Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTokyo và kế hoạch quốc hữu hóa 400 hòn đảo ngoài biển...

Tokyo và kế hoạch quốc hữu hóa 400 hòn đảo ngoài biển xa

BienDong.Net: Trong hành động nhằm củng cố đòi hỏi lãnh thổ của mình, Nhật Bản có thể quốc hữu hóa toàn bộ các đảo chưa có chủ nằm rải rác bên rìa vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền để bảo đảm sự kiểm soát đối với tài nguyên thiên nhiên trong vùng.

Báo chí Nhật Bản hôm 15.7 dẫn nguồn không nêu tên cho biết chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ lập một hội đồng liên ngành để tìm hiểu về các chủ sở hữu và tên của khoảng 400 hòn đảo xa bờ Nhật Bản đồng thời thu thập các số liệu về môi trường và một số lĩnh vực khác.

 

Các nhà hoạt động Nhật đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 8/2012

Các hòn đảo nằm ngoài rìa Nhật Bản được sử dụng làm căn cứ xác định giới hạn lãnh hải của Nhật và chính phủ quyết tâm gia tăng sự bảo vệ đối với các khu vực này trước các hoạt động hàng hải diễn ra liên tục của Trung Quốc trong thời gian gần đây gần lãnh hải Nhật Bản.

Với việc lập ra một hội đồng bao gồm các quan chức từ Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp, cũng như đại diện của lực lượng tuần duyên nhằm phối hợp với các bộ ngành liên quan, chính phủ sẽ tiến hành khảo sát 400 hòn đảo này, một nửa trong số đó còn chưa có tên.

Kyodo cho biết Hội đồng này sẽ được thành lập sau cuộc bầu cử Thượng viện ngày 21.7 và dự kiến kế hoạch sẽ hoàn tất vào năm tới.

Năm 2012 Nhật Bản đã hoàn tất quá trình đặt tên cho toàn bộ 99 hòn đảo được sử dụng để xác định vùng kinh tế đặc quyền 200 dặm của nước này.

Tranh chấp lãnh thổ liên quan đến chuỗi đảo Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư đã bùng phát hồi tháng 9 năm ngoái khi Tokyo quốc hữu hóa ba trong số các đảo này trong hành động được giải thích rằng chỉ là sự thay đổi mang tính hành chính về quyền sở hữu đối với các đảo.

Căng thẳng liên tục gia tăng giữa Trung Quốc và Nhật Bản khi Tokyo tố cáo Bắc Kinh thường xuyên cho tàu công vụ đi vào vùng biển mà Nhật Tuyên bố là của họ để thực hiện yêu sách đòi chủ quyền đối với chuỗi đảo không người ở đang nằm dưới sự kiểm soát của Tokyo ở biển Hoa Đông.

Trung Quốc còn tranh chấp với Nhật Bản liên quan đến chủ quyền đối với kinotorishima, một bãi san hô nhỏ cách Tokyo 1.700 km về phía Nam và lập luận rằng bãi san hô này không thể coi là một đảo theo Công ước LHQ về Luật Biển.

 

Tàu Trung Quốc và tàu Nhật Bản “đối mặt” gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

Phản ứng trước hành động của Nhật Bản, Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc dẫn lời Wu Hui, chuyên gia về Luật Quốc tế tại Đại học Quan hệ quốc tế ở Bắc Kinh nói nếu như một số trong những hòn đảo này nằm trong phạm vi tranh chấp quốc tế về lãnh hải thì một số nước có thể có phản đối mạnh mẽ.

Hơn nữa, việc đơn phương quốc hữu hóa các đảo sẽ đặt ra vấn đề về tính hợp pháp của hành động này. Ông Wu cũng cho rằng việc quốc hữu hóa các đảo xa gây tranh cãi là một phần trong tiến trình chuẩn bị về mặt pháp lí của Tokyo để tiếp tục đưa ra các đòi hỏi khác về lãnh thổ.

Việc Tokyo tiến hành mua 3 hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư từ chủ sở hữu cá nhân người Nhật theo kế hoạch nhằm quốc hữu hóa nhóm đảo này đã khiến cho tranh chấp Nhật – Trung nóng hơn bao giờ hết.

Ngoài ra, mối quan hệ kinh tế giữa hai cường quốc cũng chuyển từ đối tác trở thành nghi kỵ do tranh chấp và có thời điểm, Trung Quốc gần như từ chối thương mại với Nhật Bản.

Không riêng gì Trung Quốc, Nhật Bản gần như có tranh chấp với tất cả các quốc gia láng giềng về vấn đề biển đảo, trong đó có đảo Takeshima/Dokdo tranh chấp với Hàn Quốc, mà Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản công bố hồi đầu tháng 7 khẳng định thuộc chủ quyền không thể chối bỏ của Nhật và điều này đã khiến Hàn Quốc nổi giận.

Nhật Bản đang đứng trước nhiều nguy cơ, trong đó có mối đe dọa tên lửa Triều Tiên và nguy cơ xung đột biển đảo với Trung Quốc. Một số nhà phân tích cho rằng những động thái khẳng định chủ quyền quá cứng rắn và đơn phương của Nhật sẽ đẩy quốc gia này đi vào thế bị cô lập về biển đảo, không khác gì tình cảnh của Trung Quốc hiện tại.

Ở phía bắc, đã hơn nửa thế kỷ, Nhật Bản và Nga không thể ký hiệp ước hòa bình khi không giải quyết được tranh chấp chủ quyền đối với nhóm 4 hòn đảo nằm giữa đảo Hokkaido phía bắc của Nhật Bản và bán đảo Kamchatka của Nga. Cuộc tranh chấp lãnh thổ này khiến Nhật và Nga luôn trong trạng thái không thể đạt được những thỏa thuận ngoại giao một cách êm thấm.

BDN (theo Kyodo, China Daily và Đất Việt)

RELATED ARTICLES

Tin mới