BienDong.Net: Sau khi Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, Trung Quốc đã tìm mọi cách từ việc cô lập, chĩa mũi nhọn chỉ trích Philippines đến việc hăm doạ trên thực địa để gây sức ép buộc Philippines phải rút đơn kiện.
Trong bối cảnh đó, Philippines đã phải tranh thủ tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ, Nhật để hoá giải sức ép của Trung Quốc, thúc đẩy vụ kiện diễn ra theo đúng trình tự quy định của luật pháp quốc tế.Trên thực tế, đã nhận được sự hậu thuẫn tích cực của cả Mỹ và Nhật. Cả Mỹ, Nhật đều công khai lên tiếng ủng hộ việc Philippines đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra Toà Trọng tài quốc tế, đặc biệt Mỹ còn công khai lên tiếng phản đối việc hăm doạ hoặc trả đũa đối với bên khởi kiện, hàm ý phản đối các hành động của Trung Quốc gây sức ép đối với Philippines trong vụ kiện này.
Trong lĩnh vực quân sự, Mỹ gia tăng hỗ trợ cho Philippines. Trong bối cảnh Mỹ phải cắt giảm chi phí quân sự, nhưng viện trợ quân sự của Mỹ cho Philippines tăng ổn định trong mấy năm qua, từ 12 triệu USD năm 2011 lên 27 triệu năm 2012 và 30 triệu USD cho năm 2013. Đặc biệt, ngày 31/7/2013, Mỹ đã quyết định tăng 2/3 ngân sách viện trợ quân sự cho Philippines, từ 30 triệu của năm 2013 lên 50 triệu trong năm 2014, một con số kỷ lục trong các khoản viện trợ quân sự mà Mỹ dành cho Philippines kể từ năm 2000 đến nay. Khoản viện trợ này chủ yếu giúp Philippines mua thêm và nâng cấp trang thiết bị quân sự để nâng cao năng lực phòng thủ trên biển.Theo đó, Philippines có thể mua thêm tàu chiến lớp Hamilton của Mỹ để tăng cường công tác tuần tra tại các vùng biển hoặc trang bị thêm vũ khí cho các tàu chiến mà Philippines hiện có.
Việc Mỹ tăng cường viện trợ quân sự cho Philippines nằm trọng chiến lược của Mỹ tăng cường khả năng quốc phòng của đồng minh và chia sẻ trách nhiệm an ninh với Mỹ ở khu vực.
Để đáp lại sự hậu thuẫn của Mỹ, Philippines có kế hoạch mở rộng sự hiện diện của Mỹ tại các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Philippines; đang xem xét kế hoạch xây dựng căn cứ không quân và hải quân mới tại Subic để các lực lượng Mỹ có thể sử dụng. Tư lệnh lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Bautista cho biết sự có mặt quân sự của Mỹ ở Philippines là “một thực tế” cần làm; đây là biện pháp nhằm chống lại sự đe doạ từ bên ngoài (ám chỉ sự hăm doạ từ Trung Quốc); đây là đòi hỏi thực tế, không nước nào có thể đứng một mình.
Theo một số nguồn tin, trước sức ép mạnh từ Trung Quốc, nhất là sau khi Trung Quốc cho các tàu quân sự và tàu chấp pháp bao vây khống chế bãi Cỏ Mây (Trung Quốc gọi là Nhân Ái), Tổng thống Philippines Aquino đã yêu cầu Mỹ điều động máy bay P3C, một loại máy bay chống ngầm của Hải quân Mỹ để giúp Philippines trinh sát hoạt động của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông. Theo kế hoạch, máy bay P3C của Mỹ sẽ sử dụng căn cứ không quân Clark của Philippines làm cứ điểm triển khai trinh sát các vùng biển ở Biển Đông, chủ yếu xung quanh khu vực bãi Cỏ Mây.
Ngày 04/8/2013, chiến hạm thứ hai mà Philippines mua của Mỹ mang tên BRP Ramon Alcaraz đã cập bến căn cứ Hải quân tại vịnh Subic. Đây là một chiến hạm của lực lượng tuần duyên Mỹ, có từ thời chiến tranh Thế giới thứ 2 và được tân trang lại. Chiếc tàu này sẽ bổ sung cho chiến hạm thứ nhất mang tên BRP Gregorio del Pilar, cũng là một chiếc tàu cũ của lực lượng tuần duyên Mỹ được tân trang lại và chuyển cho Philippines từ tháng 8/2011. Phát biểu tại buổi đón nhận chiến hạm mới hôm 06/8/2013, Tổng thống Philippines Aquino Benigno tuyên bố “chúng tôi chắc chắn sẽ tăng cường tuần tiễu tại các vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Tàu này sẽ giúp nâng cao khả năng chống lại mọi đe doạ”. Ngoài ra, các tàu chiến của Mỹ còn ghé thăm các hải cảng của Philippines ngày càng nhộn nhịp; đồng thời tăng cường diễn tập quân sự với Philippines ở Biển Đông, kể cả gần các khu vực bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, nơi các tàu chấp pháp đang khống chế từ tháng 4/2012.
