BienDong.Net: Ngày 5.5, Trung Quốc đã tiến hành đưa giàn khoan dầu khí Lệ Loan 3 – 1 từ cảng Thanh Đảo, thành phố Giao Châu ra Biển Đông.
Theo báo chí Trung Quốc Lệ Loan 3 – 1 là giàn khoan nước sâu lớn nhất Châu Á cho tới nay do Trung Quốc tự thiết kế thi công trong khoảng thời gian 21 tháng tại Thanh Đảo.
Giàn khoan Lệ Loan 3 – 1 của Trung Quốc
Theo chuyên gia Trung Quốc, với chiều cao 68 mét, gồm 4 tầng khung thép, dài 107 mét, rộng 77 mét, giàn khoan này cao tương đương một tòa nhà 18 tầng và có diện tích lớn hơn một sân bóng đá.
Giàn Lệ Loan có khả năng phân loại lọc dầu, khí đốt, loại bỏ nước và tạp chất ngay sau khi khoan hút từ dưới đáy biển, sau đó các thành phẩm được chuyển lên tàu chuyên dụng để chuyển vào đất liền.
Công trình khổng lồ này có 3 tầng làm chỗ ăn ở, sinh hoạt cho khoảng 120 người. Trên giàn còn có phòng truy cập Internet, thiết bị thu nhận tín hiệu vệ tinh và hệ thống xử lý nước thải cũng như thiết bị khử mặn nước biển.
Để kéo giàn khoan khổng lồ này, Trung Quốc phải sử dụng 9 con tàu kéo, di chuyên với tốc độ 3 đến 4 hải lý/giờ.
Theo báo chí Trung Quốc, sau 12 ngày giàn sẽ tới một mỏ khí thiên nhiên ở “một vùng nước sâu trên Biển Đông”, nhưng không cho biết vị trí cụ thể, và cuối tháng 9.2013 giàn sẽ bắt đầu hoạt động.
Trước đó, hôm 3/5, Trung Quốc thông báo chuẩn bị triển khai giàn khoan Dầu khí Hải dương 981 đến giếng dầu Lệ Loan 6 – 1 – 1 là khu vực nằm trong lòng chảo Châu Giang, tức khu bồn địa cửa sông Châu cách Hồng Kông khoảng 300 km, gần sát đảo Hải Nam và tương đối gần Philippines.
Hải dương 981 là giàn khoan kiểu nửa chìm hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000 m, độ sâu giếng khoan tối đa 12.000 m, và là giàn khoan cấp siêu sâu đầu tiên do Trung Quốc sản xuất (trên thế giới hiện chỉ có khoảng 20 giàn khoan hoạt động ở độ sâu 3.000 m).
Giàn khoan 981 dài 114 m, rộng 90 m, gồm năm tầng, cao 136 m được Trung Quốc mệnh danh là “Offshore Oil Aircraft Carrier – Hàng không mẫu hạm dầu mỏ”, đủ sức chống bão mạnh cấp 10.
Giàn khoan Dầu mỏ hải dương 981 của Trung Quốc. Ảnh: chnmilitary.com
Việc triển khai các giàn khoan nước sâu nằm trong mưu đồ của Trung Quốc độc chiếm tài nguyên Biển Đông, nơi Trung Quốc kì vọng có dự trữ dầu lớn chỉ sau vùng Vịnh mặc dù cơ quan thông tin năng lượng Hoa kì phủ nhận điều này.
Ngay từ đầu thế kỷ 21, Trung Quốc đã đẩy nhanh tốc độ thăm dò và khai thác dầu mỏ tại Biển Đông, phê chuẩn cho Tập đoàn Dầu mỏ Trung Quốc và Tập đoàn Hóa chất và dầu mỏ Trung Quốc (vốn chỉ khai thác dầu mỏ đất liền) thăm dò dầu mỏ Biển Đông. Tập đoàn Dầu mỏ Trung Quốc đang quản lý 20 khu vực dầu mỏ với diện tích 127.000 km2 trên Biển Đông. Tập đoàn Hóa chất và dầu mỏ Trung Quốc cũng quản lý hai khu vực trên vùng biển này.
Kế hoạch năm năm lần thứ 11 của Trung Quốc đã lên kế hoạch sản xuất sáu tàu thuộc năm chủng loại chuyên lắp đặt công trình dưới biển ở độ sâu 3.000 m nhằm tạo một hạm đội liên hợp với tổng vốn đầu tư khoảng 15 tỉ nhân dân tệ. Bước tiếp theo, ngành dầu mỏ Trung Quốc tiếp tục chế tạo một loạt giàn khoan hoạt động ở độ sâu 1.000 – 1.500 m, 2.000 m, 3.000 m đồng thời đẩy nhanh tốc độ phát triển hệ thống sản xuất dầu khí biển sâu phức tạp hơn.
Theo số liệu của ngành dầu mỏ Trung Quốc, sản lượng dầu mỏ Trung Quốc năm 2010 đã vượt ngưỡng 50 triệu tấn. Trung Quốc dự kiến đến năm 2020 sẽ duy trì ổn định sản lượng 50 triệu tấn/năm tại khu vực biển gần bờ và nâng sản lượng tại khu vực biển sâu đạt quy mô 40 – 50 triệu tấn/năm.
BDN (nguồn Petrotimes và phapluattp.vn)