Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTìm hiểu Công ước UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa...

Tìm hiểu Công ước UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa dưới nước (PUCH)

BienDong.Net: Trước khi con tàu cổ tại vùng biển Bình Châu được khai quật, phương án được tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt là sau khi khai quật toàn bộ số cổ vật trên tàu đắm, sẽ trục vớt vỏ tàu đem về bảo quản, phục vụ nghiên cứu.

Thế nhưng, qua quá trình khai quật, số cổ vật thu được bên trong con tàu ít hơn con số dự kiến 40.000 món, ban khai quật (do TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi làm trưởng ban) đã họp và Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương (đơn vị trúng thầu khai quật) có kiến nghị không khai quật xác con tàu đắm nữa, mà chỉ bảo tồn tại chỗ nhằm phục vụ, phát triển du lịch văn hóa biển.

Đề xuất này đã vấp phải một số ý kiến phản đối. Một chuyên gia trong đoàn khai quật cho rằng kiến nghị bảo tồn tại chỗ chẳng khác nào vứt bỏ con tàu có niên đại quí hiếm bởi khi khai quật lên cũng đồng nghĩa với việc thay đổi những yếu tố hóa lí hàng trăm năm như lớp cát, độ dày của lớp cát hay độ mặn và các vi khoáng trong nước biển thay đổi… Lấp xuống lại mà không có biện pháp ngâm tẩm đúng cách sẽ khiến xác con tàu bị ảnh hưởng. Đó là chưa kể nếu để nguyên tại chỗ làm du lịch thì con tàu sẽ bị hư hại nhanh hơn.

Cuộc tranh luận dường như liên quan đến vấn đề di sản văn hóa dưới nước, và cách ứng xử với loại di sản này.

Đáy biển ẩn chứa một kho báu đồ sộ

Di sản văn hoá dưới nước là di sản văn hoá vật thể đang ở dưới nước có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học bao gồm: các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; các di tích, công trình xây dựng, địa điểm; di tích cổ nhân, cổ sinh vật có liên quan đến nguồn gốc của loài người, đã được con người sử dụng cùng với hiện trường tự nhiên và khảo cổ học xung quanh chúng.

Đại dương thế giới là kho di sản văn hóa vô giá của nhân loại. Lòng nước đại dương lưu giữ xác hơn ba triệu con tàu đắm, hàng trăm đô thị chìm trong nước, các di tích lịch sử và văn hóa, trong đó có tàn tích của hải đăng Alexandria, được biết đến như kỳ quan thế giới thứ bảy; cung

điện Cleopatra ở Ai Cập; một phần của Carthage cổ đại ở Tunisia và toàn bộ Port Royal ở Jamaica, bị chìm sau trận động đất năm 1692.

alt

Ngày 14.4.2012, đúng 100 năm sau khi bị đắm, xác tàu Titanic đã được công nhận là di sản văn hóa dưới nước. Ảnh: RIA

Tuy nhiên, nguy cơ đe dọa di sản văn hóa dưới nước ngày càng nghiêm trọng. Sự xuất hiện của công nghệ thăm dò dưới nước hiện đại vô hình trung tạo điều kiện cho giới thợ săn lùng sục, càn quét các kho báu dưới đáy biển. Hoạt động buôn bán báu vật tìm thấy trong các tàu đắm và chủ thể bị ngập nước hiện là ngành kinh doanh cực kỳ có lãi, trong khi ấy một phần các di tích có giá trị văn hóa bị tổn thất, hoặc thậm chí hủy hoại hoàn toàn. Từ năm 1990, các nhà khảo cổ học Israel đã kết luận rằng hơn 60% các chủ thể văn hóa hiện hữu trong lãnh hải Israel đã bị khai thác và phân tán khắp thế giới, mặc dù không hề thấy dấu vết của chúng trong những bộ sưu tập xã hội.