Sở dĩ mối quan hệ quân sự giữa Mỹ và Philippines trở nên ngày càng khăng khít hơn là do hai bên có những mục tiêu và lợi ích chung. Đối với Philippines, trước việc Trung Quốc gia tăng sức ép lên Philippines cả trên mặt trận ngoại giao lẫn trên thực địa ở Biển Đông, Philippines có nhu cầu nâng cao khả năng phòng thủ để ngăn mối đe doạ từ Trung Quốc bảo vệ các quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông. Còn đối với Mỹ, việc Trung Quốc ngang nhiên hoành hành ở Biển Đông để từng bước khống chế, độc chiếm Biển Đông đã trở thành nguy cơ đối với các lợi ích của Mỹ ở Biển Đông nói riêng và ở khu vực nói chung, do vậy Mỹ cần có các bước đi cụ thể để triển khai chiến lược “tái cân bằng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” ngăn chặn sự bành trước trên biển của Trung Quốc.
Với Nhật Bản, Philippines cũng ra sức tranh thủ sự hỗ trợ của Nhật Bản để tăng cường năng lực của Hải quân và nhận được sự hậu thuẫn tích cực từ Nhật Bản. Từ tháng 6/2013 các cuộc trao đổi phái đoàn quân sự giữa Philippines và Nhật Bản diễn ra dồn dập. Trong chuyến thăm Philippines, ngày 27/6/2013 Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cam kết đứng về phía Philippines trong việc bảo vệ chủ quyền tại Biển Đông. Ông Itsunori Onodera khẳng định sẽ hợp tác về việc “bảo vệ các hòn đảo xa cũng như các lợi ích trên biển” của Nhật Bản và Philippines; Nhật Bản hoan nghênh và hoàn toàn ủng hộ hành động của Philippines kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài. Hai bên nhất trí tiếp tục trao đổi thông tin, kỹ thuật, và giúp đỡ lẫn nhau để củng cố mối quan hệ quốc phòng song phương. Trong thời gian chuyến thăm Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines, ông Voltaire Gazmin nhấn mạnh, Chính phủ nước ông dự định cho phép quân đội Hoa Kỳ ở lại các căn cứ của Philippines lâu hơn, một điều cũng có thể dành cho quân đội Nhật Bản sau này.
Trong chuyến thăm Philippines của Thủ tướng Nhật Bản cuối tháng 7/2013, hai bên đã tái khẳng định việc thực hiện Thoả thuận tăng cường hợp tác quân sự và an ninh đường biển, trong đó có việc tiến hành thường xuyên hơn các cuộc thao dượt chung giữa lực lượng tuần dương của hai nước. Ngày 27/7/2013, trong cuộc đối thoại với Tổng thống Benigno Aquino III ở Manila, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố Nhật sẽ hỗ trợ Philippines cải thiện khả năng tuần tra biển; Tokyo sẽ cung cấp 10 tàu tuần tra cho Lực lượng tuần duyên Philippines theo hình thức vay hỗ trợ; đồng thời bày tỏ Nhật Bản sẵn sàng giúp xây dựng hệ thống thông tin liên lạc hiện đại cho lực lượng tuần duyên Philippines. 10 tàu này sẽ được đóng tại Nhật Bản để bàn giao cho Philippines trong thời gian sớm nhất.
Nhật Bản và Philippines có sự hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề trên biển vì cả hai nước đang là nạn nhân chính trong chính sách xây dựng cường quốc biển của Trung Quốc, đều có các vùng lãnh thổ đang bị Trung Quốc nhăm nhe thôn tính (quần đảo Senkaku của Nhật và bãi cạn Scarborough của Philippines). Trung Quốc đang tập trung chĩa mũi nhọn vào để công kích Nhật Bản và Philippines trên mặt trận dư luận và ngoại giao. Chính điều này đã đưa 2 quốc gia này xích lại gần nhau một cách hết sức tự nhiên trong cuộc đối phó với Trung Quốc.
Có được sự hậu thuẫn của Mỹ và Nhật Bản, Philippines trở nên khá vững tâm trong việc thúc đẩy tiến trình vụ kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài quốc tế. Vụ kiện dang diễn ra theo đúng trình tự thủ tục quy định sau khi các Trọng tài viên nhóm họp tại Lahay, Hà Lan ngày 11/7/2013 để xem xét Quy tắc tố tụng của vụ kiện. Trung Quốc đang hết sức bối rối do không ngăn cản được vụ kiện, trái lại đang tạo điều kiện để Mỹ, Nhật tăng cường vai trò ở khu vực thông qua mối quan hệ quân sự với Philippines.
Tóm lại, sự thắt chặt các mối quan hệ quân sự giữa Mỹ với Philippines và giữa Nhật Bản với Philippines là hệ quả của những hành động gây hấn và chính sách cường quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Đây là một sự liên kết hết sức khách quan để chống lại mối đe doạ từ Trung Quốc. Một số chuyên gia còn dự báo rằng nếu Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hiếu chiến ở Biển Đông và biển Hoa Đông thì không loại trừ trong một tương lai gần sẽ hình thành một liên minh để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.