Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNƯỚC MỸ CẦN CAN DỰ NHIỀU HƠN ĐỂ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ...

NƯỚC MỸ CẦN CAN DỰ NHIỀU HƠN ĐỂ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: “Kiểm soát căng thẳng tại Biển Đông” là chủ đề của Hội thảo quốc tế thường niên lần thứ ba về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) của Mỹ tổ chức vừa diễn ra tại thủ đô Washington D.C.

Kéo dài trong 2 ngày 5/6 và 6/6 và với sự góp mặt của khoảng 250 quan chức, học giả, nhà nghiên cứu hàng đầu về Biển Đông đến từ Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam, Philippines và Đài Loan…, Hội thảo đã phản ánh tầm quan trọng cũng như mối quan tâm của các học giả quốc tế và dư luận Mỹ về diễn biến tình hình Biển Đông hiện nay.

Các đại biểu đã đọc tham luận và cùng trao đổi xoay quanh các chủ đề như tầm quan trọng của Biển Đông; sự liên quan giữa tranh chấp ở Biển Đông và tình hình chính trị khu vực; những diễn biến gần đây ở Biển Đông; kiến nghị chính sách để thúc đẩy hợp tác trên Biển Đông…

Nếu bạn được tham dự Hội thảo bạn sẽ thấy, cũng giống như tại các hội thảo quốc tế về Biển Đông diễn ra tại Mỹ, Pháp, Australia, Singapore, Việt Nam hay Philippines… các đại biểu đều muốn lấy hội thảo làm diễn đàn để thể hiện quan điểm, lập luận phê phán tính ngang ngược, phi lý, phi lịch sử của cái yêu sách về “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông. Các đại biểu tiếp tục phân tích sự không rõ ràng cùng với đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc thể hiện trong” đường chín đoạn” của nước này. Các đại biểu chỉ rõ để hiện thực hóa yêu sách của mình, Trung Quốc chưa bao giờ không phải là nguyên nhân và tác nhân cơ bản gây ra những sự kiện căng thẳng liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với các nước khác trong khu vực.

Trước sự phê phán mạnh mẽ của các đại biểu tham dự Hội thảo, các học giả Trung Quốc chỉ chống đỡ yếu ớt và, như mọi lần vẫn tiếp tục không đưa ra được các cơ sở lịch sử hay luật pháp gì khả dĩ có thể chứng minh tính hợp lý của đường chín đoạn. Trước nhiều chất vấn của các học giả, nhất là học giả Mỹ, ông Ngô Sĩ Tồn, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông) của Trung Quốc chỉ nói bừa rằng “Trung Quốc duy trì đường chín đoạn là để đảm bảo hòa bình ở khu vực” và ngang nhiên tuyên bố Trung Quốc sẽ không bao giờ có ý định từ bỏ “đường chín đoạn”.

Hội thảo tại Washington lần này cho thấy sự tham gia rất tích cực và phát biểu rất thẳng thắn, khách quan của các học giả nổi tiếng của Mỹ về Biển Đông. Đáng chú ý là sự tham gia và phát biểu của ông Joseph Yun, quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á – TBD. Phát biểu của ông được dư luận coi là thể hiện quan điểm chính thức của chính phủ Mỹ về Biển Đông trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Obama.

