Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHỘI NGHỊ ARF SẮP TỚI VÀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

HỘI NGHỊ ARF SẮP TỚI VÀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Từ Hội nghị ARF 17 tại Hà Nội vấn đề Biển Đông đã được nổi lên như một chủ đề chính được rất nhiều nước quan tâm với 13/27 quốc gia nêu vấn đề Biển Đông trong phát biểu của mình, trong đó đáng chú ý là lần đầu tiên Ngoại trưởng Mỹ Hilarry Clinton đã đưa ra quan điểm khá mạnh mẽ trong vấn đề Biển Đông.

Năm 2011 tại Hội nghị ARF 18 đã có đến 18/27 nước tham dự Hội nghị phát biểu về vấn đề Biển Đông. Năm 2012, mặc dù nước Chủ nhà Campuchia nghe theo lời của Bắc Kinh cố tìm cách ngăn cản vấn đề Biển Đông tại các Hội nghị trong khuôn khổ ASEAN, nhưng vẫn có gần 20 nước phát biểu về vấn đề Biển Đông phê phán những hành động gây hấn của Trung Quốc (hư Trung Quốc đưa các tàu chấp pháp khống chế bãi cạn Scaborough; thành lập thành phố “Tam Sa”, thiết lập cơ quan chỉ huy quân sự tại “Tam Sa”; mời thầu bất hợp pháp 9 lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam…).

Với những diễn biến ở Biển Đông trong 1 năm qua có thể thấy rằng vấn đề Biển Đông sẽ tiếp tục trở thành tâm điểm của Hội nghị ARF 20 trong năm 2013 này vì một số lý do sau đây:

Một là, sau khi có Ban Lãnh đạo mới, Bắc Kinh tỏ ra cứng rắn hơn trên vấn đề biển đảo cả trong lời nói lẫn trên thực địa nhằm thực hiện mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành cường quốc biển. Điều này gây mối lo ngại không chỉ đối với các nước trong khu vực mà cả cộng đồng quốc tế. Do vậy, các nước sẽ phải lên tiếng để ngăn chặn “mối đe doạ” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hai là, Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 đã mở ra một cục diện mới cho đấu tranh pháp lý trên vấn đề Biển Đông. Mặc dù, Trung Quốc phản đối vụ kiện của Philippines và tìm mọi cách gây sức ép với Philippines song nhiều nước trong đó có Mỹ và Nghị viện Châu Âu đã lên tiếng ủng hộ việc làm chính đáng này của Philippines. Đến nay, Toà Trọng tài đã được thành lập bất chấp sự không hợp tác của Trung Quốc. Vấn đề này cũng đã được trao đổi sôi nổi tại một số hội nghị, hội thảo quốc tế gần đây, chẳng hạn như tại Hội thảo về các khía cạnh pháp lý trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông do Trung tâm Stimson của Mỹ tổ chức tại Thủ đô Washington DC Mỹ ngày 06/5/2013; Hội thảo do Trung tâm Stimson của Mỹ tổ chức Hội thảo quốc tế về Biển Đông với chủ đề “Kiểm soát căng thẳng tại Biển Đông” do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ tổ chức đã diễn ra tại thủ đô Oa – sinh – tơn trong hai ngày 5 và 6/6/2013 và kể cả tại Hội nghị Shangri – la 12 cuối tháng 5 đầu tháng 6 vừa qua. Do vậy, chắc chắn vụ kiện của Philippines sẽ được đề cập tại Hội nghị ARF 20 này.

Ba là, Trung Quốc tiếp tục trì hoãn đàm phán chính thức với ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với việc đề nghị trao đổi về COC ở kênh 2 giữa Nhóm các nhân vật nổi tiếng. Thực chất là không muốn có COC để Trung Quốc rảnh tay hoành hành phá vỡ nguyên trạng nhăm thiết lập một trật tự mới ở Biển Đông dưới sự khống chế của Trung Quốc. Điều này đã gây bất bình trong các nước ASEAN và cả các nước ngoài khu vực. Mỹ đã tỏ ra thất vọng vì trong 1 năm qua tiến trình xây dựng COC không có tiến triển. Do vậy, chắc chắn các nước sẽ lên tiếng yêu cầu Trung Quốc sớm đàm phán với ASEAN về COC.

Bốn là, Trung Quốc tiếp tục dùng mọi thủ đoạn để lôi kéo, vận động, phân hoá, chia rẽ các nước ASEAN trên vấn đề Biển Đông, thậm chí dùng vấn đề kinh tế để mua chuộc một số nước và gây sức ép với một số nước khác trong ASEAN. Các nước đã nhận rõ chính sách hai mặt này của Trung Quốc và thấy cần thiết phải có sự “đoàn kết” hơn trên vấn đề Biển Đông để ngăn chặn những hành động quá khích của Trung Quốc.