Chính vì vậy, tháng 11.2001, Công ước UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa dưới nước (PUCH) cuối cùng đã được phê chuẩn nhưng chỉ thực sự có hiệu lực vào năm 2009 khi quốc gia thứ 20 là đảo quốc Barbados thuộc vùng Caribe phê chuẩn nó. Công ước được soạn thảo nhằm bổ sung cho Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc. Tổ chức UNESCO kêu gọi các nước tham gia Công ước năm 2001 đoàn kết chấm dứt nạn cướp bóc di sản văn hóa dưới nước, và tăng cường bảo vệ pháp lý cho những phát hiện khảo cổ dưới đại dương.

Công ước tuyên bố bảo vệ “tất cả các vết tích sự tồn tại của con người, mang tính chất văn hóa, lịch sử hay khảo cổ, một phần hoặc hoàn toàn, thường xuyên hoặc vĩnh viễn nằm dưới nước trong ít nhất 100 năm”. Văn kiện kêu gọi bảo vệ di tích tại chỗ và không cho phép chúng trở thành con mồi của những kẻ tìm kiếm kho báu. Công ước không giải quyết vấn đề quyền sở hữu các di sản dưới nước cũng như động chạm tới yếu tố chủ quyền của các quốc gia.

Tuy nhiên, hơn 10 năm đã trôi qua mà Công ước vẫn chưa nhận được sự phê chuẩn của số cường quốc hàng hải như Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc hay Mỹ, và giới khảo cổ theo đuổi mục đích thương mại vẫn tiếp tục định vị xác tàu đắm dưới đại dương để kinh doanh. Người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh cho biết những cuộc bàn cãi về Công ước vẫn đang tiếp tục trong chính giới nước này, song việc phê chuẩn chưa được coi là ưu tiên. Còn Robert York, Chủ tịch Ủy ban Chính sách về khảo cổ biển phối hợp (JNAPC), lập luận rằng lý do thực sự mà chính quyền Anh – đặc biệt là Bộ Quốc phòng Anh – không phê chuẩn công ước PUCH là vì những lo ngại liên quan đến những tàu chiến nước này bị chìm trên khắp thế giới. Bởi vì theo luật về di sản quân đội của Anh năm 1986, nhiều tàu chiến của Anh trên thế giới được bảo vệ, bao gồm những con tàu bị đắm trong các cuộc xung đột cũng như những còn tàu ngầm của Đức chìm trong vùng biển của Anh.


 

Xác tàu Mary Rose được vớt năm 1982 ở biển Solent đang trưng bày trong một nhà bảo tàng biển mới.

Tháng 9/2011, Bộ Giao thông Tây Ban Nha thông báo ký kết một thỏa thuận với Tổ chức Khai thác biển Odyssey (OMR) để trục vớt 200 tấn bạc trị giá 150 triệu bảng Anh từ chiếc tàu SS Gairsoppa bị tàu ngầm Đức đánh chìm năm 1941. Chính quyền Anh được nhận 20% giá trị của di sản mà Odyssey khám phá, nhưng UNESCO tuyên bố thỏa thuận này đã vi phạm tinh thần Công ước PUCH.

Tháng 9/2011, Hiệp hội Hải quân Châu Âu (ENA) đã lên tiếng phản đối việc các công ty cứu đắm Hà Lan xâm phạm xác 3 chiếc tàu chiến Anh bị trúng ngư lôi ngoài khơi Hà Lan năm 1914 để tìm kiếm kim loại quí.

Mặc dù vậy cũng có một số xác tàu thời chiến tranh được bảo vệ. Ví dụ, mới đây Cơ quan Hàng hải Ba Lan đã lập khu vực cấm lặn 500m xung quanh xác tàu Wilhelm Gustloff bị chìm ở biển Baltic tháng 1/1945. Chiếc tàu chở 10.000 người Đức tị nạn từ mặt trận phía đông bị đắm và chỉ có 500 người sống sót. Năm 2006, một nhóm thợ lặn Australila xác định được vị trí xác tàu ngầm mini M24 của Nhật Bản ở ngoài khơi Sydney. Tàu chìm sau khi tham gia cuộc tấn công hải cảng Sydney năm 1942. Hiện chính quyền Australia đã lập vùng cấm lặn 500m tương tự như Ba Lan quanh xác tàu, được giám sát bằng thiết bị nghe dưới nước và bất cứ ai vi phạm sẽ bị phạt đến 725.587 bảng Anh (khoảng 1,1 triệu USD).