Trong bài phát biểu của mình, ông Joseph Yun khẳng định sáu điểm quan trọng trong chính sách của Mỹ đối với tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Thứ nhất, Mỹ không nghiêng về bên nào trong các yêu sách và tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ. Thứ hai, các yêu sách chủ quyền phải phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật biển 1982. Ông Joseph Yun khẳng định: “Mọi tuyên bố chủ quyền phải phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng phải tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS). Điểm quan trọng trong vấn đề này đó là mọi tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông phải xuất phát từ cấu trúc đất liền. Bên tuyên bố chủ quyền phải xác định rõ được đòi hỏi chủ quyền của mình đối với các vùng biển và phải dựa trên cấu trúc đất liền”. Thứ ba, nước Mỹ có lợi ích to lớn từ cách thức giải quyết tranh chấp của các bên liên quan. Hai lợi ích cơ bản của Mỹ là tự do lưu thông hàng hải và quyền khai thác tài nguyên trên Biển Đông một cách hợp pháp. Thứ tư, Mỹ phản đối bất kỳ bên nào đe dọa, cưỡng bách hay sử dụng vũ lực trong tranh chấp ở Biển Đông và ủng hộ việc theo đuổi các biện pháp hòa bình như đàm phán ngoại giao, hòa giải với sự trợ giúp của bên thứ ba hoặc trọng tài quốc tế. Theo ông Joseph Yun, nếu một bên liên quan lựa chọn giải pháp trọng tài quốc tế thì bên tranh chấp chủ quyền không nên trả đũa bằng các biện pháp đe dọa, cưỡng bách. Thứ năm, Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì nguyên trạng và khuyến nghị các bên liên quan không nên có bất kỳ hành vi đơn phương nào làm thay đổi nguyên trạng. Thứ sáu, Mỹ khuyến khích các bên thúc đẩy tiến trình COC, coi đây là điểm mấu chốt mang lại giải pháp hòa bình cho các tranh chấp và ngăn chặn xung đột xảy ra ở Biển Đông. Ông Joseph Yun cho rằng COC phải có tính ràng buộc pháp lý chứ không phải là DOC phiên bản 2. Để COC có hiệu lực, tiến trình đàm phán COC, đến một lúc nào đó, cần mở cửa cho quan điểm bên ngoài bởi Biển Đông không chỉ là giữa Trung Quốc và ASEAN mà còn là sân chơi chung của toàn cầu.

Sáu điểm mà ông Joseph Yun, thay mặt chính phủ Mỹ, trình bày tại Hội thảo tuy vẫn là sự tiếp tục chính sách Biển Đông đã được xác lập trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Hilary Clinton nhưng cách tiếp cận và quan điểm của Mỹ đã được giải thích rõ hơn, cụ thể hơn và gần hơn với quan điểm của các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế hàng đầu về Biển Đông. Phát biểu của ông Joseph Yun đã gián tiếp đề cập đến Trung Quốc khi khẳng định Mỹ phản đối việc đe dọa, cưỡng bách và sử dụng vũ lực cũng như những đòi hỏi quá đáng về chủ quyền không dựa trên đặc điểm đất đai mà họ chiếm hữu.

Quan điểm của Mỹ được nhiều học giả tán đồng, tuy vậy nhiều học giả cho rằng Mỹ nên can dự tích cực hơn trong tranh chấp Biển Đông. Theo ý kiến của tác giả bài viết này, một số lý do khiến Mỹ cần can dự nhiều hơn để giải quyết vấn đế Biển Đông là:

Thứ nhất, Mỹ là nước có nhiều lợi ích thường mại, hàng hải tại khu vực này. Còn nhớ, Thượng nghị sỹ Joe Lieberman đã nói tại diễn đàn Đối thoại Shangri – La tháng 6 năm 2012 rằng khoảng 1,3 nghìn tỷ đôla hàng hóa của Mỹ đi qua khu vực này mỗi năm, và do vậy Mỹ cần quan tâm đặc biệt tới việc tìm giải pháp cho căng thẳng ở Biển Đông.

Thứ hai, Mỹ đã tuyên bố công khai với thế giới về chính sách tái cân bằng chiến lược, chuyển hướng sang Châu Á. Vì vậy, Mỹ cần phải cho thế giới thấy sự chuyển hướng chiến lược này là sự thực, đúng đắn, nhằm nâng cao vai trò của Mỹ ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, góp phần kiềm chế một Trung Quốc đang hung hăng và có nhiều tham vọng phi lý, gây ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh trong khu vực, và ảnh hưởng đến chính lợi ích của Mỹ.

