BienDong.Net: Ngày 27.04.2013, Trường Đại học Phạm Văn Đồng tại Quảng Ngãi đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – Những khía cạnh lịch sử và pháp lý”, với sự tham gia của hơn 50 đại biểu trong nước và quốc tế.
Qua một ngày làm việc với hai phiên thảo luận, đã có 13 tham luận trình bày tại hội thảo và hàng chục ý kiến trao đổi tập trung vào các vấn đề đang nổi lên hiện nay như cơ sở pháp lý để tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, những tuyên bố và động thái của phía Trung Quốc tại Biển Đông, việc Philippines kiện Trung Quốc tại Tòa án Trọng Tài quốc tế về luật biển, và những giải pháp để có thể đạt được hòa bình và ổn định tại khu vực Biển Đông.
Các đại biểu dự hội thảo (Ảnh BDN)
Tiến sỹ Nguyễn Nhã, một nhà nghiên cứu lâu năm về Hoàng Sa và Trường Sa khẳng định: Việt Nam đã “chiếm hữu thật sự mang tính nhà nước liên tục và hòa bình qua các thời đại” đối với các quần đảo này từ “những năm đầu thế kỷ XVII đến việc cho thủy quân đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền tại đó từ năm 1816”.
Ông Nhã cũng trích dẫn những chứng cứ khác nhau để xác quyết rằng chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là được quốc tế công nhận, đồng thời bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
“Nghị quyết 2625 ngày 24 tháng 10 năm 1970 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc quy định bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe dọa hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp” – ông nói.
Trong tham luận nhan đề “Thụ đắc lãnh thổ trong luật quốc tế – trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thạc sĩ Hoàng Việt cung cấp hệ thống các bằng chứng pháp lí, lịch sử cho thấy hai quần đảo này vốn thuộc về lãnh thổ Việt nam từ lâu đời, nhà nước VN đã chiếm hữu hai quần đảo này từ khi chúng chưa thuộc về bất cứ quốc gia nào và đã liên tục, thực sự thực hiện chủ quyền với danh nghĩa Nhà nước mà qua lịch sử mấy trăm năm không hề có một quốc gia nào lên tiếng phản đối. Dư luận quốc tế cũng mặc nhiên công nhận điều này. Các công ty nước ngoài, kể cả ở các nước nằm ngoài phạm vi Biển Đông, khi muốn đến khai thác một hòn đảo nào cùng phải xin phép nhà cầm quyền theo đúng thủ tục.
Đi vào phân tích ý đồ của Trung Quốc trong việc thành lập cái gọi là Thành phố Tam Sa, GS. TS Đỗ Tiến Sâm cho rằng đây là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm củng cố, hiện thực hóa các tuyên bố chủ quyền và thực hiện ý đồ kiểm soát, khống chế tiến tới độc chiếm Biển Đông. Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và trường Sa, không phù hợp với tập quán quốc tế và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông mà TQ là một thành viên tham gia kí kết.
Thăm tượng đài Đội Hoàng Sa (ảnh BDN)
Nhiều chuyên gia nước ngoài có mặt tại hội thảo bày tỏ sự đồng ý với quan điểm của Việt Nam về chủ quyền.
Giáo sư Jonathan London từ Đại học Hong Kong cho rằng quan điểm của Việt Nam về chủ quyền đối với Hoàng Sa – Trường Sa là “hoàn toàn hợp lý”.
Theo ông, “vấn đề hiện nay là Việt Nam cần nêu rõ cơ sở pháp lý để huy động sự hợp tác của quốc tế nhằm giúp Việt Nam cũng như cả khu vực ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông”.
Giáo sư sử học, chuyên gia các vấn đề đương đại của các nước Đông Nam Á – Viện hàn lâm Khoa học Nga, Dritri Valentinovich Mosyakov đánh giá việc Philippinnes kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế là biện pháp cấp tiến, là một chính sách cứng rắn.
Đại biểu Murray Hiebert, làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington nhận xét: trường hợp Philippines ghi nhận lần đầu tiên một nước có yêu sách đã tìm kiếm sự trợ giúp pháp lí để kiện các yêu sách của Trung Quốc.
Về vấn đề này, ông cho rằng ngoài Trung Quốc, các nước có yêu sách trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông nên có tiếng nói ủng hộ yêu cầu của Philippines là Tòa trọng tài của LHQ ra phán quyết đối với các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, trong khi các nước ĐNÁ có yêu sách chồng lấn trên Biển Đông với Trung quốc nên nâng hình thức trọng tài thành kiểu mẫu để có những bước đi ban đầu thông qua việc đệ trình lên LHQ trường hợp của mình để trọng tài giải quyết.
Nhìn nhận ở một phạm vi rộng lớn hơn, học giả Ấn Độ, TS Subhash Kapila cảnh báo: an ninh và ổn định ở Châu Á – TBD đang đứng trước nguy cơ lớn do chính sách tăng cường quân sự quá mức của Trung Quốc.
Sự nổi lên trở lại của các tranh chấp trên Biển Đông với những diễn biến căng thẳng là do chính sách hiếu chiến của Trung Quốc gây ra – ông nói.
Ông cũng cho rằng tranh chấp trên Biển Đông không còn là vấn đề giữa TQ và các nước ASEAN láng giềng mà còn mang tầm quốc tế. Nó cũng không chỉ là tranh chấp giữa Trung Quốc với ASEAN mà còn là Trung Quốc với Mỹ và cộng đồng quốc tế, những nước có lợi ích ở Biển Đông theo nghĩa là tuyến hàng hải này phải được sự dụng không bị sự hạn chế nào.
Ông cũng cảnh báo rằng tranh chấp Biển Đông dường như đang tạo ra một thời kì chiến tranh lạnh trên thế giới, lần này ở Châu Á – TBD do chính sách hiếu chiến của Trung Quốc, và tình hình Biển Đông do vậy sẽ ngày càng căng thẳng hơn.
Tại Hội thảo các đại biểu nhất trí cho rằng, hoà bình ổn định, bảo đảm tự do, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Các quốc gia ven Biển Đông cần tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển 1982, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực.
Thăm nơi neo đậu tàu cá của ngư dân Lý Sơn bị Trung Quốc bắn cháy (ảnh BDN)
Nhân dịp hội thảo, các đại biểu được mời dự một phần Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa 2013 diễn ra tại Đình làng An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn và tham quan các di tích lịch sử ở đảo Lý Sơn gắn liền với các hoạt động thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.