Monday, December 30, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ phản đối đe dọa và sử dụng vũ lực tại Biển...

Mỹ phản đối đe dọa và sử dụng vũ lực tại Biển Đông và Biển Hoa Đông

BienDong.Net: Hôm 29.7, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua nghị quyết lên án việc sử dụng vũ lực để xác lập tuyên bố chủ quyền tại những khu vực tranh chấp trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Nghị quyết lưu ý việc các tàu công vụ Trung Quốc gia tăng hoạt động tại gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật và ở những khu vực khác trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.

“Thượng viện lên án các hành động ép buộc, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực bằng sức mạnh hải quân, đội an ninh hàng hải, hoặc các tàu cá và máy bay quân sự hay dân sự trên Biển Đông và biển Hoa Đông để khẳng định yêu sách lãnh thổ hay muốn thay đổi hiện trạng” – Kyodo trích nghị quyết của Thượng viện Mỹ.

alt 

Tàu hải giám Trung Quốc chạy gần các tàu tuần duyên Nhật tại vùng biển Senkaku/Điếu Ngư (REUTERS/Kyodo)

Thúc giục Trung Quốc phải kiềm chế, Nghị quyết khẳng định Mỹ chống lại mọi hành động đơn phương tại quần đảo Senkaku hiện do Tokyo kiểm soát ở biển Hoa Đông.

Việc Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết cảnh báo Bắc Kinh diễn ra giữa lúc tàu Trung Quốc, kể cả tàu thuộc « hạm đội tuần duyên » có vũ trang vừa được thành lập, tiếp tục đi vào vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư. Theo Kyodo, nghị quyết khẳng định Mỹ có “lợi ích quốc gia trong việc những tàu thuyền, máy bay được tự do đi lại trên vùng biển Châu Á – Thái Bình Dương”. Nghị quyết cũng bày tỏ ủng hộ đối với việc xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông, thúc giục mọi quốc gia hỗ trợ nỗ lực của khối ASEAN trong vấn đề này.

Mối quan tâm chiến lược của Mỹ đối với khu vực cũng thể hiện qua chuyến thăm Ấn Độ và Singapore từ 22 đến 27.7 của phó Tổng thống Mỹ Joe Biden mà Nhà Trắng nói rằng nhằm khẳng định lại quyết tâm xoay trục sang Châu Á – Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Barack Obama.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, ông Biden đã bày tỏ cam kết của Tổng thống Barack Obama và cá nhân ông trong việc mở rộng quan hệ Mỹ – Ấn, đồng thời nhấn mạnh rằng chính sách hướng Đông của Ấn Độ sẽ bổ sung cho chính sách “tái cân bằng ở Châu Á – Thái Bình Dương” của Mỹ.

Tại Singapore, ông Biden kêu gọi các bên từ bỏ những lời đe dọa hiếu chiến ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, và sớm đồng thuận về các quy tắc để ngăn chặn xung đột.

“Chúng tôi đều bày tỏ quan ngại về căng thẳng gia tăng trên Biển Đông”, Biden nói sau khi gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. “Mỹ kêu gọi tất cả các bên từ bỏ sự cưỡng ép, hăm dọa và đe dọa sử dụng vũ lực”, ông Biden cho biết và hối thúc các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng Trung Quốc nhanh chóng đạt thỏa thuận về quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Ngoài các cuộc họp với lãnh đạo Singapore, ông Biden cũng đã thảo luận với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người cũng đến thăm Singapore, trong chuyến công du Đông Nam Á. Phó Tổng thống Mỹ cho biết hai nhà lãnh đạo chia sẻ quan điểm rằng liên minh Mỹ – Nhật đóng vai trò trung tâm trong hòa bình và ổn định khu vực. “Phó Tổng thống tái khẳng định lập trường của Mỹ đối với biển Hoa Đông, trong đó có những cam kết với đồng minh của chúng tôi”, phía Mỹ tuyên bố sau cuộc gặp. Ông Biden cũng nhấn mạnh quan điểm của Mỹ rằng tất cả các bên nên có những bước tiến để giảm căng thẳng.

alt 

Phó TT Joe Biden phát biểu với các binh sĩ trên chiến hạm USS Freedom có tốc độ chạy nhanh nhất hiện nay với khoảng 42 hải lý/giờ.

Ngày 27.7, phát biểu trước các binh sĩ trên tàu USS Freedom của Mỹ được triển khai tới Singapore và khu vực xung quanh trong vòng 8 tháng để thể hiện sự “xoay trục” chiến lược của Washington tới Châu Á, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng Mỹ là cường quốc Thái Bình Dương, rằng sự hiện diện của Mỹ giúp các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tập trung phát triển kinh tế, đồng thời ông cũng ca ngợi những nỗ lực của Washington nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với các nước Đông Nam Á trên Biển Đông và với Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Nhóm 10 nước ASEAN đã hối thúc Trung Quốc đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử nhằm tránh xung đột trên biển, nhưng Bắc Kinh tuyên bố muốn giải quyết riêng với từng quốc gia tuyên bố chủ quyền. Washington khẳng định không đứng về bên nào trong các tranh chấp, nhưng nhấn mạnh Mỹ có lợi ích trong việc bảo đảm tự do hàng hải trên vùng biển có nhiều tuyến hàng hải quan trọng này.

BDN (tổng hợp)

RELATED ARTICLES

Tin mới