Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ tập trận chung với Philippines trên Biển Đông

Mỹ tập trận chung với Philippines trên Biển Đông

BienDong.Net: Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Biển Đông, từ 27.6, Philippines và Hoa Kỳ tiến hành cuộc tập trận kéo dài sáu ngày tại vùng biển gần bãi ngầm Scarborough.

Tham gia cuộc tập trận có tên là CARAT (Cooperation Afloat Readiness and Training) này có khu trục hạm mang tên lửa USS Fitzgerald và hai tàu chiến khác của Mỹ cùng các chiến hạm hàng đầu của Philippines và 1.000 binh sỹ của hai nước.

 alt

Hoa Kỳ và Philippines là đồng minh quân sự

Là đồng minh quân sự, Manila không giấu diếm hy vọng sẽ được Washington hậu thuẫn trong cuộc tranh chấp không cân sức của họ với Trung Quốc tại Biển Đông.

Phó phát ngôn viên Tổng thống Philippines Abigail Valte được hãng tin AFP dẫn lời nói: “Mục tiêu của các cuộc tập trận dạng này là tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa hai lực lượng vũ trang và hoàn thiện phản ứng chống khủng bố và an ninh hàng hải”.

Cuộc tập trận được mô tả là sự kiện hàng năm, nhưng năm nay nó diễn ra ở ngoài khơi phía tây đảo Luzon, đảo chính của Philippines, gần bãi ngầm Scarborough, một quần thể san hô vòng cách Luzon 230 km về phía đông và cách đất liền Trung Quốc khoảng 1.200 km.

Theo người phát ngôn Hải quân Philippines Gregory Fabic, một số hoạt động trong khuôn khổ cuộc tập trận lần này sẽ được tổ chức trong vùng biển giữa đảo Luzon và bãi Scarborough. Tuy nhiên, ông giải thích rằng mục đích tập trận “không phải để khiêu khích Trung Quốc”. Mặc dù vậy, hôm 27.6, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã ra thông cáo nhắc nhở Philippines và Hoa Kỳ không nên “làm căng thẳng thêm tình hình trong khu vực” trong khi nhấn mạnh rằng Bắc Kinh hy vọng các bên liên quan sẽ có hành động “góp phần giữ hòa bình và ổn định trong khu vực, chứ không phải là ngược lại”.

Được biết vài ngày trước cuộc tập trận này, phát biểu tại một hội nghị chuyên đề của Không quân năm 2013 tại thành phố Pasay, Vicente Agdamag, Phó tổng thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Philippines đã tố cáo 18 tàu Hải giám Trung Quốc đang xâm nhập trái phép “lãnh thổ Philippines”.

Điểm lại các hoạt động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông suốt từ năm 2011 trở lại đây, ông Agdamag cáo buộc Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát bãi ngầm Scarborough của Philippines từ tháng 4.2012, năm nay tiếp tục lặp lại “bài học Scarborough” ở Bãi Cỏ Mây nằm trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) hiện do Philippines kiểm soát.

alt

Tàu hải giám Trung Quốc

Vì lẽ trên, Phó Tổng Thư ký Hội đồng an ninh Quốc gia cho rằng Philippines cần tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm thêm 0,5% lên đến 1% GDP nhằm phát triển khả năng phòng thủ, bảo vệ lợi ích hàng hải của Philippines”.

Ngoài ra, theo ông Agdamag, Philippines “cần tăng cường quan hệ an ninh với đồng minh và các nước láng giềng, đặc biệt là Mỹ, khi Washington vẫn còn có thể ngăn chặn Trung Quốc, để tranh thủ thời gian cho Philippines phát triển khả năng quân sự”.

Tuy nhiên, ông khẳng định: “Philippines cần phải theo đuổi một mối quan hệ lành mạnh và thân thiện với Trung Quốc vì hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Năm 2012 Quốc hội Philippines đã thông qua ngân sách 1,8 tỷ đôla để hiện đại hóa quân đội trong 54 năm tới. Nước này cũng có kế hoac̣h trị giá 230 triệu đôla để xây căn cứ hải – không quân tại Vịnh Subic, nơi có căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ trước đây, mặc dù kế hoạch này còn phải được Tổng thống Benigno Aquino phê chuẩn.

Trong khi đó, theo RFI, Toà án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) đã chọn xong thẩm phán cuối cùng tham gia ủy ban đặc trách xem xét đơn kiện của Philippines về “đường lưỡi bò của Bắc Kinh. Đó là thẩm phán Thomas Mensah, người Ghana, sẽ trở thành một trong 5 thành viên thuộc tòa án trọng tài.

Ông Mensah, nguyên là thẩm phán của Toà án Quốc tế về Luật Biển từ năm 1996 đến năm 2005, được đề cử thay thế thẩm phán Chris Pinto, người Sri Lanka đã xin rút tên ra khỏi ủy ban trọng tài hồi tháng 05.2013, ít lâu sau khi được bổ nhiệm. Nguyên nhân khiến ông Pinto phải từ chức, đó là vì vợ ông là người Philippines.

Với việc chọn xong các thẩm phán, các cuộc điều trần trong khuôn khổ vụ kiện có thể bắt đầu, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

BDN (Nguồn: BBC, Đất Việt, NLĐ và GDVN)

RELATED ARTICLES

Tin mới