Thứ ba, Mỹ có nhiều đồng minh chiến lược tại khu vực này như Thái Lan[1], Philippines[2],. Hàn quốc[3], Nhật Bản[4].. Trong số các đồng minh của Mỹ, không ít thì nhiều đều có những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc, và đang chịu thiệt thòi do bị Trung Quốc đe dọa, lấn lướt. Trong Hội thảo, một số học giả đặt vấn đề phải chăng đã đến lúc Mỹ cần cân nhắc về một khuôn khổ chiến lược hiệu quả hơn để gây sức ép buộc Trung Quốc hành xử phù hợp.

Thứ tư, có một thực tế là Trung Quốc luôn phớt lờ những quan điểm mà Mỹ đã nêu rõ như: duy trì nguyên trạng, không đe dọa cưỡng bách hoặc sử dụng vũ lực… Nước Mỹ cần hiểu rõ ảnh hưởng bất lợi đối với lợi ích của mình một khi Trung Quốc vẫn cố tình theo đuổi yêu sách “đường chín đoạn”, bởi như ông Gordon Chang, nhà phân tích tình hình Trung Quốc đã viết trong cuốn sách “Sự sụp đổ sắp diễn ra của Trung Quốc (The Coming Collapse of China): “đường chín đoạn là âm mưu chiếm đoạt lãnh thổ lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai”, và “yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển bên trong đường chín đoạn không nhất thiết là họ sẽ ngăn cấm hoạt động thương mại quốc tế ở Biển Đông, nhưng đó sẽ là bước kế tiếp”.

Ngay tại Hội thảo, các học giả Việt Nam đã phát biểu đồng tình với quan điểm ngày một rõ ràng hơn trong chính sách của Mỹ đối với Biển Đông. Tiến sĩ Trần Trường Thủy đến từ Học viện Ngoại giao Việt Nam cho rằng, Trung Quốc đang thống trị khu vực, gây ra sự lo ngại an ninh cho các nước ASEAN. Ông Thủy đã kêu gọi Mỹ cần thẳng thắn yêu cầu Trung Quốc dứt khoát phải hủy bỏ “đường 9 đoạn” phi lý.

Việt Nam hoan nghênh sự can dự nhiều hơn của Mỹ đối với Biển Đông với mục đích giữ cho vùng biển này được bình yên, phát triển thịnh vượng, luật pháp quốc tế dược tôn trọng. Điều đó không chỉ có lợi cho các nước trong khu vực mà còn có lợi cho Mỹ và các nước khác trên thế giới. Và đúng như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trong đối thoại Shangri – La 12 tại Singapore vừa qua “Không quốc gia nào trong khu vực phản đối can dự chiến lược của các nước ngoài khu vực nếu sự can dự đó nhằm tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển”./.



[1] Trong chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Thái Lan năm 2012 Mỹ đã khẳng định Thái Lan là một đồng minh lớn ngoài NATO của Mỹ, hai nước sẽ tăng cường mối quan hệ đồng minh quân sự trong thế kỷ 21, hai nước sẽ là đối tác của nhau trong việc đối phó với các mối đe dọa an ninh mới ở Đông Nam Á, ủng hộ và đề cao sự ổn định ở châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ sẽ giúp phát triển và hiện đại hóa quân đội Thái Lan.

[2] Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines ký năm 1951 vẫn được coi là nền tảng trong quan hệ an ninh

[3] Hai nước đang kỷ niệm 60 năm ký kết Hiệp ước bảo vệ lẫn nhau giữa Mỹ và Hàn Quốc.

[4] Năm 1951, hai bên ký hiệp ước an ninh đầu tiên. Đến năm 1960, Washington và Tokyo ký kết thêm Hiệp ước Hợp tác và An ninh song phương Mỹ – Nhật. Kể từ đây, liên minh giữa hai nước chính thức hình thành. Theo đó, Washington chịu trách nhiệm bảo vệ Tokyo. Đổi lại, Mỹ được phép mở căn cứ quân sự tại Nhật nhằm “duy trì hòa bình và an ninh ở vùng Viễn Đông”

RELATED ARTICLES

Tin mới