Sunday, December 22, 2024
Trang chủPháp luật biểnVăn bản pháp lý quốc tếNghị quyết S.RES.167 của Thượng viện Mỹ

Nghị quyết S.RES.167 của Thượng viện Mỹ

 

BienDong.Net: Thượng viện Mỹ (ngày 29/7) đã thông qua Nghị quyết “Tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp về lãnh thổ, chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển ở Châu Á – Thái Bình Dương” (S.RES.167) với số phiếu ủng hộ tuyệt đối.

 

BDN xin giới thiệu bản dịch ra tiếng Việt của nghị quyết này.

SRES 167 ATS

Quốc hội Khóa 113

Kỳ họp thứ nhất

S. RES. 167

Tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp về lãnh thổ, chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển ở Châu Á – Thái Bình Dương.

TẠI THƯỢNG VIỆN HOA KỲ

Ngày 10/6/2013

Ông MENENDEZ (chủ trì; ông RUBIO, ông CARDIN, ông CORKER, ông DONNELLY, và ông MURPHY) đã đệ trình nghị quyết sau đây; được chuyển tới Ủy ban Đối ngoại Thượng viện để xem xét

Ngày 25/6/2013

Ông MENENDEZ báo cáo, không sửa đổi

Ngày 29/7/2013

Được xem xét và thông qua với phần mở đầu được sửa đổi


NGHỊ QUYẾT

Tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp về lãnh thổ, chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển ở Châu Á – Thái Bình Dương.

Xét rằng, vùng biển Châu Á – Thái Bình Dương bao gồm các tuyến đường trọng yếu về liên lạc và thương mại giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương;

Xét rằng, Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia đối với tự do qua lại trên biển và trên không tại các vùng biển Châu Á – Thái Bình Dương, theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi;

Xét rằng, Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình, ổn định, việc tiếp cận rộng mở của tất cả các bên đối với các vùng biển, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi, sự thịnh vượng, tăng trưởng kinh tế và thương mại hợp pháp không bị cản trở;

Xét rằng, mặc dù Hoa Kỳ không có lập trường đối với các tuyên bố chủ quyền đối kháng nhau đối với các cấu tạo địa chất và biên giới trên biển, Hoa Kỳ có lợi ích mạnh mẽ và lâu dài đối với cách thức giải quyết các tranh chấp trên Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và ứng xử của các bên;

Xét rằng, Hoa Kỳ có lợi ích rõ ràng trong việc khuyến khích và ủng hộ các quốc gia trong khu vực hợp tác ngoại giao để giải quyết các tranh chấp mà không có sự ép buộc, hiếp đáp, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực;

Xét rằng, Biển Đông có các nguồn tài nguyên lớn, cách thức quản lý và việc sử dụng có trách nhiệm các nguồn tài nguyên này mang lại lợi ích lớn các cho thế hệ sau;

Xét rằng, trong những năm gần đây, xảy ra nhiều vụ việc nguy hiểm và gây mất ổn định trong khu vực, trong đó có các vụ tàu của Trung Quốc cắt cáp khảo sát địa chấn của một tàu thăm dò dầu khí Việt Nam tháng 5/2011; các tàu lớn của Trung Quốc chặn lối vào bãi cạn Scarborough tháng 4/2012; Trung Quốc phát hành bản đồ chính thức trong đó đưa ra mô tả mới về ‘đường chín đoạn’ đang gây tranh cãi như là đường biên giới quốc gia của Trung Quốc; và, từ ngày 08/5/2013, các tàu hải quân và hải giám Trung Quốc duy trì sự hiện diện thường xuyên tại những vùng nước xung quanh Bãi Cỏ Mây, cách đảo Palawan của Philippines khoảng 105 hải lý về phía tây bắc;

Xét rằng, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã gác lại vấn đề chủ quyền để thúc đẩy đối thoại đa phương về những khu vực tranh chấp, và vào năm 2002 đã cùng với Trung Quốc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông trong đó tất cả các bên tranh chấp lãnh thổ đã ‘tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của họ đối với tự do đi lại trên biển và trên không ở Biển Đông theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi’ và ‘giải quyết các tranh chấp chủ quyền và quyền tài phán của họ bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực’;

Xét rằng, Nhật Bản và Đài Loan đã đạt được thỏa thuận ngày 10/4/2013 để cùng chia sẻ và quản lý nguồn tài nguyên cá ở những vùng đặc quyền kinh tế có yêu sách chồng lấn trên biển Hoa Đông, một sự đột phá quan trọng sau 17 năm đàm phán và là hình mẫu cho những thỏa thuận tương tự;

