó nổ thì gây ra tai nạn với các anh em”.

Ông Phải cho hay, thiệt hại trong chuyến đi đánh bắt hải sản vừa qua lên tới hàng trăm triệu đồng.

Chủ tàu người tỉnh Quảng Ngãi còn nói thêm rằng ông đánh bắt tại ngư trường truyền thống của người dân Lý Sơn nhưng chuyến đi nào cũng bị ‘tàu Trung Quốc xua đuổi và lần này mới bị bắn cháy’.

Theo ông Phải, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nên việc ngư dân ra đó đánh bắt cá là hợp pháp.

Ông nói: “Biết là bên Trung Quốc sẽ gây khó khăn, nhưng mà vẫn phải tiếp tục ra khơi để mình giữ chủ quyền của mình và đồng thời yêu cầu nhà nước mình phải lên tiếng để giành lại chủ quyền, không để Trung Quốc xâm chiếm nữa”. 

Về việc người dân đi đánh bắt tại biển Đông bất chấp các cảnh báo từ phía Trung Quốc, ông Dương Nhật, Phó Chủ tịch xã An Hải, Huyện đảo Lý Sơn, nơi dân cư chủ yếu sinh sống bằng nghề chài lưới cho biết họ không có lựa chọn nào khác.

Ông đặt câu hỏi: “Nếu bọn tôi không ra vùng biển bọn tôi làm ăn thì làm sao bà con sống qua ngày?”

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam nói: Với ngư trường Hoàng Sa, ngư dân của mình vẫn kiên trì bám biển khai thác hải sản để đảm bảo cuộc sống, đồng thời bám biển cũng là khẳng định độc lập chủ quyền của mình trên biển, không ai có thể cản phá mình được”.

BDN ( tổng hợp theo RFI, VOA, Lao động, và SGTT )

RELATED ARTICLES

Tin mới