Năm là, Brunei Chủ tịch ASEAN mặc dù chịu sức ép lớn từ Trung Quốc nhưng là nước có lợi ích trong vấn đề Biển Đông. Brunei đã cố gắng tham vấn với các nước ASEAN để tìm tiếng nói chung giữa các nước ASEAN trên vấn đề Biển Đông, điều này thể hiện rõ qua các Hội nghị của ASEAN từ đầu năm đến nay. Quốc vương Brunei cũng đã nhiều lần tuyên bố vấn đề Biển Đông sẽ là một chủ đề của các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN trong năm Brunei là Chủ tịch ASEAN.

Với những nhân tố trên, có thể khẳng định rằng vấn đề Biển Đông sẽ được các nước thảo luận sôi nổi tại Hội nghị ARF sắp tới. Chắc chắn các nước Philippines, Mỹ, Nhật, Ấn Độ… sẽ tiếp tục phát biểu mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông tại ARF sắp tới.

Một số nhà phân tích đã đưa ra những dự báo:

– Philippines là nước bị Trung Quốc gây sức ép rất mạnh trên vấn đề Biển Đông trong thời gian vừa qua nên sẽ phải lên tiếng mạnh mẽ phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc tại khu vực bãi Cỏ Mây và nêu rõ tính chính nghĩa của Philippines trong việc khởi kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài.

– Hoa Kỳ trong 1 năm qua đã tỏ thái độ ngày càng rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn trên vấn đề Biển Đông. Gần đây nhất, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Joy Yun đã có phát biểu với lời lẽ khá mạnh tại Hội thảo quốc tế về vấn đề Biển Đông do CSIS tổ chức. Những nội dung chính trong phát biểu của ông Joy Yun và những vấn đề được Mỹ quan tâm lâu nay chắc chắn sẽ được Ngoại trưởng Mỹ nêu tại Hội nghị ARF sắp tới, cụ thể là Mỹ phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, yêu cầu các bên giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, không cưỡng bức, áp đặt; yêu cầu tôn trọng tự do hàng hải và quyền của các quốc gia ven biển trong khai thác tài nguyên phù hợp với luật pháp quốc tế; ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trong đó có việc sử dụng các cơ chế tài phán của Công ước Luật biển 1982; không bên nào được sử dụng các biện pháp đe dọa, gây sức ép hoặc trả đũa đối với bên đưa tranh chấp ra cơ quan tài phán quốc tế; đồng thời yêu cầu Trung Quốc cùng các nước ASEAN sớm tiến hành đàm phán chính thức về COC.

– Ấn Độ vừa qua đã tỏ rõ thái độ với Trung Quốc khi không chấp nhận đưa những nội dung về Biển Đông theo yêu cầu của Trung Quốc vào Tuyên bố chung giữa 2 nước trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ngày 11 tháng 5 năm 2013, phát biểu trước giới truyền thông về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ khẳng định: “Cần đảm bảo tự do hàng hải theo các công ước của Liên Hợp Quốc”. “Ấn Độ có lợi ích thương mại và mặc dù không phải một bên tranh chấp, nhưng Ấn Độ tin tưởng rằng các tranh chấp cần phải được giải quyết theo luật pháp của Liên Hợp Quốc”. Chắc chắn nội dung này sẽ tiếp tục được Ấn Độ đề cập tại Hội Nghị ARF 20 này.

– Tại Hội nghị Shangri – la 12 ở Singapore, Thủ tướng Việt Nam đã có phát biểu khá mạnh mẽ, ám chỉ các hành động đơn phương, cường quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và đưa ra thông điệp quan trọng về xây dựng lòng tin chiến lược. Thông điệp này chắc chắn sẽ tiếp tục được nêu ra thảo tại Hội nghị ARF sắp tới.

– Còn Nhật Bản bị Trung Quốc gây sự trong gần một năm qua xung quanh quần đảo Senkaku sẽ không chịu im lặng tại Hội nghị ARF tới đây. Do có lợi ích rất lớn trên tuyến đường hàng hải ở Biển Đông, Nhật Bản sẽ bày tỏ quan điểm theo những hướng coi trọng tự do và an ninh hàng hải; yêu cầu các nước liên quan có trách nhiệm trong việc duy trì các nguyên tắc cơ bản của tự do hàng hải và tuân thủ các quy định về hàng hải mà trung tâm là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển; ủng hộ các nỗ lực của ASEAN về việc xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông.

Tóm lại, trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, những người Lãnh đạo mới ở Bắc Kinh thi hành chính sách cứng rắn hơn trên vấn đề biển đảo, các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông với tần suất ngày càng nhiều phạm vi ngày càng rộng, quy mô ngày càng lớn, mức độ ngày càng nghiêm trọng thì chắc chắn vấn đề Biển Đông sẽ trở thành một vấn đề nóng được bàn thảo tại Hội nghị ARF 20 được tổ chức tại Brunei vào ngày 02/7/2013. Chúng ta cùng chờ xem.

 

 

 

 

 

RELATED ARTICLES

Tin mới