Xét rằng, các trường hợp có sự quản lý chung nguồn tài nguyên ở những vùng biển tranh chấp trên Biển Đông đã làm giảm căng thẳng và thúc đẩy phát triển kinh tế, như thỏa thuận năm 2009 giữa Malaysia và Brunei về việc hợp tác thăm dò trên vùng biển ngoài khơi Brunei, với việc khoan các mỏ dầu và khí đốt ngoài khơi Brunei bắt đầu vào năm 2011; và thỏa thuận cùng phát triển các khu vực trên Vịnh Thái Lan giữa Thái Lan và Việt Nam để xuất khẩu khí đốt, dù còn tồn tại các tranh chấp lãnh thổ;

Xét rằng, ngày 21/6/2013, Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Việt Nam thông báo hai bên đã nhất trí thiết lập và sử dụng đường dây nóng về ngư nghiệp để thông báo cho nhau về bất kỳ vụ bắt giữ ngư dân hoặc tàu thuyền nào trong vòng 48 giờ, để giúp giải quyết nhanh các tranh chấp và để góp phần ngăn chặn các vụ việc trong tương lai làm chệch hướng các mối quan hệ, và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Indonesia ngày 02/5/2013 nhất trí thiết lập đường dây nóng cho các vụ việc trong những vùng biển tranh chấp;

Xét rằng Chính phủ nước Cộng hòa Philippines tuyên bố họ ‘đã sử dụng hầu hết các biện pháp chính trị và ngoại giao để tìm kiếm một giải pháp hòa bình có thương lượng cho tranh chấp trên biển với Trung Quốc’ và trong tuyên bố ngày 23/01/2013, Ngoại trưởng nước Cộng hòa Philippines Del Rosario tuyên bố do đó ‘Philippines đã đưa Trung Quốc ra trước Tòa Trọng tài theo Điều 287 và Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 nhằm đạt được giải pháp hòa bình và lâu bền đối với tranh chấp’

Xét rằng, vào tháng 01/2013, một tàu hải quân Trung Quốc được cho là đã chĩa radar điều khiển vũ khí nhắm vào các tàu lớn của Nhật Bản tại khu vực gần quần đảo Senkaku, và, ngày 23/4/2013, 08 tàu hải giám Trung Quốc đã tiến vào vùng lãnh hải 12 hải lý của quần đảo Senkaku, làm leo thang căng thẳng trong khu vực;

Xét rằng, ngày 08/5/2013, tờ báo lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc là Nhân dân Nhật báo đã đăng bài viết của một số học giả Trung Quốc đặt vấn đề về chủ quyền của Nhật Bản đối với Okinawa, nơi đặt các căn cứ quân sự chủ chốt của Hoa Kỳ, mà những căn cứ này đảm bảo an ninh và ổn định ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương;

Xét rằng Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gần đây đã tiến hành các bước đi đơn phương, trong đó có việc ‘vẽ không chính xác’ đường cơ sở xung quanh quần đảo Senkaku vào tháng 9/2012, mà Báo cáo Thường niên năm 2013 trình Quốc hội về Diễn biến Quân sự và An ninh liên quan Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho là ‘không phù hợp với luật pháp quốc tế’, và duy trì hiện diện liên tục về quân sự và bán quân sự xung quanh quần đảo Senkaku;

Xét rằng, ngày 27/4/2013, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói, ‘Quần đảo Điếu Ngư thuộc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Tất nhiên đó là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.’;

Xét rằng, mặc dù Hoa Kỳ không có lập trường về chủ quyền sau cùng đối với quần đảo Senkaku, Chính phủ Hoa Kỳ thừa nhận quần đảo này đang nằm dưới sự quản lý của Nhật Bản và phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm phá vỡ sự quản lý đó; khẳng định những hành động đơn phương của bên thứ ba sẽ không ảnh hưởng đến sự thừa nhận của Hoa Kỳ đối với sự quản lý của Nhật Bản trên quần đảo Senkaku, tiếp tục cam kết theo Hiệp định Hợp tác và An ninh sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào vào các vùng lãnh thổ do Nhật Bản quản lý, và đã hối thúc các bên tiến hành các bước đi nhằm ngăn ngừa các vụ việc xảy ra và giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình;

Xét rằng, vào ngày 03/8/2012, người phát ngôn Bộ Ngoại giao (Hoa Kỳ) bày tỏ sự quan ngại đối với việc ‘Trung Quốc nâng cấp hành chính thành phố Tam Sa và thiết lập thêm một đơn vị đồn trú ở đó’, khuyến khích ASEAN và Trung Quốc ‘triển khai các bước đi có ý nghĩa hướng tới đạt được một Bộ quy tắc ứng xử toàn diện’, và kêu gọi các bên tranh chấp ‘tìm kiếm mọi lộ trình ngoại giao hoặc giải pháp hòa bình khác, trong đó có việc sử dụng cơ chế trọng tài hoặc các cơ chế luật pháp quốc tế khác khi cần thiết,

