Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông vẫn nóng trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc

Biển Đông vẫn nóng trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc

BienDong.Net: Diễn đàn Cấp cao kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN – Trung Quốc (2003 – 2013) đã được tổ chức hôm 2.8 tại Thái Lan với sự tham dự của các quan chức cao cấp, học giả và nhà nghiên cứu của các nước ASEAN và Trung Quốc.

Trên cơ sở những tiến triển đạt được trong thực hiện Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông, các đại biểu hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc sẽ tham vấn về Bộ Quy tắc Ửng xử ở Biển Đông vào tháng 9, và mong hai bên sớm đạt được thỏa thuận về vấn đề này.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovijakchaikul đã ca ngợi mối quan hệ “gần gũi, mật thiết” giữa ASEAN với Trung Quốc và cho biết, ông trông đợi hai bên sẽ hợp tác với nhau nhiều hơn nữa trong tương lai.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc, với thương mại hai chiều đạt 400 tỷ USD năm 2012, hướng tới mục tiêu 500 tỉ USD vào năm 2015.

Về vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa một số thành viên ASEAN với Trung Quốc, ông Surapong kêu gọi các bên cùng làm việc để hướng tới xây dựng hòa bình và ổn định cho khu vực.

“Chúng ta không nên để vấn đề này là trở ngại gây căng thẳng quan hệ ASEAN – Trung Quốc. Chúng ta cần phải biến một vùng biển không ổn định và thiếu tin tưởng lẫn nhau thành một vùng biển của sự hợp tác và chia sẻ lợi ích”.

 

Biển Đông không yên ả do tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc (ảnh minh họa)

Theo Ngoại trưởng Thái Lan, “có nhiều khả năng ” sẽ đạt được được tiến bộ cụ thể trong việc thiết lập được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Brunei vào tháng 10 tới.

Mọi diễn biến cho thấy Biển Đông vẫn là một đề tài nóng bỏng trong chương trình nghị sự của ASEAN – Trung Quốc. Trong cuộc gặp với ông Surukiat Sathirathai, Chủ tịch Hội đồng Hòa giải Hòa bình Châu Á và cũng là cựu Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan, ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tham dự diễn đàn đã đưa ra đề xuất về 3 hướng giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gia tăng giữa Trung Quốc với một loạt các nước láng giềng ở Biển Đông.

Hướng đầu tiên theo ông Vương Nghị, là tiến tới thỏa thuận thông qua tham vấn và đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp. Theo Ngoại trưởng Trung Quốc, đây là biện pháp căn bản và là phương cách duy nhất dẫn đến giải pháp dứt điểm cho vấn đề Biển Đông.

Hướng thứ hai, theo Ngoại trưởng Trung Quốc, là tiếp tục thực thi Bản Tuyên bố Ứng xử trên Biển Đông DOC đồng thời từng bước thúc đẩy các cuộc thảo luận về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông COC.

Hướng thứ ba được Trung Quốc đưa ra là tìm kiếm các cách thức để tiến hành khai thác chung ở Biển Đông. Ông Vương Nghị cho rằng, sẽ mất nhiều thời gian để tìm kiếm được một giải pháp cuối cùng cho các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Vì thế, trước khi có được giải pháp này, các bên có liên quan nên cùng tìm kiếm các cách thức để cùng khai thác trên cơ sở các bên cùng có lợi và vì lợi ích chung.

Ông Vương Nghị còn nhấn mạnh, Trung Quốc luôn ủng hộ giải quyết các cuộc tranh chấp thông qua đàm phán trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế.

Theo các nhà quan sát, ba hướng kể trên chỉ thể hiện quan điểm cố hữu của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Về hướng thứ nhất, đó là chủ trương xuyên suốt của Bắc Kinh, chỉ muốn giải quyết các tranh chấp một cách song phương với từng nước nhỏ hơn mình, để dễ dàng dùng thế nước lớn gây sức ép.

Về nhu cầu thực thi DOC và từng bước tiến tới COC, ông Vương Nghị công khai cho rằng đó không phải là giải pháp cho việc giải quyết dứt điểm tranh chấp chủ quyền, đồng thời lại đổ lỗi cho một số nước là đã không tôn trọng DOC. Trong phát biểu của mình, Ngoại trưởng Trung Quốc không hề nhắc tới những hành vi quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông, vi phạm bảnTuyên bố Ứng xử mà Bắc Kinh đã ký kết.

Cuối cùng, phương án thứ 3 mà Vương Ngoại trưởng nhắc tới chính là phiên bản của sáng kiến “chủ quyền thuộc về Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác” mà cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã đưa ra từ những năm 70 của thế kỷ trước, theo đó Trung Quốc chỉ muốn cùng khai thác các vùng mà các nước láng giềng tuyên bố chủ quyền.

Về vấn đề này, phát biểu trong cuộc họp báo sau khi kết thuc kì họp thứ 7 Ủy ban hợp tác Philippines – Việt Nam tại Manila hôm 1.8, ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết ông và Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã thảo luận về các phương thức mà hai bên có thể cùng tiến hành để xử lý vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ngoài Biển Đông, trong đó có khả năng chia sẻ thông tin để bảo vệ tốt hơn phần lãnh hải của mình.

Theo ngoại trưởng Albert del Rosario, Việt Nam và Philippines đã thảo luận đề nghị của Trung Quốc muốn cùng với các nước có liên quan đến hồ sơ Biển Đông khai thác trên các khu vực tranh chấp. Ông giải thích: Nếu đồng ý khai thác chung có nghĩa là coi việc Trung Quốc chiếm Biển Đông là sự đã rồi. Vì vậy, cả hai đều không chấp nhận bất kỳ liên doanh thăm dò dầu khí nào với Trung Quốc, chừng nào Bắc Kinh còn khẳng định họ có chủ quyền trên các khu vực trong phạm vi hợp tác phát triển.

Ngày 31.7, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố sẵn sàng gác tranh chấp lãnh thổ sang một bên để cùng phát triển các vùng biển đảo, nhưng nhà lãnh đạo số một này của Trung Quốc vẫn tiếp tục khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh ở các khu vực tranh chấp.

BDN (tổng hợp theo RFI, Petrotimes và SGTT)

RELATED ARTICLES

Tin mới