Nhưng nếu các xác tàu và phế tích dưới biển vẫn cứ hấp dẫn mọi người thì cách nào tốt nhất để thỏa mãn sự tò mò của công chúng? Năm 1982, tàu chỉ huy Mary Rose của Vua Henry VIII – Anh được vớt lên từ lòng biển Solent và năm sau nhà bảo tàng trị giá 35 triệu bảng Anh đã mở cửa đón công chúng ở thị trấn Portsmouth miền Nam nước Anh. Giáo sư John Adams, lãnh đạo Khoa Khảo cổ biển Đại học Southampton nhận định đây là dự án bảo tồn và nghiên cứu thành công và nhà bảo tàng này nằm trong số những nhà bảo tàng biển nổi tiếng nhất thế giới thu hút trên 300.000 du khách mỗi năm. Ở Cộng hòa Dominicana, một nhà bảo tàng tại chỗ dưới nước được thành lập quanh xác 2 chiếc tàu buồm cổ xưa của người Tây Ban Nha bị chìm trong cơn bão năm 1724.

Nỗ lực của Việt Nam

Năm 2005, Chính phủ VN đã ban hành Nghị định về quản lý và bảo vệ di sản dưới nước, trong đó khuyến khích việc hợp tác, học tập và trao đổi kinh nghiệm quản lý với các cá nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực quản lý bảo vệ di sản văn hóa dưới nước. Song song đó, Nghị định khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học tiên tiến trong công tác bảo vệ, bảo quản di sản văn hóa dưới nước. Nghị định gồm 7 chương, 44 điều, nêu rõ Nhà nước công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hóa dưới nước. Mọi hành vi thăm dò, khai quật, mua bán, vận chuyển trái phép di sản văn hóa dưới nước, tự ý tìm kiếm, trục vớt làm sai lệch hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa dưới nước, lợi dụng hoạt động nghiên cứu, thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, gây thiệt hại đến tài nguyên, môi trường, sức khỏe con người đều bị xử lý theo pháp luật.

Mặc dù ra đời được 8 năm nay nhưng từ sự việc ngư dân tranh cướp cổ vật tại con tàu đắm ở Bình Châu, Quảng Ngãi thời gian gần đây đã lộ ra sự bất cập của việc quản lý, bảo vệ di sản văn hoá dưới nước, đặc biệt là khảo cổ học dưới nước. Đến nay, cả nước chỉ có một cơ quan duy nhất có thể hoạt động khảo cổ học dưới nước (theo cách không chính danh) là Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Tuy nhiên, hạn chế ở chỗ chuyên gia biết làm khảo cổ nhiều người không biết lặn, còn thợ lặn thì lại thiếu hiểu biết về khảo cổ. Làm thế nào để xây dựng được một đội ngũ các nhà khảo cổ dưới nước là trăn trở của nhiều nhà khảo cổ. PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ Việt Nam thừa nhận: “Đến bây giờ, khảo cổ học dưới nước của Việt Nam vẫn là con số 0: không chuyên gia, không thiết bị, không kinh phí. Việc ngư dân ồ ạt mò vớt cổ vật trên con tàu đắm Bình Châu ở Quảng Ngãi rồi người dân tự mò vớt được 2 khẩu súng thần công lớn cho thấy tiềm năng to lớn của khảo cổ học dưới nước. Nhưng, nó cũng gióng lên tiếng chuông cảnh báo về việc bảo vệ các di tích, cổ vật ở dưới nước. Điều này cũng nhắc nhở các cấp quản lý, các nhà khoa học phải chú ý mạnh mẽ hơn nữa tới công tác quy hoạch khảo cổ học… ”.

BDN (Nguồn: Báo Văn Hóa, NLO và VnMedia)

RELATED ARTICLES

Tin mới