Xét rằng Hoa Kỳ khẳng định tầm quan trọng của các thể chế khu vực mạnh, có tính gắn kết và hội nhập, bao gồm hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), ASEAN, và diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), coi đây là nền tảng cho các khuôn khổ khu vực hiệu quả để thúc đẩy hòa bình, an ninh và tăng trưởng kinh tế, bao gồm cả trên biển, và để đảm bảo cho cộng đồng Châu Á – Thái Bình Dương xây dựng các chuẩn mực khu vực dựa trên luật pháp nhằm ngăn việc cưỡng bức và sử dụng vũ lực;

Xét rằng, Hoa Kỳ hoan nghênh sự phát triển của một nước Trung Quốc hòa bình và thịnh vượng, tôn trọng các chuẩn mực quốc tế, luật pháp quốc tế, các thể chế quốc tế và các quy tắc quốc tế; tăng cường hòa bình và an ninh; và tìm kiếm thúc đẩy một ‘mẫu hình kiểu mới” cho quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc;

Xét rằng, cùng với các đối tác khác tại khu vực và trong cộng đồng quốc tế, ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý các vấn đề an ninh hàng hải tại Châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó có việc tiếp cận rộng mở tới các vùng biển Châu Á;

Xét rằng, vào ngày 30/6/2013, ASEAN và Trung Quốc thông báo sẽ chính thức tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông tại Hội nghị Các quan chức cấp cao lần thứ 6 và Hội nghị Nhóm công tác chung lần thứ 9 về việc thực thi Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông, được tổ chức ở Trung Quốc vào tháng 9/2013; Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tái khẳng định Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy đối thoại về Bộ Quy tắc ứng xử, coi đây là một phần của ‘tiến trình liên tục, từng bước và ngày càng sâu sắc’; và Ngoại trưởng Mỹ John F. Kerry, tại Hội nghị cấp Bộ trưởng ở Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN vào ngày 02/7/2013, bày tỏ hy vọng việc thông báo về tham vấn chính thức giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ là sự khởi đầu của quá trình hợp tác chính thức, liên tục và thực chất giữa hai bên trong việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử; và

Xét rằng, từ 17 – 20/2013, 10 nước thành viên ASEAN và các bên đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Hoa Kỳ cùng tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng lần thứ nhất về diễn tập hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai (HADR) và quân y (MM), góp phần thiết lập mô hình hợp tác mới giữa quân đội các nước Châu Á – Thái Bình Dương: Do đó,

Quyết nghị, Thượng viện:

(1) lên án việc ép buộc, đe dọa, hoặc sử dụng vũ lực bằng tàu hải quân, an ninh biển, hoặc các tàu đánh cá, các máy bay quân sự hoặc dân sự ở Biển Đông và Biển Hoa Đông nhằm khẳng định yêu sách đối với lãnh thổ hoặc các vùng biển có tranh chấp hoặc làm thay đổi hiện trạng;

(2) yêu cầu mạnh mẽ các bên có tranh chấp lãnh thổ và biển trong khu vực kiềm chế, không có hành động gây bất ổn, làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, trong đó có việc không đưa dân cư đến cư trú tại các đảo, rạn san hô, bãi cạn, các cấu tạo địa chất khác hiện không có người ở; và giải quyết khác biệt trên tình thần xây dựng;

(3) tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với các thành viên của ASEAN và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông, và hối thúc tất cả các quốc gia ủng hộ một cách thực chất các nỗ lực của ASEAN trong vấn đề này.

(4) ủng hộ các tiến trình hợp tác ngoại giao do tất cả các bên liên quan tranh chấp ở Biển Đông tiến hành nhằm giải quyết các tranh chấp còn tồn tại về lãnh thổ và các vùng biển theo cách thức đảm bảo duy trì hòa bình, an ninh, phù hợp luật pháp quốc tế, bảo vệ thương mại hợp pháp không bị cản trở, tự do hàng hải và hàng không, trong đó có việc thông qua Trọng tài quốc tế, cho phép các bên giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua các nguyên tắc của pháp luật quốc tế được công nhận rộng rãi;

(5) khuyến khích Chính phủ Hoa Kỳ nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng quan hệ đối tác với các nước trong khu vực nhằm giám sát di biến động trên biển và xây dựng năng lực;

(6) ủng hộ các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ tiếp tục hoạt động tại Tây Thái Bình Dương, trong việc xây dựng quan hệ đối tác với lực lượng vũ trang các nước trong khu vực để bảo vệ tự do hàng hải, duy trì hòa bình, ổn định và tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi, trong đó có nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền và nguyên tắc tự do thương mại hợp pháp không bị cản trở./.

RELATED ARTICLES

Tin mới